Ba Dương bị Spitfire bắn chết tại sở chỉ huy ở ấp Bình Phương, xã Châu Bình ngày 17.2.46.
Chỉ huy phó Trần Văn Ðối (Sáu Ðối) đưa bộ đội Bình Xuyên (Liên chi 2-3) về Rừng Sác. Một tuần mở đường máu, đoàn quân về tới lãnh địa của mình.
Hay tin dữ, Năm Hà cùng các chỉ huy Bình Xuyên vội làm lễ truy điệu người anh cả. Trong lễ này, Năm Hà đọc giấy truy phong đồng chí Dương Văn Dương -- Thiếu tướng của Chính phủ - và đọc thư Hồ Chủ tịch chia buồn cùng gia quyến.
Hay tin Ba Dương tử trận, tham vọng từ lâu trong Bảy Viễn lại nổi lên.
Bảy Viễn tự thấy mình xứng đáng thay thế Ba Dương làm thủ lĩnh Liên khu Bình Xuyên (gồm 7 chi đội đánh số 2,3,4,7,9,21 và 25). Hầu hết chỉ huy các chi đội này đều là bạn thân của Bảy Viễn, như Mười Trí, Tư Hoạnh, Tư Ty; chỉ có Năm Hà là em cùng cha khác mẹ với Ba Dương và cha con ông Tám Mạnh Hai Vĩnh là không tán thành ý đồ của Bảy Viễn.
Ðúng như Bảy Viễn nhận định, anh em Bình Xuyên bầu Năm Hà lên thay Ba Dương làm thủ lĩnh Liên khu Bình Xuyên. Nhưng Bảy Viễn và hai tay thân cận là Tư Hoạnh và Tư Ty đều chê Năm Hà không đủ tầm vóc để chỉ huy.
Ðêm đó Bảy Viễn họp cấp bộ - từ trung đội trưởng trở lên - để thăm dò dư luận về việc Bảy Viễn ra tranh chức Tư lệnh Liên khu với Năm Hà. Dưới trướng Bảy Viễn có hai nhân vật ta từng gặp trước đây. Ðó là Ba Rùm, cháu Mười Trí ở Bình Thới, người đã tham gia "đi hát" trại mộc Bình Triệu và đã lãnh bản án đồng hạng 12 năm Côn Ðảo. Người thứ hai là Năm Bé, dân Hải Phòng từng lưu lạc vào Nam, xưng anh chị bến cảng Khánh Hội, bị đày Côn Ðảo và đã quá giang bè của Bảy Viễn về đất liền.
Bảy Viễn đặc biệt tin tưởng hai nhân vật này do đã quen biết từ trước kháng chiến và giao cho Năm Bé phụ trách nhân sự, Ba Rùm trông coi vũ khí.
Trong cuộc họp, đa số tán đồng ý kiến của Bảy Viễn là Năm Hà không xứng đáng là tư lệnh Bình Xuyên. Người đủ tư cách phất cao ngọn cờ Bình Xuyên phải là Bảy Viễn. Thế là Bảy Viễn viết thư gửi các chi đội trong Liên khu mời họp để bàn việc chọn người thay thế anh Ba Dương.
Trước cuộc họp quan trọng này, Bảy Viễn đã quyết định dời chỉ huy sở từ vườn Thơm (Tân Nhựt - Bình Chánh) xuống Rừng Sác - một vùng sông rạch chằng chịt nằm giữa hai con sông lớn là Lòng Tàu và Soài Rạp. Vị trí Rừng Sác cực kỳ quan trọng vì nó án ngử đường nước từ Vũng Tàu vô Sài Gòn cũng như từ miền Tây về Chợ Lớn. Vùng Rừng Sác cũng có nhiều bất lợi như thiếu nước ngọt (vì đây là rừng ngập mặn), thiếu đất cất nhà, dân phải che chòi trên sàn, lát cây tràm hay cây đước. Nhưng bù lại tôm cá dư ăn quanh năm.
Vì sao Bảy Viễn chọn Rừng Sác thay vì Vườn Thơm? Sau khi Tây tấn công Sài Gòn và nống ra các tỉnh, bộ đội Bình Xuyên phân tán, mỗi chi đội tìm một vị trí thuận lợi nhất để đóng quân lâu dài. Liên chi 2-3 về Rừng Sác. Ba Dương chọn Phước An, quận Long Thành đóng quân. ông Tám Mạnh và rể là Hai Vĩnh cũng rời Chánh Hưng về đảo Long Sơn, cũng gọi là Bà Trao hay núi Nứa lập căn cứ. Ðảo Long Sơn nằm giữa Bà Rịa và Vũng Tàu, chiếm một vị trí chiến lược đường biển cũng như đường bộ.
Rừng Sác lại có căn cứ Lý Nhơn, cũng gọi là Xóm Tiều, là căn cứ của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, trăm năm trước đã từng đốt tàu Espérance trên sông Nhựt Tảo.
Cuộc di chuyển đại bản doanh cũng gian nan nguy hiểm vì trên lộ thì xe nhà binh chạy liên tục ngày đêm, còn dưới sông thì các đội giang thuyền cũng hoạt động ngăn chặn ghe thuyền đi lại trên sông.
Bảy Viễn còn đang lo âu thì vận may tới.
Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký Hiệp ước sơ bộ 6.3.46 với Pháp.
Ngày 5.3, quân đội Anh rút khỏi Việt Nam, ta đở được một địch thủ lợi hại.
Công việc mở hội nghị bầu chỉ huy Liên khu Bình Xuyên được xúc tiến. Chỉ có các chỉ huy trưởng và phó chi đội trong Liên khu được mời mà thôi. Biết ý đồ của Bảy Viễn, hai cha con Tám Mạnh - Hai Vĩnh vận động Mười Lực, Nam Chẳng, Năm Hà, Sáu Ðối không bầu Bảy Viễn.
Do Bảy Viễn không đủ đa số ủng hộ nên ý đồ làm thủ lĩnh đành phải gác lại.
Nhưng tới tháng 5.46 thì vận may tới với Bảy Viễn.
Khu trưởng Nguyễn Bình ký quyết định phong Bảy Viễn làm Khu bộ phó Chiến khu 7. Khu bộ phó thứ hai là Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ) - Chi đội trưởng Chi đội 10 hoạt động trong tỉnh Biên Hòa.
Ðó là vinh dự lớn cho một tay giang hồ theo kháng chiến! Ðám binh tôm tướng cá dưới trướng ông Bảy quyết định làm lễ lớn đón mừng chức Khu bộ phó Chiến khu 7 của chủ soái.
Ðược phong Khu bộ phó, Bảy Viễn làm lễ ăn mừng.
Tin Chi đội trưởng Chi đội 9 Lê Văn Viễn được vinh thăng Khu bộ phó, đứng kế sau Khu trưởng Nguyễn Bình, trên đệ nhị Khu bộ phó Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng Chi đội 10 là một bất ngờ đối với Bảy Viễn cũng như đám thuộc hạ.
Hai tên Tài, Sang cho đây là một thủ đoạn nhằm lôi cuốn Bảy Viễn đeo sát kháng chiến, nên nói xa nói gần: "ông Bảy
có thấy việc đề bạt này có gì không bình thường không?"
- Sao không bình thường? - Bảy Viễn nạt Năm Tài.
- Không bình thường ở chỗ Chi đội 9 của mình chiến công đâu bằng Chi đội 10. Tám Nghệ đánh nhiều trận chấn động ở Tràng Táo, Bảo Chánh, Ðồng Xoài, Bàu Cá v.v... Vậy mà Nguyễn Bình chỉ phong Tám Nghệ đệ nhị Khu phó, đứng sau ông Bảy. Có phải đó là chuyện lạ không?
Bảy Viễn gật gù:
- Mày nói đúng. Mình không có nhiều chiến công bằng Tám Nghệ. Nhưng biết đâu Nguyễn Bình đưa mình đứng trước Tám Nghệ vì một lý do nào đó, chẳng hạn như mình là dân giang hồ khét tiếng trong giới lục lâm. Ông ta muốn đưa mình lên để làm ngọn cờ hô hào đám hảo hớn còn ở ngoài thành nên noi gương Bảy Viễn ra bưng kháng chiến?
Năm Tài ngẫm nghĩ:
- Cộng sản làm gì cũng có ý đồ. Họ chỉ nhắm cái lợi của họ mà thôi.
Bảy Viễn gật:
- Ðúng. Nhưng cái lợi của họ cũng là cái lợi của mình. Cờ đến tay tội gì không phất!
Năm Tài:
- Ðồng ý là ông Bảy phải phất, mà còn phải phất mạnh nữa kìa. Ta nên làm lễ đón nhận chức Khu bộ phó thật long trọng để phô trương uy thế. Nếu ông Bảy đồng ý, tôi sẽ chịu trách nhiệm làm trưởng ban tổ chức lễ này.
- Ðược! Ðược! Mình mời hết các chỉ huy trưởng miền Ðông tới dự cho xôm.
Năm Tài:
- Còn khách quý trên thành nữa chớ, ông Bảy. Tôi sẽ thảo thư mời hai ông Lâm Ngọc Ðường, Maurice Thiên, rồi mời luôn cả các vị lãnh đạo tôn giáo như Hộ pháp Phạm Công Tắc, giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ....
Bảy Viễn gật:
- Ðúng! Nên mời khách quý trên thành. Như vậy phải làm lễ xôm lên cho ra vẻ xứng đáng với khách quý.
Tư Sang xen vô:
- Về phần xây cất nhà khách, xây dựng khán đài, tôi xin lãnh. Sẽ có máy phát điện sáng đêm, rồi sẽ có ban nhạc tân cổ đầy đủ.
Bảy Viễn thích thú:
- Hay! Tao khoái nhạc cổ. Làm sao rước nhạc sĩ trên thành xuống biểu diễn cho xôm trò. Nhất là vọng cổ. Về khuya lai rai sáu câu nghe mới mùi.
Tư Sang tức tốc tìm Hai Dậu, trưởng ban văn nghệ của Chi đội 9.
Hai Dậu dân Trà Vinh, học đàn kìm từ nhỏ. Hai Dậu đàn cho các gánh hát "đại ban" như Huỳnh Kỳ, Phước Cương cho tới kháng chiến bùng nổ, thất nghiệp một thời gian rồi lên Sài Gòn đàn cho các quán có ca nhạc. Ðến khi thảy không thể ở thành làm trò vui cho thiên hạ, Hai Dậu xách đàn vô khu tham gia kháng chiến và đầu quân Bảy Viễn. Cùng lúc nhạc sĩ Ngọc Thới là cháu vợ Bảy Viễn cũng ra bưng, gia nhập chi đội dượng rể. Hai anh, một tân, một cổ, nhập lại làm ban văn nghệ Chi đội 9 khá xôm trò.
Hai Dậu vâng lệnh Tư Sang về thành mời nhạc sĩ tên tuổi xuống giúp vui lễ tấn phong ông Bảy lên Khu bộ phó. Hai Dậu quen thân với danh ca Năm Cần Thơ và tìm tới nhà hàng cô danh ca này ký hợp đồng. Cũng cần nói thêm là Hai Dậu rất đào hoa, từng kết bạn tâm tình với các cô đào chánh các đại ban, trong số này có cô Năm Cần Thơ. Nghe Hai Dậu rủ ra khu chơi vài ngày, danh ca Năm Cần Thơ hưởng ứng ngay.
Cô nói:
- Anh đánh giặc rầm rầm, còn mình ở lại thành, đêm đêm ca hát phục vụ cho bọn trọc phú làm giàu trong chiến tranh, nghĩ mà nhục! Ði, em đi vô khu với anh Hai một lần cho biết mặt ông Bảy Viễn.
Ðược Năm Cần Thơ, Hai Dậu xẹt qua vũ trường Tabarin, nay là Văn Cảnh, đường Phạm Ngũ Lão - Calmette, rủ luôn hai bạn nhạc sĩ Chín Minh và Lê Yên.
Chín Minh là nghệ sĩ nổi tiếng, sử dụng nhiều loại đàn như đàn gió, vĩ cầm, ghi-ta.
Còn Lê Yên chuyên thổi kèn trompette. Cả hai vui lòng ra khu một chuyến để "thay đổi không khí".
Vậy là Hai Dậu hoàn thành sứ mạng với Tư Sang.
Năm Tài thảo thư mời các yếu nhân trên thành xuống để phô trương ngài Khu bộ phó.
Tiếng "ngài" đặt trước chức Khu bộ phó nghe lạ tai, Bảy Viễn mới đầu thấy kỳ kỳ, nhưng Tư Sang nói:
- Mình giao du với các yếu nhân trên thành phố thì phải dùng ngôn ngữ của người ta. Không thể ăn nói theo dân quê được. Giới trí thức họ sống có ngăn nắp lắm, chức nào cũng có danh xưng thích hợp, như anh lính, chú bếp, chú cai nhưng phải là thầy đội, ông quản. Từ quận trưởng trở lên phải gọi là ngài. Khu bộ phó tương đương với đại tá gọi là ngài là quá đúng. Xin ông Bảy chớ ngại!.
Năm Tài miệng lưỡi dẻo quẹo, cứ ton hót mãi, Bảy Viễn cũng không còn khó chịu khi nghe Tài gọi mình là "ngài Khu bộ phó".
Nhưng tất cả cán bộ và chiến sĩ kháng chiến đều thấy lạ tai và cũng từ đó anh em bắt đầu "kính nhi viễn chí" ông Khu bộ phó gốc giang hồ.