Bay mãi bay mãi, bay không mục đích, vì dẫu sao chỗ nào cũng như nhau. Nhưng có lẽ vì già rồi nên hơi mệt.
Nó quan sát thành trì dưới chân, thấy quen quen, rời đi mấy trăm năm, hình như lại bay về rồi.
Nương theo ánh trăng, nó chọn một gia đình, lý do rất đơn giản, nhà đó nuôi nhiều gà, có gà trống gà mái, còn có bầy gà con. Nó lẳng lặng chui vào chuồng gà, lẫn trong đống gà con có màu gần giống với màu của nó, nó sợ lạnh, nếu không năm xưa hoàng đế đã chẳng xây cho nó tòa Bích Hàn Đài(1).
(1) Bích Hàn Đài: Đài chống lạnh.
Có điều hiển nhiên nơi này thoải mái hơn Bích Hàn Đài, đàn gà con vừa ấm áp vừa mềm mại, bộ lông của chúng mới êm ái làm sao. Quan trọng nhất là ở với chúng rất an toàn, không có ai nhận ra có thêm một “con gà” trong đàn, thật sự thì nó rất giống gà, nhưng nó lại cảm thấy mình dễ gây chú ý hơn.
Gia đình này chỉ có hai người, mẹ và con. Nó nấp trong chuồng gà quan sát mấy ngày, biết được nhà này họ Chu, người mẹ thường gọi con trai là Tiểu Bảo.
Tiểu Bảo khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, là kẻ như có cái đinh trên mông, không ngồi yên ở nhà được, suốt ngày đi sớm về trễ, phần nhỏ thời gian là để làm mướn, còn phần lớn thời gian là để chơi bời lêu lổng.
Mẹ cậu ta thì chăm chỉ hơn nhiều, từ trong ra ngoài đều do một tay bà lo liệu, ngay cả nuôi gà cũng mập mạp hơn nhà người ta.
Có lẽ bà cũng nấu ăn rất ngon, vì mỗi lần tới giờ cơm, trong sân sẽ tràn ngập hương thơm. Nhưng Tiểu Bảo rất ít khi ăn cơm cùng bà, cho dù cậu ta ở nhà, mỗi lần mẫu thân gọi cậu ta ăn cơm thì cậu ta cũng chỉ bực bội đáp lại một tiếng, sau đó lùa nhanh vài miếng rồi lại đi ra ngoài.
Bà rất thích gấp giấy, gấp rất nhiều hoa cỏ và con vật. Bà bày con heo đẹp nhất trong phòng con trai vì Tiểu Bảo tuổi hợi, song, có một ngày Tiểu Bảo chuẩn bị đi ra ngoài, thấy giày dính vết bẩn thì tiện tay lấy con heo giấy ở trên bàn để lau giày. Bà trông thấy nhưng không nói năng gì, chờ con đi, bà nhặt con heo đã bị hỏng lên, cẩn thận mở ra, trên trang giấy vừa nhăn nhúm vừa bẩn thủi là sáu chữ xiêu xiêu vẹo vẹo “Tiểu Bảo bình an hạnh phúc”. Bà vuốt phẳng tờ giấy, sau đó cất vào ngăn tủ. Gần đây bà đang học chữ ở nhà Lưu tiên sinh hàng xóm, đó là dòng chữ đầu tiên bà hoàn thành mà không cần ai chỉ dạy.
Làm sao nó biết ư? Ha, là do bà đứng trước chuồng gà vừa vãi thóc vừa kể.
Bà đã biết cách gấp hoa mai, hôm nay trên đường bà gặp một người bạn cũ đã rất lâu không gặp, bà làm rơi hai quả trứng gà lúc đi bán trứng… Tất cả những chuyện vụn vặt hoặc không quá vụn vặt, bà đều kể khi đứng trước chuồng gà.
Thực tế là vậy đó, hằng ngày bà nói chuyện với gà còn nhiều hơn với con trai.
Tiểu Bảo luôn tỏ ra rất bận rộn, mẫu thân bảo cậu ta mặc thêm quần áo khi trời lạnh, cậu ta đáp biết rồi biết rồi; bảo cậu ta ra ngoài nhớ cẩn thận, cậu ta cũng nói biết rồi biết rồi; mỗi lần muốn nói chuyện với cậu ta, cậu ta không bận đi chơi với bạn thì cũng trốn trong phòng chơi chọi dế. Có đôi lúc bà cũng thở dài khi nhìn bóng dáng đằng sau của con trai nhưng sau đó lại làm như không có gì, còn nói nhỏ, người trẻ tuổi mà, luôn bận rộn chuyện riêng.
Nó quyết định tiếp tục ở lại chuồng gà, cho đến khi bầy gà con thay lông thì nó vẫn y như cũ. Cho dù bà có lơ là đến đâu thì cũng phát hiện loài vật khác ở trong chuồng gà.
Nó xòe cánh, chuẩn bị bay đi.
“Mi không phải là gà…” Bà đứng trước chuồng gà, trong ánh mắt ngạc nhiên không hề toát lên sự ác ý, “Chưa từng thấy con chim nào như mi cả. Bị thương rồi rơi xuống nhà ta à? Hay bị lạc?”
Nó kêu chiêm chiếp.
“Mi còn nhỏ quá, chắc là bị lạc cha mẹ, không đủ sức bay theo bầy đây mà.” Bà tưởng tượng ra tình huống của nó, vuốt đầu nó bằng ngón tay, “Nếu không chê chuồng gà nhà ta thì ở lại nhé, chờ lớn rồi hẵng tìm cha mẹ. Nếu mi xảy ra chuyện gì, cha mẹ mi sẽ buồn lắm.”
Nó ngẫm nghĩ, thu cánh lại, tạm thời bỏ ý định bay đi. Không vì lý do gì cả, chỉ là cảm thấy có thể ở lại đây thôi.
Từ đó, trong mớ thức ăn được vãi ra, trừ thóc thì còn có gạo, đó là ưu đãi mà bà dành cho nó. Mà báo đáp lớn nhất nó có thể trao cho bà là lẳng lặng nghe những câu chuyện mà đứa con của bà không muốn nghe.
Thật ra những câu chuyện của bà không hề tẻ ngắt, thiên văn địa lý, lông gà vỏ tỏi đều có cả, việc nào cũng rất thú vị. Đáng tiếc Tiểu Bảo không muốn dành nhiều thời gian cho bà, trong lòng cậu ta luôn có chuyện quan trọng hơn mẹ mình.
Đầu hạ năm ấy, Tiểu Bảo kiên quyết rời khỏi nhà, cậu ta nói muốn tòng quân, muốn lập chiến công, thu phục non sông cho quốc gia và hoàng đế của mình, muốn đi đến nơi có biển rộng trời cao.
Bà biết bà không ngăn được cậu ta.
Tiểu Bảo mang theo ước mơ tốt đẹp nhất trong thời chiến rời đi, dáng mẹ đằng sau còn chưa khuất mà cậu ta đã nhìn thấy mình mặc khôi