Nếu dưới chân là bùn đất thì cô cũng cam lòng để anh đi. Giống như con diều, chỉ cần dây còn nằm trong tay, cho dù bay cao bao nhiêu đi rồi sẽ có ngày quay trở lại.
Trưa hôm sau, Diệp Bỉnh Lâm đi công tác về sớm hơn dự định. Lúc ăn trưa, xem như cả nhà họ Diệp đều tề tựu đông đủ. Diệp Bỉnh Lâm luôn yêu quý Hướng Viễn nên khi gặp mặt khó tránh khỏi trò chuyện rôm rả tâm đầu ý hợp. Nghe xong một vài chuyện mới trong thôn, ông sực nhớ ra điều gì đó và hỏi ngành học của Hướng Viễn.
“Ngành kế toán ạ”, Hướng Viễn đáp.
Diệp Bỉnh Lâm cười nói: “Chuyên ngành giỏi nhất của Đại học G thực ra là kiến trúc và cơ khí nhưng ngành Kế toán gần đây cũng được. Chú tiến cử Đại học G với cháu không chỉ vì chú cũng tốt nghiệp trường này ra mà hơn nữa sau khi tốt nghiệp chú còn ở lại trường giảng dạy một khoảng thời gian, quen biết với rất nhiều công nhân viên chức trong trường, chủ nhiệm ngành kế toán trước kia cũng là bạn chú. Xã hội này có quen biết nhiều thì mới làm ăn khá được, cháu học ở đó cũng sẽ được quan tâm hơn…” Ông thở dài rồi nói tiếp: “Trước đây chú học cơ khí, bây giờ ra ngoài lăn lộn làm ăn cũng là làm ngành cũ. Vốn cứ mong chờ con cái lớn lên sẽ kế nghiệp cha nhưng thàng nhóc Khiên Trạch này cứ hờ hững. Học cấp ba không chịu chọn môn tự nhiên thì cũng có thể bỏ qua nhưng học đại học thì cũng nên chọn mấy ngành như quản lý chứ. Học xong rồi thì có thể giúp ông già này làm việc, đằng này nó lại chọn ngành Triết học. Đó chẳng phải là muốn chọc chú tức chết hay sao?”
Vẫn thấy chưa hả giận, ông trừng mắt với Khiên Trạch ngồi kế bên, tiếp tục: “Con không thể học Hướng Viễn làm người có trách nhiệm một chút được à?”. Thấy ánh mắt có phần ngượng ngùng của Hướng Viễn, Diệp Khiên Trạch cười khổ một tiếng rồi im lăng, cúi đầu ăn cơm.
Nói đến đây, Diệp Bỉnh Lâm tự nhiên nghĩ đến vấn đề khác: “Phải rồi, Khiên Trạch, chuyện bố nói con suy nghĩ đến đâu rồi? Bố không đồng ý cho con học ngành Triết học đâu. Nếu con bảo trong nước không có trường dạy ngành quản lý giỏi thì ra nước ngoài vậy. Con đừng quên con là con trai, A Linh là con gái, A Quân còn nhỏ. Sớm muộn gì bố cũng thành ông già, sản nghiệp vất vả cực nhọc làm lụng cả nửa đời người không giao cho con thì giao cho ai?”
Diệp Khiên Trạch tiếp tục im lặng không nói, Diệp Bỉnh Lâm bắt đầu tức giận: “Tính khí này của con giống ai không biết nữa? Đi hay không đi cũng không nói cho rõ được à?”
Diệp Linh chậm rãi đặt đũa xuống, chen vào một câu: “Bố, bố nói để anh suy nghĩ là muốn anh tự quyết định nhưng dáng vẻ bố bây giờ là hỏi ý kiến hay là đang ép anh phải đi vậy?”
“Sao bố lại ép nó…”, Diệp Bỉnh Lâm chưa nói hết, bà Diệp đã lên tiếng hòa giải: “A Linh, phải nói thế nào đây? Dù thế nào đi nữa, bố con cũng chỉ muốn tốt cho anh con thôi. Cho dù có ép thì cũng là muốn nó sau này sẽ xuất sắc hơn.” Bà quay sang nhìn Diệp Khiên Trạch, dịu giọng: “Khiên Trạch, dì cũng tán thành việc con tai còn trẻ thì nên xuất ngoại cho biết đó biết đây, lăn lộn bên ngoài nhiều thì tầm mắt cũng sẽ được mở rộng, góc độ và cách nhìn nhận vấn đề sẽ khác nhiều lắm.”
“Mẹ, mẹ cũng muốn bảo anh đi hay sao?”, mắt của Diệp Linh bắt đầu ngân ngấn nước.
Diệp Linh không hiểu nhưng Hướng Viễn biết, Diệp Linh và Diệp Khiên Trạch tâm đầu ý hợp, tình cảm riêng tư lại biểu hiện ra rõ ràng đến vậy, chỉ có họ mới ngây thơ cho rằng cả thế giới đều chẳng biết gì. Chú Diệp là người bận rộn nên chưa phát hiện ra, Diệp Quân còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện đời, nhưng tâm tư tình cảm của đám trẻ làm sao qua được mắt bà Diệp nhạy cảm tinh tế lại ngày ngày kề cận chứ. Đêm qua, cánh cửa của phòng bà mở ra rồi lại đóng váo càng khiến Hướng Viễn đoán chắc rằng bà biết tất cả mọi việc. Diệp Linh không phải em gái ruột của Diệp Khiên Trạch, nếu họ cứ nằng nặc đòi ở bên nhau thì cũng chưa hẳn là không thể, nhưng cho dù là vì bất cứ nghuyên nhân nào, lập trường của bà Diệp trong việc đưa Khiên Trạch ra nước ngoài đã ngầm chứng minh thái độ không tán thành đối với tình cảm của họ rồi.
“Không được, con không đồng ý cho anh ra nước ngoài. Trong nước có bao nhiêu trường tốt, tai sao phải đi? Diệp Khiên Trạch, anh nghe lời bố, học quản lý trong nước được không? Tốt nhất là cứ ơ lại thành phố này, đại học G anh không thích thì đại học Hành chính Pháp luật cũng được mà…”
Hướng Viễn thầm cười lạnh trong lòng, cô thông cảm cho Diệp Linh. Cô gái ngốc nghếch này vốn ngây thơ đến khờ khạo, người trong cuộc còn chưa lên tiếng, cô ta phí sức tranh cãi rồi. Có lẽ Diệp Khiên Trạch không hoàn toàn là hờ hững với cô ta nhưng so với cô gái tính tình khép kín đến mức ngây thơ này thì những điều khiến anh phải e ngại dè dặt còn quá nhiều, nên anh không nhịn được sẽ mỉm cười với cô, nhưng không bao giờ dám đi sai một bước. Diệp Linh ngỡ rằng anh không dám chống lệnh bố mà không biết rằng trong lòng Diệp Khiên Trạch thực ra cũng đang dao động. Từ nhỏ anh đã là một người như vậy: hiền lành, đa tình, nhu nhược. Diệp Linh làm sao thắng nổi anh, làm sao giữ anh lại được?
“Hướng Viễn, nói gì đi chứ, chị cũng đâu muốn anh ấy đi đúng không?” Diệp Linh không có được câu trả lời, trong sự tuyệt vọng đã bám víu lấy ngọn cờ cứu mạng cuối cùng là Hướng Viễn. Xem ra, cô gái vì muốn người mình yêu để ý đã không tiếc mạng sống lao mình xuống đầm sâu này cũng không đến nỗi ngốc nghếch, chí ít cô ta cũng loáng thoáng thấy được tâm tư của Hướng Viễn. Giác quan thứ sáu của con gái về phương diện này quả nhiên nhạy cảm kỳ lạ.
Đúng, tôi sợ Khiên Trạch ấy ra đi hơn bất kỳ ai khác, tôi và cậu ấy đã xa nhau quá lâu rồi. Hướng Viễn có phần buồn rầu tự nhủ nhưng cô vẫn giữ im lặng trong sự van xin nài nỉ của Diệp Linh.
“Cháu? Cháu không thể quyết định thay cậu ấy được”, cô rủ rèm mi, nói như đang thuyết phục bản thân mình lần cuối. Sau đó, cô nhìn Diệp Khiên Trạch, vẫn nở nụ cười, ánh mắt cong cong như trăng non nói với cậu: “Thực ra cậu đã nghĩ kỹ rồi đúng không, vậy cứ làm theo suy nghĩ của cậu đi.”
Mấy tháng sau, cô sinh viên năm thứ nhất ngành Kế toán trường đại học G – Hướng Viễn – đã mỉm cười đưa tiễn “bạn tốt” Diệp Khiên Trạch ở sân bay. Lúc anh đi, so với sự lưu luyến không nỡ rời xa của vợ chồng Diệp Bỉnh Lâm và Diệp Quân thì Diệp Linh lại tỏ ra khá bình thản. Trước khi Diệp Khiên Trạch qua cửa kiểm soát, người cuối cùng anh ôm là Diệp Linh. Hướng Viễn đứng cách đó không xa đã nghe thấy Diệp Linh hỏi: “Anh còn lời nào muốn nói với em không?”. Một câu hỏi quen thuộc biết bao. Hướng Viễn nhớ rất rõ, sau khi rơi xuống nước rồi tỉnh dậy nhìn thấy Diệp Khiên Trạch, câu nói đầu tiên của Diệp Linh cũng chính là câu này.
Diệp Khiên Trạch cứng đờ một lúc rồi chầm chậm buông lỏng đôi tay đang ôm Diệp Linh, nói: “Lúc anh không có ở đây phải cố giữ gìn sức khỏe”.
Diệp Linh nhắm nghiền mắt, nước mắt từ từ rơi xuống.
Trên đường về, Diệp Quân theo xe của công ty bố cậu đưa Hướng Viễn quay lại trường. Trên đường đi, cậu đưa Hướng Viễn một tờ khăn giấy rồi nói: “Chị có cần không?”
Hướng Viễn cười đẩy ra.
“Em đã cho Diệp Linh một tờ. Chắc chắn chị không cần chứ?” Diệp Quân cố tỏ ra vẻ người lớn, nói: “Em biết chị cũng không nỡ rời xa anh ấy.”
Hướng Viễn nhìn lên bầu trời qua tấm gương chiếu hậu. Không nỡ thì sao, còn nếu nỡ thì sao? Nếu dưới chân là bùn đất thì cô cam lòng để anh đi. Giống như con diều, chỉ cần dây còn nằm trong tau cô, cho dù bay cao bao nhiêu, đi xa bao nhiêu rồi sẽ có ngày quay trở lại, cho dù gió có làm đứt dây thì ít nhất nó cũng sẽ rơi xuống một nơi mà cô không nhìn thấy được.
Nếu nhất định phải dùng hai chứ để khái quát cuộc sống sinh viên của Hướng Viễn thì đó chính là: bận rộn. Cô cho mình một tuần để làm quen với môi trường hoàn toàn mới lạ. Chuyện này đối với cô cũng chẳng có vấn đề gì. Cô giống như cỏ hoang mọc trên núi, bay đến đâu cũng có thể cắm xuống đất bằng một tốc độ không thể ngờ nổi, đón gió lớn lên, thậm chí sẽ có ngày phủ mờ những cành cây ngọn cỏ vốn sinh sống ở khoảng đất này trước đó.
Tuy Diệp Bỉnh Lâm đã bao hết học phí và mọi chí tổn sinh hoạt khác của Hướng Viễn nhưng cô vẫn không thể quen với cuộc sống cơm bưng nước rót tận miệng như vậy. Cô đã làm cho bộ phận hậu cần của trường rồi phát hiện ra đó là công việc phí thời gian mà chẳng thu được lợi ích gì nhiều. Cô còn làm thêm nghề gia sư, bán thẻ điện thoại, viết luận văn họ người khác… những hình thức kiếm tiền có hạn trong trường cô đều đã trải qua. Ngoài thời gian chuẩn bị ôn tập trước kỳ thi và khi lên lớp ra, cô giống như một con quay bận rộn giữa đủ thứ sinh nhai cho cuộc sống.
Hướng Viễn thường nói: nghĩ ngợi lung tung cũng cần có điều kiện. và không hề gnhi ngờ rằng cô không có điều kiện ấy. Cô cảm thấy mỗi phút trong đời mình đều có việc phải làm, thời gian lấy đâu ra mà thở ngắn than dài? Cô giống như một trường hợp đặc biệt trong đám bạn bè cũng lứa ở trường nhưng lại không khiến người ta ghét bỏ. Cô không tỏ ra tự ti nhạy cảm quá mức như những người xuất thân bần hàn khác, cô chưa từng che giấu hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, cũng chưa từng phủ nhận khát vọng kiếm tiền của mình. Đối với cô, không có tiền là một sự thực khách quan, không đáng phải giấu giếm, cũng không phải là lý do để tự than thân trách phận. Cô không ghen tỵ với những người bạn sinh ra trong nhung lụa. Người ta có, đó là phúc phận của người ta, cô không có nên mới phải phấn đấu. Những người hơi thân thiết với Hướng Viễn đều biết tính cô thích làm mọi việc rõ ràng đâu ra đó, không thiệt mình cũng không nợ người. Những người đã giúp cô, cô sẽ trả nợ nhân tình; có gì cần cô giúp, cô sẽ nói ra điều kiện môt cách rõ ràng, có được thỏa thuận rồi mọi việc tự nhiên sẽ được làm một cách chu đáo, hoàn hảo.
Khi còn ở thôn Lý Vụ Nguyên, dù đi đến vất cứ đâu, việc làm ăn của Hướng Viễn lúc nào cũng suôn sẻ khấm khá. Cũng là gia sư nhưng tiền thì lao mỗi giờ của cô luôn cao hơn người khác một ít nhưng phụ huynh vẫn rất hài lòng; viết luận văn thay, “tác phẩn Hướng Viễn” luôn thay cho “tốc độ và chất lượng”, những cô cậu bạn học bận yêu đương và chơi điện tử chịu hỏ ra chút tiền cũng cảm thấy rất xứng đáng.
Hướng Viễn không bao giờ hài lòng với điều đó, bất chấp thời gian sắp xếp chặt chẽ đến đâu, cho dù không chợp mắt suốt hai mươi bốn giờ nhưng việc Hướng Viễn có thể làm trong một ngày vẫn có hạn. Về sau, cô không còn đích thân sấp ngửa vác túi đến nhà học sinh dạy kèm nữa mà mở một góc nhỏ ở bảng thông tin gần nhà ăn – nơi học sinh qua lại nhiều nhất – thu thập những cơ hội về công việc gia sư rồi căn cứ theo thù lao mỗi giờ để thu phí giới thiệu. Do giá cả hợp lý, cũng không cần phải chạy đôn chạy đáo liên hệ nên việc làm ăn trung gian của cô lúc nào cũng cung không đủ cầu. Còn về việc viết luận văn hộ, cô cũng sang tay cho người khác, kiếm được chút ít tiền hoa hồng từ họ, dần dần khoản tích lũy cũng lại khá hơn khi một mình cô vất vả lao động.
Lên năm thứ hai đại học, ký túc xá nơi Hướng Viễn ở đã nghiễm nhiên trở thành trung tâm giao dịch làm ăn có tiếng nhất Đại học G. Ngoài việc phục vụ trung gian cho một số ngành nghề, cô còn kiêm luôn cung cấp đĩa phim, thẻ điện thoại và thẻ điện tử. Về sau, chẳng ai biết cô kiếm đâu ra một chiếc tủ lạnh cũ, kiêm luôn công việc cung cấp nước giải khát lạnh. Nụ cười với đôi mắt cong cong nổi tiếng của Hướng Viễn đã trở thành đại từ thay thế cho không lừa gạt ai, vật đẹp giá hời, thẻ tích điểm và phiếu ưu đãi ở cửa hàng nhỏ của cô. Mọi người đều biết cô ấy đã kiếm được rất khá, trở thành
khách của cô vừa tiện lợi vừa yên tâm, phục vụ cũng rất chu đáo, những gì cô cung cấp luôn là thứ mà mọi người cần nên người quan tâm cũng khá đông.
. . . .
Hướng Viễn tuy không có bạn bè thân thiết nhưng quan hệ bạn bè khá tốt. Có lẽ sẽ có người cảm thấy cô là gian thương nhưng cũng phải thừa nhận rằng, dù cô có là gian thương thì cũng không làm ai ghét bỏ được. Sáng suốt mà không lươn lẹo, yêu tiền nhưng không gian xảo có lẽ là khái quát hợp lý nhất về Hướng Viễn. Việc làm ăn của cô ở ký túc xá rất phát đạt, người đến người đi luôn tấp nập, điện thoại cũng reo cả ngày không dứt. Nếu nói rằng có chẳng ảnh hưởng gì đến bạn bè trong phòng thì giả tạo quá nhưng về điểm này thì Hướng Viễn chưa từng qua loa, cô luôn biết san sẻ lợi ích cho người khác. Lúc ấy, vấn đề sinh hoạt phí của đại đa số sinh viên còn rất khó khăn nhưng một khi đã có được lợi ích thì mồm cũng tự khắc biết điều mà ngậm lại. Nếu có người nào có gia cảnh khấm khá, không coi trọng tiền bạc lợi ích thì cũng chẳng cản trở chính sách của Hướng Viễn: cô chưa bao giờ gây hấn với người khác mà luôn nhanh tay nhanh mắt tặng những thứ thích hợp trong lúc người ta cần đến nhất. Người như thế ai lại muốn gây sự bao giờ? Về sau, có đến hơn một nửa bạn bè trong ký túc xá trở thành tiểu nhị của cửa hàng Hướng Viễn. Ngoài giờ học, họ cũng chạy đưa hàng cho cô, trong tháng cũng kiếm được thêm chút tiền tiêu vặt. Đến ngay cả bà giám thị khu ký túc xá vốn nghiêm cấm hành vi mua bán, quản lý rất gắt gao mà mấy lần đươc Hướng Viễn lặng lẽ dúi nước uống, cung cấp đĩa phim truyền hình mới nhất, nổi tiếng nhất một cách miễn phí cũng mắt nhắm mắt mở với những chuyện đó. Sự nhanh nhẹn biết điều cũng khiến cô và đa số thầy cô giáo, những người trong hội học sinh quen thân với nhau. Bình thường nếu có hoạt động trong trường, cô cũng chịu chi tiền, giúp sức lúc cần thiết. Trong bốn năm kinh doanh làm ăn thời sinh viên, cửa hàng nhỏ của cô không gặp phải khó khăn gì, cũng chưa từng đối diện với số phận bi thảm lụn bại. Có người hâm mộ cô làm ăn như cá gặp nước nên cũng thử gây khó khăn trở ngại nhưng không biết vì nguyên nhân gì mà không thành.
Học kỳ hai năm thứ ba, Hướng Viễn bắt đầu chơi cổ phiếu. Cô đã thâm nhập ngành này dưới sự chỉ đạo của Diệp Bỉnh Lâm. Cô đem chút vốn kiếm được từ cửa hàng nhỏ vào thị trường cổ phiếu xông pha một phen. Đương nhiên có lời có lỗ nhưng bẩm sinh cô vốn sáng suốt, đầu óc nhanh nhạy, to gan liều lĩnh, lại có mắt nhìn chuẩn xác nên lời luôn nhiều hơn lỗ. Cuối cùng, từ một sinh viên nghèo khó, cô đã trở thành bà chủ nhỏ ẩn hình ở đại học G. Diệp Bỉnh Lâm tất nhiên biết những chuyện này nên ông cũng đồng ý với những nguyện vọng của Hướng Viễn. Ông không cung cấp sinh hoạt phí hàng tháng cho cô nữa nhưng những khoản lặt vặt trong trường thì vẫn đưa đủ trong bốn năm cho cô như đã hứa trước đó. Diệp Bỉnh Lâm trước nay vẫn yêu mến Hướng Viễn, nay càng tán thưởng hơn với những việc làm của cô, không tiếc công chỉ bảo và giúp đỡ. Ông không ngớt lời khen ngợi cô gái nhỏ bé này coi cuộc sống như một trò chơi mà lại chơi rất thông minh, sáng suốt và ý nghĩa. Ông chỉ ao ước cô là con gái ruột của mình.
Diệp Khiên Trạch nói, điều này cũng không có gì là lạ, Hướng Viễn vốn là người có trôi dạt đến hoang đảo cũng vẫn có thể kinh doanh đặc sản địa phương với chính những người ở đó. Khi ấy, Diệp Khiên Trạch đang ở thành phố ẩm ướt, dày đặc sương mù bên kia bờ đại dương. Tuy ở xa nhưng trái tim anh lại gần gũi với Hướng Viễn hơn. Những bức thư của anh bắt đầu bay đến bên cô như tuyết rơi đầy trời, gọi điện thoại quốc tế tuy không đến nỗi dày đặc nhưng không quên mỗi tuần một cuộc. Anh kể lể những nỗi háo hức và cô độc nơi xứ người, kể về những cô gái mặc áo to sụ trong thành phố cả ngày không thấy ánh mặt trời, kể về ông thầy tính cách kỳ quặc và bà chủ nhà suốt ngày say rượu. Những chuyện này khiến Hướng Viễn có cảm giác quay lại mấy năm trước khi anh mới lên thành phố, nôn nóng muốn chia sẻ mọi điều mình trải qua với người bạn thân thiết nhất. Khoảng thời gian bốn năm chia cách họ hóa thành hư vô, họ không nhắc đến tương lai, không nhắc đến Diệp Linh. Khoảnh khắc đó giống như ngày hôm qua họ vừa vẫy tay chào từ biệt dưới ánh trăng sơn cước vậy.
Về sau, Hướng Viễn mua một chiếc máy tính cũ bằng số tiền kiếm được của mình. Kết thúc những bận rộn sau một ngày, ngồi trước máy vi tính nói chuyện với Diệp Khiên Trạch đang cách biệt về thời gian là việc lãng phí thời gian nhất nhưng lại là sự chờ mong lớn nhất của cô.
Cô cũng không thường xuyên đến nhà họ Diệp chơi nhưng ngoại trừ Diệp Bỉnh Lâm và Diệp Quân ra, cô và bà Diệp cũng rất gần gũi nhau. Bà là người phụ nữ hồn hậu dịu dàng, thường không nói những lời quá thân mật nhưng đối đãi với Hướng Viễn cũng thân tình không kém gì với Diệp Quân. Diệp Bỉnh Lâm thường bảo Hướng Viễn đến nhà ăn cơm nhưng chính ông lại bận rộn đến nỗi không mấy khi có mặt ở nhà. Hướng Viễn ăn cơm xong thì sẽ ngồi trong phòng khách vừa ngắm bà Diệp cắm hoa, vừa nói chuyện phiếm với bà. Những lúc ấy Diệp Quân không bao giờ chịu ngồi làm bài tập trong phòng, lúc nào cũng ra salon, để bắt cô giảng bài.
Ra vào Diệp gia nhiều lần, Hướng Viễn cũng có lần gặp em trai của chú Diệp là Diệp Bỉnh Văn – người cô từng gặp ở thôn Lý năm nào. Khi ấy hình như là sinh nhật mười tám tuổi của Diệp Linh. Diệp Linh không thích ồn àn nên Diệp Bỉnh Lâm cũng không chủ trương khoa chiêng gõ trống, chỉ mời một số họ hàng thân thiết và Hướng Viễn đến ăn cơm. Dì Dương không được nhanh nhẹn nên cô phải bận rộn suốt, Diệp Quân cứ tò tò theo sau cô giúp đỡ. Họ hàng nhà họ Diệp không nhiều. Cha mạ Diệp Bỉnh Lâm không còn, chỉ còn mỗi cậu em trai là Diệp Bỉnh Văn và vài người anh em họ. Người thì dạy học trong trường, người lại nhận chức trong công ty của Diệp Bỉnh Lâm như Diệp Bỉnh Văn.
Diệp Bỉnh Văn vẫn như lần đầu gặp Hướng Viễn, dung mạo tuấn tú, ăn mặc chỉnh tề, khí chất đường đường, cử chỉ nhã nhặn nhưng giữa hàng lông mày luôn có một sự cao ngạo khó tả. Có thể nhìn ra quan hệ giữa ông ta và những người khác không thân mật lắm. Ngoài những lúc Diệp Bỉnh Lâm ngồi trong bàn ăn nói vài câu đại loại như đã hơn ba mươi tuổi rồi mà vẫn còn lang thang, sao không chịu tìm một cô gái tốt để kết hôn sinh con… thì chỉ còn Diệp Linh vốn hờ hững với những người khác trò chuyện vài câu với ông ta.
Từ đầu đến cuối, Diệp Bỉnh Văn tỏ ra khá lạnh nhạt với Hướng Viễn. Ông ta uống với mỗi người ngồi đó một ly nhưng lại bỏ qua Hướng Viễn. Cô biết, ông ta ám chỉ cô là kẻ ngoài cuộc không đáng quan tâm, có điều cô tỏ ra thờ ơ. Vừa ăn cơm xong, Diệp Bỉnh Văn đã cáo từ. Ông ta ra khỏi cửa, Hướng Viễn mới phát hiện ông ta đã đánh rơi chìa khóa trên salon, Diệp Bỉnh Lâm cứ phàn nàn ông em mình bỏ đồ đạc lung tung. Hướng Viễn nhìn một lúc, dì Dương đang rửa bát trong bếp, Diệp Quân mang cơm lên lầu cho bà Diệp nên cô do dự một lúc rồi cầm lấy chìa khóa đuổi theo.
Diệp Bỉnh Văn đứng cạnh xe, thấy Hướng Viễn đến thì đón lấy chìa khóa, nói một tiếng cảm ơn.
« Đừng khách sáo », Hướng Viễn đáp.
Diệp Bỉnh Văn xoay chìa khóa một vòng quanh ngón tay, vừa cười vừa quan sát Hướng Viễn nói : « Hay lắm, tất cả đàn ông trong nhà anh tôi, dù là già hay trẻ đều bị cô dỗ dàng nịnh nọt đến choáng váng đầu óc. Tóm lại là cô muốn gì ? Anh tôi, ha ha, hay là Diệp Khiên Trạch, Diệp Quân ? Hay cô cần tất cả bọn họ ? »
Hướng Viễn cười không đáp, cô biết lúc này cô thừa nhận hay phản bác lại đều không thể nào khiến người đàn ông đứng trước mặt mình thỏa mãn.
Diệp Bỉnh Văn thấy cô im lặng thì dựa vào xe, khẽ dùng đầu nhọn của chìa khó miết vào mặt của Hướng Viễn, nói : « Nhìn thì cũng xinh đẹp đấy, có điều tôi không thích. Cô phải biết là, phụ nữ quá sáng suốt thì không phải là phụ nữ ».
Xe ông ta lao vút đi, gò má Hướng Viễn bỗng tê buốt. Cô lặng lẽ quay về, Diệp Quân đang đứng ở gara xe gần đó nhìn cô.
« Em không thích ông ta ». Một câu nói vô duyên vô cớ của cậu nhó đã làm Hướng Viễn bật cười. Nụ cười của cô có phần khiến Diệp Quân bực bội, cậu lại cao giọng nhắc lại : « Em không thích ông ta ! »
Hướng Viễn gõ ngón tay lên trán cậu : « Em là cậu bé ngốc ! »
Bước vào nhà, Hướng Viễn và Diệp Quân cùng lên phòng thăm bà Diệp. Bà đang ngồi dựa vào giường, tóc buông xõa, gương mặt thanh tú được chăm sóc kỹ càng nay nhuốm vẻ mệt mỏi. Dạ dày của bà không tốt, mười mấy năm gần đây đã chịu bao đau đớn. Bà vừa húp được một chút cháo, không ngủ được nên Hướng Viễn ngồi nói chuyện với bà.
Bà Diệp hỏi : « Hôm nay có ai đến thế ? » Hướng Viễn kể lại cho bà nghe. Nghe xong, bà cười bảo : « Nếu Khiên Trạch có ở đây thì cả nhà đầy đủ hết. Có một dạo cũng không gọi điện về, không biết nó ở bên kia có ổn không ? »
Hướng Viễn vỗ vào tay bà, trả lời : « Dì yên tâm, bây giờ chắc cậu ấy đang bận rộn thi cử. Cậu ấy cũng chẳng phải người không biết tự chăm sóc bản thân. Nghe cậu ấy bảo, ăn chán thức ăn tây còn biết tự tay nấu vài món, cậu bạn Hàn Quốc ở chung nhà con khen ngon nữa. »
Bà Diệp phì cười : « Thằng bé Khiên Trạch này, đến đâu cũng biết chăm sóc người khác. Nó còn nói gì với cháu không ? »
Hướng Viễn bèn kể lại cho bà nghe những chuyện thú vị mà Khiên Trạch đã nói cho cô biết. Đang kể, nghe thấy phía sau có động tĩnh, cô quay đầu lại thấy Diệp Linh đang đứng đờ đẫn trước cửa phòng không biết đã bao lâu rồi.
Thấy Hướng Viễn ngừng lại, cô mới lên tiếng hỏi : « Hướng Viễn, những chuyện này đều là anh ấy kể cho chị à ? »
Hướng Viễn cười đáp : « Ừ, cậu ấy xem chị như thùng rác ấy, chuyện vặt vãnh cỏn con nào cũng lể hết. »
Diệp Linh nhếch môi cười gượng đáp : « Vậy không tốt sao ? Anh ấy chẳng nói gì với tôi ».
Cô bỏ về phòng, Hướng Viễn bỗng chẳng còn hứng thú kể tiếp nữa, nói thêm vài câu với bà Diệp rồi cáo từ về trường.
Đêm hôm ấy, mặt đá Quan Âm màu xanh lục treo trước cổ Diệp Linh lại xuất hiện trong giấc mơ của cô. Hướng Viễn vẫn nhớ mặt dây chuyền vòng ấy, không cần nhìn kỹ cũng biết phía sau có một vết nứt rất sâu, trong khe nứt ấy không biết vì sao lại biến thành gương mặt của Diệp Khiên Trạch.