16. Mật thất của nhà hiền triết
Thư của chủ quán Belize đến vào một buổi sáng giá lạnh, cách đây 2 tuần.
"Sakumi thân mến,
Xin lỗi vì tôi đã đột ngột đóng cửa quán. Tiền trợ cấp tìm việc tôi đã cộng thêm vào khoản lương chưa thanh toán và chuyển khoản rồi nhé. Cứ yên tâm đi! Cuộc sống của tôi bên này cũng rất tuyệt, tôi và vợ tôi ngày nào cũng đến sàn nhảy. Đã có nhiều bạn mới. Ngày ngày, thời gian chậm rãi trôi, thật vô cùng sung sướng. Tôi sẽ ở lại đây ít lâu. Đến chơi nhé!
Chủ quán Belize."
Vẫn nét chữ tinh tế thân quen, đẹp như chữ con gái.
Thôi, thế là hết! Hy vọng ông ấy sẽ sớm quay lại tiếp tục mở quán hoàn toàn tắt ngấm. Hẳn bản thân ông ấy đã thấy mệt mỏi vì cứ phải sống theo kiểu thập niên bảy mươi giữa một Nhật Bản hiện đại rồi.
Không còn cách nào khác, tôi đành phải bắt đầu tìm công việc mới một cách nghiêm túc. Và rồi, tôi quyết định vào làm ở một hiệu bánh mì trong một khu phố nhiều chung cư sang trọng, sáu ngày một tuần, từ mười một giờ đến tám giờ tối. Chủ quán là một người Pháp, chỉ biết lõm bõm một ít tiếng Nhật. Đó là một người kỹ tính, con thứ một chủ hiệu bánh lâu đời ở Paris, đến Nhật mở quán với tâm niệm "Mang hương vị bánh mì Pháp thực sự đến với Nhật Bản!" một người có phong thái giống hệt ông chủ quán Belize và hình như tôi rất dễ được lòng những người như thế. Có rất nhiều người đến dự phỏng vấn xin việc nhưng tôi được chọn ngay lập tức. Đó là một hiệu bánh nhỏ, có ba người nướng bánh với một mình tôi, vừa bán hàng vừa thu ngân kiêm giúp việc vặt. Với tôi, việc kiểu này là dễ chịu nhất. Tôi vừa học được cách nướng bánh mì vừa học được tiếng Pháp. Bánh mì chỉ có một loại là baguette (loại bánh mì người Pháp ưa thích, to, tròn dài, vỏ giòn - ND), một ngày chỉ nướng ba mẻ. Tôi thường ra đứng ở quầy ba mươi phút trước khi bánh ra lò. Bánh nướng xong được bày la liệt ở trong góc, đợi cho bớt nóng và bay bớt mùi men bột mì. Chiều đến bao giờ cũng rất dễ chịu. Tôi cứ đứng vào quầy là một, rồi hai bà nội trợ, rồi thì sinh viên, rồi thêm một cụ già tầm thước đến đứng xếp hàng phía trước. Ở khu phố ít cửa hàng này, ánh sáng trong hiệu bánh hắt ra chắc hẳn trông như ngọn hải đăng giữa những dãy nhà mờ tối. Không có khách hàng từ xa tới, cũng không nhiều người xếp hàng đến mức có thể hết bánh giữa chừng nên trên khuôn mặt họ không có vẻ nóng ruột hay háo hức thái quá mà chỉ có một niềm vui nho nhỏ và lặng lẽ "Vậy là sáng mai sẽ có bánh mì ngon để ăn!" Mùi bánh mì nướng không hiểu sao mang đến cho tôi cảm giác hạnh phúc khôn tả. Nó gợi lên nỗi nhớ giống như nỗi nhớ quê, khiến người ta muốn được về với một buổi sáng mát lành đâu đó trong tiềm thức. Dù có ăn đến một trăm ổ bánh vừa mới ra lò, có lẽ cũng không có được cái cảm giác mà mùi hương đó mang lại. Tôi lặng lẽ đứng trong làn hương đó, lặng lẽ ngắm nhìn hàng người xuất hiện trước quầy. Đêm thong thả xuống dần. Khu phố với cửa sổ sáng đèn. Những khung cửa sổ sáng đèn giữa cảnh chiều hôm. Bóng những ngôi nhà trập trùng như những rặng núi. Cuối cùng thì bánh cũng được mang ra. Tôi luôn tay bấm máy tính tiền, bỏ bánh vào túi và tươi cười giao cho khách hàng, trong lòng bỗng cảm thấy uy nghiêm như chính mình đã trở thành đức thánh. Vậy là tôi lại bắt đầu yêu công việc này rồi. Có lẽ như thế này là tốt với tôi. Chỉ lặp đi lặp lại những điều như thế.
Lâu lắm mới lại đến ngày nghỉ. Xế chiều, tôi ngó vào phòng em tôi, định bụng rủ nó đi hiệu sách. Thế là, dù đang say mê với trò chơi trên màn hình tivi, thằng bé vẫn kịp ngoái lại nhìn tôi, có phần còn nhanh hơn cả tôi ngó vào phòng nó. Chẳng có gì khác thường nhưng nó vẫn thoáng giật mình.
- Chị ra phố à? Thằng bé hỏi.
- Ừ, đến hiệu sách. Đi với chị không?
- Không! Em muốn thắng bằng được trò này cái đã!
- Được rồi! Chị đi đây! Tôi nói và đóng cửa lại.
Không có gì là bất thường cả. Khuôn mặt tươi cười như mọi khi. Vẻ cộc lốc thường thấy trong gia đình. Tất cả đều rất bình thường. Nhưng có một sự mệt mỏi trong không gian của căn phòng, trong ánh mắt thằng bé. Có điều, tôi chịu không biết đó là sự mệt mỏi của một thằng bé đang tuổi lớn hay sự mệt mỏi do những phiền não trong lòng nó. Biết rằng lo lắng cũng chẳng ích gì nhưng rõ ràng là gần đây, nó không còn vẻ tự nhiên và tràn đầy sức sống như hồi ở Saipan. Và tôi hiểu rõ rằng, nó không còn mở lòng ra với tôi như hồi ấy. Ngoài trời rất lạnh. Mọi người đều náu kín trong những chiếc áo khoác nhưng vẫn có thể cảm thấy hương xuân trong từng sợi nắng sáng lên khe khẽ, như những gì tươi mới và dịu ngọt. Cái tinh tế này, có lẽ chỉ ở Nhật Bản mới có thể cảm nhận được. Mọi người trên phố đều cảm nhận được khí xuân, dịu nhẹ như một phần làn da mềm mại của chính mình.
Có một hiệu sách lớn trong tòa nhà nằm cạnh ga. Hồi mới ra viện, rảnh rỗi, tôi thường đến ngắm lũ cá thái dương, rồi trên đường về tạt vào hiệu sách này, mua cả đống sách rồi ghé qua quán Belize, đọc xong rồi mới về. Ông chủ quán tốt bụng thương tôi mới bị chấn thương nặng như vậy, đầu óc còn lơ mơ chưa làm được việc gì nên đã nhận tôi vào làm. Hồi đó cũng đang là giữa mùa đông. Bước đi đầu tiên trên chặng đường mới trong cuộc đời của tôi cũng chính tại quán này. Cũng chính tại quán này, bao lần tôi đã đứng lặng ngắm những cành cây khô héo qua khung cửa sổ. Có lẽ tôi đâm ra sầu cảm như thế này là do nhàn rỗi quá. Những lúc mệt mỏi về tinh thần chính là lúc các kỷ niệm như những vong hồn hiện về. Một cảm giác êm ái, dễ chịu, nhưng ngay lập tức, ta sẽ thấy chán. Trong giây lát, ta sẽ tập trung tất cả ý thức cho sự tái hiện mãnh liệt để rồi sau đó, ngay lập tức trở về với thực tại. Chỉ riêng những kỷ niệm về Belize, tôi có cảm giác sẽ còn mãi vương vấn trong tôi.
Bên trong hiệu sách đông phát khiếp. Nào là học sinh, nào là các chị em văn phòng, đủ cả. Tôi len giữa đám đông đó, chọn ra một đống sách. Sách hội thoại tiếng Pháp nhập môn, sách về bánh mì, tạp chí... Đủ loại. Sau đó tôi lướt qua những ấn phẩm mới. Giữa cả núi sách đó, tôi bỗng chú ý đến một cuốn sách dày cộp. Mật thất của nhà hiền triết - Kasai Kiyoshi (nhà văn Nhật Bản)... Một cuốn tiểu thuyết mà tôi chưa từng nhìn hoặc nghe thấy đước đây, thuộc thể loại hình sự trinh thám mà trước nay tôi không bao giờ đọc. Phải nói thêm là sách rất dày và khi tôi cầm thử thì nặng trĩu tay. Không còn nhiều tiền nhưng không hiểu sao tôi thậm chí còn bỏ lại sách về bánh mì để mua nó. Người ta gọi đó là số phận. Tự nhiên tôi cảm thấy muốn có nó bằng mọi giá. Tôi không còn biết mình đang ở đâu, chi cảm giác có cái gì đó, ở đâu đó như rất xa nhưng cũng rất gần, tưởng như có thể chạm tới được, thôi thúc tôi mua nó. Khi tôi về thì em tôi không có ở nhà.
- Hình như nó đi chơi với bạn mới quen thì phải! Cô Junko nói.
Lạ thật! Tôi nghĩ thầm. Mà thôi, nó không thể lúc nào cũng dính với chị được, tôi tự nhủ và về phòng lấy sách ra đọc. Bối cảnh là Paris với hai nhân vật chính là Nadia, một thiếu nữ thông minh, sinh ra và lớn lên ở Paris và Kakeru, một chàng trai bí ẩn người Nhật mà nàng tôn thờ. Nàng, lành mạnh đến mức ngạo nghễ với ái tình và đầy lòng ham hiểu biết. Còn chàng, một cuộc đời vô cùng tăm tối và nhìn thế gian như thể mình thuộc về một nơi nào khác. Tôi vừa gật gù vừa mải mê đọc. Nhưng đến giữa chừng, tôi bỗng cảm thấy bứt rứt khó tả, đứng ngồi không yên. Không hiểu sao tôi lại thấy nhớ họ đến vậy, thân thương và gần gũi như những người bạn từ thuở bé. Rồi tôi rơi vào một tâm trạng bồn chồn đến mức tự tôi cũng thấy có cái gì đó thật lạ. Nó rất giống với tâm trạng khi đến chơi nhà Eiko, đứng ở sảnh và nhớ ra mình đã có lần đến nơi này. Tại sao nhỉ? Tôi nghĩ mãi. Phải chăng vì Kakeru bản chất là người tốt nhưng vẫn có chỗ nào đó tối tăm và giống Ryuichiro, còn con người Nadia, có lẽ giống với tôi và vì thế mà tôi có thể đồng cảm với tâm hồn của họ? Không, không hẳn. Không phải chỉ có vậy. Không hiểu sao tôi có cảm giác như đã gặp những con người này rồi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thân thuộc một cách khó lý giải đến vậy với tất cả những nhân vật tôi đã từng đọc trước đây. Tại sao? Lúc ấy, giá có ai nhìn thấy tôi, chắc cũng phải cảm thấy sờ sợ. Hai tay ôm đầu, tôi cố lần tìm manh mối và lặn sâu, rất sâu trong hồi ức của chính mình. Sao một chuyện nhỏ lại có thể thành ra như vậy được? Tôi đoán không nhầm. Sự thật dần dần hé mở, từng tí một. Thế rồi, câu trả lời vụt đến, tất yếu như chiều rồi sẽ thành đêm. Kết luận hiện ra một cách rõ ràng. "Ra là thế! Giờ mới nhớ là mình đã từng đọc rồi!" Chính sê-ri truyện của cùng tác giả này. Tôi đã rất thích và đọc bằng cả lòng say mê con trẻ. Đầu tiên phải kể đến Bye, bye, angel, Cô gái hoa hồng, rồi một cuốn nữa tôi đã mua ngay khi mới xuất hiện là Án mạng nơi thượng giới. Kakeru tu hành ở Tây Tạng và một thiền sư ở đó đã nói với cậu "Hãy đi khắp thế gian trừ ác!" Cậu chịu khổ hạnh, mùa hè cũng không dùng máy điều hòa,