Bảy Viễn bị bắt sau vụ đánh cướp trại mộc Bình Triệu ngày 8.9.1942 và lại bị đày ra Côn Ðảo. Anh ra đảo như người con đi làm ăn xa lâu ngày trở về ngôi nhà trọ quen thuộc. Chuyến đi đày này lại còn có ban người bạn thân là Mười Trí, Ba Rùm và Tư Nhị. Bản án 12 năm khổ sai cộng thêm 8 năm còn thiếu trước đây là 20 năm chẵn không có nghĩa gì đối với anh. Ðã quyết vượt ngục rồi thì bao nhiêu năm cũng không có gì đáng lo ngại.
Mười Trí cũng không xa lạ gì hòn đảo ngục tù nằm giữa biển khơi. Anh đã nhiều lần ra đây và cũng đã vượt ngục nhiều lần. Lần đầu bè về tới Rạch Gốc nhưng khi quá giang ghe cá từ Cà Mau về Chợ Lớn, anh bị bắt tại Chợ Nhỏ Trà Vinh. Anh lo lót tên hương quản hai tờ giấy con công mà tên này không thèm, chỉ quyết bắt cho được tù vượt ngục để được quan chánh chủ tỉnh phê cho mấy chữ "bon serviteur de la France" (phục vụ tốt mẫu quốc Pháp lang sa). Thằng hương quản này ham được Tây khen thưởng nên dân trong vùng gọi là hương quản Boong (nói trại chữ bon là tốt của Tây). Thế là Mười Trí bị giải về Khám Lớn, ra tòa lãnh án trở ra Côn Ðảo. Vài tháng sau, anh lại vượt ngục. Vì nôn nóng không chờ mùa gió thướng nên anh bị bão thổi ngược lên phía Bắc, giạt vô đảo Hải Nam. Xin khoai của dân chài ăn đỡ đói rồi xô bè ra khơi. Ðang lênh đênh trên biển thời may được thuyền câu vớt đưa về Móng Cái. Chủ ghe cho tiền xuống Hải Phòng rồi anh nhập bọn đám buôn lậu đáp xe lửa về Sài Gòn.
Nghe Mười Trí kể chuyện vượt ngục. Bảy Viễn hỏi: "Trở về đất liền có ân oán giang hồ thằng hương quản boong không?
Mười Trí gật:
- Ngay khi bị nó xét giấy thuế thân tại trạm gác, mình lót tay nó hai tờ giấy ngẫu mà nó chê, huênh hoang nói: "Tao đâu cần tiền. Tao chỉ cần quan chánh chủ tỉnh phê một chứ Boong thôi". Mình đã dặn lòng phải trừng trị tên sâu dân mọt nước, cam tâm làm tôi mọi cho Tây. Cho nên khi tham gia buôn lậu thuốc phiện từ Hải Phòng vào Nam, mình xuống Trà Vinh vô ngay chợ Nhỏ đốt nhà thằng hương quản Boong khốn kiếp. Thấy lửa thiêu rụi nó trong ngôi nhà xây cất bằng tiền của cướp giật của bà con trong vùng, mình hả dạ lắm.
Trên đường về mình cứ bị cái chết rùng rợn của thằng hương quản Boong ám ảnh mãi. Làm vậy là thỏa chí giang hồ, ân nên oán trả, nhưng mà có quá tàn nhẫn, vô nhân đạo không?.
Bảy Viễn bật cười:
- Mình ít khi nghĩ lẩn thẩn như bồ. Theo mình thì luật đời là cá lớn nuốt cá bé. Nhưng cũng có khi cá ăn kiến, mà cũng có khi kiến ăn cá.
Tàu chở tù ra tới đảo, bốn anh em bị tách ra bốn nơi. Bây Viễn ở Sở Lưới, Mười Trí ở Sở Củi, Tư Nhị ở Sử Rẫy còn Ba Rùm là thợ nên được đưa về Bản Chế là xưởng mộc, rèn nhỏ để sửa chữa các dụng cụ lao động...
Bốn anh em đều có giấu tiền trong mình để hộ thân.
Mười Trí và Bảy Viễn đi nước cờ cao là "tung tiền của mua nhân tâm". Trong khám, bất cứ thầy chú nào cần tiền cờ bạc hay mua sắm hỏi vay mượn thì cả hai đều sẵn sàng giúp đỡ. Không nhiều thì ít, năm mười đồng là chuyện thường. Cho mượn rồi giả vờ quên. Không
nhắc, không đòi.
Riêng Bảy Viễn thì vui mừng vì liên lạc được với Châu, vợ mã tà 76. Ðêm gặp lại, cô nàng vui như Tết.
Nàng ôm hôn như mưa người tình hào hoa:
- Anh Bảy biết không, Tết rồi, hay tin anh vượt ngục giữa đêm giao thừa, em vừa mừng vừa lo. Mừng vì đêm giao thừa trời tối đen như mực, không ai ló ra ngoài nhà. Còn lo là khuya đó có giông to gió lớn, không biết bè anh có chịu nổi sóng gió.
Bảy Viễn cười:
- Bị bắt lại đày ra đây cũng là chuyện hay. Hai đứa mình có duyên nợ với nhau. Lâu lâu ra đây thăm lại em cũng có lý lắm.
Châu hỏi lại:
- Anh Bảy có tính vượt ngục nữa không?
- Hỏi gì lạ vậy? Không biết câu "ngựa quen đường cũ", hay sao?
Châu lộ vẻ buồn:
- Chừng nào vậy? Có cần em giúp không?.
Bảy Viễn lắc đầu:
- Cám ơn em đã giúp cho lần trước, có lẽ còn phải nhờ em dài dài. Dạo này chuyện vượt ngục có gì mới?
- Sau chuyến anh Bảy vượt ngục, Tây tăng cường đội rờ-sẹc người Miên, tặng tiền thưởng nhiều hơn để chúng cố gắng luồn rừng leo núi phát hiện bè mây giấu trên núi. Anh Bảy nên cẩn thận.
Bảy Viễn gật gù, nghĩ thầm:
- Mình phải suy nghĩ tìm cách khác hơn là lên núi bứt mây đóng bè.
Chỉ một thời gian làm khổ sai ở Sở Lưới, Bảy Viễn đã nảy ra ý định đánh cắp ghe thuyền ở đây để vượt biển.
Anh tìm cách la cà nơi bến tàu quan sát số tàu, ghe đậu nơi đây.
Thời đó tại bến thường trực có một ca-nô tốc độ cao để đuổi theo bắt tù vượt biển; vài chiếc xà lan để ra nơi tàu lớn đậu chuyển tù và lương thực thuốc men vô. Ngoài ra còn có ba, bốn ghe lưới để tù đi đánh cá hàng ngày.
Có một chuyện lạ là tại bến có một chiếc tam bản chở được năm, sáu người không biết thầy chú dùng để làm gì?
Ðêm về, Bảy Viễn trằn trọc với ý nghĩ cướp chiếc tam bản đó để về đất liền. Vài tháng nữa là tới mùa gió chướng, chỉ một đêm là với tới Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Vượt biển bằng tam bản là phiêu lưu nhưng đành phải thử thời vận vì chuyện lên núi đóng bè mây kể như không hợp thời nữa.
Lập tức Bảy Viễn tìm cách liên lạc với Mười Trí. Anh gợi ý Mười Trí xin chuyển sang Sở Lưới để tiện việc bàn bạc. Sau đó, Mười Trí về Sở Lưới, nghe Bảy Viễn trình bày, anh đồng ý ngay.
Bảy Viễn nhờ vợ mã tà 76 lo nước uống, cơm khô, cốm nếp, chanh, đường. Còn Mười Trí thì liên lạc với Ba Rùm nhờ giũa cho một chìa khóa "vạn năng" để lấy trộm chiếc tam bản của Sở Lưới. Tư Nhị cũng được bắt liên lạc để chuẩn bị sẵn sàng.
Ðêm vượt biển cũng chọn vào đêm trừ tịch, trời tối đen. Tất cả xuống thuyền, trừ một mình Ba Rùm.
Mười Trí hỏi:
- Xuống ngồi bên tao đây mày.
Nhưng kỳ lạ thay, Ba Rùm lắc đầu:
- Chúc ba anh thượng lộ bình an. Còn tôi ở lại, phòng khi nào các anh trở ra đây thì đã có tôi giúp đỡ.