Một tháng sau, thằng bé được chuyển sang nhà chị Biện. Chồng chị Biện vẫn chưa về. Chị không có con, rất cô đơn, nên chị rất mong sẽ đến lượt mình nuôi bé Xoa. Chị đã mua sẵn cho nó rất nhiều đồ chơi.
Trên đường đón nó về nhà mình, chị nhảy chân sáo bước đi tung tăng cứ như một đứa trẻ.
Vào nhà, chị đưa cho nó chơi bộ lego xây nhà, nó lắp ghép mấy lần đều bị đổ, nó đâm chán.
Chị Biện thu lại cất đi, rồi đưa cho nó quả bóng da sặc sỡ.
Nó đá rất vụng, đá trượt, chỉ lát sau lại chán.
Chị Biện lại đưa ra một tập sách tranh màu.
Nó mở xem. Lần này nó chăm chú nhìn lâu hơn nhưng rồi cũng quăng sang một bên.
Chị Biện dọn dẹp, rồi nói với nó: “Xoa à, bây giờ mẹ là mẹ của con, con phải ngoan ngoãn, nếu ngoan, thì thích ăn gì mẹ cũng mua cho.”
Tối đến, theo lời dặn dò của chị Lý, chị đặt cái bô dưới gầm giường nhỏ, rồi bảo: “Đêm, nếu muốn đi tè thì đi vào đây, nhớ chưa?”
Nó hình như rất thích máy tính của nhà chị Biện, nó đã mấy lần chạy đến, sờ sệt vào cái bàn phím.
Trương Cổ vừa viết xong một bản báo cáo, hơi mệt mỏi, anh bước ra sân vươn vai vặn hông.
Lúc này trời sắp tối, phía Tây chỉ còn le lói chút ánh hồng nhợt nhạt.
Anh ngẫu nhiên nhìn sang sân trước cửa nhà chị Biện, nhà ấy chưa bật đèn, chắc là sợ muỗi vào nhà. Trong sắc trời hoàng hôn, ở ô cửa sổ tôi tối bên đó có một đôi mắt đang lặng lẽ nhìn Trương Cổ.
Anh bỗng rùng mình, nhìn kỹ, thì ra là thằng bé con hồi nọ.
Trương Cổ thấy ánh mắt ấy hơi quen quen. Đêm đó mất điện, khi nó nhận ra anh bỏ nó lại rồi bước đi, nó cũng nhìn anh như lúc này. Ánh mắt không đơn giản, không giống ánh mắt của một đứa bé con.
Trương Cổ nhìn sang chỗ khác, tiếp tục làm vài động tác thư giãn. Anh cho rằng có lẽ tại mình cả nghĩ quá, tại lúc đó anh “nỡ” bỏ nó lại rồi bước đi, vì thế anh cứ cảm thấy áy náy bất an…
Lát sau, Trương Cổ ngẩng đầu lên, thì thấy thằng bé vẫn ngồi sau ô cửa sổ nhìn anh.
Thực ra, đối với đứa trẻ mà anh là người phát hiện ra đầu tiên này, trong thâm tâm Trương Cổ vẫn có một nỗi sợ hãi mơ hồ khó bề diễn tả.
Anh gắng sức né tránh nó, nhưng càng né tránh lại càng thấy sợ. Ánh mắt thằng bé lúc nào cũng hiện lên trước mắt anh.
Càng tránh xa đôi mắt ấy, anh lại càng thấy mơ hồ khó hiểu.
Con người ta, khi càng cách xa một trái tim thì lại càng cảm thấy nó phức tạp khó lường.
Càng đứng xa một cái bóng đen lại càng cảm thấy nó đậm đặc quỷ khí.
Trương Cổ bỗng muốn tiếp cận thằng bé này.
Anh nghĩ, chắc mình có sự hiểu lầm gì đó đối với đứa trẻ non nớt này. Anh nên gần gũi nó, nó ăn uống, khóc cười, nó tè nó ị… để hiểu rõ tính cách của nó. Anh hy vọng có được cảm giác chân thực, để xua tan cái ảo giác vẫn ám ảnh anh suốt.
Nhưng, anh không có can đảm tiếp cận nó, dù chỉ một lần.
Tối nay, mấy người bạn đến nhà Trương Cổ uống rượu, trong đó có cả Phùng Kình.
Trương Cổ hỏi: “Đã điều tra ra kẻ phá hoại dây điện hồi nọ chưa?”
Phùng Kình nói: “Đi đâu mà điều tra chứ?”
Bạn A hỏi: “Đêm đó mất điện, dãy nhà 17 nhặt được một bé trai phải không?”
Trương Cổ nói: “Đúng! Thì sao?”
A nói: “Nghe nói nó không bao giờ khóc nhè, đỡ rách việc.”
Bạn B: “Nó là người máy cũng nên? Bụng nó chứa bom hẹn giờ…”
Bạn C: “Cứ như là tình tiết trong tiểu thuyết kinh dị: trẻ con, bom hẹn giờ, đảng Mai Hoa, cầu Trường Giang ở Nam Kinh gì gì đó…”
Trương Cổ ngắt lời họ: “Đừng nói vớ vẩn! Đứa trẻ ấy không cha không mẹ, rất đáng thương.”
Phùng Kình nói: “Tôi chợt nhớ đến một cô bạn mới quen trên mạng, cô ấy tên là Đứa Bé Vĩnh Viễn.”
Trương Cổ bỗng thấy nặng nề. Đứa trẻ con vĩnh viễn?
Bạn C nói: “Con gái thời nay hay thích giả vờ ngây thơ! Các cậu nghe cái tên ấy mà xem!”
Phùng Kình: “Cô ấy nói, cô ấy muốn làm quen với tôi, vì bị nickname của tôi thu hút.”
Bạn B: “Cậu tên là…”
Phùng Kình nói: “Ba Trừ Một Bằng Mấy.”
Hôm đó mọi người đều uống rất nhiều, hát cũng rất nhiều. Trương Cổ cùng vui với các bạn nên tạm thời quên cái ánh mắt đáng ghét của đứa trẻ kia. Anh hát:
Anh muốn chiến đấu với trời,
Muốn giao tranh với đất.
Muốn khua vũ khí lên, viết nên vở hài kịch,
Anh muốn hát vang, anh muốn hôn em.
Anh muốn bay lên trời, vào cung trăng ở,
Đàn đây kiếm đây, lấp lánh ánh trong veo.
Định mệnh đời anh không sống thọ sống lâu,
Tôi xin anh hào phóng rót cho thêm chút rượu,
Để tôi ra sân khấu, tài mọn trổ hết mình.
Tôi xin chị đừng e dè trinh tiết,
Hãy nắm chặt tay tôi, để cho thế gian này
Muôn hoa nở muôn sắc màu tươi đẹp…
Trương Cổ hát xong, Phùng Kình nói: “Có một câu, hơi gở thì phải? Nên sửa là… anh sẽ sống đến 99 tuổi, thì hơn.”
Mọi người vui vẻ đến lúc trời tối hẳn mới giải tán.
Trương Cổ tuy tửu lượng rất khá nhưng cũng đã ngà ngà say. Nằm trên giường, anh nhớ đến lời bài hát vừa rồi: Định mệnh đời anh không sống thọ sống lâu… anh cảm thấy đúng là hơi gở thật.
Bỗng nhiên thằng bé ấy xuất hiện trong tầm mắt anh đang mơ màng trong men say! Anh rùng mình, rồi ngồi dậy.
Chị Biện tay bế thằng bé, vội vã bước vào nhà anh. Chị nói: “Trương Cổ, tôi xin anh giúp với! Bà mẹ chồng tôi lên cơn đau tim đang phải cấp cứu. Tôi phải vào viện xem sao. Anh trông cháu hộ tôi một lúc nhé!”
“Chị Lý và chị Mộ Dung đều đang vào nội thành chưa về. Tôi cuống quá…”
“Sáng sớm mai tôi sẽ về đây.”
Trương Cổ nói luôn: “Được! Không sao, không sao…”
Chị Biện đặt thằng bé xuống, rồi lại vội vã chạy về nhà lấy bình sữa và túi sữa bột.
Tình huống này, Trương Cổ có thể nói gì? Nói là mình sợ thằng bé à?
Người ta đã rất có lòng tốt nhận nuôi thằng bé, nó đâu có quan hệ họ hàng gì với chị Biện, Trương Cổ này lại không thể nhận nuôi nó một đêm hay sao? Mặt khác, người già đang ngã bệnh, bán anh em xa mua láng giềng gần, mình là hàng xóm lại không thể hỗ trợ một chút à? Và, người ta là phụ nữ, chồng đi vắng, bây giờ gặp khó khăn, mình là đàn ông đàn ang, dám khoanh tay đứng nhìn chắc?
Dù xét từ khía cạnh nào, Trương Cổ cũng không thể từ chối. Cho nên, dù thâm tâm rất không muốn, anh vẫn phải nói “không sao, không sao…”
Chị Biện nói: “Cảm ơn nhé!” Rồi chị quay người chạy ra.
Trong nhà chỉ còn Trương Cổ và thằng bé. Hình như thế giới xa xăm đã có ai đó sắp đặt chuyện này?
Cực kỳ yên tĩnh, như người ta vẫn hình dung: đánh rơi cái kim xuống đất cũng nghe thấy.
Thằng bé lặng lẽ ngồi trên giường của Trương Cổ, nhìn anh.
Trương Cổ giả vờ ngẫu nhiên đưa mắt nhìn nó. Lần đầu tiên nó và anh nhìn nhau ở cự ly gần như thế này.
Nó nhìn như soi vào đồng tử mắt Trương Cổ như cách nhìn của một bác sĩ nhãn khoa. Trương Cổ phát run, và anh lập tức khẳng định: ánh mắt của nó tuyệt đối không phải ánh mắt của đứa trẻ con!
Anh tránh ánh mắt của nó, định nói gì đó nhưng lại không biết nên nói như thế nào.
Có hai phương thức nói.
Một là, nói theo kiểu giao lưu với con nít: “Bé Xoa ngoan! Ở nhà chú, cháu đừng quậy nhé…”
Nhưng Trương Cổ cảm thấy mình không sao nói nổi, vì anh cảm thấy rõ rệt nó không phải đứa con nít, mà là một người lớn nằm trong một hình hài trẻ con, một người đã trưởng thành nhưng hiểm ác. Khi chỉ còn mình nó với Trương Cổ, dường như ánh mắt của nó không hề che giấu điểm này. Ánh mắt của “hai người lớn” giao nhau đều cùng rất hiểu cái điều bí mật to lớn này!
Một phương thức khác là, Trương Cổ trực tiếp lật bức rèm che, rồi đàm phán với nó: “Ta biết ngươi không phải đứa trẻ con. Ngươi là ai, ta không biết, toàn thể nhân loại cũng không biết, ta chỉ muốn hỏi: ngươi định làm gì?”
Nhưng, trước mắt anh là một đứa bé con không biết nói, giả sử anh nghiêm mặt hỏi nó, thì chính anh cũng cảm thấy kinh hãi…
Cuối cùng, Trương Cổ chầm chậm bước đến trước cái ngăn kéo cầm ra chiếc kèn Harmonica đưa cho nó, khẽ nói: “Bé Xoa chơi cái này đi!” Rốt cuộc anh vẫn dùng cách nói dành cho trẻ con. Cũng tức là chứng minh rằng, dù anh rất khẳng định trực giác của mình, thì cuối cùng anh vẫn tin nó nhiều hơn là nghi ngờ nó.
Bé Xoa không nhìn Trương Cổ nữa, nó cầm lấy cái kèn, mân mê chơi chứ không biết thổi.
Trương Cổ lại cầm lên rồi thổi mấy tiếng, sau đó lại đưa cho nó.
Nó thử thổi, âm thanh chẳng đâu vào đâu.
Lúc này Trương Cổ lại cảm thấy nó rất giống một đứa trẻ con.
Một lúc lâu sau, Trương Cổ đã lắp xong cái giường bằng kim loại, anh không muốn nó ngủ cùng. Anh thử cởi quần áo cho nó: “Khuya rồi, chúng ta đi ngủ đi!”
Nó nhìn Trương