9.
Sau hôm đi du thuyền về, Chu Nhất Minh mò đến nhà tôi mượn quyển Ba trăm bài thơ Đường thật. Tôi vừa tức vừa buồn cười. “Hồi thi đại học có thấy anh chăm chỉ như thế đâu? Cấp ba cũng không thấy nỗ lực nghiên cứu gì, đến nỗi trượt đại học.”
Anh ta cười cợt nhả. “Sao so sánh như thế được, đại học thì có gì thú vị? Giờ anh trai chỉ vì người đẹp nên mới khổ luyện thôi.”
Thành tích học tập của Chu Nhất Minh từ nhỏ đã chẳng ra gì. Thực ra không phải anh ta dốt, nhưng có trời mới biết làm thế nào để nhét mấy quyển sách vào đầu anh ta được. Cô giáo Thường dạy Ngữ văn lớp anh ta hồi tiểu học mỗi lần nhắc đến anh ta đều dở khóc dở cười, bởi vì anh ta nổi tiếng là chúa viết sai.
Buồn cười nhất là có một bài tập ngữ văn yêu cầu phải viết hai câu thành ngữ liên quan đến động vật. Anh ta viết: “Con ngỗng bay lên cung trăng” (viết đúng là “Hằng Nga bay lên cung trăng”[12]) và viết “Con rết mà về” (viết đúng là “Không công mà về”, “Về không công”[13]). Cô giáo Thường tức quá lôi anh ta lên văn phòng mắng ột trận, còn bắt anh ta viết bản kiểm điểm nữa.
[12] Trong tiếng Trung, từ “con ngỗng” và “Hằng Nga” đọc hơi giống nhau.
[13] Trong tiếng Trung, từ “con rết” và “không công” đọc giống nhau.
Vừa nhìn bản kiểm điểm anh ta đưa, cô giáo Thường đã tức còn tức hơn. “Cô giáo Thường, em sai rồi...” Đấy, vừa viết đã sai, bản kiểm điểm này coi như chẳng có tác dụng gì.
Cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng anh ta vẫn mắc lỗi một cách hài hước như thế.
Nhà anh ta ở tầng một nên trước cửa có khoảng đất rộng hơn một chút. Mẹ anh ta sau khi nghỉ hưu, chán không có việc gì làm liền cải tạo chỗ đất trống đó thành một khoảng sân nhỏ, ngoài trồng cây cảnh bà còn nuôi vài con gà. Thường ngày Chu Nhất Minh rất thích ăn trứng gà, chiên hấp hầm nấu thế nào anh ta cũng ăn tuốt. Vì thế mẹ anh ta nuôi mấy con gà đẻ trứng để ngày nào anh ta cũng có trứng ăn.
Hôm con gà mái nhà anh ta đẻ trứng lần đầu tiên, anh ta vui mừng hớn hở khoe trên blog là: “Mẹ già nhà tôi bắt đầu đẻ trứng rồi”, ha ha ha ha...
“Gà mái” anh ta lại viết thành “mẹ”, tôi nhìn thấy mà cười vỡ cả bụng, ha ha ha ha! Tôi chạy đi tìm bà Chu “mật báo”, bà liền quay sang cốc vào đầu cậu ấm một cái, mắng: “Tên tiểu tử chết tiệt này, mẹ của con làm sao đẻ được trứng? Nếu có đẻ được thì đúng là kiếp này đã trót đẻ ra một quả trứng thối là con thôi.”
Sau khi Chu Nhất Minh cầm cuốn Ba trăm bài thơ Đường về, tôi liền gọi điện cho Điền Tịnh, kể cho cô ấy nghe chuyện tiếu lâm này. Cô ấy nghe vẻ rất thích thú. “Wow, Chu Nhất Minh lần này quyết tâm nghiên cứu thơ ca cơ đấy. Đợi vài hôm nữa gọi anh ta đến, kiểm tra xem học hành tiến bộ đến đâu rồi.”
Tôi đương nhiên tán đồng. Nhưng mấy hôm sau tôi chẳng có thời gian mà quan tâm xem anh ta tiến bộ hay chưa bởi vì nhà họ Đới có chuyện, bà Đới bị cảm.
Cảm cúm không phải là bệnh gì nghiêm trọng, nhưng đối với người đang trong quá trình điều trị hoá chất thì một lần bị cảm nhẹ cũng có thể đe doạ đến tính mạng. Đối với những bệnh nhân ung thư, sức đề kháng với virus vốn đã kém, một khi bị virus cúm tấn công bất ngờ, hàng rào miễn dịch vốn đã mong manh bị tan vỡ thì chỉ có đi đời nhà ma. Cho nên khi bà Đới bị cảm, cả nhà Đới Thời Phi không dám lơ là chút nào.
Đới Thời Phi xin nghỉ phép một tuần để về nhà đưa bà đi khám bệnh, uống thuốc. Người bình thường bị cảm thì chỉ một tuần là khỏi, nhưng vì hệ miễn dịch của bà kém nên bệnh thuyên giảm rất chậm, lại còn bị ho, nghẹt mũi khó chịu.
Là bạn gái của Đới Thời Phi, hằng ngày, sau khi tan làm tôi vội vàng chạy sang nhà anh ấy, đến một cái là lao vào bếp nấu những món xúp vừa dễ tiêu vừa bổ dưỡng cho bà bồi bổ sức khoẻ. Về mặt này, tôi rất có kinh nghiệm. Hồi mẹ đẻ tôi bị ốm nặng, tôi đã nghiên cứu và nấu những món xúp rất ngon. Bà Đới không thấy ngon miệng, cái gì cũng không muốn ăn nhưng tôi nấu xúp thì bà ăn được nhiều hơn một chút. Thật nở mày nở mặt! Bà khen tôi nấu ăn ngon, còn nói thời buổi này thật khó tìm được một cô gái chịu vào bếp, bà rất hài lòng vì con trai bà đã tìm được một người như thế.
Bà Đới tuy bị ốm nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, bà đã khen ngợi tôi rất nhiều. Bà mà khen nữa, chắc tôi phổng mũi lên mất.
Đới Thời Phi vì thế rất biết ơn tôi. Hết tuần nghỉ phép, anh ấy đã trịnh trọng giao phó mẹ mình cho tôi. Anh ấy nói: “Yên Phiên Phi, anh giao mẹ cho em. Chắc chắn em sẽ khiến anh yên tâm mà, đúng không?”
Vì sự tin tưởng của Đới Thời Phi và vì muốn anh ấy yên tâm nên bất luận thế nào tôi cũng không thể phụ lòng tin của anh ấy. Đới Thời Phi đi rồi, hằng ngày sau khi tan làm tôi vẫn chạy đến nhà họ Đới trình diện, như một nàng dâu hiếu thảo bận rộn nấu nướng trong bếp một hồi, sau đó bưng bát xúp lên đưa cho bà Đới ăn, thường sau mười giờ tối tôi mới về nhà.
Bố tôi có thói quen ngủ sớm dậy sớm, hằng ngày cứ chín giờ ba mươi là ông đi ngủ, thế nên khi tôi về đến nhà thì ông đã ngủ mất rồi. Buổi sáng đúng sáu giờ ba mươi ông dậy, đi bộ ra công viên gần nhà tập thể dục một tiếng, sau đó ăn sáng rồi thong dong về nhà. Lúc đó thì tôi đã đi làm rồi.
Mấy ngày liền lão nhân gia không thấy mặt mũi con gái rượu đâu, trong lòng cũng có chút ấm ức, hôm nay gọi điện cho con gái hỏi: “Tối nay con về nhà ăn cơm chứ?”
“Bố, không phải bố không biết, mẹ của Đới Thời Phi đang bị ốm, con phải đến chăm sóc giúp nên không về nhà ăn cơm đâu, bố và dì Thạch cứ ăn đi.”
Bố tôi không hài lòng chút nào, nói: “Nuôi con gái đúng là nuôi hộ người ta, còn chưa gả đi mà đã một lòng hướng về người ta rồi. Sao không ở luôn bên ấy đi, còn về nhà làm gì?”
Đương nhiên biết bố nói thế là đang giận dỗi nhưng hôm nay sau khi đến nhà họ Đới, bà Đới ngỏ ý muốn tôi ngủ lại, nói là ngày nào tôi cũng về một mình đêm hôm khuya khoắt như thế bà không yên tâm, chi bằng mang vài bộ quần áo đến đây ở tạm một thời gian.
Tất nhiên tôi sẵn sàng nhưng bố tôi lại không đồng ý. Ông còn nổi cáu: “Không được, tuyệt đối không được. Con nên nhớ là bố sẽ không đồng ý cho con chuyển sang nhà họ Đới ở. Sau khi con và cái tên Đới Thời Phi gì gì đó yêu nhau, con toàn sang đó thay nó chăm sóc mẹ nó, còn bố thì vẫn chưa biết mặt mũi nó thế nào. Làm bạn trai như thế mà được à? Toàn là con sang đó, còn nó ngay cả một lần đến thăm hỏi xã giao cũng không. Con gái ngốc nghếch ơi, con như thế có khác gì đồ bỏ đi không ai thèm lấy chứ, có hiểu không hả?”
Những lời bố nói tuy không lọt tai nhưng tất cả đều là sự thật. Tôi luôn chống đối, cãi lại ông nhưng lần này một từ cũng không nói lại được.
Kể cũng đúng, tôi chăm sóc mẹ Đới Thời Phi ốm bao nhiêu