11.
Giờ bạn mới biết, chỗ mì xào mỗi ngày hắn ta bạt mạng đi mua, chẳng có miếng nào chui vào bụng hắn cả.
Mấy tên đánh người vừa rồi là bạn cùng phòng của “Mười giờ năm mươi phút”, chúng sai khiến hắn đi mua đồ ăn đêm, không mua thì cắt nát đồng phục của hắn, đổ nước lên chăn hắn.
Bạn kêu Đệt, hỏi hắn tại sao không mách giáo viên, hắn nói người ta là thiếu gia nhà giàu, quyên tiền xây nguyên một toà nhà cho trường; bạn lại hỏi tại sao không kể cho người nhà, hắn nói bố mẹ mất cả rồi, trong nhà chỉ còn mỗi bà nội, chỉ dựa vào tiền học bổng để học ở trường này.
Trầm mặc hồi lâu, cuối cùng bạn hỏi tại sao bạn cùng phòng lại bắt nạt hắn, hắn nửa cười nửa không nhếch khoé miệng, mỉm cười tự giễu: “Làm sao tôi biết được.”
Đang nói thì nước trong mắt hắn rơi xuống.
12.
Bạn phát hiện ra mình đúng là đoán không sai.
Chỗ mì cho thêm đó quả nhiên là vứt cho chó ăn rồi.
13.
Biết được hắn chưa ăn no, buổi trưa mỗi ngày bạn đều cho hắn một bát mì xào, bên trên xếp ít thịt bán còn thừa. Không chỉ là thương hại hắn. Trên thế giới có rất nhiều người đáng thương, bạn cảm thấy mình cũng đáng thương, lòng tốt của bạn không nhiều đến vậy.
Bạn giúp hắn là vì bạn thích hắn.
Bạn thích vẻ ngoài của hắn, thích cặp mắt một mí và sống mũi cao của hắn, nó khiến bạn nhớ đến người chị đã mất của mình.
Bạn thích sự bền bỉ của hắn, ngưỡng mộ thành tích học của hắn, tán thưởng vẻ từng phải chịu sự bất công nhưng vẫn nỗ lực đấu tranh của hắn.
Bạn cho hắn ăn như cho một con cún hoang lông tạp ăn vậy.
14.
Hồi bé bạn sống trong nhà làm nông, bố ra ngoài đi làm thuê, mẹ bạn uống rượu vào thích đánh con, bạn không chịu được, chị bạn bảo vệ bạn chạy trốn.
Chị vốn không cần trốn đi, bởi vì chị lớn rồi. Lớn rồi, không còn là trẻ con nữa, sẽ không bị ăn đòn.
Tiêu chuẩn đã lớn hay chưa không phải là sinh nhật 18, mà là sức lao động, có thể cống hiến nhiều sức như những người được gọi là “người lớn” ở ruộng, thế là đã lớn.
Người nơi đó rất kì lạ, họ cứ nghĩ rằng trẻ con không phải là người, ít nhất thì không phải là người hoàn chỉnh. Không phải là người hoàn chỉnh, thì sẽ thấp kém hơn mình, cho nên cứ tuỳ ý ra tay. Nhưng lớn rồi
thì khác. Lớn rồi, là người rồi, giống mình rồi, thế là có được tôn nghiêm như mình, không thể đánh nữa.
Họ lớn lên trong roi vọt, thế là sau khi lớn họ cũng phải đánh con mình.
Họ không cảm thấy có gì không đúng, dù có thấy, thì cũng không thể chống lại được câu “việc trong nhà đóng cửa bảo nhau, để người ta biết người ta lại cười”.
15.
Chị trộm tiền, dắt bạn bỏ chạy.
Đã khuya lắm rồi, hai người rất buồn ngủ, lại chạy đến mức cổ họng ứa máu, nhưng không dám dừng lại. Trời sáng rồi, người trong thôn mà dậy, cả thôn sẽ kết hợp đuổi theo, bắt hai người về. Họ giống như ác quỷ, đuổi theo sau hai người, muốn nhốt các bạn vào hang tối vô bờ.
Các bạn dựa vào đôi chân mà chạy đến thị trấn, lại bắt xe đến huyện. Bạn muốn báo cảnh sát, nhưng chị không cho, chị nói cảnh sát sẽ không phụ trách, mà sẽ đưa các bạn về, lại còn nói các bạn chưa hiểu chuyện.
“Đánh hay mắng thì bố mẹ cũng đều là vì con cái cả. Người một nhà có gì không vượt qua được?” Chị bắt chước giọng điệu của người trung niên, nói một cách thấm thía.
Bạn biết chị sẽ không nói dối mình.
Hồi bé chị từng bỏ chạy một lần, rồi bị đưa về. Lúc đó bố còn chưa đi xa làm thuê. Đàn ông mà, luôn trọng nam khinh nữ, con trai mới là người lo việc nhang khói cho mình. Bố bạn coi trọng bạn, cho nên bạn lúc đó không bị đánh, cho nên chị ấy mới không mang theo bạn bỏ chạy.
Chị bạn sức khoẻ tốt, có thể làm việc, cặp chân khoẻ mạnh, lúc chạy giống như một cô ngựa tráng kiện.
Thế nhưng chị vẫn không chạy thoát được.
Chị bị đưa về, ăn một trận đòn đau, lành rồi thì lại tiếp tục làm việc, tiếp tục bị đánh, tới tận khi “lớn”.