Trong lúc chờ cất cánh ở sân bay, Tông Hàng xem tin tức thời sự.
Tiêu điểm bản tin đang giới thiệu về “tiểu vùng sông lớn Mê Kông”.
Nội dung là: tỉnh Vân Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, do cùng thuộc lưu vực “sông Lan Thương – Mê Kông” (*), có địa lý và khí hậu giống nhau, có sự nối liền về văn hóa, nên dưới sự đề xuất của Ngân hàng Phát triển Châu Á, đã khởi xướng cơ chế hợp tác kinh tế khu vực, mục tiêu xây dựng cộng đồng thịnh vượng chung (**).
(*) Gần một nửa chiều dài của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Trung Quốc và có tên là sông Lan Thương.
(**) Sáng kiến Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các nước thành viên của tiểu vùng Mê Công mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).
Hợp tác GMS nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Điều đó khiến Tông Hàng vững dạ hơn rất nhiều với chuyến ra nước ngoài đầu tiên này của mình.
Chung quy, nếu đã có thể cùng nhau thành lập thành “tiểu vùng” thì chắc hẳn sự chênh lệch giữa các bên không đáng là bao. Bằng không sao không thấy Vân Nam thành lập “tiểu vùng” với Nam Phi, Nam Mĩ đi cho rồi.
Ở Vân Nam ba ngày nay, Tông Hàng cảm thấy “không khác gì quê nhà”, nghĩ chắc tới Xiêm Riệp Campuchia, cảm giác cũng sẽ chẳng xa lạ mấy, hẳn là “không khác gì ở sát vách quê nhà”!
Đến giờ làm thủ tục lên máy bay, Tông Hàng xách túi đi xếp hàng.
Bay từ Côn Minh tới Xiêm Riệp mất hai tiếng rưỡi, còn ngắn hơn so với rất nhiều chuyến bay nội địa. Trừ bỏ thời gian cất cánh và hạ cánh, cộng thêm điền giấy khai xin nhập cảnh, thời gian còn lại còn chẳng đủ để xem một bộ phim.
Cho nên hắn quyết định dành thời gian này để ngủ.
Trước khi cất cánh, theo kế hoạch đã định sẵn, Tông Hàng đăng tin lên tường nhà, sau đó tắt máy.
Máy bay phi thẳng lên bầu trời, hướng về phía nam.
Khi đã ổn định trên không, hành khách trên máy bay bừng lên hơi thở cuộc sống hệt đầm nước tù được khơi thông: có người ăn, có người nhỏ giọng chuyện trò, có người thì xem phim.
Tông Hàng bắt tréo chân, nhắm mắt nghỉ ngơi. Khoảng cách giữa hàng ghế trước và hàng ghế sau quá hẹp, chiều cao 1m82 của hắn hơi khó bề phát huy. Song, hắn vẫn ngoan cố gập chân lên bằng được.
Tư thế không thoải mái lắm, sự khó chịu từ bắp chân phản hồi thẳng lên óc, nhưng não bộ chẳng buồn bận tâm gì tới điều này, chỉ nghiền ngẫm một chuyện…
Ba hắn Tông Tất Thắng mà nhìn thấy tin hắn đăng trên tường thì sẽ có phản ứng thế nào nhỉ?
Hình hắn đăng là một cặp gối đầu giá 8800 tệ, nghe nói dùng chất liệu công nghệ cực kỳ cao, gì mà vật liệu bồng bềnh này, hỗ trợ giấc ngủ này, bảo vệ gáy này, còn có chức năng ghi nhớ nữa, vỏ gối bằng tơ tằm thêu hoa lan, đại khái ngụ ý rằng ngủ trên gối đầu này toàn người quân tử, phẩm chất cao quý tựa hoa lan.
Caption cho bức ảnh rất ngắn ngọn súc tích, chỉ có một chữ…
Ha.
Người nào xem không hiểu chắc sẽ còm-men “Mẹ kiếp, một cặp gối những 8800 tệ, cướp tiền à!”, nhưng Tông Tất Thắng xem sẽ hiểu.
Hôm ấy, Tông Tất Thắng đã chỉ thẳng mặt hắn mà mắng, bảo hắn là đồ “mặt trắng”, đồ “gối thêu hoa”, thứ bị thịt vô tích sự A Đẩu (*).
(*) Mặt trắng (小白脸) dùng để chỉ những anh chàng được mỗi vẻ ngoài, ăn chơi trác táng; gối thêu hoa (绣花枕头) được ví với những người chỉ có ngoại hình không có tài năng học thức; A Đẩu là tiểu tự của Hán Hoài đế Lưu Thiện, con trai Hán Chiêu Liệt đế Lưu Bị thời Tam Quốc, là một tên vua kém cỏi, nhu nhược, không có chính kiến, chỉ biết núp bóng thần tử, về sau để mất nước Thục vào tay nhà Ngụy.
Có ai lại đi mắng con trai mình như thế bao giờ không? Lớn lên trắng trẻo cũng là cái tội à? Gối thêu hoa thì sao? Giá trị nhan sắc mà kém, muốn được người ta gọi là gối thêu hoa cũng chẳng có cửa đâu. Hơn nữa, dạo gần đây, gối thêu hoa tinh xảo cũng là hàng đắt tiền đó nhá.
Còn về thứ bị thịt vô tích sự A Đẩu ấy hả, nói câu này ra rõ thật là tự dát vàng lên mặt. Cha đẻ A Đẩu nhà người ta là hoàng đế, nhận đàn em không phải Quan Công thì cũng là Gia Cát Lượng, nhưng ba cùng lắm cũng chỉ là một ông chủ nhỏ, thành tựu thì chẳng có mấy mà cũng dám ra vẻ, không biết còn tưởng Alibaba do ba sáng lập ấy chứ.
Có điều, Tông Hàng không dám nói lời này trước mặt Tông Tất Thắng, vậy nên chỉ lẳng lặng cúi đầu nín thinh.
Mẹ hắn đứng một bên khuyên giải: “Thôi, thôi, ít nhất Hàng Hàng nhà mình trước nay cũng không làm chuyện gì phạm pháp mà!”
Tông Tất Thắng trợn trừng mắt to như mắt cá vàng: “Cái này cũng đáng nói à?”
Sao lại không chớ?
Đám bạn bè của Tông Hàng có đứa từng đánh người gây thương tích, có đứa thì hết gái gú lại cờ bạc, nhưng hắn có dính vào đó không? Không hề, từ nhỏ hắn đã gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn rồi, người ta còn tặng hắn biệt danh “Tông Sen Trắng” cơ nhé. Cho nên hắn đắc ý rất nhiều năm, mãi tận sau này khi “hoa sen trắng” cùng chung số mệnh với “hoa cúc”, gặp phải bi kịch nghiêm trọng của thời đại Internet (*), “cát vùi lưỡi kích còn trơ” (**), bấy giờ hắn mới ngậm miệng không nhắc đến nữa.
(*) “Hoa sen trắng (bạch liên hoa)” trước kia vốn dùng để chỉ những người thiện lương, vô hại, vô tội, thuần khiết, không tâm cơ nhưng hiện giờ trong ngôn ngữ mạng Trung Quốc thì lại dùng để ví với loại người giả bộ trong sáng ngây thơ nhưng thực chất lòng dạ đen tối, xấu xa bẩn tính; “hoa cúc” bị biến nghĩa thành cái gì thì thôi khỏi giải thích nha:v
(**) Một câu trong bài “Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục.
Đến nay, lần càn rỡ nhất trong đời cũng chỉ có phóng mô-tô vù vù, song, hắn vẫn nghiêm túc tuân thủ luật lệ giao thông, chỉ phóng xe trên sân bãi nhỏ không người vùng ngoại ô mà thôi.
Tông Tất Thắng tức đến ho sù sụ, run rẩy giơ ngón tay chỉ vào thằng con, mới năm mươi tuổi thôi mà cứ làm ra vẻ như thể ngọn đèn cạn dầu, bị hắn chọc tức đến độ già sớm không bằng: “Học hành thì be bét, công việc thì chẳng ra đâu vào đâu, bà nhìn cái tiền đồ của nó xem!”
Tông Hàng thầm thở dài. Hắn cảm thấy những người làm cha bây giờ đúng là yêu cầu quá cao với con trai mình. Không thể luôn cho rằng “hễ cha tài là con phải giỏi” được, cũng phải chấp nhận con trai mình là một đứa cà lơ phất phơ chứ.
Xã hội hiện đại cạnh tranh khốc liệt như vậy, tài nguyên khan hiếm, những cơ hội học tập và làm việc như thế nên nhường cho những người có điều kiện gia đình khó khăn mới phải. Kiếp này hắn tốt số, đã có một người cha biết kiếm tiền rồi thì chẳng việc gì mà phải ôm chí lớn. Mục tiêu đời này của hắn chính là tiêu tiền ba mình kiếm ra, sống một cuộc sống đầy đủ hướng đến sự tích cực, không gây thêm phiền toái cho xã hội và tổ quốc.
Nếu Jack Ma sinh con trai vẫn là Jack Ma, Buffett sinh con gái vẫn là Buffett, tài nguyên và tiền bạc sẽ không bao giờ được phân chia lại, vậy nhân dân nỗ lực đấu tranh còn có ý nghĩa gì chứ.
Hắn không muốn có tiền đồ rộng lớn hoàn toàn là bởi hắn suy nghĩ cho công cuộc duy trì sự phát triển lâu dài của xã hội này.
Cuối cùng Tông Tất Thắng nói: “Cút ngay! Đừng có xuất hiện trước mặt tao!”
Ra đến cửa, Tông Hàng xem giờ, bị mắng trọn hai mươi phút lận, nguyên nhân chẳng qua là vì hắn chán đi làm quá mệt mỏi nên tự ý bỏ việc, sau đấy hắn uyển chuyển nói với Tông Tất Thắng rằng có thể tìm cho hắn một công việc lương cao làm ít trong công ty nhà mình không.
Quá đáng ư? Chẳng quá đáng tẹo nào, công ty là nhà mình mở mà, có phải là ngửa tay xin người ngoài đâu.
***
Không ngờ Tống Tất Thắng làm người lại thật sự tuyệt tình, hai ngày sau thông báo cho Tông Hàng bảo hắn đến khách sạn bên Xiêm Riệp giúp đỡ với chức vụ trainee (nhân viên thực tập).
Tông Hàng lên mạng tìm kiếm mới biết Xiêm Riệp là một thành phố của Campuchia. Tìm kiếm tiếp mới biết Campuchia, Thái Lan và Việt Nam giống nhau, đều thuộc khu vực Đông Nam Á. Tìm kiếm lần thứ ba, vãi đạn, năm 1998 Campuchia mới kết thúc nội chiến kéo dài, gắng gượng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình và phát triển.
Khái niệm năm 1998 là gì? Vào thời điểm đó, nhân dân Trung Quốc đã vực dậy được rất nhiều năm, Hồng Kông cũng đã được trao trả tròn một năm, hắn cũng có thể lượn khắp phố đi mua nước tương rồi.
Mẹ hắn đau lòng chết được. Bà cảm thấy đây là biến tướng của việc lưu đày, trái một câu “Phải làm sao đây”, phải một câu “Ở đó còn nghèo nữa chứ”. Tông Hàng thì chẳng sao hết, miễn có tiền thì chỗ có nghèo nữa hắn cũng có thể sống đúng với phong cách của mình. Huống chi nơi đó xa nhà, Tông Tất Thắng không quản được hắn, hắn có thể “múa kiếm” với ba hắn mà không cần kiêng dè gì rồi.
Đúng vậy, chỉ khi cách nhà đủ xa, ngài Tông Tất Thắng không thể đánh vào địa bàn của hắn, hắn mới dám ngẩng cao đầu, phản kích lại quyền lực của cha già.
Bức ảnh đăng trên tường nhà chính là phát súng phản công thứ nhất của Tông Hàng.
Gối thêu hoa?
Hê hê.
***
Một
đường bình an.
Sau khi hạ cánh, Tông Hàng đi theo dòng người, dù sao phần lớn hành khách trên máy bay đều là dân Trung Quốc nên đều có cùng một hướng đi, đều phải đến cửa hải quan làm thủ tục nhập cảnh.
Ở lối vào cửa hải quan, nhân viên phân luồng, trực tiếp đi xếp hàng là những người đã có thị thực, chen chúc bên bàn ngoáy bút là những người chưa điền xong giấy đăng kí hạ cánh và đơn xin nhập cảnh.
Trên bàn đặt một tấm bảng dán mẫu đơn đăng ký xin nhập cảnh được điền chính xác.
Dù sao đây cũng là lần đầu tiên ra nước ngoài, phàm chuyện gì cũng muốn ổn thỏa nên Tông Hàng đi đến liếc qua bản mẫu tiêu chuẩn một cái, phát hiện ra mình có một chỗ điền sai.
Trên tờ đơn yêu cầu điền “WITH CAPITAL LETTER” (bằng chữ in hoa), nhưng hắn lại viết chữ thường.
Mặc dù Tông Hàng thấy chữ in hoa hay chữ thường cũng chẳng ảnh hưởng gì tới việc truyền đạt thông tin, nhưng nhỡ nhân viên hải quan đặc biệt thích xoi mói thì sao? Đến lúc đó mà phải tranh cãi lại…
Trình tiếng Anh của Tông Hàng rất gà mờ, bằng cấp bốn là nhờ người thi hộ nên hắn không muốn “phí sức” cho chuyện này.
Rút một mẫu đơn mới trên quầy để giấy tờ, hắn đi tới một chiếc bàn trống, điền lại.
Cách đó không xa, một gã Campuchia nhỏ thó đen đúa dùng thứ tiếng Trung sứt sẹo hô to: “Năm đô la, năm đô la, điền giúp đơn đây! Five dollar!”
Quanh gã nhanh chóng có một đám các bác các cô xúm lại, việc làm ăn phát đạt trong nháy mắt, bận rộn đến độ bút múa như bay.
Cả thế giới đều biết tiền của người Trung Quốc dễ kiếm.
Cơ mà tiền của dân Trung Quốc đúng là cũng dễ kiếm thật.
Dù sao cũng đang có rất nhiều người xếp hàng chờ qua cửa, giờ qua đó cũng phải đứng cuối. Tông Hàng chẳng có gì phải vội, hắn thong thả tô tô vẽ vẽ, đồng thời tính nhẩm thu nhập mỗi ngày rồi thu nhập hàng tháng của gã Campuchia kia, mãi tới khi đằng sau có người chọc chọc vào vai hắn: “Đồng chí ơi…”
Tông Hàng khó chịu quay đầu lại.
Là một ông già gầy đét chừng sáu mươi tuổi, mặc một cái áo may ô cũ kĩ màu vàng đất có logo tiếng Anh và chiếc quần soóc ka ki rộng thùng thình. Ông ta đi xăng đan, khoác một cái túi đưa thư đã xổ lông, cùng với một túi hành lý rằn ri lớn đặt bên chân.
Tông Hàng cảnh giác: “Có việc gì?”
Trước khi xuất ngoại, hắn đã tìm hiểu liệt kê các kiểu lừa đảo ở sân bay, tự nhiên là sẽ có chút phòng bị đối với những người vô duyên vô cớ tới gần.
Ông già nở nụ cười: “À… Tôi không hiểu tiếng Anh, cậu có thể điền giúp tôi tí không?”
Tông Hàng dẩu dẩu môi về phía gã Campuchia bàn bên kia: “Đằng kia có người điền giúp kìa.”
Ông già không nhúc nhích, vẻ mặt hơi ngượng ngùng: Nhưng… phải mất tiền…”
Tông Hàng phì cười.
Sao hả? Trông mặt hắn giống dân lao động không công lắm chắc?
Hắn lấy đầu bút trỏ vào mình, nói: “Tôi điền cũng five dollar nhá!”
Dứt lời, hắn làm tiếp việc của mình.
Ông già thở dài, hậm hực xách túi bỏ đi.
Chẳng mấy chốc ông ta lại lộn trở về, đoán chừng không tìm được ai nhiệt tình, cũng chê việc làm ăn của gã Campuchia kia quá gian manh – trong tay ông ta nắm một tờ mười tệ: “Này… mười tệ được không? Tôi chỉ điền mỗi tờ xin nhập cảnh thôi.”
Tiện tay giúp đỡ thôi mà, nghuệch ngoạc vài chữ, với lại, đơn của mình cũng điền xong rồi, Tông Hàng nhận tờ tiền: “Tôi nể mặt đồng bào nên lấy chú giá rể đấy!”
Ông già gật đầu lia lịa, đưa hộ chiếu và vé máy bay ra.
Tông Hàng so hộ chiếu để điền thông tin cơ bản trước.
Ông già tên Mã Dược Phi, họ phải viết là “MA”, tên phải điền là “DUOC PHI”.
Sinh năm 1965, cùng tuổi với ba hắn Tông Tất Thắng. Đúng là cùng năm khác mệnh! Ngài Tông Tất Thắng thì ở nhà ăn sung mặc sướng, còn ông chú này…trông dáng vẻ túi to túi nhỏ thế này, chắc là ra nước ngoài làm thuê.
Điền đến cột “mục đích nhập cảnh”, Tông Hàng hỏi ông ta: “Chú đến Campuchia làm gì?”
Ông già lúng túng: “Tìm con gái tôi!”
Vậy chắc là “thăm người thân”. Thăm người thân tiếng Anh là gì ấy nhở? Tông Hàng ngẫm một chốc, vung bút tích vào “BUSINESS”.
Phần sau là số ngày ở lại với địa chỉ liên lạc gì gì đó, hắn cũng lười hỏi tỉ mỉ, cứ chép y nguyên của mình vào.
Mười tệ thì chỉ đáng được phục vụ chừng ấy thôi.
***
Điền xong, hai người một trước một sau đi qua xếp hàng.
Quầy hải quan trang nghiêm vô cùng, nhân viên làm việc bên trong đều là đang chấp hành nhiệm vụ của quốc gia, đại diện cho hình ảnh của đất nước, cả quá trình không nở lấy một nụ cười, cộng thêm đâu đâu cũng thấy tiếng nước ngoài, ông già họ Mã càng túm chặt lấy Tông Hàng: “Ờm… Chú em này, chút nữa nếu người ta có hỏi gì tôi, cậu giúp tôi trả lời với nhé, tôi nghe không hiểu.”
Tông Hàng thuận miệng “vâng” một tiếng, tiến lên trước theo đội ngũ xếp hàng.
Miệng ông già họ Mã vẫn chưa chịu ngậm lại: “Chốc nữa cậu đi bằng gì? Bắt taxi à? Hay chúng ta ghép lại đi chung nhé?”
Tông Hàng lấy làm lạ: “Con gái chú đâu? Không tới đón sao?”
Khuôn mặt già nua của ông ta nhất thời nhăn lại: “Tôi đến tìm nó. Nó bị mất tích.”
Vãi lều, hóa ra cái chữ “tìm” trong câu “Tìm con gái tôi” không phải ý “đi thăm” mà thực sự là “tìm”!
Tông Hàng mới chỉ thấy những vụ người Trung Quốc mất tích ở nước ngoài trên thời sự, không ngờ cũng có một ngày mình lại kề cận ngay cạnh chuyện này như vậy.
Ông già họ Mã mở khóa kéo túi đưa thư, từ bên trong rút ra một tờ rơi rồi đưa cho Tông Hàng: “Đều là người Trung Quốc cả, nếu tiện, cậu cũng để ý giúp một chút với!”
Tông Hàng vẫn chưa hoàn hồn sau cơn kinh hãi, hắn tiện tay nhận lấy rồi quét mắt nhìn qua.
Là một tờ thông báo tìm người, có cả tiếng Trung và tiếng Anh để đối chiếu cùng một bức ảnh in màu. Cô gái tên Mã Du, 25 tuổi, cách thức liên lạc phía dưới cùng là một địa chỉ email.
Ông già họ Mã giải thích: “Đợi tôi mua thẻ điện thoại ở đây rồi sẽ viết thêm số điện thoại liên lạc vào.”
Là sao cơ, đến nơi đất khách quê người dán thông báo tìm người á?
Tông Hàng làm ra vẻ từng trải: “Tôi thấy chuyện dán tờ rơi này không ổn đâu. Chú ra mặt cũng không ổn mà phải để bên đại sứ quán giải quyết…”
Nói rồi, hắn vô thức liếc về phía sảnh lớn của sân bay: “Có người của đại sứ quán tới đón chú không?”
Hắn nhớ trên tin tức có thông báo khi thân nhân của người mất tích ra nước ngoài thì trong nước và ngoài nước, trước sau đều có nhân viên đại sứ quán đứng ra đi cùng.
Ông già họ Mã dường như có điều khó nói nên ngập ngừng lắc đầu.
Tông Hàng cảm thấy ông già này hơi lơ tơ mơ: “Chuyện này phải tìm đại sứ quán. Họ thay mặt nhà nước đứng ra thì bên này mới có áp lực, mới để tâm phá án. Chú cứ dán bừa như thế sẽ phá hỏng bộ mặt thành phố của người ta…”
Ông già họ Mã nói câu gì đó một cách khó nhọc.
Tông Hàng không nghe rõ: “Chú vừa bảo gì cơ?”
Ông ta xoa xoa tay, mặt đỏ như đít khỉ: “Nó…lén vượt biên…”
Gì?
Tông Hàng nghệch mặt tại chỗ.
Đợi mãi không thấy người kế tiếp tự động tiến lên, nhân viên làm việc sau quầy hải quan hết kiên nhẫn, ngẩng đầu vẫy tay với Tông Hàng.
Hắn sực tỉnh, lập tức xách túi mau chóng bước lên trước chẳng khác nào tránh bệnh dịch, trực giác cho biết nên tránh ông già họ Mã kia càng xa càng tốt.
Eo ôi… vượt biên.
Hành vi phạm tội đấy.
Tuy hắn không cầu tiến bộ, nhưng tuyệt đối là một công dân tốt luôn tuân thủ pháp luật. Bất kể trong nước ngoài nước cũng đều phải “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Người như thế, cách càng xa càng tốt.