Cứ đến cuối tuần là mẹ con Hứa Liên Nhã sẽ về bên Hứa Đồng ăn cơm, vì ngày mai lên đường rồi nên tối nay phải báo cáo sớm.
"Ngày mai chúng ta phải đi đâu?" Hứa Liên Nhã vừa lái xe vừa hỏi A Dương.
"Đi tìm bố."
"Trời, mẹ vừa dạy con nói thế nào hả?" Hứa Liên Nhã nhìn cô bé từ gương
chiếu hậu, "Nếu bà ngoại hỏi vì sao mai không về ăn cơm thì phải nói thế nào?"
A Dương quanh co một hồi, "Mai phải đi Quế Lâm với mẹ..."
"Đi Quế Lâm làm gì?"
"Tìm bố."
Hứa Liên Nhã đau cả đầu, "Không được nói 'tìm bố', phải nói là đi xem cái gì hả?"
"Đi... đi xem núi Vòi Voi."
"Ừ, còn gì nữa không?"
"Cả mỏm đá Thất Tinh..."
"Nhớ đấy, không được nói 'tìm bố' đâu đấy, nếu không chúng ta không đi được đâu, biết chưa?"
A Dương vẫn không từ bỏ, "Vì sao không thể nói?"
Hứa Liên Nhã cân nhắc néu nói thẳng là bà ngoại không thích bố, liệu có
làm con bé hiểu lầm tư tưởng hai người là địch hay không.
"Vì bố không chịu về nhà nên bà ngoại giận. Con tan học không về nhà thì mẹ có giận không nào?"
"À..." A Dương suy nghĩ, "Vậy mẹ con ta đi gọi bố về nhà thì bà sẽ không giận nữa."
Trước khi lên nhà, Hứa Liên Nhã lại tập lại một lần với A Dương.
"A Dương, chúng ta có thể đi Quế Lâm được hay không là phụ thuộc vào biểu hiện của con đấy."
A Dương nắm chặt bàn tay nhỏ thể hiện quyết tâm.
Một nhà năm người cùng ăn cơm.
Hứa Liên Nhã đưa mắt ra hiệu với A Dương, người sau liền nháy mắt mấy
cái, gắp một miếng thịt bò, không biết là có hiểu gì không.
"Mẹ, ngày mai con dẫn A Dương đi Quế Lâm chơi nên không về nhà ăn được."
Hứa Đồng sững người, hỏi: "Sao đột nhiên lại muốn đến Quê Lâm làm gì, tháng bảy tháng tám vừa đông người lại vừa nóng."
"Con bé biết hiểu chuyện rồi, cũng nên dẫn nó đi đây đi đó."
"Quế Lâm thì có gì hay mà chơi?" Hứa Đồng chuyển sang trác cháu gái ngoại, "Cháu muốn đi Quế Lâm à?"
A Dương gật đầu, "Muốn ạ!"
"Đi Quế Lâm chơi cái gì, còn không bằng để bà ngoại dẫn cháu đi núi Thanh Tú còn hơn."
"Đi tìm núi Vòi Voi."
Hứa Liên Nhã nghe mà chóp mũi chảy cả mồ hôi lạnh, may mà Hứa Đồng không sửa ngữ pháp sai của con bé.
Hứa Đồng quay sang Hứa Liên Nhã, "Một mình con dẫn con đi xa như thế
liệu có bận quá không? Hay là để Hà Duệ đi cùng các con đi, dù sao điền
nguyện vọng xong thì thằng bé cũng rảnh rang rồi."
Hà Duệ bất đắc dĩ ngẩng đầu lên khỏi bát cơm.
Hứa Liên Nhã nói giúp cậu: "Chắc Tiểu Duệ có sắp xếp với bạn rồi, cũng không cùng tuổi với bọn con, đi cũng thấy chán."
A Dương cũng nói tiếp, "Chú nhỏ muốn đi chơi với bạn học nữ."
Suýt nữa Hà Duệ không nuốt nổi cơm xuống, đưa mặt lại gần: "Chú nói đi chơi với bạn học nữ lúc nào?"
A Dương đong đưa đôi chân, "Trong điện thoại của chú đều là ảnh của bạn học nữ."
"... Đó là minh tinh, minh tinh ca nhạc."
"Hì hì."
Hai mẹ con Hứa Liên Nhã tránh được một kiếp nạn.
Hứa Đồng bất đắc dĩ nói: "Mùa hè nhiều muỗi, nhớ mang theo thuốc đuổi
muỗi. Trẻ con khó quen thủy thổ, cũng phải mang theo thuốc tiêu hóa cảm
cúm đấy, cả thuốc say xe nữa."
Hà Ngạn Phong ngồi bên cười, "Có ra khỏi Quảng Tây đâu mà không quen thủy thổ chứ."
Hứa Đồng liếc ông rồi nói tiếp, "Bên Quế Lâm ăn cay nhiều, nhớ không
được cho con bé ăn đâu đấy, cơm ở ngoài nhiều dầu mỡ, cố chần đồ ăn qua
nước."
"Vâng."
"Nhưng nước ở Quế Lâm cũng tốt lắm, uống nước nhiều chút, coi như tiêu độc."
"..."
"Còn nữa..."
"Con biết rồi mà mẹ, mẹ ăn cơm trước đi."
Hứa Đồng làu bàu trong miệng như đang suy nghĩ, rồi cuối cùng chốt hạ màn: "Ra ngoài nhớ chú ý an toàn."
Lúc xuống lầu, A Dương hỏi: "Biểu hiện của con tốt không mẹ?"
"Tốt lắm." Hứa Liên Nhã vỗ tay với cô bé từ trong đáy lòng.
"Có phải chúng ta đang lừa bà ngoại không?"
Hứa Liên Nhã nghĩ ngợi, "Đúng là chúng ta phải đến núi Vòi Voi mà."
Về đến nhà, Hứa Liên Nhã lôi vali ra.
"Con muốn mặc gì thì tự mang theo, không cần nhiều đâu, năm sáu bộ là đủ rồi."
Từ lâu Hứa Liên Nhã đã cho cô bé quyền tự lựa chọn, một nửa là muốn để con độc lập từ sớm, một nửa cũng do mình lười.
Đợi đến lúc Hứa Liên Nhã tăm xong đi ra, phát hiện cô bé đã dọng xong nửa chiếc vali, đang ôm con mèo ba chân cố nhét vào vali.
"A Dương, con làm gì đấy?"
Chú mèo bị nhấn vào vali cảnh giác nhìn xung quanh, tạm thời án binh bất động để tìm cơ hội bỏ trốn.
"Con muốn đem nó đến Quế Lâm, đưa cho bố."
Trẻ con càng lớn, tâm tư càng bộc lộ có thể khiến mẹ vừa bất ngờ lại ngạc nhiên mừng rỡ.
Hứa Liên Nhã ngồi xuống mép giường, dịu dàng nói: "Con mà nhét nó vào vali thì nó không thở nổi đâu."
"Vậy phải làm gì bây giờ?"
A Dương luống cuống đứng lên, Hỉ Thước cũng nhân cơ hội mà nhảy ra ngoài.
"Đổi cái khác."
A Dương lục lọi một hồi, rồi giơ con búp bê Hỉ Thước vải nỉ đến trước mặt Hứa Liên Nhã.
Hứa Liên Nhã chỉ vào mũi con mèo búp bê, "Bẩn thế này rồi mà cũng đưa cho bố à?"
A Dương cúi đầu nhìn lòng bàn tay, "Nhưng con thích cái này nhất, con muốn đưa cho bố."
"..." Hứa Liên Nhã dừng lau tóc, đưa tay sờ đầu cô bé, "Vậy thì mang theo đi, bố sẽ thích đấy."
Sáng sớm hôm sau liền lên đường.
Đây là lần đầu tiên A Dương đi xa, nhìn cái gì cũng thấy mới lạ.
"Mẹ ơi, tàu hỏa kìa!"
"Là tàu siêu tốc."
"Tàu siêu tốc là gì ạ?"
"... Là nhanh hơn tàu hỏa ấy."
Có lúc Hứa Liên Nhã cảm giác kiến thức của mình không đủ để dùng.
Lên tàu siêu tốc, phong cảnh ngoài cửa sổ lướt qua vùn vụt khiến A Dương hưng phấn cả một lúc lâu, cuối cùng bị hành trình dài đằng đẵng làm cho mệt nhoài.
Lần đầu tiên tàu siêu tốc dừng lại, A Dương kích động: "Đã tới chưa mẹ?"
"Mới đến Liễu Châu, còn một ga nữa."
"Liễu Châu là ở đâu ạ?"
"Là quê của món phở ốc luosifen."
Mười một giờ ba mươi, cuối cùng tàu siêu tốc cũng dừng lại ở ga bắc Quế Lâm.
"Mẹ ơi, đây là Quế Lâm rồi ạ?"
A Dương lại đầy hưng phấn.
Một số địa phương vẫn thi công như cũ, nhưng người lên xuống tàu cứ nối
đuôi nhau không dứt. Nghỉ hè là thời gian đi chơi cao điểm, đứng bên
ngoài toàn là hướng dẫn viên du lịch không ngừng í ới gọi khách.
"Dương Sóc, Dương Sóc đây..." Một người phụ nữ trung niên đội nón lá giơ tấm bảng lên hét to, "Cô ơi cô có đi Dương Sóc không, phố Tây, núi Cửu
Mã Họa, Ấn Tượng Lưu Tam Tỷ*..."
(*Phố Tây, núi Cửu Mã Họa là cảnh điểm nổi tiếng ở Dương Sóc, "Ấn Tượng
Lưu Tam Tỷ" là chương trình nghệ thuật nổi tiếng ở gần sông Li Giang,
Dương Sóc.)
"Cổ Đông đây, thác nước Cổ Đông ở bên này, đi ô tô một mạch là đến... Đi Cổ Đông đi, mùa hè thích hợp chơi nước..."
Hứa Liên Nhã cản lại mấy người, đi đến cạnh một chiếc taxi hỏi: "Bác tài, đến trạm xe mất báo nhiêu tiền?"
"Sáu mươi."
"... Đắt thế à."
"Đường xa mà, cô bắt xe bus đi cũng phải mất ba mươi bốn mươi phút."
Hứa Liên Nhã kéo A Dương còn đang ngẩn ngơ rời đi.
"Năm mươi vậy, lấy cô năm mươi đi ngay."
Cuối cùng hai mẹ con vẫn gia nhập vào đội ngũ chờ xe bus.
Tuyến 100 đã tới, mỗi một tốp đi lên là xe bus lại lắc lư, đầu mọi người cũng gật gù theo.
A Dương đi cùng mấy người phía trước định bò lên tầng hai, Hứa Liên Nhã vội gọi lại: "A Dương, chúng ta không lên tầng."
A Dương lại lắc lư quay đầu.
Hứa Liên Nhã xếp hàng ở tốp đầu, chiếm vị trí trong toa hành khách.
Hứa Liên Nhã tháo mũ A Dương xuống quạt cho cô bé, đau lòng hỏi: "Có mệt không?"
A Dương bướng bỉnh nhếch môi, lắc đầu, "Không mệt."
"Sắp đến nơi rồi..."
Đến trạm xe Quế Lâm thì đã hơn mười hai giờ, Hứa Liên Nhã mua vé xe hai
giờ mười, từ thành phố Quế Lâm đến huyện Bình Lạc khoảng hai tiếng.
Hứa Liên Nhã dẫn cô bé đến quán bún thịt ngựa kế cận.
"Con không ăn thịt ngựa." A Dương kiên quyết nói.
Còn nhỏ mà đã có thể phân rõ tốt xấu như thế, Hứa Liên Nhã lấy làm vui vẻ yên tâm.
"Ngựa là dùng để cưỡi, không thể ăn."
"Ừ, được rồi."
Hứa Liên Nhã gọi vào bún bò, trước khi ăn A Dương vẫn còn do dự, "Đây là thịt ngựa à mẹ?" Lấy được sự bảo đảm của Hứa Liên Nhã thì cô bé mới
chịu mở miệng.
Phòng chờ xe ở trạm xe vừa cũ vừa bí bách, khách một trời một vực với hình ảnh thành phố du lịch.
Hứa Liên Nhã để con gái ngồi trên đùi nghỉ ngơi, còn bản thân không dám chợp mắt.
Mắt con gái giống cô, hơi nhạt màu, lúc ngủ nhắm mắt thì che đi đặc điểm của cô, khiến ngũ quan nhìn càng giống Triệu Tấn Dương hơn.
Con đường phía trước khá mong manh, cô không biết quyết định này là đúng hay sai, cũng không biết có thể đổi được kết quả gì không, kéo cô con
gái nhỏ cùng bôn ba, thậm chí cô còn có ý nghĩ quay về.
Hứa Liên Nhã dán miếng dán say xe cho cô bé, rồi ôm con gái đang mơ màng lên xe, dần dần để lại thành phố Quế Lâm ở sau lưng.
Huyện Bình Lạc không giống huyện du lịch như Dương Sóc, du khách không
nhiều, nhưng mấy năm qua chính phủ đã quy hoạch thống nhất, bao nhiêu
ngồi nhà nối liền nhau ở hai bên đường phố đều được xây ngói xanh tường
trắng.
Trước khi xuống xe, Hứa Liên Nhã hỏi nhân viên bán vé đến thôn Phúc Sa
thì phải đi thế nào, nhân viên nói phải gọi thuyền đi qua.
"Các cô may đấy, hôm nay là ngày họp chợ, chứ bình thường không có thuyền đâu."
"Mẹ ơi, tại sao còn chưa đến ạ?"
A Dương ủ rũ như cọng rau héo.
"Sắp rồi..."
Lời dỗ dành trước sau như một của Hứa Liên Nhã đã tiết lộ tâm trạng nôn
nóng, giống củ cà rốt treo trước mắt con lừa, nhưng lại không có chút
tác dụng nào với con gái.
Hứa Liên Nhã để A Dương đẩy vali đi.
Hỏi đường trong huyện lị có hiểu quả hơn là tìm đường trên điện thoại,
Hứa Liên Nhã lại hỏi thêm hai người, cũng chỉ cùng về một phía, đi một
lúc lâu thì cuối cùng cũng đến bến thuyền.
"A Dương, chúng ta ngồi thuyền nữa là sẽ đến nơi."
A Dương đi chuyến này xong, ba đường thủy lục không chỉ còn mỗi máy bay là chưa đi.
Đi đò làm A Dương phấn chấn hơn, cô bé ngây thơ hỏi: "Đây là
biển ạ?"
"Là sông." Hứa Liên Nhã nói, "Đây là nơi giao nhau giữa Li Giang và Lệ Giang. Chữ 'Giang' có mấy nét chấm ấy nhỉ?"
"... Ba nét chấm."
Hứa Liên Nhã được người bán vé giúp lên thuyền, rồi hỏi: "Có thu tiền trẻ con không?"
"Nhỏ thế thì không cần."
"Người lớn thì mấy tiền?"
"Hai đồng."
Hứa Liên Nhã không khỏi mỉm cười, thì ra đi thuyền cũng như bọn họ đi xe bus.
Rồi lại hỏi: "Chuyến chậm nhất là đến mấy giờ?"
"Tám giờ tối."
Hứa Liên Nhã đưa tiền, sau đó dặn A Dương ngồi yên.
Gió hè phất qua mặt sông mang đến luồng mát mẻ hiếm có, đường thủy còn
xa hơn so với tưởng tượng, ngồi phải nửa tiếng, lúc lên bờ thì đã hơn
năm rưỡi.
Hứa Liên Nhã tính thời gian thấy vẫn còn kịp, bèn cho A Dương ăn chút đồ ở ven đường.
Hứa Liên Nhã nhớ trên tấm thẻ của Triệu Tấn Dương có ghi thôn Phúc Sa,
còn số mấy thì đã quên từ lâu, cho dù có nhớ số nhà, từ trước đến nay
tìm người trong thôn cũng không dễ.
Phần còn lại phải nhờ vào may mắn vậy. Hứa Liên Nhã đẩy con gái đi dọc theo đường xi măng.
Trẻ con lớn lên trong thành phố thường vô cùng tò mò với mọi cảnh vật ở nông thôn.
"Mẹ, chó nhỏ kìa!"
"Ừ..."
"Còn cả gà nữa, cục tác..."
"... Con muốn đi tiếp nữa không?"
A Dương sải đôi chân ngắn củn bước đi.
Đi được một đoạn thì bắt gặp một ông cụ dắt một con bò cái cùng hai con bê.
Hứa Liên Nhã bước lên hỏi đường.
"Chào bác, cho cháu hỏi chút, nhà Triệu Tấn Dương thì đi đường nào ạ?"
Ông cụ tò mò nhìn hai mẹ con.
"Triệu Tấn Dương." Hứa Liên Nhã tưởng ông ấy nghe không hiểu tiếng phổ thông, bèn nói chậm lại.
"À à, tôi biết, tôi biết." Ông cụ trả lời bằng giọng Quế Lâm, "A Dương à."
Chữ "Dương" (yáng) giọng Quế Lâm phát thành âm "Dương" (yǎng) , đọc nhanh cũng gần giống tiếng phổ thông.
A Dương nghe thế liền "hở?" một tiếng ngẩng đầu lên, lại thấy hai người
lớn không ai để ý đến cô bé, thế là sự chú ý lại quay về con bò.
Ông cụ lại nói thêm mấy câu bằng giọng Quế Lâm, không ngừng khoa tay múa chân.
Hứa Liên Nhã khó khăn thuật lại: "Đi về phía trước, rẽ phải ở giao lộ... Sau đó đến một căn nhà hai tầng ở bên trai, tầng mới... phải không?"
Ông cụ cười gật đầu, lại hỏi là người nhà ai.
Hứa Liên Nhã giả vờ nghe không hiểu, liên tục cám ơn rồi kéo con gái đi nhanh.
Nhà lầu trong thôn một trời một vực vô cùng khác biệt, có nhà lát gạch
đỏ, cũng có nhà trát bùn đất cũ kỹ, thỉnh thoảng lại thấy những tòa nhà
hiện đại lát gạch men.
Lúc nhà của Triệu Tấn Dương xuất hiện trong tầm mắt, cô bỗng thở phào nhẹ nhõm —— tốt hơn trong tưởng tượng nhiều.
Trước nhà có khoảng đất bằng, một bầy gà nhàn tản dạo mát, đúng lúc có
một người đàn bà đứng tuổi bưng mâm sắt đi ra, đổ thức ăn vào máng, đàn
gà liền cục ta cục tác vây lại.
Người đàn bà cho gà ăn xong liền đứng thẳng người lên, vừa vặn đụng mặt Hứa Liên Nhã.
Sau khi làm mẹ, Hứa Liên Nhã thường cảm thấy thú vị trước những di
truyền trên người trẻ nít. Giống như bây giờ, cô chắc chắn người đàn bà
kia chính là mẹ của Triệu Tấn Dương.
Hứa Liên Nhã kéo A Dương đến đôn đá ven đường để nghỉ ngơi, nói: "Chúng ta đến nơi rồi, chính là chỗ đó, đợi trời tối rồi vào."
A Dưởng ngẩng đầu nhìn trời, hỏi: "Tại sao phải đợi trời tối ạ?"
Hứa Liên Nhã thì thầm bên tai cô bé một hồi, A Dương không ngừng gật đầu.
Bảy giờ bốn mươi lăm phút, Hứa Liên Nhã thấy thời gian đã đủ.
"Mẹ vừa nói gì con đã nhớ chưa?"
A Dương dùng sức nói: "Rồi ạ!"
Hứa Liên Nhã vỗ đầu cô bé, "Tối nay chúng ta ngủ ở ven đường hay ngủ ở
trong nhà, đều phải xem xem biểu hiện lát nữa của con đấy."
Màn đêm ôm lấy thôn làng liền trở nên vô cùng yên lặng, đên tuyền một
mảnh, xung quanh chỉ có tiếng chó sủa ngẫu nhiên cùng côn trùng râm ran
kêu.
Cổng chính không khóa cửa, để lộ ánh đèn ảm đạm.
Hứa Liên Nhã gõ cửa, cất giọng hỏi: "Có người ở nhà không?"
Không ai trả lời.
Cô căng thẳng nắm chặt tay con gái.
Lại gõ cửa ba tiếng.
Tiếng trả lời của người đàn bà truyền đến cùng tiếp dép loẹt xoẹt.
"Ai thế?" Tiếng phổ thông cất lên mang theo giọng địa phương.
Có thể là do tuổi tác cùng những năm tháng đã trải qua, cẩn thận nhìn lại mới thấy Khương Mẫn già hơn Hứa Đồng nhiều.
Khương Mẫn thay nhau nhìn hai người khách xa lạ mới đến này, lúc ánh mắt lướt qua khuôn mặt nhỏ kia, nghi ngờ liền biến thành kinh ngạc.
"Hai người tìm ai?"
"Chào dì ạ. Chúng cháu đến đây tìm một người, nhưng hình như anh ấy
không có ở nhà, bây giờ lại không có thuyền, liệu có thể tá túc nhờ ở
nhà dì một đêm được không ạ?"
Hứa Liên Nhã kéo A Dương đến trước người mình, như để Khương Mẫn nhìn rõ.
Đây là một tín hiệu, A Dương nhận được liền đáng thương nói: "Bà ơi, mẹ
con cháu không về được, liệu có thể, liệu có thể ở nhà bà một đêm không
ạ? Chúng cháu sẽ trả tiền."
Khương Mẫn chần chừ không giống nghi ngờ, mà nhìn giống như sực tỉnh từ
trong cơn khiếp sợ hơn. Cuối cùng né người qua một bên, nói: "Vào đi."
"Mẹ con cô từ đâu đến thế?"
A Dương ở trong tiệm của Hứa Liên Nhã đến quen nên không hề sợ người lạ, trả lời: "Chúng cháu từ Nam Ninh đến tìm..."
Hai chữ đằng sau bị Hứa Liên Nhã bịt lại trong bàn tay, "Bọn cháu từ Nam Ninh đến ạ."
"Nam Ninh à, xa thật đấy."
Hứa Liên Nhã tranh thủ nháy mắt với A Dương, A Dương tự biết sai, vội che miệng lại.
"Hai người ăn cơm chưa?"
"Chưa ạ."
"Để lát nữa tôi làm ít đồ cho hai người, nhưng cũng không còn dư lại gì nhiều."
Hứa Liên Nhã vội bảo: "Không sao ạ, bọn cháu cũng không ăn nhiều."
A Dương phụ họa, "Vâng ạ, không ăn nhiều ạ."
Khương Mẫn ngoái đầu nở nụ cười đầu tiên từ khi gặp mặt.
Khương Mẫn dẫn bọn họ lên tầng hai, "Trong nhà chỉ có một mình tôi, tôi ở tầng dưới. Hai người ở đây đi, mấy hôm trước đã phơi chăn mền rồi."
Đây chắc hẳn là phòng cho khách, trơ trọi chỉ có một tấm màn đuổi muỗi. Cũng may là nhà mới, đèn thắp sáng trưng.
Khương Mẫn xào một dĩa thịt bò cà chua cùng dĩa rau muống.
A Dương gắp đũa thịt bò lên, Khương Mẫn chống tai ngồi cạnh hỏi: "Có hợp khẩu vị không?"
A Dương mải lo nhai, có thể cũng là do không nghe hiểu.
Hứa Liên Nhã nhắc: "Bà hỏi con ăn có ngon không."
"Ăn ngon lắm ạ!"
Khương Mẫn cười, "Mấy tuổi rồi?"gi
"Năm tuổi ạ, sang năm cháu sẽ lên lớp một."
Hứa Liên Nhã còn nói: "Đừng ăn hết thịt, ăn chút rau xanh đi."
Ăn cơm xong, Hứa Liên Nhã muốn giúp một tay thu dọn rửa chén, Khương Mẫn bèn cản lại.
"Tối rồi lạnh lắm, cô đưa con đi tắm đi, để tôi."
Khương Mẫn dẫn hai người ra phòng tắm rồi quay lại phòng bếp, chén đũa ngâm trong chậu nước rồi ngồi ngây ngô bất động.
Bà càng nghĩ càng thấy lạ, càng nghĩ càng thấy không thoải mái, vẫy tay
một cái, lau tay vào tạp dề rồi lên nhà cầm điện thoại, đi ra ngoài.
Điện thoại màn hình lớn, cỡ chữ cũng lớn.
Khương Mẫn bấm gọi cái tên đầu tiên trong danh bạ.
Điện thoại nhanh chóng được bắt máy, tiếng người ồn ào cùng cạn ly truyền đến.
Một người đàn ông uể oải cất giọng Quế Lâm: "Mẹ à, có chuyện gì đấy?"