2.
“Xin anh đấy, anh Nhất Minh, chuyện xưa như Trái đất rồi, đừng nhắc lại nữa. Bây giờ em có còn ngây thơ như thế nữa không? Đừng nói tổng giám đốc, đến quản đốc em cũng không dám mơ nữa rồi.”
Chu Nhất Minh khen ngợi tôi: “Tốt lắm, cuối cùng thì em cũng tỉnh ngộ rồi.”
Tôi tỉnh ngộ thì cũng có tác dụng gì chứ? Đã không còn mơ mộng đến tổng giám đốc nữa, sao vẫn không gặp được một người đàn ông thích hợp? Càng đi xem mặt càng nản, tôi gục đầu, thở dài một tiếng tuyệt vọng. “Chu Nhất Minh, có những lúc em cảm thấy làm người thật vô nghĩa, chi bằng chết đi cho xong, chết là hết!”
Chu Nhất Minh nghe thấy thế liền kêu khổ thấu trời: “Cái gì? Em không muốn sống nữa á? Còn nhớ hồi tiểu học em cũng từng nói em không muốn sống nữa. Kết quả... kết quả thiếu chút nữa em đã làm anh không sống nổi. Bé bự, xin em hãy sống cho tốt vào, anh trai không chịu nổi cảnh em cứ giày vò anh mãi đâu!”
Không sai, đích thực hồi nhỏ tôi đã từng làm chuyện này, vài tuổi ranh đã tỏ ra chán đời, trở thành nhân vật scandal chấn động một thời trong khu tập thể của nhà máy.
Hồi học lớp bốn, tôi đã dùng cái đầu non nớt của mình nghiêm túc suy nghĩ đến việc tự sát.
Cái kiểu ưu tư, chán nản không phù hợp với lứa tuổi này nói ra đều tại mẹ tôi cả. Vì mẹ tôi giáo dục con cái thiếu kiên nhẫn, chỉ tôn thờ một câu châm ngôn có năm chữ: “Không đánh không thành tài”. Vì thế tôi thật sự nếm không ít mùi cay đắng. Trẻ con thích nghịch ngợm, lên núi, xuống ruộng, tung tăng khắp chốn, quần áo bị bẩn quay về nhà không tránh khỏi bị mắng, bị đánh. Sau đó vào tiểu học, hễ thành tích học tập không tốt là lại bị ăn món “măng tre xào thịt”. Mẹ tôi đặc biệt làm một cái roi tre mỏng, chuyên để đối phó với cái mông đít của tôi. Điều đó khiến tôi rất đau khổ.
Tôi đã từng lừa lừa vứt chiếc roi tre đó đi nhưng mất cái này lại có cái khác, dù sao mẹ tôi cũng rất giỏi trong việc làm các “dụng cụ tra tấn” để “chăm sóc” tôi. Hồi ấy, tôi học rất dốt môn Toán, cộng trừ nhân chia sai be bét, thi có thể qua là coi như thắng lợi rồi. Đương nhiên, điều đó không đáp ứng được sự mong đợi con gái hóa phượng hoàng của mẹ tôi nên lại bị ăn đòn. “Sao con ngốc thế? Phép tính đơn giản như vậy mà cũng làm sai!”
Hầu như sau mỗi lần kiểm tra toán tôi đều bị ăn đòn, nhiều tới mức trong lòng cảm thấy bị tổn thương, căm phẫn đến nỗi không thiết sống nữa. Sống để mẹ tôi đánh thì sống còn có ý nghĩa gì? Tôi không thấy hứng thú với cuộc đời này nữa.
Đúng lúc lại đang là đợt thi giữa kỳ, môn Toán làm sai be bét. Từ phòng thi đi ra tôi đã biết viễn cảnh sẽ chẳng tốt đẹp gì. Đúng lúc thầy giáo chấm bài trên văn phòng, trong đó có bài của tôi, có bạn cán bộ lớp vào xem, đi ra liền nói với tôi: “Yên Phiên Phi, cậu không qua rồi, được có bốn mươi chín điểm thôi.”
Toi rồi toi rồi, không qua thế này, tôi có thể tưởng tượng ra viễn cảnh bị mẹ đánh như thế nào. Tôi sẽ không cho bà có cơ hội đánh tôi nữa – tôi sẽ tự sát!
Thực ra lúc đó tôi không hiểu rõ ý nghĩa của việc “tự sát”, chỉ biết nó qua ti vi, một người nếu tự sát thì bạn bè, người thân của người ấy sẽ rất đau lòng. Tôi muốn khiến ẹ tôi đau khổ một chút, ai bảo bà suốt ngày đánh tôi.
Tôi có học được một số cách tự sát trên ti vi. Nào là nhảy xuống sông, treo cổ, uống thuốc độc hay cắt cổ tay... Cắt cổ tay là cách thức làm tôi ấn tượng nhất, chỉ cần lấy dao cứa vào cổ tay là chết ngay, tôi thấy rất kỳ diệu. Còn nhỏ không hiểu đó là do mạch máu bị đứt, máu chảy quá nhiều dẫn đến tử vong, tôi nghĩ dưới cổ tay ẩn giấu một động lực sinh mệnh nào đó.
Tôi quyết định cắt cổ tay tự sát nên lấy trộm một con dao lam của bố. Con dao đó mỏng như tờ giấy, lưỡi sắc lẹm. Hôm công bố kết quả thi giữa kỳ, tôi giấu con dao vào cặp sách rồi đi đến trường. Tôi đã nghĩ thông rồi, lát nữa khi mang kết quả thi về nhà, nếu mẹ tôi nhìn thấy điểm thi rồi đòi lấy roi đánh tôi, tôi sẽ lấy dao ra cắt cổ tay trước. Dù sao tôi cũng sẽ không cho bà cơ hội đánh tôi nữa.
Bài kiểm tra toán được trả lại, nhìn thấy con số bốn mươi chín mà lòng đau như cắt. Trong lòng tôi đã có chuẩn bị, bình tĩnh cất bài kiểm tra vào trong cặp. Sau khi tan học, Chu Nhất Minh ở lớp bên cạnh chạy lại hỏi tôi: “Bé bự, điểm thi cao không?”
Tôi bĩu môi lắc đầu, anh ta cũng chau mày thở dài. “Anh thi cũng không tốt, môn Ngữ văn bị gạch bao nhiêu.”
Chu Nhất Minh và tôi đối lập nhau, tôi học dốt môn Toán còn anh ta lại dốt môn Văn, chủ yếu là do anh ta viết sai quá nhiều. Khi anh ta viết từ mới, thường không thiếu bộ thì cũng thiếu nét.
Thành tích học tập của chúng tôi đều không phải là lý tưởng, điều đó đã khiến trái tim non nớt của hai đứa đầy rẫy những ưu tư. Sau giờ học, Chu Nhất Minh đi cùng tôi về nhà, mặt mày ủ ê, nói: “Làm sao bây giờ? Về nhất định sẽ bị đánh, anh không muốn về nhà đâu.”
Mẹ của Chu Nhất Minh và mẹ tôi cứ như cùng tốt nghiệp một trường vậy, dạy con đều tin vào câu: “Không đánh không thành tài”. Chu Nhất Minh thi không tốt, về nhà cũng sẽ không tránh khỏi bị đánh.
Thấy anh ta cũng rất lo lắng, tôi bèn có lòng tốt nói cho anh ta cách đối phó. Cái chính là chỉ cần tự sát, mẹ tôi có muốn đánh cũng không đánh được, xem sau này bà còn đánh ai được nữa.
Chu Nhất Minh nghe thế thì thấy rất có lý, nóng lòng muốn học cách thức của tôi, nhưng ngay lập tức không thể kiếm đâu ra dao, tôi bèn nói nghĩa khí đồng ý chia cho anh ta một nửa. Con dao này rất mỏng, chiều dài khoảng một inch, chiều rộng nửa inch, hai bên lưỡi dao rất sắc, ở giữa có một khoảng trống, tôi bẻ con dao ra làm đôi, mỗi người một nửa.
Chu Nhất Minh cầm nửa lưỡi dao lam, dè dặt hỏi: “Cứa vào đâu?”
Tôi tỏ ra rất chuyên nghiệp, làm điệu bộ như thật cho anh ta xem. “Cứa vào cổ tay là được.”
Anh ta đang học theo điệu bộ của tôi thì một cậu bạn cùng lớp từ phía sau chạy tới vỗ vào vai anh ta gọi: “Chu Nhất Minh!”
Cái vỗ vai đó đã làm hỏng hết việc, tay của anh ta không kiểm soát được, lưỡi dao trượt xuống cổ tay rạch một đường dài, máu chảy ra.
Tôi lập tức hét lên: “Máu... máu... máu...”
Mặc dù đã lên kế hoạch cắt cổ tay tự sát nhưng kế hoạch là một chuyện, thực tế nhìn thấy tay Chu Nhất Minh chảy máu, tôi sợ đến mức ba hồn bảy vía bay hết lên mây. Nửa con dao lam trên tay tôi bỗng chốc như trở thành một thanh sắt nóng làm tay tôi bỏng rát, tôi vội vàng quẳng nó đi thật xa.
Chu Nhất Minh sợ đến đờ người, cứ cầm cổ tay máu chảy ròng ròng mà không biết phải làm thế nào. May là ngày ấy chúng tôi học ở trường tiểu học thuộc khu nhà máy nên đường từ trường về nhà hầu như đều là người của nhà máy quân sự. Rất nhanh đã có người lớn đi qua, một cô lấy chiếc khăn tay của mình ra băng bó vết thương cho Chu Nhất Minh rồi một chú đưa anh ta vào bệnh viện.
Tôi cũng nước mắt lưng tròng chạy theo. Khi đó tâm hồn non nớt của tôi còn nghĩ chắc chắn anh ta sẽ chết, dọc đường đi khóc lóc vẻ hối hận: “Chu Nhất Minh, anh chết thảm quá!”
Câu nói đó cũng là học được trên ti vi. Còn nhớ ngày ấy xem một bộ phim truyền hình cổ trang, trong phim có một người con trai chết, người con gái ở bên cạnh khóc lóc nói: “XX, huynh chết thảm quá!” Tôi liền vận dụng ngay vào hoàn cảnh này, khả năng bắt chước của trẻ đúng là rất nhanh!
Vết thương của Chu Nhất Minh không sâu, chỉ bị cứa nhẹ thôi, không đến mức bị đứt động mạch, có điều vết thương hơi dài, bác sĩ phải khâu cho anh ta bảy mũi.
Chuyện này cũng coi như kinh thiên động địa, có thể cải thiện đáng kể tình hình hay bị ăn đòn của tôi và Chu Nhất Minh. Khi biết chuyện hai đứa nhóc do bị người lớn đánh nhiều quá mà âm thầm bàn mưu tính kế tự sát, bố mẹ anh ta và bố mẹ tôi đều phát hoảng. Mẹ tôi luôn than phiền trẻ con bây giờ đúng là khó bảo, đánh vài trận đòn là chúng nó liền nghĩ ngay đến chuyện tự sát, phụ huynh không kiểm soát nổi!
Từ đó về sau, tôi và Chu Nhất Minh không bị đánh nữa, người lớn không dám động đến một sợi tóc của chúng tôi. Chu Nhất Minh cảm thấy rất thỏa đáng, tuy bị khâu bảy mũi nhưng sau này không phải chịu cảnh “thịt nát xương tan” nữa, có giá lắm! Tôi đương nhiên càng thấy thỏa đáng. Chu Nhất Minh bị một vết dao mà đã có tác dụng rút dây động rừng đối với mẹ tôi như thế, tôi không phải chịu chút đau đớn nào đã đạt được tâm nguyện. Vì thế, tôi tặng Chu Nhất Minh một cuốn sổ ghi chép rất to, rất đẹp để biểu thị lòng cảm ơn chân thành.
Còn bé học đòi tự sát chứ lớn rồi ai lại ngốc như thế. Nói muốn chết không có nghĩa là chán sống thật, chỉ là câu than thở thôi. Tôi không muốn tự tử đâu!
Chị đây còn phải tiếp tục sống, tiếp tục đến chỗ này chỗ kia xem mặt, tìm đối tượng. Đời người con gái, tôi mới tận hưởng giai đoạn đầu, vẫn còn chưa được làm vợ, làm mẹ, làm bà nội hay bà ngoại, tôi phải hướng đến những mục tiêu đó mà cố gắng tiến lên phía trước.
Vì thế phải tiếp tục xem mặt, trước khi đi tôi đều cầu nguyện: “Lạy Chúa! Lần này xin hãy ban cho con một người đàn ông tốt!”
Nhưng có lẽ Chúa chê tôi không phải con chiên của Người nên không quan tâm đến lời cầu nguyện của tôi. Tôi hết lần này đến lần khác gặp phải “những loại thượng hạng chốn nhân gian”... Mẹ kiếp, con trai tốt trên đời này chết hết rồi sao?
Tôi đang suy nghĩ về cái thân phận bi thương “độc thân có hại” của mình thì La Lợi vui mừng, hớn hở trao cho tôi chiếc thiệp hồng. Cô ấy và em họ của cô giáo Mai đã có kết thúc tốt đẹp, mùng Một tháng Năm này họ sẽ kết hôn. Sao người ta lại thuận buồm xuôi gió như vậy? Còn tôi, con đường tình ái quá lận đận, long đong!
Bị kích động mạnh, hết giờ làm tôi không muốn về nhà, liền gọi Điền Tịnh cùng đi dạo phố. Trên phố đi bộ gặp Chu Nhất Minh đúng lúc tan làm, anh ta cũng không muốn về nhà nên đi cùng tôi, đi dạo một hồi thì rủ bọn tôi ăn đêm.
Khi ngồi ăn, Chu Nhất Minh mới nói không muốn về nhà là vì không muốn nghe bố mẹ lải nhải mãi. Thì ra hai cụ rất vừa ý cô y tá đó, nghĩ cô con dâu tương lai là y tá thì chuyện sau này hai người có ốm đau vặt vãnh sẽ dễ dàng được giải quyết. Nhưng Chu Nhất Minh từ chối, không muốn tiếp tục qua lại với cô ta, vì thế không tránh khỏi bị họ trách mắng.
“Mẹ anh lúc nào cũng nói cô y tá đó tốt, anh cũng không phủ nhận cô ấy tốt nhưng cô ấy quá kiệm lời. Mỗi lần gặp nhau, anh nói mười câu thì may ra cô ấy nói một, chán chết đi được! Hễ nghĩ đến chuyện anh sẽ phải sống với cô ấy cả đời lại thấy toát hết mồ hôi hột.”
Anh ta nói xong, chán nản làm một ngụm rượu.
Tôi chợt nghĩ đến anh chàng khôi ngô, tuấn tú nhưng ba hoa chích chòe mà dì tôi giới thiệu kia, liền gật đầu tán đồng: “Có một số người không phải là xấu nhưng thật sự không thể sống chung cả đời được. Bởi vì đó hoàn toàn không phải là người đi chung một con đường với mình.”
“Đúng thế, tìm đối tượng là tìm người có thể đi cùng mình trên một con đường. Phải hợp nhau về mọi mặt, nói chuyện phải hiểu nhau, chứ ông nói gà bà nói vịt thì còn gì là thú vị nữa.”
“Những người con trai em đi xem mặt cứ như từ sao Hỏa rơi xuống ấy, cơ bản không thể nói chuyện được.”
“Thì những cô gái anh xem mặt có khác gì, cứ như từ sao Kim đến vậy, quá tôn thờ tiền bạc, mở mồm ra là hỏi đã có nhà, có xe chưa.”
Tôi và Chu Nhất Minh vừa uống rượu vừa kêu ca, oán thán. Điền Tịnh ngồi bên nghe hai đứa tôi nói chuyện thì đột nhiên cười ha ha, nói: “Em thấy hai người rất hợp để đi chung một con đường, hay hai người thử hẹn hò xem sao!”
Cô ấy nói làm ngụm rượu trong miệng tôi phun hết ra ngoài. “Cậu nói cái gì, mình hẹn hò với anh ta? Cậu nói đùa đấy à?”
Chu Nhất Minh cũng lắc đầu quầy quậy. “Anh với Bé bự á? Sao thế được? Bọn anh đã quen nhau hơn hai mươi năm nay, nếu yêu thì đã yêu từ lâu rồi.”
“Ngày trước chưa yêu không có nghĩa là bây giờ không thể yêu, em thấy hai người về mọi mặt đều hợp nhau, rất hợp nhau. Thay việc đi chỗ này, chỗ khác xem mặt những người không thích hợp, chi bằng thử kết hợp với nhau xem.”
Tôi cười phá lên. “Cậu nói giống bố mình thế, ông cũng nói mình và Chu Nhất Minh rất hợp nhau. Có lần, khi mình về nhà phàn nàn không tìm được bạn trai, ông nói không tìm được ai thì tìm Chu Nhất Minh là được rồi.”
Chu Nhất Minh phản đối: “Hey, cái gì mà không tìm được ai thì tìm Chu Nhất Minh là được rồi? Anh trai có phải là phế phẩm đâu.”
Tôi đập bàn. “Anh nói ai là phế phẩm? Không muốn sống nữa chắc?”
Anh ta giơ tay lên đầu hàng. “Đấy, Điền Tịnh, em xem xem, anh trai có dám cần cô ấy không chứ? Em cho anh mượn gan báo rồi hãy nói.”
Điền Tịnh cười ha ha. “Gan báo thì em không làm được nhưng gan to thì có thể làm cho anh một lá. Người ta thường nói to gan mật