Nhóm người Hiểu My tiếp tục hạ trại bên bờ hồ Huyết Trì. Trong thời gian chờ đợi Tiểu Bạch thoát thai hoán cốt, Hiểu My tranh thủ rèn luyện cho Lâm Tiểu Hổ khinh công và Thiên Long thập nhất thức.
Trong nửa năm cô tạm vắng mặt. Tiểu đồ đệ này của cô vẫn không ngừng tập luyện. Tiểu Bạch gọi đám yêu thú cấp cao trong rừng tới đây cho nó luyện tập. Mặc dù cứ tới điểm dừng là được, nhưng hiệu quả đúng là rất khả quan. Ít ra, bây giờ thằng bé đã có thể nhấc được Lam Tiêu Côn. Bộ côn pháp mà nó luyện tập bao lâu nay vẫn được xem là tương đối thuần thục mấy chiêu thức đầu tiên. Thiên Long Đoạn Quần hùng, Thiên Long Hủy Lưu Sa, Thiên long phượt thủy, Thiên Long Bạt Sơn, Thiên Long phạt địa.
Tuy ưu thế mỗi chiêu đều kém rất nhiều so với khi bản thân Hiểu My thi triển, nhưng tin rằng trong tương lai không xa, thằng bé có thể nhanh chóng đuổi kịp thầy.
Hàn Tử Liệt ngồi trên một tảng đá to “ăn hạt sen”. Hạt huyết châu to bằng ngón tay cái, hắn phải cắn mấy lần, mất mấy ngày mới hấp thụ được hết. Quá trình này chậm đến đáng sợ. Khiến cho ba tên nhóc Tiểu Tùng, Tiểu Huyễn, Tiểu Nhĩ ngày đầu tiên còn tập trung bên cạnh hắn xem “mỹ nam nhập định”, sau đó nhanh chóng chán nản, bỏ đi chơi.
Dưới sự bảo kê của Hắc Báo, toàn bộ sơn mạch Đoạt mệnh này, không nơi nào mà ba tên tiểu quỷ này chưa đặt chân tới. Thỉnh thoảng, chúng cũng mang về cho chủ nhân rất nhiều thiên tài địa bảo và những thứ thú vị.
Hắc Báo đáng thương. Đường đường là yêu thú có tu vi cao nhất nhì ở sơn mạch này. Thế mà hơn nửa năm này lưu lạc đến mức trở thành bảo mẫu. Tình hình này sẽ còn tiếp tục duy trì cho đến khi các vị “đại năng” chiếm đoạt địa bàn của nó tình nguyện rời khỏi nơi đây.
…………………………………………………………………………
Không biết có phải do Hắc Báo ngày nào cũng cầu nguyện hay không, nhưng mà quá trình cải tạo nhục thân của Tiểu Bạch lần này nhanh hơn Hiểu My rất nhiều. Chỉ mất hơn bốn tháng, cả huyết trì đỏ rực lúc trước đã trở thành một ao nước bình thường. Nếu không phải còn có bụi huyết liên tồn tại và màu sắc nhàn nhạt của nước trong ao thì không ai có thể nhận ra đây chính là hiểm địa nổi tiếng nhất của toàn bộ Đoạt mệnh sơn mạch.
Lúc Tiểu Bạch vọt lên không. Hiểu My thấy rõ, hai cái sừng trên đầu nó đã dài ra, hệt như sừng rồng. Trên cái đầu tam giác lất phất mấy sợi râu bạc uốn lượn. Vảy trắng trên thân vừa to lớn, vừa cứng cáp, phát ra nhè nhẹ bạch quang. Cái đuôi cũng đã phát triển to lớn hơn, uy thế hơn. Tóm lại, chỉ còn thiếu bốn cái chân thì Tiểu Bạch đã có thể trở thành một con rồng thật sự. Mặc dù con rồng đó còn kém một chút uy vũ so với thần long cổ đại.
Tiểu Bạch lao tới bụi huyết liên, há cái mồm to rộng táp lấy toàn bộ đóa hoa và đám đài sen mà Hiểu My chừa lại.
Mọi người sững sờ trước hành động tàn bạo này của nó. Nhất là Hắc Báo. Nó ngửa mặt lên trời, gào một tiếng đầy vẻ tuyệt vọng, thê lương.
Hiểu My giơ một tay đỡ trán, bất đắc dĩ nhìn trời. So với hộ vệ của mình, cô vẫn còn nhân từ ra phết.
Tiểu Bạch sau khi tiêu hóa xong bụi huyết liên thì phóng đến chỗ Hiểu My. Nó không nói gì cả, chỉ yên lặng nhìn cô. Ánh mắt tha thiết, khẩn cầu lại đong đầy tủi hờn, nũng nịu…. Tóm lại. Hiểu My đầu hàng rồi.
Ngân Nguyệt Xà ăn hết năm cái đài sen với mấy trăm khỏa huyết châu nữa mới ngừng lại. Mặc dù nó biết chủ nhân vẫn còn nhưng mà nghĩ tới Hàn Tử Liệt và những vị phu thần khác nên biết đủ, không dám đòi hỏi nhiều hơn.
Như vậy là sau hơn một năm tiến vào Đoạt mệnh sơn mạch. Nhóm người của Trần Hiểu My đã có thể vui vẻ rời đi trong sự tiễn đưa rầm rộ của đám yêu thú tại nơi này. Hắc Báo đáng thương, nhận được phúc lợi là mới củ sen còn sót lại dưới huyết trì. Mắt rưng rưng cảm động.
……………………………………………………………………….
Lời tác giả:
Ta xin khái quát lại một chút về các thế lực tại kinh thành Tử Vân Quốc trước khi tiếp tục:
Hoàng đế: Hàn Dạ
Hai mươi vạn kỵ binh giao cho Cửu tử Hàn Tử Liệt - người được tôn xưng là Chiến thần, cũng là Tử Vân quốc đệ nhất mỹ nam.
Cấm vệ quân (Tại Tử Vân Quốc còn gọi là Cẩm Y Vệ) được giao cho Tam hoàng tử Hàn Tử Liêm. Người có giao tình rất tốt với Hàn Tử Liệt.
Thái tử Hàn Tử nguyệt – không am hiểu về bày binh bố trận, nhưng lại có năng khiếu rất cao trong nghiên cứu, trợ giúp sản xuất nông nghiệp.
Nhị hoàng tử Hàn tử Hạo nắm giữ hộ bộ, được sự giúp đỡ của đệ đệ ruột là tứ hoàng tử Hàn Tử Minh – phe cánh đối đầu trực tiếp với thái tử.
Bên cạnh đó, còn có Bát hoàng tử - một người trong ngoài bất nhất, bề ngoài là một hoa hoa công tử, một nhàn vương không màng danh lợi. Thất hoàng tử thì thần trí không minh mẫn. Đồng thời còn có một Thập hoàng tử - Hàn Tử Bối - đệ đệ ruột của Hàn Tử Liêm vốn rất được cưng chiều.
Ngoài ra, còn có Trấn bắc tướng quân, Bình tây đại nguyên soái, Bình nam vương, Bình đông vương.
…………………………………………………………………….
Bốn tháng sau.
Tại kinh thành của Tử Vân Quốc.
Phố phường sầm uất, tấp nập kẻ tới người đi. Từng tòa đại viện san sát nhau. Những con hẻm giữa các đại viện này cũng có người canh giữ toàn bộ thời gian chứ không vắng lặng, đìu hiu như những vương quốc khác.
Buôn bán ở Tử Vân Quốc đều tập trung thành từng khu vực. Đặt biệt, tại khu ở của quan lại, không có bất kỳ hộ kinh doanh nào. Thương nhân không được phép mở quầy hàng tại nơi này. Nếu không sẽ bị trị tội theo quốc pháp. Ngược lại. Họ có thể đến các con phố tại bốn khu Đông,
Tây, Nam, Bắc của Kinh thành.
Tử Vân Quốc vốn có một bài vè thế này:
Khu Đông có phố Hạ
Củi, gạo, mắm, muối và thịt, cá
Rau dưa, gà, lợn đều đủ cả
Thực phẩm bốn mùa chẳng thiếu chi.
Khu Tây có phố Hoa
Xiêm y, trang sức của mỗi nhà
Phấn thơm, hoa lụa và thêu phẩm
Vải vóc muôn màu lựa thỏa thuê.
Khu Bắc có Sơn Khê
Dược đường, thầy thuốc lắm tay nghề
Y quán bốn bề vây kín kẽ
Hương liệu từng quầy thoảng đê mê.
Khu Nam có phố Nghê
Gia cụ đẹp mắt nhất trong nghề
Sành sứ, thủy tinh, trang trí phẩm
Sính lễ, hồi môn, ai dám chê.
Kinh đô có phố Ngọc Huê
Dưới chân Thiên tử đẹp trăm bề
Tửu Lầu, khách điếm mọc san sát
Điểm tâm, trà nước đủ no nê…
Trước khi Hiểu My tới Tử Vân Quốc, hai sư đồ của cô đã thuộc lòng bài vè này. Vì thế, ngay khi họ cải trang đến kinh thành thì đã lập tức tách biệt với Tử Hàn Liệt, vội vã chạy đến phố Ngọc Khuê ngay phía ngoài của Tử Cấm Thành.
Kinh thành này của Tử Vân Quốc không quá to lớn nhưng lại được xây dựng, thiết kế như một pháo đài kiên cố, vững chãi. Tường thành rất dày, được kết nối bằng đá tảng. Trên tường thành bốn phía, cứ cách một khoảng lại có chốt canh. Máy bắn đá xuất hiện khắp nơi. Cung tiễn thay nhau xếp hàng canh gác. Hệ thống quan sát từ trên cao này làm cho Kinh thành trở thành một thánh địa bất khả xâm phạm. Đó là chưa kể tới trên mặt đất, luôn có từng tốp, từng tốp binh lính đi tuần.
Đây chính là thành tựu vĩ đại được tạo ra bởi một tay vị lãnh huyết vương tử Hàn Tử Liêm.
Lúc mới đến, đa phần mọi người đều chưa quen, cảm giác như bị người giám sát suốt cả ngày khiến bản thân mất hết tự do, vô cùng khó chịu. Nhưng chỉ cần quen thuộc rồi, ai cũng đều có chung một nhận định: “Kinh thành của Tử Vân Quốc chính là nơi an toàn nhất trên toàn bộ đại lục Bắc Đẩu”.
Dĩ nhiên, cái sự an toàn này không bao gồm sóng ngầm nội chiến vì tranh giành ngôi vị của các hoàng tử trong cấm cung.
Hàn Tử Liệt có việc riêng cần giải quyết. Hiểu My quăng cho hắn một mớ đan dược và một đài sen với gần trăm hạt Huyết Liên rồi mặc hắn tự tác tự tung. Nam tử đều có khoảng trời riêng của mình. Thỉnh thoảng, sư đồ của cô cũng nhận được tin tức về vị chiến thần này thông qua tin tức của dân chúng trong những lúc trà dư tửu hậu.
Lần trở về này, Hàn Tử Liệt đã diễn một vở kịch vô cùng sâu sắc, cảm động.
Chỉ trong một thời gian ngắn. Tin tức Cửu Hoàng Tử trở lại đã lan truyền khắp kinh đô.
Đáng tiếc, vị chiến thần này trọng thương trong Mộ Thiên thành. Sau đó, lại mất đi trí nhớ, lang bạt bên ngoài cả một năm. Gần đây mới gặp được thần y. Thần Y có thể chữa khỏi bệnh mất trí cho cửu hoàng tử, cũng có thể khôi phục được xương cốt đã gãy nhưng lại chẳng thể nào giúp ngài khôi phục công lực như lúc đầu.
Không những thế, trong quá trình trở lại kinh thành, Cửu Hoàng Tử còn liên tục gặp ám sát. Khi gặp được hoàng đế bệ hạ thì chỉ còn lại một hơi tàn.
Hoàng đế đưa người vào cung chăm sóc, ngự y dốc hết lòng chữa trị cũng chỉ có thể duy trì sinh mạng cho Hàn Tử Liệt trong mười ngày.
Đến buổi sáng của ngày thứ mười một. Mười mấy tiếng chuông từ Vọng Linh Lầu của cung điện vọng khắp kinh đô.
Vị Chiến Thần trong truyền thuyết của Tử Vân Quốc cứ thế ra đi. Để lại sự tiếc thương vô hạn của toàn thể triều đình và chúng dân. Quốc tang long trọng được diễn ra. Cả nước một màu trắng tang thương. Trang sử vàng về truyền thuyết của một vị chiến vương từ đây chính thức khép lại.
Hai tuần sau, đợi khi hoàng đế đã nguôi ngoai nỗi đau mất con. Tam Hoàng Tử Hàn Tử Liêm đến ngự thư phòng gặp Hàn Dạ và Hàn Tử Nguyệt, trình lên phụ hoàng hắn một hộp gỗ to.
Trong hộp gỗ là binh phù của hai mươi vạn kỵ binh, mấy bình sứ trắng đựng đan dược và một gốc nhân sâm ngàn năm. Bảo rằng đây là di vật mà Hàn Tử Liệt để lại. Hoàng đế đặc biệt dặn dò hắn đợi lúc thích hợp thì dâng lên cho phụ vương.
Hoàng đế nhận lấy, quan sát công dụng của từng loại đan dược trên bình sứ thì ngửa mặt lên trời hét lớn một tiếng: Ngốc tử! Sau đó thì nước mắt như mưa. Vừa trách vừa thương cho một mảnh hiếu tâm của đứa con bạc mệnh.
Hai huynh đệ Hàn Tử Nguyệt và Hàn Tử Liêm khóc theo.
Thư phòng hôm ấy ngập trong nước mắt đau thương của ba nam tử trưởng thành. Xót đau không thể tả.