Amrita

Chương 05 part 2


trước sau

Ngày hôm ấy, cũng với cơn thèm bơi như vậy, tôi ngồi trong phòng khách, quên hẳn bộ phim truyền hình đang phát lại trên màn hình trước mặt. Chỉ có tiếng khỏa nước, mùi clo, lối đi hơi tối dẫn vào phòng thay đồ, tất cả những hình ảnh của một thiên đường thân thuộc lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi như một giấc mơ. Tôi bồn chồn và cảm thấy nếu không nghỉ làm để đi bơi thì sẽ không thể nào chịu đựng nổi. Chuyện đó vốn chẳng khó khăn gì, và tôi cũng vẫn thường làm vậy, nhưng lần này hơi khác một chút. Tôi không muốn ưu tiên cho cái thèm muốn kiểu này, cái thèm muốn không đi cùng với niềm vui thú. Sự tập trung thật sự phải linh hoạt hơn cơ. 
Giữa lúc tôi đang viện ra đủ thứ lý lẽ vớ vẩn đó để tìm cách giết thời gian thì thằng em trai đến cạnh tôi. Hôm nay nó cũng nghỉ học và nằm ở nhà. Xoay lưng lại nhưng tôi vẫn cảm thấy nó đang từ từ xuống cầu thang, bước vào phòng bếp không một tiếng động. Tôi ngoái lại nhìn nó qua lưng ghế sô-pha. Thằng bé gần đây ăn mặc cũng rất lạ. Vấn đề không phải ở màu sắc quần áo hay đôi tất nó đi mà ở sắc thái mất cân bằng của nó. Với một đứa trẻ tự tin, sự mất cân bằng thực ra là một sự thể hiện cá tính và là sự mất cân bằng dễ chịu nhưng ở em tôi thì không. Có lẽ nó cũng cố làm ra vẻ bình thản nhưng không khó để nhận ra nó đang bị căng thẳng, lo lắng và thêm vào đó là sự làm nũng muốn mọi người chú ý đến mình. Tôi tự nhận thấy mình có phần hơi ghét nó, xuất phát từ sự thất vọng thường thấy ở những người cùng gia đình. Một sự căm ghét mang tính phản xạ, không thể làm gì khác được. Vốn nhạy cảm, thằng bé cảm nhận được ngay điều đó. Và vì thế, nó giữ khoảng cách với tôi. Giữa chúng tôi có một cái gì đó thật gượng gạo. Cái vòng luẩn quẩn đó mới xuất hiện gần đây. 
Thấy tôi ngồi vạ vật, bụng dạ bồn chồn, nó quay sang nhìn tôi rồi hỏi: 
- Hôm nay chị không đi bơi à? 
Bất ngờ, nó hỏi xoáy vào chỗ nhức nhối nhất của tôi. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Gần đây toàn như vậy cả. Nó đọc trong mắt tôi. Không phải nó muốn nói chuyện với tôi, không phải nó có thiện chí, không phải bất cứ thứ gì khác mà lúc này, nó chỉ muốn bảo vệ chính mình. Trong giây lát, nó phân tích tất cả các dữ liệu và tìm cách trốn khỏi sự sợ hãi bị tôi phân tích, thật đáng thương! 
- Chị chán rồi! Tôi đáp. 
- Ra vậy! 
Đôi mắt nó rõ là muốn lấy lòng tôi, đôi mắt của một kẻ yếu đuối làm tôi phát lộn ruột. 
- Còn em thì sao? Không đi học à? Tôi hỏi. 
- Vâng! Nó đáp. 
- Khó chịu trong người à? 
- Vâng, một chút. 
Gần đây, sắc mặt nó lúc nào trông cũng không được khỏe. 
- Định ngủ cả ngày sao? Hay đi dạo đằng kia với chị một lúc nhé! 
- Em không muốn ra khỏi nhà, không muốn mệt thêm nữa! 
- Em làm sao mà mệt? 
- Có nói chị cũng chẳng tin đâu! 
Nó nói, nhét hai bàn tay nhỏ nhắn vào túi quần, ra vẻ không biết phải làm gì. 
Bên trong nó đã xảy ra chuyện gì, tại sao nó lại có thể vào trong giấc mơ của tôi, tôi không thể nào hiểu nỗi, mãi mãi. Nhất định là thế. Cũng giống hệt như tôi không thể biết được chuyện gì đã xảy ra trong tôi. Bởi vậy mà trong lẽ đời vốn rất công bằng này, tôi cảm thấy thay vì làm khó cho nhau vẫn có nhiều cách vui vẻ hơn thế, song biết nói thế nào để một thằng bé con còn non nớt như nó hiểu? Tôi ra sức nghĩ. 
- Em muốn làm gì nào? Tôi hỏi. 
- Muốn gặp bố. Nó đáp. 

- Đừng có lảng sang chuyện khác thế chứ! Dù có gặp bố, ông ấy cũng không hiểu em hơn người khác đâu. nhưng nếu nhất quyết muốn gặp thì chị sẽ đưa đi. Bố em vẫn còn sống, muốn gặp lúc nào cũng được mà. 
Tôi nói, dù cảm thấy mình cũng có phần hơi quá. 
- Nhưng em chẳng biết phải làm sao nữa. Nó nói. Em không thể đến trường được. Nóng ruột lắm. 
- Chị nghĩ những chuyện như thế cũng bình thường thôi. Nhất là khi phải ở nhà lâu, hay khi có quá nhiều việc phải suy nghĩ đến nỗi tự thấy mình thật thảm hại. Lớn lên vẫn gặp mà. Chắc chắn nó cũng nhiều như những khi ta cảm thấy dễ chịu, tưởng như gì cũng có thể làm được ấy. Những chuyện đó cứ lặp đi lặp lại, nối tiếp nhau, và thời gian trôi đi như thế. Chẳng ai phán xét em qua mấy chuyện thế này cả. Không ai nghĩ em là đứa xấu xa hay kẻ tẻ nhạt đáng thương hết. Cũng chẳng ai nghĩ em là kẻ yếu đuối. Mà cho dù có ai đó nghĩ thế chăng nữa, mình vẫn có thể làm lại mà. Ra khỏi đó đi! Đi với chị nhé. Chị không thể giúp em tất cả mọi chuyện, nhưng ít nhất sẽ đưa em đến chỗ chị làm! Tôi nói. 
Thằng bé nhìn dịu lại, tiến gần đến tôi, như một con chó hoang vẫy nhẹ đuôi. Chúng tôi cứ ngồi bên nhau như thế, cùng xem tivi một lúc. 
Dạo này, thỉnh thoảng thằng bé lại tâm sự riêng với tôi dù rằng nó chẳng nói gì với mẹ tôi cả. Mỗi lần như vậy, tôi đều phải xử khéo sao cho không phải chỉ mỗi mình là "người tốt", nhưng hóa ra mẹ tôi cũng không câu nệ chuyện đó lắm. Tuy có đôi chút ghen tị, nhưng ở mẹ vẫn có một vẻ độ lượng khiên cưỡng, theo kiểu cứ tốt cho thằng bé thì thế nào cũng được. Vì thế, tôi quyết định chỉ để lại mấy chữ ẹ và đưa thằng em trai ra khỏi nhà trước khi bà về. Hỏi ra mới biết, cả tuần nay nó không ra khỏi nhà. Nó bảo, không khí thật là ngon. 
Cứ ở mãi trong một căn phòng an toàn, con người ta sẽ đồng hóa với ngôi nhà đó và như trở thành một thứ đồ đạc. Ta vẫn thường gặp ngoài đường những người mà tuy đang ở ngoài, quần áo và mặt mũi của họ vẫn như đang ở trong phòng. Họ ngơ ngác, phản ứng chậm chạp, không nhìn vào mắt người khác và hoàn toàn thả lỏng. Mắt họ đã hoàn toàn mất đi sự hoang dã. 
Tôi không muốn em mình như vậy. 
Thằng bé thất thểu bước như sắp chết cóng bên cạnh tôi - bà chị đang lên cơn thèm bơi đến run rẩy của nó. Tôi dẫn nó đi, trên con phố chiều. Trăng vẫn c̣n thấp, soi sáng bầu trời xanh lam trong ngăn ngắt. Phía Tây vẫn c̣n đọng lại một dải hồng mịn. 
Tôi đưa thằng bé, trong bộ dạng chỉ thoáng nhìn là biết ngay vẫn còn học tiểu học, đến quán rượu và cho nó ngồi ở góc trong cùng trong lúc tôi làm việc. Quán cũng khá đông nên tôi không thể để mắt đến nó nhiều. Chẳng có việc gì làm, lúc đầu nó lôi mấy cuốn truyện tranh ra đọc nhưng đọc xong chỗ đó thì cu cậu quả là chẳng còn biết làm gì. "Về nhà nhé!" Tôi hỏi nhưng nó lắc đầu. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành cho nó uống một ly cốc-tai đặc biệt của quán, do chính tay chủ quán pha chế. Nó uống ừng ực, vừa uống vừa khen ngon rối rít. Cảm thấy hơi bức bối, tôi cũng làm một ly. Quả có phấn chấn hơn. 
Không biết do hơi say hay do nhìn dòng người ngoài phố, đến khuya, đôi mắt thằng bé đã có sinh khí trở lại. Và nét mặt nó trở lại là một người thân mà tôi từng biết. 
Khuôn mặt con người quả là kỳ lạ, tôi thầm nghĩ. Chỉ cần tâm trí quay trở lại là từ đó tỏa ra những tia sáng thân thương. 
Bớt lo lắng, nét mặt tôi cũng dãn ra. Và tôi chợt nhận ra. Không phải chỉ tại chuyện bể bơi mà thực ra, chính không khí căng thẳng khi trong nhà có người đang phải gồng mình lên cũng đã tác động đến tôi. Không biết có phải thấy tội nghiệp cho tôi đi làm vẫn phải trông em hay không mà lúc mười hai giờ, ông chủ quán bảo tôi có thể nghỉ được rồi. Thực ra thì tôi cũng chỉ thử đưa nó đến quán xem sao thôi. Dù sao tôi cũng rất sung sướng được kết thúc công việc sớm. 
- Em nghe thấy những giọng nói. Giữa phố khuya thằng bé bất chợt lên tiếng. 
Bắt đầu rồi đây, tôi nghĩ thầm. Lúc này mà ngăn lại, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn. Các sách tâm lý tuổi nhi đồng vẫn thường viết như vậy về thời điểm này, nhưng đến lượt mình, tôi lại cảm thấy mọi chuyện sẽ ổn cả vì đây là người thân của mình. 
- Nó nói với em điều gì? Tôi hỏi. 
Thằng bé vừa uống lon trà Ô long tôi mua để nó uống cho tỉnh, vừa bước đi. Nó chậm rãi nói như thể biết tôi đang nóng lòng nghe giải thích: 
- Nhiều điều lắm. Lúc thì thầm, lúc la hét, lúc lại lẩm bẩm, khi thì giọng đàn ông, khi thì giọng đàn bà, không bao giờ dứt, lúc nào cũng nói một chuyện gì đó. 
- Cứ như thế suốt từ khi em bắt đầu viết tiểu thuyết sao? 
- Hồi đó chỉ thỉnh thoảng thôi. Nó nhìn xuống. giờ thì liên tục, càng ngày càng trầm trọng hơn. 

- Vậy thì mệt mỏi lắm. Tôi nói. 
- Nào ra lệnh, nào là âm nhạc. Có cả những hình ảnh về giấc mơ của chị nữa. Lúc ngủ còn đỡ, vì chỉ có hình ảnh thôi. Nhưng lúc thức thì toàn âm thanh. Nhiều lúc, em cảm thấy phát điên lên mất. 
- Rõ là thế rồi. Ngay bây giờ thì sao? 
- Bây giờ thì không. Chỉ có tiếng động gì đó rất nhỏ! Nó nói sau một hồi lắng tai nghe. 
- Hay em là... cái radio? Tôi nói. 
- Em không biết nữa. em không thể nói được với ai. Chị có tin em không? 
- Tin chứ... nhưng cụ thể thế nào? Em có cảm thấy ai đó chui vào

trong đầu em không? Tôi hỏi. 
- Không, không có chuyện đó! Thằng bé lắc đầu. Cũng có lúc nó giống như một lời cầu nguyện của người da đỏ. 
- Thế nghĩa là sao? 
Nghe tôi hỏi, thằng bé ra sức giải thích: 
- Bữa trước, đang đi ngoài đường, bỗng nhiên em nghe thấy ai đó nói bằng một giọng trầm. Nghe kỹ, em mới nhận ra, thành câu chữ rõ ràng. "Ta, với tư cách là một con người, đứng trước người như một trong số rất nhiều đứa con của người. Ta nhỏ bé và yếu ớt..." Nó cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu đó không biết bao nhiêu lần. Về đến nhà, em vội vàng ghi lại. Chuyện đó còn lặp lại nhiều lần nữa. Sau này em mới hiểu đó chính là một lời cầu nguyện. Rồi em cũng chẳng để ý đến nó nữa vì trước đây chưa nghe thấy bao giờ. Vậy mà mấy hôm trước, tình cờ giở một cuốn sách lịch sử trong thư viện, em đã đọc thấy những lời ấy. Chị có tin không? Hầu như không khác tý nào. Một lời cầu nguyện nổi tiếng, khắc trên một của một người da đỏ vô danh. 
- Em nghe thấy những lời đó bằng tiếng Nhật sao? 
- Em cũng không biết nữa. có lẽ vậy! nó nói. 
Tôi chẳng biết phải nói sao với nó. Vì tình hình có vẻ rất nghiêm trọng, không còn là chuyện thật giả hay chỉ đơn giản là tên của một chứng bệnh nữa. 
- Lúc đầu, em nghĩ đó là một sứ mệnh. 
- Sứ mệnh ư? Tôi hỏi lại 
- Rằng em phải viết lại những gì mình nghe thấy thành sách. Nhưng nếu làm thế, nếu tình cờ những điều em nghe thấy lại là những chuyện đã có từ trước hay là suy nghĩ của người khác thì sẽ thành đạo văn. Nghĩ thế, em thấy sợ. nhưng càng sợ lại càng nghe thấy nhiều hơn... 
- Những tiếng ồn hơn hả? Tôi hỏi. 
Nó gật đầu. Rồi nó khóc. Không phải những giọt nước mắt hồn nhiên, thuần khiết tôi đã từng nghe đến mức phát chán hàng đêm ở phòng bên, khi nó còn là một đứa bé ẵm ngửa, mà là những tinh thể trong suốt của một người lớn khi cùng đường, trào ra từng giọt, từng giọt, trong yên lặng. 

- Em giỏi lắm, biết tư duy lắm. Đúng là không thể đến trường được! Tôi nói. 
- Hay chỉ đơn giản là em bị loạn trí? Nó nói với vẻ vô cùng buồn thảm. Em phải làm sao đây? 
- Ừm... 
Tôi cố nghĩ, nhưng không tìm được từ nào thích hợp. 
- Cứ tạm ngồi xuống cái đã! Tôi nói và tựa lưng vào tường. 
- Em mệt quá. Nó nói, rồi ngồi bệt xuống cạnh tôi. 
Tôi nói tiếp: 
- Tạm thời, mình chưa nên nói với mẹ. Sau đó... 
- Sau đó thì sao? 
- Em hãy cứ giả định mình đã trở thành một cái radio đi. Một cái radio thì quan trọng nhất là gì nhỉ? Tôi hỏi. 
- Chọn kênh! Thằng bé nói. 
- Đúng rồi. dò sóng, rồi bật tắt tùy thích! Tôi thêm vào. Không làm được việc đó thì radio sẽ trở nên vô dụng. chắc chắn thế! Chỉ cần làm sao để tự mình có thể quyết định nghe lúc nào và nghe cái gì. 
- Nhưng làm thế nào? 
- Ừm... 
Nói thì dễ lắm. "hãy tin vào bản thân", hay "hãy rèn luyện ý chí để biết từ chối". Nhưng chuyện đó cũng vô nghĩa chẳng khác nào một buổi chiều bình yên, ta vừa lật giở cuốn tạp chí "làm thế này và bạn sẽ gầy đi" vừa ngồi nhai bánh rau ráu rồi hạ quyết tâm tập luyện. Nếu chỉ bằng lời nói thôi thì người ta có thể nói đến khối chuyện to tát. Có điều, không được nói với người khác những điều chính mình cũng chẳng thể làm nổi. Nhất là nó vẫn còn là trẻ con nữa. Tôi nghĩ nó vẫn còn ở cái tuổi chưa biết chọn lấy cái mình muốn. Ngay đến như tôi với Mikiko, có mỗi việc hai đứa đã quyết định trên phố đêm hôm ấy mà cả hai phải rủ nhau mãi mới làm được nữa là. Thật khó đê giải thích. 
Tôi im lặng. Đêm nặng như một đám dầu loang, lặng lẽ ngấm dần vào phố. Các ngõ ngách, các góc phố đều yên lặng trong đêm như thể tất cả đều mang một nỗi niềm nào đó. Cái lạnh phả ra từ khối bê-tông nơi lưng thấm qua người. Tôi nói, với tâm trạng có phần hoang mang: 
- Đi bơi hàng ngày với chị nhé. 
Gần như cùng lúc đó, thằng bé chợt ngước lên nói: 
- Lại nghe thấy rồi! 
Mắt nó mở to, như muốn nhìn tất cả mọi thứ. Ra vậy. Lần đầu tiên tôi biết rằng, nghe trực tiếp bằng trí não là một cách cảm nhận gần với thị giác hơn là thính giác. 
- Sao nào? Tôi hỏi, cố làm ra vẻ bình tĩnh. 
- Chị Suku, đến đền thờ ngay thôi! Nó nói. 
- Đến làm gì chứ? 
- Nó nói rằng sẽ có đĩa bay. Nếu đúng thế, chị sẽ tin em chứ? 

- Ngay bây giờ chị cũng có nghi ngờ em đâu? Tôi nói. 
Tôi đang để tâm trí mình không bị cuốn theo đôi mắt quá nghiêm trọng của nó. Tôi nhìn đôi bàn tay bé nhỉ được ánh đèn đường chiếu sáng, rồi nhìn cái bóng nhỏ, đổ một vệt dài trên nền đường của nó. 
- Nhanh lên! Thằng bé đứng dậy. 
- Ừ, thử đến đó xem sao! Tôi cũng đứng dậy. - Đền thờ à... có phải ở trên dốc không nhỉ? 
- Đúng rồi! nhưng phải nhanh lên mới được. 
Thằng bé bắt đầu chạy. Tôi bám sát sau nó bằng những bước chạy ngắn. Một cảm giác kỳ lạ va sung sướng vừa phấn khích vừa cảm thấy như mình đã đến với một hiện thực khác. Thật tuyệt vời khi lâu lắm rồi mới được nếm trải cảm giác này, tôi nghĩ thầm. 
- Chị Saku, nhanh lên! Nhanh nữa lên. 
Sải bước chạy trên con đường dốc mờ tối, khuôn mặt của nó đã không còn vẻ lo lắng nữa, cũng không có chút gì là cuồng tín cả. Trong bóng tối, khuôn mặt thằng bé ngời sáng, đẹp thanh thoát như mặt đức bồ tát Jizo (một vị bồ tát mà người Nhật tin là sẽ che chở cho trẻ nhỏ và những người đi đường - ND) đứng cạnh cổng đền. Chúng tôi chạy xuyên qua cổng Torii (cổng trên lối vào đền thờ Thần đạo - ND), leo hết những bậc đá hẹp trên lối dẫn vào đền. Xa tít phía dưới, đường xá, nhà cửa hiện lên như một bức tranh cắt bóng. Đêm rộng lớn. Tiếng một con tàu rời ga vẳng lại như một khúc nhạc. Chúng tôi dừng lại giữa bóng tối của những rặng cây cao, thở phì phò. Một mùi hương rất đậm đặc của cây lá xộc tới, tưởng như phải ngưng thở. Bầu trời đêm vẫn ở ngay đó, hờ hững phản chiếu ánh sáng của phố đêm. 
Đúng lúc tôi vừa cười vừa nói "Làm gì có đĩa bay nào?" Thì từ khoảng không gian phía trên khu phố đêm tối mờ với những biển hiệu thắp sáng bằng đèn nê-ông, một vật như đám mây sau đuôi máy bay phát sáng bay ngang qua bầu trời, từ trái sang phải. Tôi há hốc miệng kinh ngạc. Bất chợt nó dừng lại một cách hoàn hảo, hơn bất kỳ cỗ máy nào trên mặt đất này, ngay giữa khung cảnh mà chúng tôi đang nhìn thấy, vụt sáng lóe rồi biến mất. Một thứ ánh sáng chói ngời hơn bất kỳ thứ ánh sáng nào tôi từng thấy. Nếu cố hình dung ra mà nói, có lẽ nó giống như thứ ánh sáng mà người ta nhìn thấy lần đầu tiên vào giây phút chào đời. Một vầng hào quang đẹp đẽ, trong trẻo và không bao giờ có thể gặp lại, khiến người ta muốn được ngắm nhìn nó mãi. 
Tôi như bị hút vào đó. 
Không lời nào diễn tả nổi. một màu trắng tuyệt diệu tôi muốn dược nhìn mãi. 
- Tuyệt vời! Tuyệt vời! Tuyệt vời! Tôi nói. 
- Đúng là tuyệt thật. Em tôi gật đầu. 
- Nhờ có em, chị đã được thấy một thứ tuyệt vời. Cám ơn nhé. 
Trái với vẻ kích động của tôi, nó còn chẳng buồn ngẩng mặt lên. 
- Em sao thế? Tôi hỏi. 
- Sao? Chị thấy đúng chưa? Thằng bé nói. Không biết em làm sao thế này! 
- Em không vui sao? Chuyện vừa xong ấy? Tôi hỏi. 
- Không phải chuyện vui hay không! Nó đáp, khuôn mặt rất khó diễn tả. 
- Cũng phải... 
Tôi im lặng, rồi chợt thấy thương thằng bé, dù được nhìn tận mắt một thứ đẹp đẽ chẳng mấy ai được thấy, vậy mà cũng không thể vui lên được. Hợp lý hay không, sự thật hay dối trá, gì cũng được, tôi chỉ muốn nó ngạc nhiên hay xúc động. Nó mệt mỏi đến mức không thể làm nổi kể cả việc đó. 
- Phải làm cái gì đó. Cùng nghĩ nhé! Cứ về nhà cái đã. Chị rất vui vì đã thấy nó! Tôi nói. 
Thằng bé khẽ gật đầu cười. "mình muốn làm một cái gì đó", tôi vừa nghĩ vừa bước bên cạnh thằng bé về nhà.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện