Sau khi biết bác Trần là giáo viên Ngữ văn của một trường trung học, tôi liền đổi cách gọi thành thầy giáo Trần. Năm rưỡi sáng, chúng tôi gặp nhau ở trước cổng bệnh viện Hiệp Hòa, tôi bị mất ngủ nghiêm trọng, hận không thể đeo khẩu trang che đi cơn ngáp liên tục của mình. Thầy giáo Trần xách hộp giữ nhiệt, tinh thần sảng khoái của thầy khiến tôi rất ngại ngùng.
Vợ thầy Trần họ Trương, tên là Ngọc Lan, tôi vừa nghe đến cái tên này liền đoán chắc là người phương nam, quả nhiên tuy bà bị các loại ống tầng tầng lớp lớp quấn quanh trong phòng bệnh, người vô cùng gầy, nhưng gương mặt đã già nua vẫn rất thanh tú, thoáng còn có thể nhìn thấy dáng vẻ tiểu thư đất Thượng Hải ngày xưa. Tôi lên tiếng gọi bác Trương, bà cười nói đã bị tôi gọi làm cho già đi, kêu tôi gọi là cô.
So với khí sắc không ổn định, trạng thái tinh thần của cô Trương vô cùng tốt, tôi ngồi bên cạnh giường, hỏi cô muốn đám cưới vàng như thế nào, sắc mặt cô ngại ngùng, hỏi đi hỏi lại một câu, “Tuổi này mặc áo cưới có phải không thích hợp lắm không?”.
Tôi nói một cách chắc chắn với cô, trong nghi thức đám cưới vàng chúng tôi từng tổ chức, rất nhiều người đều mặc áo cưới. Khi còn trẻ chưa mặc, bây giờ càng nên mặc.
Cô Trương vừa cười vừa nói, “Cháu xem, bây giờ cô gầy đến mức này rồi, lại già vậy, đứng thì còn giống hình dáng con người, nếu nằm xuống trông chả khác gì túi xương, tới lúc mặc áo cưới chắc nhét vừa hai người”.
Tôi vẫn chưa kịp nói gì thì thầy Trần đứng sau lưng tôi nói, “Đẹp, chắc chắn sẽ đẹp. Không có áo cưới vừa thì chúng ta đặt may”.
Vẻ mặt trắng bệch không chút màu sắc của cô Trương dần dần ửng hồng, “Làm nghiêm túc thế, còn đặt may, mặc xong một lần rồi để đâu, sau này anh giữ lại nhìn, trong lòng không rối rắm ư…”.
Thầy giáo Trần không nói gì, cô Trương cũng ý thức được mình đã nói một câu khiến người khác thương cảm, không khí trong phòng bệnh im lìm, tôi vội vàng tìm chủ đề khác.
“Cô Trương, thầy Trần đối với cô thật tốt, lúc bắt đầu là thầy ấy theo đuổi cô à?”.
Cô Trương bật cười, liếc mắt nhìn thầy giáo Trần, “Theo đuổi còn rất không vẻ vang cơ”.
Cô Trương kể quá trình yêu đương, chắc chắn đã từng kẻ vô số lần, vô cùng quen thuộc, tuy bây giờ không đủ sức nhưng vẫn nói không vấp váp chút nào. Không ngờ, thầy Trần trông thư sinh vậy mà hồi trẻ cũng từng tham gia kháng chiến, lúc đó thầy còn là cảnh vệ vậy mà đã cướp cô Trương về tay khi cô là vị hôn thê của liên đội trưởng.
“Liên đội trưởng của bọn họ cử anh ấy đi đón cô, anh ấy gặp cô tại nhà cô, lập tức như bị sét đánh, cũng không nói năng gì, gương mặt đỏ ửng, hỏi một câu, chỉ muốn ba ngày sau mới trả lời, ban đầu cô chỉ cảm thấy người này rất buồn cười, nhưng sau đó anh ấy chăm sóc cô hàng ngày, thời gian lâu hơn thì nảy sinh tình cảm, cháu biết rồi nhỉ. Vì vậy, nếu đặt ở thời điểm hiện tại, vị Trần tiên sinh này chính là người thứ ba mà các cháu nói đấy, còn cô chính là người phụ nữ thay lòng đổi dạ, hồng hạnh vượt tường”.
Thầy Trần vừa cười vừa lắc đầu, “Nói linh tinh, lớn tuổi liền có thể nói năng tùy tiện! Khi đó, trai chưa vợ, gái chưa chồng, cái gì mà người thứ ba, cái gì mà hồng hạnh vượt tường, em và liên đội trưởng của bọn anh đến mặt còn chưa từng gặp, lần đó anh đi đón em để gặp mặt, em gặp xong chẳng phải nói không vừa lòng, chê anh ta lớn tuổi sao”.
Hai vợ chồng già mỗi người một câu, nói đến chuyện tình xa xưa, tôi ngồi bên cạnh cười cười, thầm nghĩ, tiếng sét ái tình đơn giản như vậy bị cô Trương nói thành hồng hạnh vượt tường, cô ấy cũng thật là không hiểu những phụ nữ lẳng lơ thực sự là như thế nào, thời đại của họ miêu tả cô gái như vậy là “Xuân sắc khắp vườn khôn cách giữ. Vượt tường hồng hạnh cố vươn mình”[1]. Bây giờ chúng ta miêu tả cô gái như vậy lại là “Xuân sắc khắp vườn khôn cách giữ. Tôi lại hồng hạnh vượt tường rồi”.
[1] Trích trong bài thơ Du viên bất trị của Diệp Thiệu Ông, dịch thơ: Điệp Luyến Hoa.
Cô Trương nói những suy nghĩ của mình một cách ngắt quãng, rồi dần dần trở nên mệt mỏi, sau đó từ từ ngủ mất. Thầy Trần tỉ mỉ dém chăn cho cô rồi tiễn tôi rời phòng bệnh, “Mọi thứ cứ làm giản đơn thôi, cô Hoàng ạ, tôi hiểu Ngọc Lan muốn rất nhiều thứ, nhưng thời gian không đủ, hiện nay chúng ta thực sự phải tranh thủ từng phút từng giây”. Trước khi đi, thầy Trần dặn dò tôi như vậy.
Nghĩ tới sức khỏe của cô Trương, tôi quyết định tìm một địa điểm thích hợp gần bệnh viện, cuối cùng đặt tại một quán trà rất mộc mạc, không gian vừa đủ, cũng rất thích hợp với khí chất của hai ông bà.
Lúc tôi vội vàng trở về công ty đã là buổi chiều, Vương Tiểu Tiện đang vùi đầu ngủ trưa trên chiếc gối có hình bông hoa mà anh ta mua trên mạng, cái gối biến thái đó rỗng ở giữa, như vậy mặt đặt vào đó có thể hít thở không khí trong lành, thiết kế nhân tính hóa vô vị như vậy quả thật là sinh ra cho loại người như Vương Tiểu Tiện. Thỉnh thoảng Vương Tiểu Tiện ngóc đầu tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, cái gối hoa đó vẫn còn gắn trên mặt, khiến anh ta giống như đóa hướng dương ủ rũ không tìm thấy ánh mặt trời.
Khi liệt kê ra các bước lớn nhỏ trong khâu tổ chức, tôi cũng dần dần cảm thấy buồn ngủ, sau đó, bất giác tôi dựa vào ghế, đầu ngoẹo sang một bên, giống như tư thế nằm ngửa trong hiện trường tai nạn xe.
Cho dù ngủ với tư thế không thoải mái như vậy, nhưng tôi vẫn mơ một giấc mơ với tình tiết vô cùng rõ ràng.
Trong mơ là ban ngày, sắc trời sáng đến chói mắt, tôi ngồi trong chiếc xe ô tô nhỏ chín chỗ rất bẩn, rất cũ, ngoài cửa sổ là cảnh sắc nông thôn ủ rũ vì bị ánh mặt trời chiếu rọi, trong xe mấy người ngồi túm năm tụm ba, tôi ngồi hàng cuối cùng, trên đường đầy các ổ gà lớn nhỏ, xe xóc đến nỗi mọi người bật nảy liên tục, chính trong tình cảnh kém thú vị này, tôi nóng tới mức ngất xỉu, bèn mở cửa kính của xe, gió thổi vào nhớp nháp, quần áo ướt đẫm mồ hôi, tóc quấn lên cổ, ngứa ngáy từng hồi.
Lúc này anh lại một lần nữa xuất hiện trong giấc mơ, ăn mặc như tên lưu manh nhà quê, mặc áo ba lỗ tuyển thủ điền kinh màu trắng, đi một chiếc xe máy,