Chương 4: Một trăm điểm hạnh phúc mỹ mãn
Cuối cùng tôi đã đến, không có một nửa kia một trăm điểm hoàn mỹ, chỉ có hai người, mỗi người năm mươi điểm mà thôi! Khi hai người thích hợp ở bên nhau mới có thể hợp thành một trăm điểm hạnh phúc mỹ mãn. Tôi tin, tôi tin chắc rằng, tôi và Chu Nhất Minh ở bên nhau tuyệt đối đủ để hợp thành một trăm điểm hạnh phúc mỹ mãn.
1.
Sau hôm tham gia hội Hoán thảo dịp Valentine, tâm trạng của tôi vẫn rất tệ, làm cái gì cũng mất tập trung.
Có hôm sáng sớm xuống lầu ăn mì, ngồi cùng bàn là cậu bé có lon Coca để bên cạnh, tôi thần kinh thế nào lại coi Coca là giấm, cầm lên, đổ vào bát mì của mình. Có lẽ chưa từng gặp phải một “tên cướp” nào như tôi, cậu bé liền khóc thét, nói: “Coca của cháu!”.
Lúc này tôi mới định thần lại, không để đâu cho hết ngượng, rất nhiều khách khứa đến ăn sáng nhìn tôi như nhìn một đứa thần kinh, đầu óc có vấn đề.
Là một người bình thường, gần đây vì cái gì mà tôi lại biến thành một kẻ thần kinh như thế? Tôi đang chán nản! Chán nản vô cùng!
May mà sau kỳ nghỉ đông ngắn ngủi, cuối tháng Hai trường mầm non sẽ khai giảng. Khai giảng thật tốt. Sau khi khai giảng tôi sẽ có việc để làm, hằng ngày không còn thời gian rảnh rỗi mà nghĩ ngợi lung tung tới mức tâm trạng chẳng khác gì đám cỏ dại mọc um tùm.
Khai trường rất bận, mệt gần chết, đến ngày nghỉ là nằm vật xuống giường, hận không thể ngủ cho đã. Cuối tuần ngủ đến tận trưa mới tỉnh dậy vì đói, tôi định xuống bếp, nhét đầy bụng rồi lại lên giường ngủ tiếp nhưng đi qua phòng khách lại thấy bố và dì Thạch đang ngồi nói chuyện, vẻ mặt rất căng thẳng, tôi chỉ nghe loáng thoáng được một câu: “… Vẫn còn may, tất cả mọi người đều bình an vô sự trở về, chỉ có một người bị thương nhẹ”.
Tôi vừa mở tủ lạnh lấy một hộp sữa chua vừa tò mò hỏi: “Cái gì bình an vô sự trở về ạ? Ai bị thương ạ?”.
“Câu lạc bộ xe đạp gì đó của Chu Nhất Minh tổ chức leo núi, chiều hôm kia mười người đạp xe đến núi Nghi Thanh. Bốn giờ hơn thì đến chân núi, sau đó bắt đầu leo núi, kết quả trời tối không nhìn rõ bị lạc đường, cuối cùng phải gọi 110 cầu cứu. Đội cứu hộ phải tìm kiếm một ngày hai đêm, sáng nay mới đưa được hết đám người đó về”.
Sữa chua mắc trong miệng, mãi mới nuốt xuống được, tôi vẫn không dám tin. “Chu Nhất Minh cũng đi?”.
“Đương nhiên nó cũng đi, từ hôm kia điện thoại bắt đầu không liên lạc được, bố mẹ nó lo gần chết. May mà sáng nay nó có gửi tin nhắn, nói buổi trưa có thể về nhà được rồi, hai ông bà mới thở phào nhẹ nhõm”.
Ăn xong sữa chua, rửa mặt rửa mũi, chải đầu rồi bước ra khỏi cửa, tôi đi thẳng đến nhà Chu Nhất Minh. Đương nhiên là đi thăm hỏi, an ủi bố mẹ Chu Nhất Minh rồi.
Bà Chu vừa nhìn thấy tôi đã thao thao bất tuyệt kể lể: “Con xem, nó đã lớn như vậy rồi mà không chịu đi tìm bạn gái, ngày ngày chỉ gọi chiếc xe đạp là bà xã, đi chơi đàn cũng vác theo. Đã thế lại còn suýt chút nữa xảy ra chuyện không khiến người khác bớt lo. Nó lớn rồi, không thể đánh mãi được, nhiều lúc tức quá chỉ muốn quất cho nó vài cái vào mông”.
Bác gái đã cao tuổi, tức giận quá sẽ không tốt cho sức khỏe, đương nhiên tôi phải trấn an bà. Sau một hồi ra sức khuyên nhủ, tâm trạng bà đã lắng xuống, không còn tức giận nữa. Lúc này, Chu Nhất Minh, vẻ mặt rất mệt mỏi, cưỡi “bà xã” của anh ta về. Bộ quần áo trên người rách tả tơi, mặt mũi, tay chân đầy vết trầy xước, vết máu, rõ ràng là kết quả của việc chui rúc trong rừng sâu, núi thẳm.
Thấy tôi cũng ở đây, anh ta rất ngạc nhiên, cứ liếc nhìn tôi. Tôi vội vàng thanh minh: “Nghe nói anh mất tích, bố mẹ anh rất lo lắng nên em chạy sang xem hai bác thế nào”.
Nói vậy là có ý tôi đến thăm bố mẹ anh ta, không liên quan gì đến anh ta cả.
Bà Chu thấy con trai thương tích đầy mình thì lòng đau như cắt, nào còn nhớ vừa nãy đã nói muốn quất vào mông anh ta, vội vàng lấy thuốc đỏ lau vết thương cho anh ta.
Chu Nhất Minh né tránh không muốn hợp tác. “Không cần đâu mẹ, vết thương cỏn con thế này, bôi quét lòe loẹt vào làm gì, trông khó coi lắm”.
“Con là con trai, sợ gì khó coi, nhất định phải khử trùng vết thương. Nào, mau ngồi xuống, mẹ rửa cho”.
Anh ta đành lảng sang chuyện khác. “Mẹ, con đói quá, rất đói, rất đói. Mẹ đi làm cái gì cho con ăn đã, được không?”.
Bà Chu đi vào bếp bận bịu sửa soạn, ông Chu ở trên nhà hỏi han tỉ mỉ tình hình con trai hai ngày nay bị lạc đường trong núi Nghi Thanh như thế nào. Anh ta không nói cụ thể. Mặc dù sự việc đã qua rồi nhưng vẫn không muốn để bố mẹ phải sợ hãi, anh ta chỉ nói qua loa vài câu cho xong chuyện.
“Thực ra buổi hoạt động lúc đầu diễn ra rất suôn sẻ, chỉ là khi leo núi trời tối, nhất thời không cẩn thận đi nhầm hướng nên bị lạc. Lòng vòng mấy tiếng đồng hồ vẫn không tìm ra lối đi, bèn gọi 110 cầu cứu. Số vẫn còn may, lăn lộn suốt một ngày hai đêm mà mọi người đều bình an qua cơn nguy hiểm. Chỉ là đã gây rắc rối cho người dân và cảnh sát, làm bố mẹ phải lo lắng, sợ hãi. Con bảo đảm sau này tuyệt đối không để xảy ra chuyện như thế này nữa”.
Trong khi họ nói chuyện, bà Chu đã nhanh chóng nấu xong, bưng ra một bát mì thịt gà to tướng, mùi vị rất thơm. Tôi vẫn chưa ăn sáng, vừa ngửi thấy mùi thơm đã thấy đói cồn cào, bụng réo ùng ục.
Bà Chu tuy đã lớn tuổi nhưng tai vẫn rất thính, nghe thấy tiếng bụng tôi réo, liền nói: “Phiên Phi, con cũng chưa ăn cơm phải không?”.
“Vâng ạ! Anh ấy không sao rồi, vậy con về nhà ăn cơm đây”.
“Sao con không nói sớm là vẫn chưa ăn trưa, bác cứ nghĩ con ăn rồi mới sang, kết quả lại để con bụng rỗng ngồi với bác cả buổi. Hay đợi bác nấu cho con bát mì nhé!”.
“Không cần, không cần đâu ạ! Con về nhà ăn cơm được rồi”.
“Sao thế được? Bây giờ về nhà thức ăn cũng nguội cả rồi, để bác nấu cho con bát mì”.
Tôi và bà Chu cứ lôi lôi kéo kéo mãi, Chu Nhất Minh ngồi một bên im lặng nãy giờ bỗng lên tiếng: “Mẹ, không cần phải làm thêm đâu, con sẽ cho Yên Phiên Phi nửa bát cũng được. Con đói quá rồi, không nên ăn nhiều ngay, nhiều mì thế này mà ăn hết, chắc chắn sẽ bị đau dạ dày”.
Ông Chu cũng đồng tình: “Đúng đấy, quá đói hay quá no cũng đều không tốt cho dạ dày. Nhất Minh không nên ăn nhiều”.
Thế là một bát chia hai, tôi và Chu Nhất Minh mỗi người chiếm một góc bàn ngồi ăn. Bố mẹ anh ta đã đi nghỉ rồi, trong phòng khách chỉ còn lại hai đứa, lúc đầu chỉ cắm cúi ăn không nói gì, về sau anh ta cũng lên tiếng, nhưng mắt vẫn nhìn vào bát mì trước mặt: “Cám ơn em hôm nay đã sang thăm hỏi bố mẹ anh!”.
Người nào không biết cứ nghĩ anh ta đang nói chuyện với bát mì. Tôi cũng học theo, nhìn bát mì của mình, trả lời: “Không có gì, hai bác đều là những người chứng kiến em lớn lên, có chuyện đương nhiên em phải sang thăm hỏi. Còn anh, sau này cũng phải để hai cụ bớt lo một tí, không còn nhỏ nữa, vậy mà vẫn để bố mẹ phải lo lắng. Họ chỉ có mỗi mình anh là con trai, nếu anh…”.
Tôi chưa nói hết câu đã bị anh ta cắt ngang: “Được rồi, được rồi, sao em nói cứ như cô giáo dạy trẻ con thế?”.
Tôi vênh mặt nói: “Thì em vốn là giáo viên mầm non mà”.
“Nhưng anh không phải học trò của em”.
“Vậy thì sao? Nói có lý thì phải nghe, điều đó không liên quan gì đến chuyện có phải là học trò hay không. Hơn nữa, đã là bạn cũ quen biết hơn mười hai năm rồi, nói anh vài câu không được à?”.
Đã cắt đứt, không nói chuyện với Chu Nhất Minh nữa thì thôi nhưng hễ khai thông là chúng tôi lại nói chuyện với nhau như trước. Lúc này, tôi hoàn toàn không nhớ chuyện mình đã tuyên bố tuyệt giao với anh ta.
Chu Nhất Minh dường như cũng quẳng nó ra khỏi đầu rồi, không còn ương ngạnh, cố chấp nữa. “Được, em muốn nói gì thì nói đi. Nhưng bát mì của em mà không ăn thì sẽ nhũn hết đấy, mau ăn đi đã”.
Sau chuyện gặp nạn trên núi Nghi Thanh, mối quan hệ giữa tôi và Chu Nhất Minh sau sáu tháng đóng băng đã bước đầu tan được lớp vỏ băng giá.
Chúng tôi đã nối lại mối quan hệ bang giao, tình bạn coi như được khôi phục nhưng tất nhiên vẫn chưa hoàn toàn trở về trạng thái như xưa.
Từ bạn bè tiến lên một bước thành người yêu, rồi lại từ mối quan hệ yêu đương cãi cọ đến mức tuyệt giao, rồi từ tuyệt giao khôi phục lại mối quan hệ bạn bè.
Cứ lăn qua lăn lại như thế, bất luận là tôi hay anh ta có lẽ đều không biết phải xác định vai trò của mình với đối phương thế nào cho phải. Mặc dù đã ngầm hiểu rằng quay lại làm bạn bè, nhưng mối quan hệ bạn bè này không còn được tự nhiên, thân mật như trước nữa.
Chu Nhất Minh về cơ bản nếu không có việc gì thì không liên hệ với tôi, chỉ ngày lễ tết mới nhắn tin thăm hỏi. Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Cá tháng Tư, ngày Quốc tế Lao động, ngày Thanh niên[1] cũng không bao giờ bỏ qua nhưng chỉ toàn là những câu chung chung, chẳng có ý nghĩa gì.
[1] Ngày kỷ niệm phong trào Ngũ Tứ của Trung Quốc, mùng Bốn tháng Năm.
Trên QQ, mặc dù tôi đã bỏ nick của anh ta ra khỏi danh sách đen, nhưng hiếm khi thấy nick sáng, chắc là để chế độ ẩn. Haizz, thời đại internet, khoảng cách xa xôi nhất trên đời này đã không còn là khoảng cách giữa cái sống và cái chết, mà là tôi để chế độ ẩn, bạn online hay tôi online, bạn lại để ẩn.
Hôm nay, khá bất ngờ, Chu Nhất Minh chủ động chạy sang tìm tôi. Cũng chẳng vòng vo tam quốc, nói thẳng thừng rằng một người bạn của anh ta có cô con gái cuối năm nay sẽ vào mẫu giáo, muốn cho học ở trường mầm non thực nghiệm của chúng tôi, hỏi tôi có thể nghĩ cách giúp con bé được vào học không.
Tôi cười khẩy. “Em thấy lạ là tại sao tự nhiên hôm nay anh lại đến tìm em, hóa ra là “không có chuyện không lên điện Tam Bảo”. Cần em thì đến tìm, không cần thì cấm thấy mặt mũi đâu. Không giúp!”.
Anh ta lẽo nhẽo theo tôi, hi hi ha ha cười cầu hòa. “Đâu có, Bé bự, nể tình chúng ta là bạn bè bao nhiêu năm nay, anh trai đã mở miệng, chẳng lẽ em lại không giúp, đúng không?”.
Tôi quyết không bị lôi kéo. “Chúng ta có quan hệ bạn bè gì đâu! Anh là bạn trai của em hay anh trai của em mà em phải giúp anh?”.
Anh ta vẫn cười cười nói nói: “Bé bự, cái khác anh không dám nói, anh là anh trai của em tuyệt đối không vấn đề gì. Đừng quên, năm đó nếu không phải là anh trai, em đã sớm bị chết chìm trong hố phân rồi”.
Mặt tôi đỏ ửng. “Anh… anh… anh… không được nhắc đến chuyện đó!”.
2.
Phải nói những chuyện đáng xấu hổ thời thơ ấu của tôi có thể đựng đầy một sọt nhưng kể ra thì chuyện đáng xấu hổ nhất vẫn là chuyện bị rơi xuống hố phân.
Tôi không nhớ rõ dạo đó mình mấy tuổi, nhưng là một tiểu nha đầu tinh nghịch, suốt ngày giở thói ngang ngược. Có lần tôi và Chu Nhất Minh đi chơi, đi được nửa đường thì nhìn thấy một người say rượu, đi cứ lắc la lắc lư, chân nam đá chân chiêu. Trẻ con thường thích bắt chước, tôi vừa hiếu kỳ vừa thấy hứng thú nên đã học theo kiểu say rượu đó, đi từ khu nhà máy ra đến tận cánh đồng, càng đi lại càng hăng, lắc bên đông lại lắc bên tây. Chu Nhất Minh đi đằng sau luôn miệng khen tôi bắt chước rất giống. Tôi đang đắc ý, bỗng hẫng chân một cái, ngã bổ nhào về phía miệng hố, mùi hôi thối xộc lên mũi. Thôi xong, tôi bị rơi vào hố ủ phân rồi!
Cái hố phân đó khá rộng, tuy không sâu nhưng với một đứa trẻ như tôi thì có thể chìm nghỉm. Cộng thêm tôi lại rất béo nên càng bị lún sâu. Tôi càng vùng vẫy thì càng bị lún nhanh hơn, loáng cái đã chìm tới ngực, mùi hôi thối nồng nặc khiến tôi khó thở, lập tức khóc thét lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi!”.
Trong lúc hoảng loạn tôi chỉ biết gọi mẹ, Chu Nhất Minh nhảy lên phía trước, vừa nhìn thấy thế đã sợ đến mức mặt tái xanh tái mét, lập tức co cẳng chạy. “Anh đi gọi mẹ em!”.
Thấy anh ta chạy đi tôi càng khóc to, bị ngâm trong hố phân cảm giác rất sợ hãi, lại không thể trèo lên được. “Anh quay lại, không được đi!”.
Chu Nhất