8. Đường về
- Mình về thôi!
Em tôi nói vậy vào bữa tối của ngày thứ bảy kể từ hôm chúng tôi tới Kochi. Đang định gắp miếng sashimi (món cá (hoặc thịt) sống nổi tiếng và rất phổ biến ở Nhật - ND), tôi ngừng tay lại, như một cảnh trong phim truyền hình, mặt nghệt ra trong giây lát. Thật đáng ngạc nhiên. Bởi đến hôm đó, chính tôi cũng đang tự nhủ, có lẽ đã đến lúc phải về rồi. Tôi chỉ đang phân vân không biết phải nói ra chuyện đó thế nào. Với tình trạng của em tôi lúc này, có thể nó sẽ thản nhiên nói: "Được! Mình về thôi!" cũng có thể vừa nghe tôi nói xong, nó sẽ nổi đóa lên, gào khóc: "Không, em không về!" Phản ứng nào cũng có thể xảy ra và chẳng có gì là lạ cả. Tôi không tài nào đoán trước được. Từ khi đến đây, hàng ngày ngắm biển, ngắm bình minh và hoàng hôn, từ một thằng bé sắc mặt u ám, luôn rúm ró, hoảng hốt trước đây, nó như đã trở thành một người khác, một đứa trẻ luôn vui tươi. Nhưng cả khi đang đi dọc bãi biển, cả khi xuống phố chơi pachinko (một trò chơi bạc giữa người với máy, rất phổ biến ở Nhật - ND), trúng một ván to, cười như nắc nẻ, cả khi xem tivi trong phòng mỗi buổi tối, cả khi yên lặng đọc sách trước khi đi ngủ, nó tuyệt nhiên không nhắc gì đến chuyện nhà hay trường học. Cũng không hề nói đến chuyện tại sao hai chị em lại tới đây.Tôi không biết nó đã tổn thương đến mức nào, không thể đo được nó cần bao nhiêu thời gian để xoa dịu những vết thương đó, chỉ đoán rằng có lẽ chính vì thế nên nó quyết định không đả động gì đến chuyện đó chăng. Thế là tôi chẳng còn nghĩ ngợi gì nữa và cũng ra sức tận hưởng kỳ nghỉ này. Đến nỗi tôi còn bắt đầu nghĩ, cứ thế này mãi cũng được. Song dù thế nào đi nữa, thời điểm sẽ tự nó đến, không thể đoán trước, đúng vào lúc ta ít ngờ tới nhất.
Ngày hôm đó, chúng tôi câu cá. Chúng tôi thuê cần và tập tọng câu ở biển. Dạo trước, có lần tôi câu thử và cũng được khá nhiều cá nhỏ nên lần này quen mui diễn lại. Chúng tôi ngồi trên đê chắn sóng, quay mặt ra biển. Hai chị em chẳng ai câu được gì. Gió rất mạnh và mặn chát vị biển, khối bê-tông trên thân đê lạnh buốt. Đến nỗi, phơi mình ra đó một lát, tự nhiên mặt mũi tôi đanh cả lại. Em tôi, tất nhiên là mặt cũng đanh lại, đứng thả câu ngay cạnh tôi. Một làn mây dịu nhẹ giăng ngang trời, vừa vặn như một lớp mạng trắng phủ lên nền trời trong xanh. Sóng đánh ầm ầm tít phía dưới chân đê, làm tung một lớp bọt mịn như kem trên mặt nước. Hàng ngàn con sóng nhỏ như những hoa văn hình tam giác chuyển động không ngừng. Ngắm toàn bột quang cảnh đó, bất giác trong đầu tôi vang lên mấy chữ "Có lẽ đến lúc rồi!" Bỗng nhiên, tôi thấy chán cái cảnh đẹp này. Tiếng sóng âm vang lặp đi lặp lại, như muốn nói một điều gì.
Về được rồi còn gì!
Cái cần xem thì cũng đã xem rồi đấy thôi!
Có lẽ vậy!
Không biết em tôi nghĩ sao?! Tôi nhìn sang, nét mặt thằng bé vẫn đanh lại, và tay vẫn nắm chặt cần câu. Không thể biết được nó đang nghĩ về điều gì. Về vũ trụ, về trường học, về cuộc đời, hay nó đang lắng nghe tiếng sóng, hay đang nhủ thầm sao chẳng câu được gì, hay còn gì khác nữa?! Tôi chịu. Và vì thế, tôi im lặng.
Nghĩ đến chuyện trở về, khuôn mặt mọi người ở Tokyo lại hiện lên. Mẹ, Mikiko, cô Junko, Eiko, mọi người ở quán. Đi chưa lâu mà sao tôi cảm thấy xa xăm quá. Bất giác, tôi nhớ đến Ryuichiro. Muốn gặp anh quá. Không biết giờ này anh ra sao. Nhìn những tia sáng nhạt của mặt trời chiều nhảy nhót trên những khối đá kè bờ, tự nhiên tôi thấy nhớ đến day dứt. Nhưng trở về cũng có gặp được anh đâu. Nghĩ đến đó mới thấy ngày thường chẳng mấy khi tôi có cảm giác ấy, vậy mà lúc này, tôi bỗng thấy thật buồn khi muốn gặp anh lại không thể gặp được. Đúng lúc đó, một con thuyền từ từ tiến lại. Một chiếc thuyền cá nhỏ. Nó đậu lại trong một cảng nhỏ cách đó không xa. Từ trên thuyền, một lão ngư và một thanh niên, có lẽ là một chàng rể, vì nhìn không giống ông cụ chút nào, bước lên bờ. Lát sau, họ ôm theo lưới và đủ thứ lỉnh kỉnh đi ngang qua phía sau chúng tôi.
- Có được con nào không? Họ vừa cười vừa hỏi.
- Hoàn toàn không!
Nghe tôi trả lời dứt khoát như vậy, họ bật cười và cho chúng tôi một con bạch tuộc. Hai chị em tôi nhảy cẫng lên vì vui sướng, cảm ơn rối rít và nghỉ câu ngay lập tức. Không phải vì đó là một con bạch tuộc mà vì chúng tôi đã có một cái cớ để nghỉ câu. Về đến phòng, tôi mang thân nó ra làm món sashimi, còn phần đầu đem làm nước xúp tương. Giữa bữa tối như thế thì đột nhiên, lần đầu tiên kể từ khi đến đây, em tôi nói ra một điều "mang tính hiện thực". Nên cũng chẳng có gì là lạ khi tôi ngạc nhiên vì điều đó.
- Bất ngờ quá nhỉ! Sao vậy?! Tôi hỏi, rồi thong thả húp một ngụm xúp tương đầy hương vị biển.
- Hôm nay, trong lúc ngồi câu em đã nghĩ vậy, rằng có lẽ mình phải về thôi. Nếu ở đây thêm nữa, sơ sẽ không còn muốn về nữa đâu! Thằng bé nói.
Giỏi lắm, tôi nghĩ thầm. Nó không hề bỏ sót một dấu hiệu thay đổi nhỏ nào trong chính bản thân mình, không cố tình lảng tránh vì sợ hãi, trong khi thực ra thì đâu cần phải gắng gỏi đến vậy.
- Không cần phải gắng gượng thế đâu! Chị có thể ở đây đến lúc nào cũng được mà. Nếu em chán chỗ này rồi, mình lại đi chỗ nào đó nhé. Như thế cũng được mà.
- Không! Thằng bé nói sau một hồi suy nghĩ. Mình cứ về thử xem! Nhưng em muốn nhờ chị một chuyện!
- Chuyện gì thế? Nói chị nghe nào!
- Nếu em lại có chuyện, chị lại đưa emđi như thế này nhé! Chị phải thuyết phục để cả mẹ đồng ý nữa nhé! Cả lần này cũng thế! Thằng hé nói, với đôi mắt rất nghiêm trang.
- Chị hứa. Chuyện đó có gì khó đâu! Thậm chí bất kỳ lúc nào, chị cũng có thể làm việc đó cho em, cho đến khi nào em đủ lớn để có thể một mình đi đến bất cứ đâu. Tôi nói. Chuyến này vui thật. Mình sẽ lại đi nữa nhé! Cả đến chị cũng cảm thấy được nghỉ ngơi kha khá rồi đấy!
Chuyện xảy ra vào đêm hôm ấy. Tôi và em tôi đã xem một chương trình tivi đáng sợ trong