Tạ Bạch nhìn Ân Vô Thư một cách ngạc nhiên:
– Sao trước giờ tôi chưa từng nghe việc này?
Ân Vô Thư cũng rất ngạc nhiên:
– Ta chưa từng nói à?
Tạ Bạch lắc đầu:
– Dấu ấn ra sao?
Sau một tiếng tặc lưỡi, Ân Vô Thư lắc đầu:
– Rất khó diễn tả, tiếc là dấu ấn trong trận bị ta rạch ngang nên không nhìn ra được nguyên mẫu, lần sau gặp ta vẽ lại cho cậu trước rồi phá trận sau.
Tạ Bạch: …
Dù không biết dấu ấn kia trông ra sao, nhưng nghe những lời này của Ân Vô Thư, Tạ Bạch cũng có thể khẳng định kẻ bày trận dưỡng thi trên người hắn có tham gia vào huyết trận hiến tế này, hoặc gã là điều khiển sơn tiêu cấp thấp lập trận này, hoặc gã là một kẻ bị hiến tế.
Nhưng dù là loại nào cũng có thể thấy Lâu Hàm Nguyệt tính quẻ không tệ, Tạ Bạch đi theo hướng được chỉ dẫn thì cũng không lệch đích đến là bao, càng lúc càng gần mục tiêu là người kia.
Ân Vô Thư hỏi Tạ Bạch:
– Trạm kế tiếp là hướng nào?
Nói rồi y xoay người đi, bâng quơ xoay xoay ngón tay, những vết nứt hình thành từ dư chấn trên mặt đất dần dà nối liền lại, cả ngọn Lễ Lam theo đó hơi rung động.
Tạ Bạch nhấc mắt nhìn trời rồi dửng dưng lia mắt nhìn sang bóng cây giữa rừng.
Ân Vô Thư khép nền đất lại, đoạn xoay người thong thả nhìn hắn một hồi rồi mới cười như không cười mà bảo:
– Làm như nhìn thêm hai lần nữa thì sẽ biết đường vậy.
Tạ Bạch: …
Ánh trăng khuyết vốn đã mịt mờ còn bị cơn mưa Lập Đông dẫn tới che mất hoàn toàn, hắn cũng không giỏi luận âm dương dựa vào bóng cây nên đành thu tầm mắt về, lấy chiếc la bàn Ân Vô Thư đưa cho ra, nhìn hướng kim chỉ và những ký tự phức tạp trên mặt la bàn một hồi, sau đó xoay người hai lần để thử hướng một chút rồi nói:
– Tìm ra rồi, tôi đi trước đây.
Ân Vô Thư chưa cho hắn đi mà tỏ vẻ muốn hỏi rõ:
– Đi hướng nào?
Tạ Bạch hơi nghi ngờ nhìn y một chút rồi đưa tay về hướng mũi kim la bàn chỉ.
Lập Đông không thắc mắc một lời mà chỉ lấy điện thoại di động ra, mở giao diện bản đồ lên nhìn rồi nói:
– Cách đây tám mốt dặm là hồ An Định ở thành phố Bình Quan. Thật trùng hợp, lão đại vừa đang định đến vách núi Hổ Độ, nơi đó chỉ cách hồ An Định hai cây số, cùng đường rồi.
Tạ Bạch: … Lại cùng đường?
Hắn phát hiện kể từ khi gặp lại Ân Vô Thư, hai người họ hoặc tình cờ gặp gỡ hoặc cùng đường rất nhiều lần, cứ như ông trời đang trêu ngươi hắn vậy. Nếu hắn không biết trước Lập Đông thiếu khả năng lẫn dũng khí diễn sâu thì ắt đã nghi rằng câu vừa rồi chỉ là trò bỡn cợt của Lập Đông và Ân Vô Thư.
Lập Đông vừa cất điện thoại ngẩng đầu lên đã chạm phải ánh mắt của Tạ Bạch, bị người kia nhìn hai giây thì quắc mắt lên bảo:
– Thì… ngài có thể chọn đường khác.
Không chờ Tạ Bạch đáp trả, Ân Vô Thư đã tiếp lời:
– Ờ? Cậu nói xem cậu tính đi thế nào? Cậu đi vòng hay cậu ta đi vòng?
Tạ Bạch nhìn chòng chọc hai người một hồi rồi bảo “Đi thôi.” Đoạn đi thẳng xuống núi mà chẳng đoái nhìn.
Con đường từ núi Lễ Lam đến sông Hà không đơn giản đến mức có thể mở cổng Linh Âm nối trực tiếp được, con đường này cắt ngang ba bãi tha ma nối với nhau bằng một dòng sông nhỏ mang tên “Thông Âm”. Mở cổng Linh Âm trên con đường này còn nguy hiểm hơn việc Tạ Bạch mở cổng Linh Âm trên cây Vạn Linh, bởi bất cứ lúc nào cũng có thể gây ra rối loạn âm dương dẫn đến cả ba bãi tha ma lật trời cùng lúc.
Không chỉ thế, chuỗi ba đoạn đường này sắp xếp theo quy tắc ba phần ba bất thành văn, rạng sáng tòng yêu, ban ngày người đi, ban đêm quỷ bước, không can hệ lẫn nhau.
Thế nên khi vào đêm rồi, bọn Tạ Bạch phải nhường đường.
Khu vực này rất hoang vu, đoạn giữa có một khu núi thắng cảnh. Hồi mới mở, khu thắng cảnh này không thu hút bao nhiêu khách đến, cũng không nổi tiếng gì ở địa phương. Sau này ở đó lại xảy ra thêm nhiều sự cố bí ẩn, thế là kinh doanh càng vất vả hơn, chỉ trong mấy năm đã hoá điêu tàn.
Lúc bấy giờ, để thu hút khách du lịch, khu danh thắng quyết định tu bổ lại mấy sơn động không biết từ niên đại nào. Cho dù phải bỏ hoang mấy năm thì hành động đó cũng đủ che chắn tiếng gió.
Lập Đông lại vô cùng quen thuộc với nơi này, cả bọn cũng không rảnh đóng giả thường nhân đi bọc một vòng nội thành nên cứ thế tiến thẳng vào khu danh thắng.
– Ở đây có một cái miếu thổ địa, hồi xưa tôi có quen biết với thổ địa này.
Lập Đông nói đi nói lại mấy lần rồi bước tới vách núi, đi dọc đường ven núi tìm đến một miếu thổ địa có hơi hoang sơ.
Ân Vô Thư bước nhanh đến cửa miếu rồi sẵn tay búng ngón trỏ với ngón cái với nhau, bật ra một ánh lửa. Ánh lửa tẻ
ra thành năm ngọn lần lượt treo ở bốn góc và ngay giữa, soi sáng toàn bộ gian miếu.
Chốn này đã cúp nước cúp điện từ lâu mà cũng chẳng ai đến dọn dẹp, bụi đóng dày cộm bên dưới sàn căn miếu đổ nát, thậm chí bức tượng thổ địa đặt thờ giữa miếu cũng đã hỏng nặng, không còn nhìn rõ nét mặt nguyên bản nữa. Trên bệ trước bức tượng thổ địa có đặt một cái lư hương, tàn hương đóng bên trong không biết từ bao giờ đã bám ẩm và kết thành khối.
Trước kia, nơi đây ắt có người đến cúng vái, có một cái bàn đặt ngay cạnh cửa ra vào, sau cái bàn là hai chiếc ghế gỗ kèm tay vịn.
Ân Vô Thư vung tay phất lên một trận gió mạnh mẽ, quét sạch toàn bộ tro bụi bám trên bàn, trông mặt bàn còn bóng bẩy hơn cả lau bằng vải.
Y kéo một cái ghế ra và nói với Tạ Bạch:
– Ngồi xuống lát đi.
Tạ Bạch đáp ừm một tiếng song cũng không ngồi xuống ngay lập tức, hắn chậm rãi bước vài vòng quanh tượng thổ địa và xem xét từng ngóc ngách trong căn miếu này.
Ân Vô Thư cũng không khách sáo với hắn, tự mình ngồi xuống trước trên ghế, một tay đỡ mặt bàn, tay kia phẩy mấy ngọn lửa đang trôi lơ lửng kia, đám lửa toả ánh sáng vàng ấm rọi vào đồng tử đen ngòm của y khẽ lay động tựa ánh sao. Nhìn thoáng qua, ánh mắt y như thiếu tiêu cự như đang xuất thần nhìn xuyên qua đám lửa kia.
Lập Đông lấy di động ra xem thời gian rồi bảo:
– Sau hai giờ sáng có thể rời đi.
Nói đoạn, hắn cất điện thoại vào túi rồi quét tay dọn mạng nhện trên bức tượng thổ địa kia, kế đó đỡ lên bệ đá lót dưới tượng thổ địa và ngồi lên vỗ nhẹ tay lên bụng bức tượng:
– Này, đã lâu không gặp.
Thổ địa vẫn không nhúc nhích, chỉ tĩnh lặng đứng trên bệ đá.
Lập Đông bụm miệng, xoay đầu hỏi Ân Vô Thư:
– Lão đại, chúng ta tới vách núi Hổ Độ làm gì?
Ân Vô Thư đang chìm mắt trong ánh lửa, chỉ “Ồ” một tiếng rồi ngưng hẳn một phút mới nhận ra Lập Đông đang nói gì. Y chẳng buồn xoay đầu sang mà chỉ khều ngọn lửa hai cái rồi hỏi ngược lại:
– Cậu nói xem?
Lập Đông: … Được lắm đã hiểu, lại là đào tim, cả thế giới này đều là chốn chôn tim của ngài đây…
Tạ Bạch xoay người, nghẹn họng nói:
– Lúc trước ngài bảo dùng nó trấn dưới đất có thể đề phòng tai ương, sao bây giờ phải cất công đến từng chỗ để đào lên lại?
Ân Vô Thư trả lời:
– Nếu ta không đào sẽ bị người khác đào. Giải quyết sớm cho an tâm.
Với một người sắc mắc như Ân Vô Thư mà nói, dù cho có bị moi tim chôn đi cũng không muốn nó rơi vào tay người khác, bằng không y sẽ cảm thấy kinh tởm cùng cực mất thôi.
Lập Đông nhoẻn miệng:
– Ai dám cả gan đào tim ngài cơ chứ?
Hắn ta thật lòng không nghĩ ra, song vẫn quay sang thì thầm với Tạ Bạch:
– Trông dáng vẻ ung dung của lão đại thì chắc cũng không phải rắc rối khó đối phó gì.
Tạ Bạch không trả lời, nhìn mặt không đoán được là đồng tình với Lập Đông hay không. Ánh mắt hắn vẫn đang nhìn tay áo Ân Vô Thư, không rõ là chú ý cái gì. Đến khi Ân Vô Thư lại khẩy ngón tay vào đám lửa kia, Tạ Bạch chợt nhíu mày, bước tới trước mặt Ân Vô Thư rồi lập tức nắm giữ tay y lại rồi lật tay áo y lên.
Ân Vô Thư thoáng sững sờ, đoạn bình tĩnh rút tay về né khỏi Tạ Bạch, miệng vẫn không quên buông lời chòng ghẹo không rõ thật giả:
– Chơi lưu manh gì vậy hửm thiếu niên họ Tạ?
Xưng hô này vừa thốt ra khiến cả hai người thoáng ngỡ ngàng.
Tạ Bạch lặng thinh một chốc rồi tiếp tục ra tay mà không nói tiếng nào, hắn thấy không xắn tay áo Ân Vô Thư lên được bèn đưa thẳng tay lên kéo cổ áo sơ mi Ân Vô Thư ra. Cúc áo bị ngón tay hắn rạch một đường, ngay lập tức đứt ra rơi xuống, cả chiếc áo mở toang.
Lập Đông trợn tròn mắt, mặt mũi kinh hoàng: … Thể loại tình huống gì thế này?!
– Hết chương 24 –