Ngày hôm sau, lúc Tống Tích tỉnh dậy, trời đã sáng choang.
Hình như bên ngoài đang có khách, loáng thoáng đôi câu ba lời của ai đó.
“Shhh…” Nàng hít một hơi lạnh, day day hai huyệt Thái Dương.
Đầu óc vừa nặng vừa đau, mi mắt cứ như bị đá đè vậy, không tài nào mở mắt nổi.
Ký ức của ngày hôm qua rời rạc và hỗn độn, nàng chỉ nhớ mình bị bạn bè ép rượu, rồi Triệu Minh Đức có lải nhải mấy câu gì gì.
Còn sau đó, hình như là nàng đến tìm tiên sinh, tiên sinh cũng nói gì đó với nàng, nhưng rốt cuộc là nói gì nhỉ? Mà sao khi nhớ đến lại khiến con tim của nàng bồi hồi thế này?
Đúng là uống rượu thì hỏng đầu, có khi nào nàng đã quên mất chuyện gì rồi không? Nàng ôm hai má, thất thần suy nghĩ.
Âm thanh bên ngoài dần trở nên rõ ràng.
“Con gái nhà huynh đương độ xuân thì, nếu đổi là cha mẹ nhà khác, tìm được chàng rể quý thế này đã vui mừng muốn chết rồi.
Sao huynh lại có ý định giữ con gái mình thêm vài năm nữa chứ? Đến lúc hoa tàn lá rụng, con gái của huynh còn gả được cho ai?” Giọng nói sang sảng mà nóng lòng của người đàn bà nào đó lập tức xua sạch sự rầu rĩ của Tống Tích.
Nàng khoác áo vào, lẳng lặng hé ra một khe cửa nhỏ rồi đứng từ trong để nhìn ra.
Một người đàn bà trung niên đang ngồi quay lưng về phía sảnh trước, thị mặc bộ đầm dài màu hoa hải đường, mái tóc điểm bạc được búi cao bằng chiếc trâm khắc hoạ tiết hoa lựu, thoạt nhìn còn lộng lẫy hơn nhà nông mộc mạc bình thường.
“Ta bảo huynh chứ, tìm khắp cái thôn này cũng không còn đại gia nào nữa đâu.
Triệu gia chính là nhà giàu nhất thôn rồi, nhà họ cũng chỉ có một người con trai.
Nếu không phải cậu ấy là thanh mai trúc mã, cùng lớn lên với con gái của huynh, chỉ vừa mắt con gái của huynh thì nhà huynh làm sao kiếm nổi mối nhân duyên tốt đến vậy?” Người đàn bà liến thoắng không ngừng, Tống Kiêu nghe mãi cũng dần thả lỏng sắc mặt.
“Ta nghe nói những gia đình giàu có đều cưới ba bốn cô vợ, mà Tích Nhi nhà ta lại không chấp nhận được chuyện này,” Tống Kiêu lo lắng nói.
Ông đã từng gặp Triệu Minh Đức vài lần, có thể xem là một đứa trẻ tốt, thật tình ông không phản đối.
“Thế thì không hẳn, nếu tình cảm của hai vợ chồng tốt đẹp thì người khác ắt sẽ không thể chen vào.
Còn gả cho nhà khác ấy, con gái của huynh không những không được đọc sách mà còn phải làm nông, đồng thời lo cho cả gia đình nữa kìa.”
Những lời này khiến Tống Kiêu lập tức nhíu mày, “Vậy thì không được.
Con gái của ta vốn đã thích đọc sách, không thể vì dựng vợ gả chồng mà bỏ được.”
Người đàn bà kia tiếp lời ông, “Nhưng gả cho Triệu gia thì không như thế, Triệu gia có sản nghiệp lớn, không cần con dâu nhà huynh lao động chân tay.
Triệu gia cũng nói rằng: nếu cô ấy muốn