Tần Phóng chưa hề nghĩ đến vấn đề này. Ông cố và bà cố trong mắt anh
là hai người già đã qua đời vô cùng bình thường. Lẽ nào bọn họ cũng có
bí mật, mà bí mật này còn liên quan đến Tư Đằng sao?
Không thể tưởng tượng nổi, có thể nói là hoang đường.
Tư Đằng nói: “Tôi bị chôn ở Nang Khiêm, cậu lại đúng lúc phải đi Nang Khiêm để dập đầu cho tổ tiên. Tôi biết Thiệu Diễm Khoan, mà xưởng dệt
của anh ta cũng từng có làm ăn với trấn mà ông cố cậu ở. Cậu cảm thấy
đây chỉ là trùng hợp thôi sao? Dù thế nào tôi cũng không tin. Cha cậu
bảo cậu đi Nang Khiêm, chắc không thể nào để cậu đi tìm từng nhà được,
có cho cậu đầu mối gì hay không?”
Tần Phóng suy nghĩ một chút: “Cha tôi nói có thể tìm một một người
tên là Giả Quý Hồng. Vùng Nang Khiêm là khu người Tạng tập trung sinh
sống, rất ít người Hán, cho nên tuy đã trôi qua nhiều năm, hỏi thăm cẩn
thận sẽ không khó tìm ra. Không ngờ mấy năm trước Ngọc Thụ bị động đất
liên lụy đến Nang Khiêm, rất nhiều thôn xóm đã di dời. Cô có biết… Giả
Quý Hồng này không?”
Hiển nhiên Tư Đằng khá xa lạ với cái tên này: “Chỉ có tên thôi sao?
Còn nói gì với cậu nữa, ví dụ như là người này làm nghề gì chẳng hạn?”
“Nói là đã từng làm phu kéo xe… Ngoài ra, ông ta đứng thứ ba trong nhà, người ta thường gọi ông ta là Giả Tam.”
Tư Đằng im lặng, có điều nhìn từ nét mặt cô, Giả Tam này hiển nhiên
là nhân vật đột ngột xuất hiện không để lại dấu vết gì để tìm rồi. Tần
Phóng còn định nói gì nữa thì điện thoại di động bất chợt vang lên.
Là Đơn Chí Cương gọi đến, anh ta nói chuyện lúc trước Tần Phóng nhờ
anh ta nghe ngóng tin tức về hậu nhân của Thiệu Diễm Khoan, nay đã có
manh mối rồi.
Hậu nhân của Thiệu Diễm Khoan thật ra là nhánh con vợ cả của ông ta
vẫn ở lại Thượng Hải. Thậm chí bị ảnh hưởng tư tưởng “Một chiếc giường ở Phổ Tây còn hơn một căn phòng ở Phổ Đông” (1) của thế hệ trước, chưa hề rời khỏi khu Hoàng Phố cổ xưa này.
(1) Là quan niệm của người Thượng Hải trong thập niên 80. Khi đó
Phổ Đông vừa khai phá, tuy nhà cửa mới xây khá rộng rãi nhưng giao thông không tiện, gần như không có khu vui chơi, mua sắm, bao gồm cả cơ cấu
chính quyền. Phổ Tây thì khá đầy đủ nhưng duy chỉ có nhà ở là chật chội, thường một nhà mười mấy mét vuông nhưng lại có đến bảy, tám nhân khẩu
hoặc thậm chí lên đến mười. Đến năm 86 – 90, có rất nhiều người trẻ tuổi đến tuổi kết hôn nhưng gặp khó khăn về vấn đề nhà cửa nên không kết hôn được. Ngay lúc đó chính phủ Thượng Hải đề xướng chính sách khai phá và
phát triển Phổ Đông, bao gồm cả ưu đãi cho người chịu dọn đến đó. Nhưng
một số người vẫn không chịu đi, nên câu nói “Một chiếc giường ở Phổ Tây
còn hơn một căn phòng ở Phổ Đông” trở nên khá phổ biến vào thời đó.
Lại nghe nói cuộc sống của bọn họ không khấm khá lắm nhưng cũng không đến nổi nghèo túng, vất vả. Cháu cố tên là Thiệu Khánh, chừng ba mươi
tuổi, mở một tiệm cơm nho nhỏ chưa đến hai mươi thước vuông ở đường Vân
Nam nổi tiếng mỹ thực ở Thượng Hải, còn kiêm luôn việc giao cơm hộp.
Lúc Tần Phóng và Tư Đằng đến đã là buổi trưa ngày thứ ba. Buổi trưa
là thời điểm giao thức ăn bận rộn nhất, Thiệu Khánh mặc một chiếc tạp dề bên ngoài quần áo, ngồi trong quầy nghe điện thoại: “Cao ốc nào? Là cái phía sau Raffles à? Ba phần cơm gà Cung Bảo. Đúng vậy đúng vậy, đặt cơm tặng nước trái cây, khuyến mãi thực tế mà…”
Anh ta cúp điện thoại, ngẩng đầu nhìn thấy Tư Đằng và Tần Phóng,
khuôn mặt tươi cười nhưng lại có vẻ quan sát và cảnh giác của người buôn bán: “Hai vị… ăn cơm à?”
Tư Đằng không lên tiếng ngay. Lúc trước cô cho rằng cháu của Thiệu
Diễm Khoan ít ra trên người sẽ mang chút bóng dáng của anh ta. Vẻ mặt,
cách ăn nói và hành động bao giờ cũng có chút vết tích, không ngờ rằng
hoàn toàn khác biệt. Thiệu Khánh trước mắt dáng vóc nhỏ thó, ngũ quan
không rõ ràng, trong đôi mắt đầy vẻ con buôn gian xảo. Sự tương phản bất ngờ như vậy khiến trong nhất thời cô có chút ngỡ ngàng.
Không ăn cơm vậy không phải là khách? Nếu không phải khách thì đứng
chắn cửa làm gì, người ta còn phải phải làm ăn nữa mà. Thiệu Khánh không còn vẻ nhiệt tình như khi nãy: “Các người đến đây làm gì?”
Tần Phóng thấy Tư Đằng hơi thất thần, rất hiểu cho tâm trạng của cô.
Anh hắng giọng một cái, nói thay cô: “Anh là Thiệu tiên sinh đúng không? Xin hỏi anh có rảnh không? Chúng tôi muốn tìm hiểu một chút về chuyện
ông Thiệu Diễm Khoan, ông cố của anh.”
“Đầu mi bị răng rứa?” (Đầu óc mày có vấn đề à?) – Thiệu Khánh cảm thấy mình đã gặp phải bệnh nhân tâm thần – “Mi nói chi mô?” (Mày nói cái quái gì vậy?)
Tần Phóng không hiểu tiếng Thượng Hải, nhưng nhìn vẻ mặt và giọng
điệu cũng biết không phải lời hay ho gì. Anh không tức giận chỉ cười với Thiệu Khánh, móc ví tiền ra, đặt từng tờ tiền mặt màu đỏ trị giá một
trăm tệ lên quầy.
Sau năm tờ, sắc mặt Thiệu Khánh dịu đi, ánh mắt hơi chần chờ nhìn
nhìn Tần Phóng rồi lại nhìn nhìn Tư Đằng. Dường như đang ngần ngừ, nhưng không lên tiếng. Tần Phóng thấy vậy tiếp tục cho anh ta thêm, lúc đến
một nghìn tệ thì anh dừng lại.
“Thiệu tiên sinh, chúng tôi muốn tìm hiểu một vài chuyện của Thiệu Diễm Khoan ông cố anh, giá tiền có thể thương lượng.”
Thiệu Khánh hơi hoang mang, yết hầu nhẹ nhàng lên xuống, ánh mắt liếc nhanh qua xấp tiền mặt rồi nhanh chóng dời đi nhưng lại không nhịn được liếc trở lại. Tư Đằng liếc nhìn Tần Phóng, khẽ cười.
***
Thiệu Khánh mời Tần Phóng và Tư Đằng đến lầu hai. Giống với những nhà lầu cũ tu sửa lại ở Thượng Hải, tầng một buôn bán, tầng hai để ở, không gian rất chật xoay người cũng sợ đụng phải đồ vật.
Thiệu Khánh pha trà cho họ, là trà túi lọc Lipton, đổ nước sôi vào đã có ngay một cốc trà lớn. Bởi vì Tần Phóng nói rõ mình không hiểu tiếng
Thượng Hải, Thiệu Khánh dù bản lĩnh kém cỏi cũng thử nói tiếng phổ
thông.
“Ông cố tôi rất tệ bạc, ban đầu gom sạch tiền trong nhà ngay cả trang sức của bà cố tôi cũng trộm mang đi, dẫn theo bà ba trốn sang Đài Loan, không nói với ai trong nhà hết. Sau đó bà cố tôi biết, tức giận ngất
xỉu ngay tại chỗ. Vô tình vô nghĩa, anh nói có tệ răng? Không dẫn vợ mình chỉ dẫn tiểu tam theo, có phải là vô tình vô nghĩa hay không?”
“Sau khi bà cố tỉnh lại, không thể nuốt trôi cơn giận này được. Quần
áo ông cố tôi chưa kịp mang theo cũng bị bà lấy kéo cắt tan nát thành
từng mảnh rồi lấy làm giẻ lau nhà. Sau đó mang hình ra cắt xoành xoạch
ngay cổ, cắt xong gom lại ném xuống sông Tô Châu. Vừa ngồi xuống còn
chưa nóng chỗ thì ông chú ba đã chạy vào la lên, tiêu rồi, tiêu rồi, tàu lật rồi.”
“Sau đó mới biết được ông cố tôi đi tàu Thái Bình Luân bị đắm, người
trên tàu chết hết. Nghe nói khi đó thường thấy được hành lý của người bị nạn trôi lênh đênh trên biển. Trốn sang Đài
Loan, mang theo toàn bộ
người nhà… Ôi, lạc đề rồi, nói đến đâu rồi nhỉ, à nói đến ông chú ba của tôi.”
“Bà cố tôi vừa nghe đã trợn trắng, chân cũng mềm nhũn, rất lâu không
có phản ứng. Vẫn là ông chú ba tôi ấn huyệt nhân trung khiến bà tỉnh
lại. Sau khi tỉnh lại thì khóc lóc kêu trời kêu đất, lại bảo mọi người
đi vớt hình lên, nhưng mà không thể vớt lại hết cố hết sức chỉ vớt được
vài tấm.”
Thiệu Khánh chỉ nhớ được bao nhiêu chuyện này của Thiệu Diễm Khoan
thôi. Đương nhiên mấy chuyện này không đáng giá để nhận tiền, nhưng biết làm sao được, người ta không thể bịa đặt chuyện họ không biết.
Vì đền bù, anh ta vô cùng nhiệt tình bảo hai người uống trà: “Uống nhiều chút đi, uống trà tốt cho cơ thể…”
Tư Đằng hỏi anh ta: “Những tấm hình kia còn không?”
Thiệu Khánh khẳng định: “Còn mà, còn mà, lúc bà cố chết có đốt hai
tấm, những tấm khác đều giữ lại, nhất định là có. Để tôi lục xem, để tôi lục xem.”
Anh ta lục tung cả căn nhà, tìm tận đáy từng ngăn tủ, bắt ghế trèo
lên cao xem nóc tủ. Qua một lúc mới vui sướng ôm quyển album cũ đến: “Có đây, có đây, ở đây nè.”
Đúng là quyển album cũ, lồng vào giấy kiếng, hình đều viền hoa ở góc. Tư Đằng cầm lấy mở ra xem, mấy tấm đầu đều là hình Thiệu Diễm Khoan. Có tấm mặc đồ tây, có tấm mặc áo khoác dài, còn có tấm đứng tựa vào chiếc
xe cổ, thân hình cao lớn, môi mỏng mắt sáng. Tuy hình đã bị ngâm nước
một lần, nhưng vẫn thấy rõ đây là người đàn ông phong lưu anh tuấn, chắc hẳn thời đó đã khiến không ít quý bà quý cô chết mê chết mệt.
Lại lật tiếp, tấm ảnh này rất kỳ lạ, tuy đã ghép lại là một tấm hình
nguyên vẹn, nhưng rõ ràng người bên cạnh Thiệu Diễm Khoan đã bị cắt bỏ.
Tần Phóng nhìn Tư Đằng một cái, thấy cô không có dị nghị gì anh giúp
cô lật tấm hình đó đi. Nhưng gần như trong tích tắc lật qua, sắc mặt Tư
Đằng thay đổi cô đưa tay giữa chặt tấm hình kia lại, ánh mắt nhìn chằm
chằm vào người bên cạnh Thiệu Diễm Khoan.
Người đó mặc một bộ áo bào đạo sĩ căng cứng, có lẽ là rất ít khi chụp hình nên có vẻ tay chân lúng túng không biết để vào đâu.
Áo bào đạo sĩ ư? Trong lúc chớp nhoáng, Tần Phóng bỗng hiểu ra: “Đạo trưởng Khưu Sơn?”
“Ừ.”
Đạo trưởng Khưu Sơn và Thiệu Diễm Khoan à? Tần Phóng mơ hồ cảm thấy
có gì đó không đúng nhưng trong thời gian ngắn không làm sao nắm được
điểm mấu chốt, anh chần chờ một chút mới tiếp tục lật ra sau, không còn
hình của Thiệu Diễm Khoan nữa.
Quả thật chỉ có vài tấm hình, Tần Phóng lật lại tờ khi nãy chỉ vào
tấm hình bị cắt bỏ hỏi Thiệu Khánh: “Tấm này là bà ba kia bị cắt bỏ
sao?”
“Hình của bà ba đều mang đi hết rồi, không có để lại, chắc hẳn đoán
được là bà cố biết sẽ hận bà ta, sợ để lại hình bị bà cố đem đi đánh
tiểu nhân… Đây là hình bà hai.”
Tư Đằng đột nhiên hỏi: “Bà cố anh rất ghét bà hai à? Sao lại cắt mất hình của bà ta?”
“Đây không phải là bà cố tôi cắt, là ông cố tự mình cắt.” – Thiệu
Khánh dường như đột nhiên nhớ ra gì đó, hiển nhiên ra vẻ giống như nói
chuyện kỳ lạ cho người ta nghe – “Nghe nói bà hai này rất quái gở, lai
lịch cũng kỳ lạ, không thân thiết với ai trong nhà hết. Có đôi khi lại
mất tích mấy ngày khó hiểu, mỗi lần không thấy, ông cố cũng chưa bao giờ kêu người đi tìm… Sau đó nghe nói bà hai này có thai, lúc sắp sinh thì
lại không biết đi đâu mất cũng không thấy trở về. Qua nhiều tháng sau,
có một đạo sĩ… là người trong tấm hình này nè, đến tìm ông cố tôi. Ông
cố tôi bảo người làm mang những đồ đạc chỉ cần bà hai đã dùng qua ra đốt hết, ngay cả hình của bà hai cũng bị đốt sạch. Đạo trưởng kia nói,
trong hình còn có người khác, mang đi đốt cũng không tốt nên mới cắt để
lại.”
“Tôi cũng không biết rõ rốt cuộc là vì sao, sao lại dính dáng đến đạo sĩ. Người lớn trong nhà cũng nói đủ kiểu, có người nói là khắc phu, có
người nói bà ta sử dụng thuật tà đạo… Hai người cũng biết đó, thời ấy
rất mê tín… Khi tôi còn bé, bà nội tôi còn mang bà hai ra hù dọa chúng
tôi nữa kìa.”
Tư Đằng cầm góc tấm hình rút ra, nơi đó rõ ràng chỉ còn khoảng trống
bị cắt, nhưng cô lại nhìn rất lâu, cuối cùng hỏi Thiệu Khánh: “Biết bà
hai này tên là gì không?”
“Tên…” – Thiệu Khánh bị hỏi tới – “Chuyện này không biết rõ lắm, nghe nói là họ Sử hay là Tư gì đó…”
Tư Đằng cười ha ha, cô cười đến không thở ra hơi. Thiệu Khánh bị
tiếng cười của cô khiến bồn chồn, bất an co ro hơi rút về phía sau.
Tư Đằng nói: “Dù sao cũng là Thiệu Diễm Khoan quỳ xuống cầu hôn,
tráng lệ gả vào Thiệu gia các người. Tại sao ngay cả tên của người ta
cũng không biết chứ? Anh nhớ cho kỹ, cô ta tên là Tư Đằng.”
***
Khi đó, bến Thượng Hải không chỉ thịnh hành chiếu phim, còn thịnh
hành kinh kịch. Người ở góc Bắc Kinh, Thiên Tân muốn thật sự nổi tiếng
đều phải chạy đến Thượng Hải. Rạp hát ở Thượng Hải rất nhiều, danh tiếng của Lê Viên Danh Giác áp đảo cả minh tinh trên phim.
Thiệu Diễm Khoan thường đưa cô đi xem hát, có khi diễn vở Bạch Xà
nhấn chìm cả Kim Sơn, có lúc là Quan Công ngàn dặm bảo vệ chị dâu. Bốn
vai Sinh, Đán, Tịnh, Sửu tô vẽ khuôn mặt màu sắc sặc sỡ, đuôi mắt xếch
ngược lên, trang phục đạo cụ lấp lánh chói mắt. Một người ra sân khấu
biểu diễn đã lấn áp hết tất cả màu sắc trong rạp, cất tiếng hát í a.
Lúc cô xem hát rất yên lặng, xem xong bao giờ cũng thích nói một câu: “Đều là giả dối.”
Ngày đó Thiệu Diễm Khoan bao hết rạp hát, lúc này trên sân khấu diễn
rất sôi nổi, Thiệu Diễm Khoan bỗng nắm tay cô nói: “Xem hậu đài đi.”