Sinh nhật năm nay của ông cụ Đàm không rộn ràng tươi vui như năm trước.
Theo ý cha của Đàm Yến Tây tức Đàm Chấn Sơn, chi bằng cứ để ông cụ xuất viện về nhà dưỡng bệnh, ở bệnh viện mỗi ngày cùng lắm chỉ có truyền nước thuốc, về nhà thuê bác sĩ tư nhân chăm nom cũng chẳng khác gì.
Nếu thật sự gặp tình hình xấu thì gọi xe cứu thương chỉ mất tối đa bảy đến tám phút thôi.
Ông cụ Đàm sống tại một ngôi đình cổ, nhà đơn ba gian riêng biệt, xây dựng từ những năm 80.
Căn nhà có một cái sân nhỏ, bên trong trồng một cây táo và có một cái giếng sâu hun hút, miệng giếng mọc đầy rêu xanh, khi kéo ròng rọc giếng thì thật sự múc được nước lên.
Nơi này là địa điểm tốt để hóng mát vào mùa hè, đặc biệt là để dưa hấu vào trong thùng gỗ và treo ở giếng nửa ngày trời, sau đó lấy ra bổ dưa, cảm giác ngòn ngọt mát lạnh vô cùng.
―Những thứ này đều là Đàm Yến Tây nghe thấy chị họ Đàm Văn Hoa cùng anh cả Đàm Khiên Bắc nhắc tới khi trò chuyện dỗ ông nội vui trong bữa tiệc gia đình.
Thời thơ ấu của anh, đương nhiên không có những ngày ăn dưa hấu bên giếng rêu xanh như vậy.
Ông cụ thường cười ha hả nói, Văn Hoa cùng Khiên Bắc, đều lớn lên trong căn nhà này, sau này ông trăm tuổi thì căn nhà này thích hợp chia cho ai trong hai chị em cháu?
Thật ra thì, với sự nghiệp hiện tại của chị họ Đàm Văn Hoa cùng anh cả Đàm Khiên Bắc, ai lại thèm đếm xỉa đến một căn nhà cũ nát như thế này chứ.
Quan tâm là thái độ của ông nội kia kìa.
Trước kia khi Đàm Yến Tây còn nhỏ, chỉ cần ông nội tỏ ra thân thiết với chị họ Đàm Văn Hoa và anh cả Đàm Khiên Bắc, thì sau khi trở về, Doãn Hàm Ngọc tuyệt đối sẽ nổi giận với Đàm Yến Tây: Con chơi ba cái thứ cờ vây gì đó với ông già ấy thì có ích gì! Những lúc quan trọng làm gì tới lượt con!
Mà nay, Đàm Chấn Sơn đưa ông cụ về nhà, trong lòng mọi người đều nói thầm, ai cũng hiểu được với tình trạng hiện giờ của ông cụ thì ước chừng chỉ cầm cự được đến dịp năm mới này.
Trái lại, Doãn Hàm Ngọc không phải là người duy nhất có tâm tư linh hoạt, mà ngay cả chị họ Đàm Văn Hoa, anh rể họ, dâu cả đều trưng ra khuôn mặt tươi cười, tâm tư viết rõ trong mắt: Di chúc của ông cụ là lập hay không lập?
Ông cụ được về nhà mình nên tinh thần tốt hơn rất nhiều.
Hôm sinh nhật ông là một ngày trời trong có tuyết rơi, bảo mẫu giúp ông cụ thay một bộ quần áo mới, Đàm Yến Tây cùng anh cả đỡ người lên xe lăn rồi đẩy đến phòng khách.
Hôm nay không có khách mời, chỉ là người trong nhà và vài người thân thích có liên quan.
Người nhà họ Doãn phái Doãn Sách đến.
Đàm Minh Lãng - con gái Đàm Khiên Bắc lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi bên cạnh ông cụ, kêu vang một tiếng “cụ ơi” dài một tiếng “cụ ơi” ngắn.
Sau đó cô bé lấy một cái khung ảnh ra, bảo là gần đây mình đang học cắt giấy nên đã cắt một chữ thọ, dựa theo mẫu cụ bà đã để lại làm quà cho cụ ông.
Chị dâu đúng lúc hát đệm hai câu, nói Đàm Minh Lãng khổ luyện không biết ngày đêm vì muốn cho ông nội một sự ngạc nhiên.
Ở phòng bếp, chị họ Đàm Văn Hoa chỉ bảo con dâu của mình làm vằn thắn.
Cháu trai họ đằng ngoại thì bóc cam quýt cho ông nội, thậm chí còn lột sạch xơ trắng rồi mới đưa tới tay ông cụ.
Anh rể họ kể cho ông cụ nghe về chuyện nhà nào cưới gả, và một vài chuyện sinh con đẻ cái vui vẻ.
Người ngoài nhìn vào, khung cảnh con cháu quây quần sum vầy như vậy thật ấm lòng xiết bao.
Nhưng trong lòng mỗi người trong cuộc đều tỏ như gương, nếu sự ân cần quan tâm này không bày ra nhân lúc ông cụ còn tỉnh táo, vậy thì không kịp mất.
Doãn Hàm Ngọc cũng thoáng nhận thấy cảm giác khủng hoảng.
Trong những buổi tụ họp gia tộc thế này, bà ta luôn không có cơ hội chen miệng vào, nhưng hiển nhiên hôm nay khi đến đây bà ta đã có chuẩn bị trước.
Tranh thủ lúc mọi người đang ân cần quan tâm, đột nhiên bà ta mang một cuốn Hoàng lịch bước đến, cười tươi rói nói: “Lúc trước con với Yến Tây có đến chùa cầu phúc cho cha, thuận đường mời đại sư trụ trì liệt kê một vài ngày lành.
Nhân lúc sinh nhật cha, hy vọng cha sẽ chọn ra một ngày trong số đó, xem như ban phúc cho Yến Tây và Tư Nam.”
Đàm Yến Tây hơi kinh ngạc, điều đó lộ rõ trên mặt anh ― Sợ rằng cả tháng trời anh còn không gặp Doãn Hàm Ngọc, chứ đừng nói đến bái Phật cầu phúc gì đấy.
Cách giải thích đường ngang ngõ tắt đầy kỳ lạ và xảo quyệt này, vừa nghe đã biết do cậu anh dạy: Chùa nào mà còn lo cả ngày hoàng đạo cho gia đình bạn chứ.
Ông cụ vui tươi hớn hở, cầm cuốn Hoàng lịch lên xem thử.
Doãn Hàm Ngọc chỉ cho ông, cất lời: “Đại sư trụ trì nói, ngày 18 tháng 2, ngày 8 tháng 3 và 16 tháng 4 nông lịch đều là những ngày tốt.”
Ông cụ đáp: “Cha nói sợ rằng sẽ không tính, còn phải cùng với nhà họ Chúc thương lượng nữa.”
Doãn Hàm Ngọc nói: “Cha cứ yên tâm.
Mấy ngày trước con có gặp mẹ của Tư Nam, bà ấy bảo gọi cha đến là điều rất tốt.
Nhưng đây chỉ là một buổi tiệc đính hôn, nên về ngày tổ chức và địa điểm đương nhiên sẽ do Yến Tây và Tư Nam chọn, nếu không tụi nhỏ nhất định sẽ trách tội chúng ta làm người lớn mà vượt quá bổn phận.”
Ông cụ cất lời: “Nếu vậy thì cha cảm thấy ngày 18 tháng 2 rất tốt.”
Nói rồi ông cụ giương mắt, mỉm cười nhìn Đàm Yến Tây ngồi ở tay vịn ghế sofa như thể tự đẩy mình ra ngoài: “Đàm Tam, cháu cảm thấy thế nào?”
Đàm Yến Tây cười nói: “Hôm nay là sinh nhật ông, đương nhiên phải làm ông vui rồi ạ.”
Ông cụ cười đáp: “Vậy cứ quyết định thế đi.”
Sau đó ông cụ trả lại cuốn Hoàng lịch cho Doãn Hàm Ngọc, rồi ngửa đầu nhìn Đàm Minh Lãng lúc này đang bóp vai cho mình, “Cũng không biết cụ có được nhìn thấy ngày lành của Yến Tây không nữa.”
Đàm Minh Lãng lập tức nói: “Sang năm chú Ba và dì Tư Nam sinh em bé, còn phải chờ cụ đến đặt tên đó ạ!”
Ông cụ cười ha hả bảo: “Cái miệng của Minh Lãng nhà ta đúng là nhanh nhảu.”
Giữa trưa là tiệc gia đình, mọi người chia nhau ngồi đầy hai bàn.
Đến buổi chiều, mọi người cũng không kéo nhau đi đánh bài mà vây lại tán gẫu với ông cụ Đàm.
Họ từng bước từng bước khơi gợi đề tài, làm nóng không khí, bảo ông cụ nói về chuyện ngày xưa, làm sao ông và bà nội quen nhau.
Mãi cho tới tám giờ tối, mọi người ai về nhà nấy.
Ông cụ đã mệt mỏi nên cũng không bảo ai trong số họ ở lại cùng mình, mà đuổi hết tất cả về nhà.
Nhóm người ra cửa bắt đầu chào tạm biệt nhau, lúc này Đàm Yến Tây mới ngăn Doãn Hàm Ngọc lại.
Tất nhiên Doãn Hàm Ngọc biết anh muốn nói gì, không đợi anh mở miệng, bà ta đã cất tiếng gây khó dễ trước: “Hôm nay có ai đến đây mà không chuẩn bị gì không? Ông nội đã lên tiếng bảo con nhân lúc còn sớm quyết định đại sự với nhà họ Chúc, còn con thì cứ lề mà lề mề.”
Đàm Yến Tây cười lạnh: “Nhưng có vẻ mẹ rất gấp nhỉ, không ngừng bán người khác với giá cao.”
Dường như Doãn Hàm Ngọc đã làm xong chuyện lớn ngày hôm nay, tấm lưng cứng rắn, cũng không sợ vẻ mặt này của Đàm Yến Tây: “Tùy con nói thế nào, mẹ cũng biết con không vừa mắt mẹ.
Nhưng sau này ông nội mà cho con tài sản thì con phải biết quay đầu cảm ơn mẹ một tiếng ― Con cho rằng chỉ với bản thân mình mà hôm nay mẹ dám lên tiếng trước mặt ông nội sao? Mẹ đã hỏi ý kiến của Đàm Chấn Sơn và nhận được sự đồng ý ngầm của ông ấy rồi.
Có bản lĩnh thì con nói lại với ông nội của mình đi!”
Nói xong, bà ta quấn chặt chiếc áo khoác lông chồn màu xám tro, bước trên đôi giày cao gót phát ra tiếng lộc cộc, đi về phía chiếc xe đang đậu ven đường mà không hề ngừng lại.
Lúc này Doãn Sách đi tới, hỏi Đàm Yến Tây: “Anh Ba, kế tiếp có sắp xếp gì ạ?”
Sắc mặt Đàm Yến Tây lạnh nhạt: “Anh về công ty một chuyến.”
“Thế em đi cùng anh luôn, việc em đang đảm nhận có chỗ cần sửa đổi.”
Hôm nay Đàm Yến Tây tự lái xe tới, nên Doãn Sách cũng thuận đường ngồi xe của anh luôn.
Doãn Sách đã nghe được toàn bộ những lời Doãn Hàm Ngọc nói ban nãy, đương nhiên lúc này cũng biết ý không lên tiếng để tránh bối rối.
Suốt một quãng đường, không ai mở miệng nói gì.
Đàm Yến Tây quay về văn phòng của mình, rồi cởi áo khoác tùy ý ném lên trên sofa.
Sau đó anh châm điếu thuốc và kéo ghế ra ngồi xuống.
Không quá vài phút, Doãn Sách cầm tài