Ông chủ hiệu tương Sùng Tín – Nguyên Thắng vốn là người có thói quen chắp tay sau lưng, mặt ngẩng lên trời khi đi đường, nhưng gần đây thái độ của ông ta hơi khác thường, cứ hay cúi đầu lầm lủi, nghe thấy động tĩnh gì là lại nhảy vội qua một bên để tránh né. Hỏi nguyên nhân thì hóa ra ông ta mới đi ra từ đại đội thu nhận.
Đại đội thu nhận do hội quân quản đứng ra tổ chức, cục ông an quản lý, đối đượng thu nhận là quân lính tản mạn của đảng quốc dân, du côn lưu manh đầu đường xó chợ, về sau xử lý hết nhóm người này thì sẽ thu nhận một vài phần tử băng đảng, đồng lõa ác bá. Thật ra Trương Thắng không nằm trong số đó, nhưng thành phần quen biết ngoài xã hội của ông thật sự rất phức tạp, chẳng những trong đám giang hồ đều có anh em của ông ta, phàm là quan viên cầm quyền, bao gồm cả Hán gian cầm đầu chính phủ Ngụy ở Trấn Giang thời kỳ Nhật Ngụy cũng có qua lại với ông ta. Cho nên chính phủ nhân dân cần ông làm rõ và cung cấp manh mối về chuyện này nên đã gọi ông vào. Trương Thắng ở đại đội thu nhận đó hơn hai tháng, ba ngày trước vừa mới được thả về nhà. Trải qua lần này, ông ta không dám huênh hoang nữa, chỉ mong được sống yên ổn mà thôi.
Nên khi Mục Dung Hán và Từ Tử Sơn xuất hiện trước mặt Trương Thắng, yêu cầu ông cung cấp thông tin về các đối tượng tiêu thụ “Rượu đục Lão Tam thôn” thì ông ta cực kỳ phối hợp. Nhưng sự phối hợp của ông ta chẳng qua chỉ khiến các điều tra viên biết thêm về tình huống của “Rượu đục Lão Tam thôn” chứ không giúp ích gì nhiều cho việc điều tra vụ án.
Theo lời Trương Thắng, bình rượu của “Rượu đục Lão Tam thôn” chia làm bảy màu: Đỏ cam vàng lục lam chàm tím. Đây là để phân biệt năm sản xuất của “Rượu đục Lão Tam thôn”. Vậy thì chiếc bình màu xanh lục mà các điều tra viên nhặt được sản xuất vào năm nào?
Trương Thắng cho biết, “Rượu đục Lão Tam thôn” của Vương Lão Tam được đưa ra thị trường vào đoan ngọ năm dân quốc thứ 8, tức năm 1919, dùng bình rượu màu đỏ. Sau đó sắp xếp theo thứ tự là đỏ cam vàng lục lam chàm tím, bình rượu màu lục hẳn là các năm 1926, 1933, 1940, 1947. Lứa rượu năm 1947 cũng là mẻ “Rượu đục Lão Tam thôn” cuối cùng. Mùa hè năm đó, Vương Lão Tam qua đời vì bệnh nặng ở tuổi 70, ba đứa con trai vì gia tài mà đấu đá tranh giành, qua ba tháng thì một chết hai bị thương, trong quá trình tranh giành còn phá hỏng chum rượu “Rượu đục Lão Tam thôn” cuối cùng Vương Lão Tam đã chôn lúc còn sống. “Rượu đục Lão Tam thôn” cũng vì đó mà không còn. Nhưng chiếc bình rượu này rốt cuộc được sản xuất vào năm nào thì Trương Thắng cũng không thể nói rõ được.
Mục Dung Hán lại hỏi: “Ông có nhớ rượu trong bốn năm này đã bán cho những ai không?”
Trương Thắng đáp: “Năm 1926 thì hiệu tương này vẫn là do cha của tôi làm chủ, năm đó bán cho những ai thì tôi không rõ lắm. Rượu từ năm 1933 đến năm 1947 là do tôi bán ra, mặc dù cũng có ghi chép, nhưng trong sổ lại không ghi rõ họ tên khách hàng, chẳng qua đều là khách quen cả.”
Sau đó Trương Thắng lại liệt kê tên của vài khách hàng, trong đó có không ít người Nhật Bản đã chiếm cứ Trấn Giang trong thời kỳ kháng chiến. Phần lớn bình rượu màu lục năm 1940 đều bán cho đội quân cảnh người Nhật ở Trấn Giang, hai vị sĩ quan tổng bộ đặc công số 76 tới từ Thượng Hải mua bốn bình, còn lại hai bình bị vị bả đầu bản địa là Đổng Trung Triêu mua đi, nghe nói ông ta mang đến phương Bắc làm quà biếu. Mà 20 bình rượu đục Lão Tam thôn năm 1947 thì bán hết cho Đinh Bỉnh Vũ.
Mục Dung Hán bèn hỏi: “Đinh Bỉnh Vũ là ai?”
“Tham mưu cao cấp của thiếu tướng trung đoàn bảo an tỉnh Giang Tô.”
“Bây giờ người này đang ở đâu?”
“Năm 1948 đã rời khỏi Trấn Giang rồi, sau này nghe lính cần vụ Tiểu Chu của anh ta nói là tháng 3 năm nay tham mưu Đinh đã từ Thượng Hải bỏ trốn sang Đài Loan, em vợ của anh ta cũng nói vậy.”
Như vậy thì hy vọng tìm được manh mối từ bình rượu này đã đi vào ngõ cụt.
Mục Dung Hán và Từ Tử Sơn quay về văn phòng tổ chuyên án ở phân cục đường Đại Tây. Lúc này Hồ Chân Lực và Tống Bỉnh Quân đã hong khô dấu chân lấy được ở bên ngoài vách tường từ đường nhà họ Hoàng ở Hoàng gia trang, lấy được một dấu chân nguyên vẹn, hai người dùng kính lúp quan sát một lúc. Mục Dung Hán và Từ Tử Sơn cũng đến xem thật kỹ, cuối cùng cho ra được kết quả: Người lẻn vào từ đường nhà họ Hoàng đốt thi thể đã mang một đôi giày vải bị mòn vẹt, chiều cao ước chừng 170cm. Từ mức độ bào mòn của đế giày và hành động ném bình rỗng sau khi tưới xăng cho thấy, rất có thể người đốt thi thể là một tên ăn mày.
Mục Dung Hán lại đưa ra một vấn đề với hai hình cảnh còn lại: “Liệu một tên ăn mày thì có rành về nơi tọa lạc ở Hoàng gia trang trong vịnh Thất Loan cách xa thành phố như từ đường nhà họ Hoàng hay không?”
Hồ Chân Lực mới dáp: “Bình thường thì chắc là sẽ khá rành, bởi vì nhà họ Hoàng rất có tiếng tăm. Từ xưa đến nay mỗi năm đều tổ chức hoạt động lớn kính bái tổ tông, viếng mộ, chôn cất rất hoành tráng. Lần nào cũng có đến mấy trăm người già trẻ gái trai tụ tập. Khi đó Hoàng gia trang sẽ thành một khu chợ nhỏ, một vài người bán hàng rong sẽ đi ngang qua đó rao hàng, bán đồ ăn vặt hoặc đồ chơi trẻ con, trang sức cho phụ nữ, cũng có nhiều ăn mày tranh thủ đi qua xin tiền.”
Mục Dung Hán nghe xong thì lắc đầu im lặng. Lúc trước anh cho rằng tên ăn mày đó không rành về Hoàng gia trang, nên trước khi tới đó nhất định phải đến nghiên cứu địa hình trước. Một tên ăn mày lộ diện hỏi han trong thôn nhất định sẽ thu hút sự chú ý của người dân, thế thì có thể điều tra từ chỗ người dân trong thôn, nói không chừng sẽ tra được manh mối gì đó. Nay xem ra có thể tên ăn mày đó không xa lạ gì với Hoàng gia trang, thế thì hắn ta cũng chẳng cần phải nghiên cứu địa hình rồi.
Lúc này, chàng công an nhân dân xuất thân từ đồn công an Trấn Bình vẫn luôn giữ im lặng kể từ khi tham gia điều tra chuyên án đột nhiên lên tiếng. Đừng thấy cậu chàng này hay im ỉm như thế, thật ra cậu ta cũng rất thích động não suy nghĩ, lúc này cậu ta đã nghĩ tới một cách để tra ra tên ăn mày đốt thi thể: “Liệu chúng ta có thể điều tra về tên ăn mày này từ chỗ những người ăn mày khác hay không?”
Câu nói này đã nhắc nhở mọi người, tổ chuyên án quyết định ngày mai vẫn sẽ chia làm hai tốp để điều tra về tên ăn mày kia.
Trước kia khi làm trinh sát quân sự Mục Dung Hán đã từng có kinh nghiệm, nhiều lần hóa trang, trà trộn vào khu bị kẻ địch chiếm lĩnh để chấp hành nhiệm vụ, cũng từng làm quen với cánh ăn mày nên nói: “Sáng ngày mai tôi sẽ đến phòng tài vụ bên cục thành phố lĩnh một ít tiền lẻ, muốn làm quen với cánh ăn mày mà không tiêu chút tiền thì e là không được.”
Nói đoạn, anh lại ngáp dài một cái: “Được rồi, đêm nay đến đây thôi, mọi người về ngủ một giấc đi, ngày mai còn nhiều việc phải làm lắm.”
Nhưng ông trời định sẵn tối hôm đó bọn họ không thể nào ngủ được rồi. Mấy người sắp sửa rời khỏi phân cục thì một vị cán sự trực đêm trong phân cục đột nhiên chạy vào: “Ngoài cửa có người đến tìm các đồng chí trong tổ chuyên án, nói là lại có thêm một cái quan tài trong Hoàng gia trang bị đốt!”
Các điều tra viên trong tổ chuyên án đều trợn mắt không nói nên lời. Vẫn là Mục Dung Hán phản ứng đầu tiên, vội hỏi: “Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì thế? Chẳng lẽ đám kia ăn gan trời muốn thi gan với chúng ta à? Đi, đến Hoàng gia trang thôi!”
Diêu đầu to trông coi từ đường thật sự không thể ngờ quan tài trong từ đường lại bị đốt lần nữa. Hôm qua anh ta bận dập lửa từ nửa đêm đến tận hừng đông, sau khi vào thành phố báo tin cho người nhà họ Hoàng xong thì lại phải ra đồng làm ruộng, bận rộn đến lúc ăn cơm tối, toàn thân rã rời nên vừa đặt lưng xuống là ngủ ngay. Vợ của anh ta dọn dẹp nhà cửa xong thì chong đèn may vá, làm một lúc thì ngoài cửa sổ lại đỏ rực như hôm qua. Ban đầu cô còn tưởng là mình bị ám ảnh bởi việc hôm qua nên có ảo giác, sau khi bình tĩnh nhìn kỹ lại thì mới xác định là hậu viện lại bị cháy. Thế là cô lập tức lay chồng dậy, cả nhà vội vàng chạy ra hậu viện, lúc này thì một chiếc quan tài khác đã bốc cháy hoàn toàn, ngọn lửa bùng lên cao ngất!
Diêu đầu to vẫn xách nước dập lửa như hôm qua, sau khi dập tắt thì lại sai con trai lớn chạy ngay vào thành phố để tìm mấy anh cảnh sát khi sáng đã tới đây điều tra ở phân cục đường Đại Tây. Sau đó lại đến nhà của ông Bạch báo lại việc này.
Khi bốn điều tra viên chạy đến hiện trường thì nghe được một tin bất ngờ: Kẻ phóng hỏa đã bị người dân trong Hoàng gia trang bắt giữ - quả nhiên là một tên ăn mày.
Điều tra viên tiến hành lấy lời khai ngay tại chỗ, chiều cao không khác gì so với phỏng đoán ban đầu, tuổi trên dưới 30, trên gượng mặt nhem nhuốc là một đôi mắt hí như ăn trộm, gã ra chiều sợ hãi khi gặp mấy vị công an mặt mày đanh thép kia. Mục Dung Hán bước lên, gã cho rằng anh định đánh mình nên sợ đến mức quỳ mọp xuống, tung tuyệt chiêu cuối trong nghề - Dập đầu như giã tỏi, luôn mồm hét câu “giơ cao đánh khẽ”.
Mục Dung Hán mới nói: “Cảnh sát nhân dân của chính phủ không phải cảnh sát Ngụy phái phản động của đảng quốc dân. Sẽ không đánh mắng phạm nhân. Anh ngồi xuống đây đi. Lão Từ, anh cho anh ta một điếu thuốc, hút mấy hơi bình tĩnh lại rồi thành thật khai báo. Chúng tôi sẽ dựa vào thái độ của anh để quyết định xem sẽ xử lý anh thế nào!”
Gã ăn mày này tên Tiền Bảo Sơn, người huyện Tứ tỉnh Giang Tô, lúc còn trẻ thì quê hương gặp thiên tai, người nhà đều gặp nạn, cuối cùng anh ta phải ra ngoài ăn xin, đi đến tỉnh thành Trấn Giang này. Trước đây thì ăn mày thuộc thành phần lưu manh vô sản. Xuất phát từ nhu cầu mưu sinh nên ngoài ăn xin ra thì bọn họ còn rất nhiều thủ đoạn xấu xa khác, trộm cắp lừa đảo đều rành cả. Tiền Bảo Sơn làm lâu năm nên rành hết các ngón trong nghề, cũng nhờ vậy nên quen được vài người bạn, hạng người nào cũng có.
Sở dĩ người ta phải làm quen với ăn mày là vì có khi sẽ đẩy họ ra dùng như pháp bảo, khi ấy sẽ có tác dụng rất tuyệt vời. Ví như nhà anh gặp phải một ông hàng xóm xấu xa thích hại người khác để làm lợi cho bản thân, nói lý lẽ với họ thì họ không quan tâm, báo quan thì chuyện nhỏ quá nên cũng không ai để ý. Vào lúc thế này, nếu như anh có một người bạn như Tiền Bảo Sơn thì có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này ngay. Chỉ cần nhờ vả một chút là lão Tiền sẽ gọi cả đám ăn mày tới ngồi kín trước cửa nhà tên hàng xóm nọ. Thời nào cũng có ăn mày, đi ăn xin cũng không phạm pháp, bọn họ có thể ngồi lì trước cửa nhà của tên hàng xóm ác bá đó cả ngày lẫn đêm, luôn mồm hát Liên Hoa Lạc, khua gậy trúc lách cách làm người ta đau hết cả đầu. Thế đã là khách khí lắm rồi, nếu như tên hàng xóm kia không chịu nhận lỗi thì cứ tè rồi bĩnh ra ngay cửa, còn có thể dọn dẹp thùng rác gần đó thay công nhân vệ sinh nữa. Đương nhiên rác rưởi dọn ra được đều chất đống ở cửa nhà của hàng xóm. Nếu như không biết điều thì vẫn còn một chiêu lợi hại hơn – bắt rắn rết hay chuột cống gì đó nhét vào khe cửa nhà đó. Dù sao thì chỉ cần nhà nào bị ăn mày bám dính thì tám chín phần mười sẽ biết điều ngay. Vậy cảnh sát cũng để yên ư? Đương nhiên cũng sẽ quản, nhưng cơ bản chẳng có chút hiệu quả nào. Cảnh sát đến thì đám ăn mày sẽ kéo đi, cảnh sát vừa khuất dạng thì họ đã tụ lại, hoặc là ban ngày đến, chờ tới đêm mới chường mặt ra. Đến lúc đó thứ họ mang tới sẽ không chỉ là rắn rết hay chuột bọ nữa, thậm chí còn có thể xách theo cả xác chết lấy ra từ bãi tha ma.
Cảnh sát không phải dành riêng để đối phó với ăn mày, làm gì có nhiều thời gian và sức lực để nhây với họ? Bình thường còn ra mặt khuyên người trong cuộc hãy nhượng bộ nữa.
Tiền Bảo Sơn chính là lão làng chuyên làm mấy vụ như thế. Vậy thì tại sao lần này lại nhận cả thiêu quan tài đây? Hơn nữa còn nhắm riêng vào từ đường của nhà họ Hoàng mà ra tay liền hai vụ? Gã khai thật là do có người thuê.
Sau khi Trấn Giang giải phóng thì cánh ăn mày sống cũng đỡ hơn trước kia một chút, những thành phố lớn như Thượng Hải và Nam Kinh cũng được chính phủ khởi xướng tổ chức cho những người ăn mày về quê làm nông. Trấn Giang lúc này đã không còn là thành phố tỉnh lị nữa, chỉ là một thành phố nhỏ thuộc quyền quản lý của cơ quan hành chính Tô Nam, hạng mục đó vẫn chưa được triển khai và mở rộng, nhưng ở cửa lớn của các cơ quan chính phủ đã có tuyên truyền về chuyện này.
Đám ăn mày như Tiền Bảo Sơn đều mù chữ, đọc không hiểu, nhưng chính phủ cũng đã cân nhắc đến chuyện này nên đã vẽ cả tranh tuyên truyền nói rõ, cái này thì bọn họ xem hiểu. Mấy người ăn mày khác nghĩ thế nào thì không rõ, nhưng Tiền Bảo Sơn thật sự rất muốn về quê, bởi vì mấy bức tranh vẽ có chỉ rõ nếu như về quê có thể tham gia cải cách ruộng đất, được chia cả ruộng vườn nhà cửa, còn có thể đấu tố đám địa chủ ác bá trước kia từng ức hiếp cánh dân nghèo như bọn họ.
Nhưng Tiền Bảo Sơn lại nghĩ nếu, về quê với hai bàn tay trắng như thế thì không được ổn cho lắm, kiểu gì cũng phải mua chút quà cho lối xóm và biếu ít tiền cho trưởng bối trong tộc chứ. Nên gã phải kiếm ít tiền mới được. Vừa nghĩ thế này xong thì cơ hội đã tới, có một người tên Cẩu Hưng Tri đột nhiên mời gã đi uống rượu, nhờ gã làm giúp một chuyện, sau khi thành công sẽ cho gã một số tiền lớn làm thù lao.
Cẩu Hưng Tri là dân bản địa ở Trấn Giang, 40 tuổi, người này trải đời nhiều, tính riêng những nghề mà hắn ta từng làm thì cũng hơn 18 nghề, công nông binh học thương (1), cảnh hiến
đặc kiểm pháp vân vân hắn ta cũng từng làm. Cái gọi là “kiểm pháp” là chỉ viện kiểm sát và pháp viện, trước đây hắn ta từng làm lái xe cho viện kiểm sát và pháp viện địa phương Giang Tô. Nhưng người này làm việc gì cũng không bền, lâu lâu lại đổi nghề rồi bắt đầu lại từ đầu. Mãi cho đến chín năm trước hắn ta làm bác sỹ nha khoa thì mới xem như ổn định lại. Trước đây mọi người không quan trọng vấn đề răng cỏ, hay có quan niệm rằng dù có rụng hết răng cũng không chết được, cứ lắp hàm răng giả vào là ổn cả. Cho nên làm nha sỹ cũng không cần văn bằng, giấy chứng nhận, quyền cấp đơn thuốc hay phòng khám bệnh gì cả, cứ dựng cây dù bên vệ đường với một cái bàn làm việc là được, kiểu gì cũng có người đến nhờ chữa cho. Còn chữa răng ấy à, cũng đơn giản thôi, cơ bản chỉ toàn nhổ thẳng răng ra là xong. Chẳng phải răng đau à? Cái nào đau thì cứ nhổ cái đó, nhổ xong là chẳng còn đau nữa.
Làm nghề này, chỉ cần không có sự cố gì nghiêm trọng thì nhất định sẽ kiếm được tiền. Được vài năm thì Cẩu Hưng Tri lại thuê một cửa hàng, cất cây dù đi, bắt đầu làm nha sỹ hẳn hòi, còn được hẳn chiêu bài “bác sỹ lưu mỹ” (giữ lại cái đẹp). Không bao lâu sau lại cưới một cô vợ. Vợ của Cẩu Hưng Tri tên Quách Quế Trân, nhỏ hơn hắn ta bảy tuổi, trắng trẻo xinh xắn, nhưng lại là quả phụ tái giá. Quả phụ cũng không sao cả, dù là trong xã hội cũ còn nặng tư tưởng phong kiến thì quả phụ tái giá cũng không phải chuyện to tát gì, vấn đề là Quách Quế Trân 16 tuổi lấy chồng, 18 tuổi thủ tiết, đến 25 tuổi lại tái hôn, trong thời gian đó đã ngoại tình không biết bao lần, kỳ thực cô ta là một gái bán hoa. Vậy Cẩu Hưng Tri có biết việc này hay không? Hắn ta đương nhiên cũng biết rõ, nhưng lại không quan tâm lắm, bởi vì hắn ta thích vẻ xinh đẹp lẳng lơ của Quách Quế Trân.
Nhưng chẳng được bao lâu thì gã đã phải nếm trái đắng, chưa đến một năm, chẳng những bị Quách Quế Trân cắm sừng mà cô ả còn bỏ hắn ta để lao vào vòng tay của nhân tình mới. Điều khiến cho Cẩu Hưng Tri tức giận hơn nữa là tình địch của hắn ta lại là một lão khọm đã qua tuổi lục tuần!
Lão già này tên Hoàng Kim Xuân, là em trong họ của người chuyên quản lý chuyện trong gia tộc hiện tại là Hoàng Kim Bạch đã được nhắc đến trước đó. Lại nói, lão Hoàng này cũng xem như đồng nghiệp của Cẩu Hưng Tri. Cẩu Hưng Tri làm nha sỹ, lão Hoàng là trung y, chuyên khám phụ khoa, cũng có chút danh tiếng ở đất Trấn Giang này.
Trong bảy năm thủ tiết kia Quách Quế Trân đã từng qua lại với rất nhiều đàn ông nên mắc bệnh phụ khoa. Sau khi kết hôn với Cẩu Hưng Tri thì hắn ta lại muốn có một đứa con trai. Đối với Quách Quế Trân thì điều này vô cùng khó khăn, với tình hình của cô ả lúc đó thì đừng nói là sinh con trai, có mang thai được hay không cũng chưa rõ nữa là. Kết quả cưới nhau mấy năm, thai thì chẳng thấy đâu nhưng bệnh phụ khoa của Quách Quế Trân thì lại nặng thêm. Nên cô ả mới lén lút đến chỗ lão Hoàng xem bệnh.
Hoàng Kim Xuân vừa gặp Quách Quế Trân thì đã bị nhan sắc của cô ả mê hoặc, lão vừa tận tình khám và chữa bệnh cho Quách Quế Trân, vừa ra sức dụ dỗ.
Hoàng Kim Xuân xuất thân phú thương, bản thân làm trung y mấy chục năm nên cũng có chút của cải. Lão cam lòng bỏ vốn liếng ra, chẳng những xem bệnh không lấy tiền, ngay cả thuốc uống cũng điều chế miễn phí cho Quách Quế Trân. Ngoài ra lão còn thường xuyên mua quà cáp. Quách Quế Trân vốn cũng chẳng phải người đứng đắn gì, lại vốn tính tham lam nên dần dà cũng bắt đầu à ơi với lão Hoàng.
Kháng chiến thắng lợi, Trấn Giang lại thành tỉnh lị của tỉnh Giang Tô (thời kỳ Nhật Ngụy thì tỉnh lị của tỉnh Giang Tô chuyển về Tô Châu). Hoàng Kim Xuân có một người anh em kết nghĩa từ thuở nhỏ tên Mạc Bá Hùng, nguyên là đội trưởng quân đội đảng quốc dân, lúc tác chiến bị thương một chân, không thích hợp ở lại bộ đội nữa nên quay về địa phương làm cố vấn của đoàn bảo an và cục cảnh sát. Hoàng Kim Xuân vừa móc nối lại quan hệ với ông anh này thì chuyện của lão và Quách Quế Trân đã đổ bể, bị Cẩu Hưng Tri bắt gian tại chỗ nên đánh cho một trận.
Cẩu Hưng Tri đánh xong còn chưa hả giận, đang nghĩ xem nên xử lý thế nào thì Hoàng Kim Xuân đã quay ngược về báo thù – Tối hôm đó, Cẩu Hưng Tri đã bị đoàn bảo an bắt về, sau một phen tra tấn thì tiếp tục đưa tới cục cảnh sát thành phố tống vào tù với tội danh “Tự ý xông vào nhà dân và cố ý hành hung”. Hắn ta vốn tưởng bị nhốt dăm ba ngày là sẽ được thả, nào ngờ có một người lính gác trước kia thường xuyên đến chỗ hắn ta khám răng lén nói cho hắn biết là cục cảnh sát đang chuẩn bị tài liệu cần thiết, nghe nói là muốn kiện hắn ta ra tòa, có khi sẽ bị phán đến bảy năm. Cẩu Hưng Tri nghe xong cũng không kinh ngạc gì nhiều, vì trước kia hắn ta từng làm đặc vụ, hiến binh, cảnh sát nên biết rõ mặt tối trong này, đoán chắc là Hoàng Kim Xuân nhất định có chỗ dựa, đã đút lót gì cho bên cảnh sát. Vậy thì hắn ta nên ứng phó thế nào đây?
Đêm đó Cẩu Hưng Tri vượt ngục bỏ trốn.
Chuyện kể trên là Cẩu Hưng Tri kể cho gã ăn mày Tiền Bảo Sơn nghe lúc mời gã uống rượu, hắn ta không nói rõ trong hai năm vượt ngục mình đã đi đâu và làm gì, chỉ nói là sau khi Trấn Giang giải phóng thì mới quay về.
Sau khi nghe ngóng thì biết tin không biết con vợ Quách Quế Trân của mình đã đi đâu, mà lão khọm Hoàng Kim Xuân thì vẫn còn sống sờ sờ ra đó, chẳng qua vì ham mê tửu sắc, lại miệt mài quá độ nên bị bại liệt hơn một năm nay, hấp hối chẳng khác gì ngọn đèn trước gió, chỉ chờ Diêm Vương phái tiểu quỷ câu hồn tới đưa lão đi mà thôi. Vốn dĩ, Cẩu Hưng Tri định lập ra một kế hoạch để lấy mạng của lão già dê kia một cách thần không biết quỷ không hay, có thù không báo thì sao xứng là quân tử! Nhưng Hoàng Kim Xuân nay đã như vậy rồi, nếu tống lão xuống địa ngục, lỡ đâu lộ sơ hở thì còn phải đền mạng cho lão ta, thế thì không đáng. Nên Cẩu Hưng Tri không định giết chết Hoàng Kim Xuân, chẳng qua thù thì nhất định phải báo nên hắn mới nghĩ ra cách khác - Ấy chính là đợi Hoàng Kim Xuân chết vì bệnh xong thì đốt trụi cả quan tài lẫn xác của lão ta!
Chính quyền mới cũ đều không có khái niệm rõ ràng phương diện thuần hình sự có phải tội hay không, lúc tân Trung Quốc vừa thành lập cũng vậy. Những hành vi trước kia được quy vào phạm tội như giết người, phóng hỏa, cướp bóc, trộm cắp, lừa gạt, cưỡng hiếp vân vân cũng được tính là phạm tội trong xã hội mới. Còn những hành vi vặt vãnh như trộm vặt, móc túi thì chỉ bị nhốt vài ngày là thôi.
Cẩu Hưng Tri đã từng làm đặc vụ, hiến binh, cảnh sát nên biết rõ luật pháp của xã hội cũ, sau khi so sánh với xã hội mới một phen, thầm nghĩ dù việc đốt thi thể bị phát hiện thì cùng lắm cũng chỉ bị nhốt vài ngày, huống hồ hành vi lợi dụng việc khám chữa bệnh để sàm sỡ phụ nữ của Hoàng Kim Xuân đã đồn khắp Trấn Giang, đó là hành vi ác bá, lúc ở xã hội cũ là vì có thông đồng với quan viên chính quyền Ngụy nên không làm gì được lão, nay đã giải phóng thì phải thanh toán cho ra nhẽ.
Nên phỏng chừng chính quyền mới cũng sẽ không nghiêm túc truy cứu hành vi đốt thi thể của loại người thế này. Lão già dê này đã chầu trời rồi, Cẩu mỗ thân là người bị hại lại thì trút giận một chút cũng không được ư? Đương nhiên, bản thân Cẩu Hưng Tri sẽ không làm chuyện bẩn thỉu như đốt thi thể rồi, phải tìm người làm giúp, nên mới nhớ tới Tiền Bảo Sơn từng làm tai mắt cho cảnh sát Ngụy trước kia.
Cẩu Hưng Tri mời Tiền Bảo Sơn uống rượu là vì việc này. Hắn ta kể hết đầu đuôi sự việc cho Tiền Bảo Sơn nghe, sau đó lại lấy cả xấp một trăm nghìn đồng tiền mặt (nhân dân tệ cũ, tương đương với mười nhân dân tệ mới) ra, nói: “Lão Tiền anh cân nhắc một chút xem có chịu làm hay không, nếu làm thì tôi sẽ trả cho anh hai trăm nghìn xem như thù lao, đây là tiền đặt cọc. Nửa còn lại thì chờ sau khi làm xong tôi sẽ trả nốt.”
Đối với Tiền Bảo Sơn thì đây là vụ làm ăn mà gã cầu còn không được, vừa kiếm được cả đống tiền (Ở Trấn Giang khi ấy hai trăm nghìn đồng tương đương với tiền lương một tháng của người bình thường), lại không cần gánh nguy hiểm gì nhiều. Dù có bị phát hiện và tống vào cục cảnh sát thì cũng chỉ ăn cơm tù vài ngày, chính phủ còn cho ăn cơm, còn tốt hơn gã lê lết ăn xin ngoài đường rồi ngủ trong miếu cũ ấy chứ, nên lập tức nhận lời và cầm tiền đặt cọc.
Cẩu Hưng Tri nói chuyện này với Tiền Bảo Sơn vào ngày 5 tháng 10, lúc hai người chia tay Cẩu Hưng Tri đã dặn dò Tiền Bảo Sơn một ngày ba buổi sáng trưa chiều đều phải đi ngang qua cửa nhà Hoàng Kim Xuân xem lão già dê đó đã chết hay chưa.
Tiền Bảo Sơn đi suốt từ ngày 6 tháng 10 đến ngày 16 tháng 10, sáng sớm hôm đó đã kích động chạy đi tìm Cẩu Hưng Tri, báo cho hắn ta biết là 5 giờ rưỡi sáng hôm nay Hoàng Kim Xuân đã tắt thở. Cẩu Hưng Tri hay tin thì thở phào một hơi, móc ra một xấp tiền mặt năm nghìn đồng đưa cho Tiền Bảo Sơn, nói: “Lão Tiền anh vất vả rồi, chắc vẫn chưa ăn gì đúng không? Cầm lấy chỗ này đi ăn sáng đi. Mấy hôm nữa anh còn phải vất vả một phen, nhớ để ý xem nhà họ Hoàng đưa tang lúc nò rồi đi theo đến từ đường nhà họ, xem rõ quan tài của Hoàng Kim Xuân đặt ở chỗ nào. Tôi nghe nói trong từ đường nhà họ Hoàng có đặt hơn hai mươi cái quan tài, đừng có nhìn sai kẻo đốt nhầm người khác.”
Ngày 20 tháng 10, Tiền Bảo Sơn báo cho Cẩu Hưng Tri biết là chiều hôm qua chiếc quan tài chứa Hoàng Kim Xuân đã dùng thuyền chuyển đến Hoàng gia trang, gã đã đi bộ đến nơi đó, còn nhân lúc đông người hỗn loạn mà lẻn vào từ đường, tận mắt nhìn rõ nơi đặt chiếc quan tài đó. Cẩu Hưng Tri nghe xong bèn nói: “Vậy anh chờ khi nào tôi gọi thì ra tay nhé.”
Tiền Bảo Sơn vốn còn tưởng là qua hôm sau sẽ ra tay, nhưng chờ suốt hai ngày vẫn không có tin tức gì. Gã lại là người tích cực, trong lòng cứ nhớ mãi đến mười ngàn đồng khác, sợ Cẩu Hưng Tri đổi ý. Tối hôm đó gã lại nhịn không được mà đến trước cửa nhà Cẩu Hưng Tri đảo quanh, nhưng lại thấy cửa đã khóa. Với thân phận ăn mày như gã thì đương nhiên không tiện hỏi hàng xóm xem Cẩu Hưng Tri đã đi đâu nên đành thấp thỏm quay về.
Trưa ngày 23 tháng 10 thì Cẩu Hưng Tri xuất hiện, hắn ta mới hỏi Tiền Bảo Sơn: “Lão Tiền à, đêm nay ra tay nhé, anh có nắm chắc không?”
Tiền Bảo Sơn đáp: “Đây cũng không phải giết người nên anh Cẩu cứ việc yên tâm, sáng mai chờ nghe tin tốt của tôi đi!”
Cẩu Hưng Tri nghe vậy thì hẹn chiều tối hôm sau gặp nhau ở cửa tiệm mì Chánh Hương bên cổng nam.
Đêm đó Tiền Bảo Sơn bèn lẻn vào Hoàng gia trang, trèo tường leo vào hậu viện từ đường nhà họ Hoàng phóng hỏa, sau khi xong xuôi thì quay về miếu thổ địa mà mình đang ở tạm trong thành.
Chiều hôm nay, Tiền Bảo Sơn đúng hẹn đến cổng nam gặp Cẩu Hưng Tri ở cửa tiệm mì Chánh Hương. Gã vốn còn tưởng là Cẩu Hưng Tri định mời mình ăn mì nên đặc biệt mặc một bộ đồ tương đối sạch sẽ, dù cũng vá chằng vá đụp. Nào ngờ Cẩu Hưng Tri vừa gặp đã xụ mặt, lạnh lùng bảo: “Lão Tiền à, anh đốt sai quan tài rồi!”
Tiền Bảo Sơn giật mình, thầm nghĩ chắc chắn không thể có chuyện này được, phái biết là lúc trước gã đã từng đến từ đường nhà họ Hoàng xem rất kỹ, tuy không biết chữ nên không đọc được tên người chết viết ở tấm gỗ trên đầu quan tài, nhưng gã đã nhớ rõ chỗ đặt quan tài kia mà.
Cẩu Hưng Tri nhìn ra ý này trong mắt gã nên nói thêm: “Sáng hôm nay tôi đã chạy đến Hoàng gia trang xem rồi, đúng là đã đốt sai rồi. Cái quan tài bị anh đốt là một người vừa mới chết bên nhà họ Hoàng, trưa hôm qua mới vừa chuyển đến đó.”
Tiền Bảo Sơn nghe xong thì lầm bầm: “Aiz, không ngờ lại còn chuyện này.”
Cẩu Hưng Tri lại đưa cho gã thêm năm nghìn đồng rồi nói: “Lão Tiền anh ăn bát mì đi, tôi còn có việc, đêm nay lại làm phiền anh đi thêm một chuyến vậy.”
Cẩu Hưng Tri sợ lại có thêm sự cố nên mới lấy một tờ giấy ram bên trên có một chữ “Kim” viết bằng bút lông to cỡ cái bát ăn cơm rồi dặn dò: “Lần này trước khi anh đốt thì quẹt một que diêm nhìn cho rõ ba chữ viết ở tấm gỗ trên đầu quan tài, xem cái nào có chữ này ở giữa thì đúng là nó đấy.”
Nói đoạn, lại lấy một bình nước quân dụng trong giỏ xe đạp ra đưa cho Tiền Bảo Sơn: “Nhặt thêm chút giấy lộn hay gỗ vụn mang theo rồi rưới hết dầu hỏa trong này để đốt, đợi bắt lửa hết hãy rời khỏi hiện trường nhé.”
Tiền Bảo Sơn lại đến Hoàng gia trang một chuyến. Nào ngờ chuyến này lại rơi vào trong tay Diêu đầu to.
(1) Chỉ quần thể lớn bao gồm: Công nhân, nông dân, quân nhân, học sinh và thương nhân!