Edited by Bà Còm in Wattpad
Chín ngày sau, trong Hoàng cung.
Ngoại trừ những buổi thượng triều bình thường, mỗi tháng mùng một và mười lăm thì Đại Lương quốc sẽ diễn ra đại triều hội tại điện Thái Hòa, triệu hồi tất cả quan viên trong kinh từ thất phẩm trở lên, dựa theo phẩm cấp và tầm quan trọng của chức vụ mà định ra chỗ đứng trong điện hoặc quảng trường ngoài điện.
Lúc xưa, đại triều hội một năm tổ chức ba lần, coi như là một ngày lễ trong kinh thành. Khi thiến đảng loạn quốc thì đại triều hội bị bãi bỏ, sau khi Lương Thành Đế cầm quyền mới trịnh trọng tổ chức lại, thay bằng mỗi tháng hai lần, dùng để trực diện đủ loại quan viên nghe lời can gián. Nếu không thì đa số quan viên không có tư cách tham dự thượng triều bình thường, có chuyện quan trọng khải tấu chỉ có thể dâng lên sổ con, mà các tấu chương này cần phải trải qua Nội các, nếu Nội các trả về thì Lương Thành Đế cũng không biết tới.
Từ đấy có thể thấy được ý nghĩa thực tế của đại triều hội là muốn ước chế quyền lợi của Nội các, thế nhưng hiệu quả thu được cực nhỏ. Nguyên nhân là vì nhóm Các lão cũng sẽ tham gia đại triều hội, dám vòng qua bọn họ giáp mặt khải tấu Thánh Thượng thì cũng không khác gì tìm chết. Trên dưới cả triều cũng chỉ có Sở Tu Ninh dám cứng rắn đối chọi với bọn họ.
Sở Tu Ninh không được nhập vào Nội các, bởi vì quyền lực của Lại Bộ Thượng Thư quá lớn nên bị luật lệ ước chế không thể nhập các. Cho dù có nhập các, thành viên Nội các nhìn như năm người nhưng chỉ có một mình Thủ phụ định đoạt mọi chuyện, quyền lực của bốn vị Các lão còn lại thật không bằng một Lại Bộ Thượng Thư.
Mỗi lần đại triều hội mở ra ở điện Thái Hòa, đủ loại quan viên phân ra thành sáu hàng, dùng bảo tọa của Thiên Tử làm đường giới hạn, bên trái là quan văn, bên phải là võ tướng.
Sở Tu Ninh tuấn tú nho nhã cùng Viên Thủ phụ cao lớn rắn rỏi đứng ở đầu hàng bên quan văn, hai người kẹp giữa một Diệp Thứ phụ tuổi già sức yếu. Một số quan viên không được thượng triều mỗi ngày, ngoại trừ được chiêm ngưỡng long nhan trong đại triều hội cũng còn muốn ngắm hai vị văn thần tuổi trẻ cầm quyền này. Nói bọn họ trẻ tuổi thật không phải nịnh hót, hai người chính là bằng hữu cùng trường, trong những năm hắc ám Đông Xưởng hoành hành không cố kỵ thì hai người nâng đỡ lẫn nhau tồn tại trong quan trường, sau khi chiến dịch Tháp Nhi Cốc qua đi không quá mấy năm, một người trở thành Thủ phụ, một người thăng nhiệm Lại Bộ Thượng Thư, cả hai đều chưa qua tuổi hai mươi lăm.
Tuy nói một nửa thần tử đã chết trong trận Tháp Nhi Cốc, nhưng trong triều cũng còn lại không ít người có gốc rễ đâm sâu, vì thế hai người có thể lên được vị trí cao như vậy khi còn quá trẻ đã chứng tỏ bản lĩnh của họ không thể nghi ngờ.
Hiện giờ hai người đều mới ba mươi bảy ba mươi tám, bảo dưỡng cẩn thận nên nhìn chỉ khoảng ba mươi, đứng ở phía trước trong tập đoàn quan văn quả thật như "hạc giữa bầy gà".
*Đăng tại Wattpad by Bà Còm*
Cả một buổi sáng Sở Tu Ninh đều thất thần, ánh mắt thỉnh thoảng lại lướt qua trên người Khấu Lẫm.
Khấu Lẫm thân là Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ, là hộ vệ cận thân của Thiên Tử chịu trách nhiệm bảo vệ Thánh Thượng, vì thế hắn không đứng ở hàng võ tướng mà ôm đao canh giữ ở phía dưới bên trái của long tòa. Khấu Lẫm đứng nghiêm không hề nhúc nhích, mặt hướng về phía quần thần, quanh mắt phải vẫn còn hơi chút bầm nếu không nhìn kỹ cũng không dễ phát hiện, thần sắc lạnh lùng.
Còn dưới long tòa phía bên phải là tân nhiệm Chỉ Huy Sứ Kim Ngô Vệ Tống Thế Quân, cũng đeo đao đứng nghiêm.
Sáu vị đích tôn tử của Định Quốc Công Tống Tích đều kiêu dũng thiện chiến, lúc trước tất cả đều trấn thủ biên cương, mới đây chỉ có Tống Thế Quân cũng là tôn tử tài hoa nhất trở về kinh đô. Tống gia tay cầm binh quyền sợ bị Thánh Thượng kiêng kị nên không bao giờ lên tiếng trong vấn đề triều chính, Sở Tu Ninh rất ít giao tiếp với bọn họ, thậm chí đã nhiều năm chưa từng gặp qua Tống Tích, nếu không có Tạ Tòng Diễm thỉnh thoảng nhắc tới thì ông còn cho rằng Tống Tích đã chết.
Suy nghĩ của Sở Tu Ninh càng chạy càng xa, ông đang đợi “Tin tức” giá trị năm ngàn lượng vàng kim phát sinh.
Mãi đến gần buổi trưa, đủ loại quan viên mệt đói đan xen, Lương Thành Đế rốt cuộc nói ra một câu mà tất cả quan viên chờ đợi đã lâu: “Các khanh còn gì cần dâng sớ? Nếu không... ”
Lúc này, Đô Sát Viện Tả Đô Ngự Sử Cố Ngạn cầm ngọc hốt bước ra khỏi hàng, bái lạy rồi nói: “Khởi bẩm Thánh Thượng, vi thần có chuyện quan trọng khải tấu.”
(Ngọc hốt: các đại quan khi thượng triều thường cầm cái hốt. Hốt là một tấm thẻ dài khoảng 70cm rộng khoảng 10cm, được làm bằng ngọc, ngà hay tre. Trên tấm hốt sẽ ghi lại nội dung để nhắc tuồng những gì vị đại thân đó muốn bẩm báo cho hoàng đế)
Lương Thành Đế ra hiệu cho ông ta nói.
Cố Ngự sử hùng hồn: “Vi thần muốn buộc tội Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ Khấu Lẫm có ý đồ mưu phản.”
Đừng nói Lương Thành Đế, hơn phân nửa các quan viên nghe được đều thờ ơ.
Gần như trong buổi triều hội nào mà Khấu Lẫm lại không bị buộc tội, mọi người nghe nhiều đến mức lỗ tai cũng chai luôn rồi, đặc biệt vào thời điểm mấu chốt này khi Khấu Lẫm đang điều tra vụ án mất trộm ở Đông Cung, Thánh Thượng nghe xong thế nào cũng chỉ phán một câu đại loại như “Được thôi, vậy trẫm thôi chức quan của Khấu Lẫm giao cho ngươi đi tra, tra không ra đem đầu tới gặp trẫm”.
Quả nhiên, Lương Thành Đế đỡ trán: “Cố khanh lại nghe được tin đồn nhảm nhí từ nơi nào?”
Cố Ngự sử dõng dạc: “Khởi bẩm Thánh Thượng, vi thần nhận được mật cáo, lúc trước Khấu Chỉ Huy Sứ bị bãi quan hồi nguyên quán hối lỗi, thế nhưng vẫn không vâng theo ý chỉ của Thánh Thượng trụ tại Dương Châu mà là bí mật đi đến đất Thục, đây là kháng chỉ.”
Trong điện rốt cuộc nổi lên chút xôn xao, Khấu Lẫm hơi nhếch khóe môi.
Lương Thành Đế không thể không giải thích: “Khấu khanh đi đất Thục là trước đó trẫm đã phê chuẩn. Cố khanh lo lắng quá nhiều rồi.”
Cố Ngự sử không thuận theo quyết không buông tha, hướng mắt về phía Khấu Lẫm hỏi trực tiếp: “Khấu Chỉ Huy Sứ đến đất Thục là vì tìm kiếm trưởng tỷ thất lạc nhiều năm?”
Khấu Lẫm gật đầu: “Đúng vậy.”
Cố Ngự sử cũng gật đầu, từ trong tay áo lấy ra một tờ chân dung tương tự như tờ lệnh truy nã quan phủ thường dùng: “Trong bức họa này chính là trưởng tỷ của Khấu Chỉ Huy Sứ?”
Hoạn quan tiến đến nhận lấy bức họa trao cho Khấu Lẫm. Khấu Lẫm cầm tờ giấy trên tay nhìn xem: “Thật là gia tỷ.” Chợt xoay người mặt hướng về phía Lương Thành Đế quỳ xuống dập đầu: “Vi thần có tội. Bốn năm trước vi thần tìm người họa bức chân dung này, lấy việc công làm việc tư, sai khiến ám vệ của sở Cẩm Y Vệ địa phương giúp vi thần tìm người.”
Lương Thành đế cũng không bực: “Khấu khanh làm vậy xác thật không đúng, nhưng đó cũng có thể thông cảm được, trẫm tha khanh vô tội, đứng lên đi.”
Khấu Lẫm tạ ơn mới vừa đứng lên, Cố Ngự sử lại nói: “Khởi bẩm Thánh Thượng, căn cứ theo mật cáo, có người nhận ra nữ tử trong bức họa này chính là thị nữ bên cạnh thứ dân Minh Hoàn, gọi là Trinh nương.”
Một lời này vừa nói ra, thần sắc Lương Thành Đế nháy mắt biến đổi!
Tống Thế Quân đứng xem diễn tiến, nhìn Khấu Lẫm khiếp sợ thất sắc, môi mỏng nhẹ nhàng nhếch lên.
Trong điện rất nhiều người còn chưa phản ứng kịp, một thị nữ của thứ dân thì có vấn đề gì chứ? Đột nhiên nhớ đến người đó họ “Minh” mới đồng loạt kinh hãi thất sắc -- Minh Hoàn chính là Hoài Vương hai mươi mấy năm trước tạo phản giết hại tiên Đế! Văn thần võ tướng có tư cách đứng trong điện Thái Hòa ai mà không biết Hoài Vương Minh Hoàn bị xử tử còn bị biếm thành thứ dân là cái gai vẫn còn đâm sâu trong lòng Thánh Thượng.
Năm đó khi thiến đảng rơi đài đã từng truyền ra chút lời đồn đãi, nói trước lúc tiên Đế băng hà có lưu lại di chiếu chỉ định Hoài Vương kế vị... đồn rằng kẻ chân chính giết vua đoạt vị chính là Thánh Thượng, Hoài Vương cùng với phủ Trấn Quốc Công bị chém toàn gia là oan uổng. Để bình ổn lời đồn đãi, Thánh Thượng thừa dịp thanh trừ thiến đảng đã truy giết không biết bao nhiêu lão thần.
Hiện giờ cục diện chính trị tuy đã ổn định, nhưng mỗi khi có vụ gì dính đến một chút án “Hoài Vương mưu phản” thì đều chạm đến thần kinh mẫn cảm của Thánh Thượng. Mà Khấu Lẫm chưởng quản đội quân cận thân của Thiên Tử, chức vị này thông thường chỉ có người được Thánh Thượng tín nhiệm nhất mới có thể đảm nhiệm. Vậy mà Khấu Lẫm lại dính dáng đến Hoài Vương, vì thế lời buộc tội
mưu phản vừa nói ra không phải là tin đồn vô căn cứ.
Lương Thành Đế dần dần khôi phục thần thái: “Cố khanh đã điều tra xác nhận qua hay chưa? Nếu chỉ tin vào lời mật cáo của một bên liền tới buộc tội Khấu khanh có tâm mưu phản, vậy cũng không tránh khỏi đã đùa quá mức rồi."
Quan viên trong điện hai mặt nhìn nhau, tuy rằng hơn phân nửa bọn họ hy vọng Khấu Lẫm bị té nhào, nhưng chuyện này nghe ra không đáng tin cậy.
Hai mươi bốn năm trôi qua, năm xưa trong phủ Hoài Vương phó tì thành đàn, thực sự có một thị nữ gọi là Trinh nương hay không coi bộ chỉ có người của phủ Hoài Vương mới biết được. Mà đêm Hoài Vương tạo phản, Vương phủ bị Định Quốc Công mang binh giết sạch sẽ, cho dù còn có người sống sót thì chỉ sợ mai danh ẩn tích còn không kịp, ai lại dám lộ diện nói mình đã từng là người của phủ Hoài Vương để chỉ ra và xác nhận tỷ tỷ của Khấu Lẫm chính là Trinh nương?
“Khởi bẩm Thánh Thượng, vi thần biết được sự lợi hại của việc này, dĩ nhiên đã xác nhận qua.” Cố Ngự sử không kiêu ngạo không siểm nịnh, nâng ngọc hốt nói: “Theo như mật cáo, Trinh nương kia ở phủ Hoài Vương phủ cùng vài thị nữ khác phụ trách ăn mặc của thứ dân Minh Hoàn. Vi thần suy đoán nàng sẽ phải lui tới Thượng Y Cục trong cung, vì thế ngầm hỏi hơn mười lão cung nhân xuất ra từ Thượng Y Cục. Bởi vì Trinh nương có dung mạo xuất chúng, khóe mắt bên trái còn có một nốt ruồi khiến người khác có ấn tượng khắc sâu, sáu người được hỏi tỏ vẻ đã gặp qua nữ tử trong bức họa, ba người xác định nàng là thị nữ của phủ Hoài Vương, một người nhớ rõ nàng tên Trinh nương, không sai với nội dung trong mật cáo chút nào.”
Cố Ngự sử chỉ bức họa trong tay Khấu Lẫm, “Vi thần chỉ là ngầm điều tra, nếu Thánh Thượng triệu thêm nhiều cung nhân lớn tuổi tới hỏi thì chắc hẳn còn có nhiều người nhận biết Trinh nương. Trong mật cáo có nói nàng cũng từng hầu hạ chính thất phu nhân của Minh Hoàn, số lần vào cung khẳng định không ít.”
Lương Thành Đế nói: “Mang bức họa tới cho trẫm nhìn xem.”
Hoạn quan vội vàng lấy bức họa trong tay Khấu Lẫm, đem đến trình cho Thánh Thượng.
Lương Thành Đế liếc bức họa trong tay hoạn quan, trầm mặc thật lâu rồi nhìn về phía Khấu Lẫm: “Khấu khanh, tỷ tỷ của khanh đã từng ở phủ Hoài Vương làm thị tỳ, ngươi thật không biết?”
“Vi thần đích xác không biết!” Khấu Lẫm kinh hoàng quỳ xuống, dường như tinh thần bị hỗn độn nên thanh âm mất đi ổn định, “Nếu biết, cớ sao vi thần lại vẽ bức họa thuyên chuyển cho Cẩm Y ám vệ tìm người?”
Lương Thành Đế châm chước gật đầu: “Nói có lý.” Nhưng không kêu Khấu Lẫm đứng dậy.
Khấu Lẫm lại nói: “Hơn nữa, khi thứ dân Minh Hoàn mưu phản thì vi thần chỉ mới ba tuổi, ít nhiều gì cũng nhớ được một chút sự tình, lúc ấy tỷ tỷ đang sống cùng vi thần ở đất Thục, sao có thể biến thành thị tỳ của người nổi tiếng trong kinh thành?”
Cố Ngự sử phản bác: “Nhưng đây chỉ là lời nói một bên của Khấu Chỉ Huy Sứ, ai có thể chứng minh?”
“Được rồi, trẫm đều có chừng mực.” Lương Thành Đế phân phó hoạn quan cầm bức họa đi Nội Đình Tư, triệu tập lão cung nhân tuổi tác phù hợp, nghĩ đến gì đó lại dặn thêm: “Họa thêm mấy bức, cầm đến cung Hoàng Hậu, Lệ Quý Phi, Ninh Hiền phi...”
Mọi người minh bạch, ba vị này được vào phủ khi Thánh Thượng vẫn là Vương gia, lúc trước không thiếu giao tiếp với nội quyến của Hoài Vương, có lẽ thị nữ hoặc ma ma bên người có trí nhớ tốt đã gặp qua Trinh nương này.
Chờ hoạn quan cầm bức họa lui ra, Cố Ngự sử nói: “Thánh Thượng, về chuyện của Khấu Chỉ Huy Sứ, vi thần còn có một vấn đề xin được khải tấu bí mật.”
“Không cần.” Lương Thành Đế phán: “Cố khanh cứ nói đừng ngại.”
Cố Ngự sử hơi do dự, từ trong tay áo lấy ra một phong thơ giao cho hoạn quan: “Thỉnh Thánh Thượng xem qua.”
Lương Thành Đế mở bức thư mật, chăm chú đọc từng câu từng chữ, sắc mặt càng ngày càng nặng nề, đôi môi mím chặt ẩn chứa cơn giận lôi đình.
Không khí trong điện ngưng trọng, tất cả quan viên đều nín thở.
“Khấu khanh.” Lương Thành Đế đọc xong, lạnh mặt nhìn Khấu Lẫm.
Khấu Lẫm dập đầu sát đất: “Vi thần có.”
Lương Thành Đế ném bức thư về phía Khấu Lẫm, giọng điệu tức giận cố nén xuống: “Tin tức mật báo này nói, tỷ tỷ ngươi là một cô nhi, ba năm trước khi Minh Hoàn tạo phản, bởi vì nhiều lần phạm thượng mê hoặc chủ nhân nên bị Vương phi ra lệnh quẳng xuống giếng, thế nhưng không biết vì sao lại không chết, trốn ra khỏi phủ lưu lạc bên ngoài...”
Cố Ngự sử vội vàng bổ sung: “Vi thần dò hỏi qua những lão cung nhân, đích xác ba năm trước khi Minh Hoàn tạo phản đã không tái kiến Trinh nương.”
Một chớp mắt trong điện hoàn toàn tĩnh lặng, toàn bộ quan viên đều khiếp sợ!
Lời này có ý nghĩa gì?
Là một cô nhi thì đâu thể có đệ đệ?
Hoài vương tạo phản là hai mươi bốn năm trước, ba năm trước khi tạo phản có nghĩa là hai mươi bảy năm về trước. Giả thiết lúc đó Trinh nương bò lên được giường Hoài Vương, bị Vương phi phát hiện muốn thủ tiêu nên Trinh nương chạy trốn ra khỏi Vương phủ, sau đó nếu sinh hạ cốt nhục của Hoài Vương, vậy hài tử hiện giờ hẳn là khoảng hai mươi bảy tuổi, vừa lúc trùng khớp với số tuổi của Khấu Lẫm!
Ánh mắt mọi người đồng loạt hướng về phía Khấu Lẫm.
Nếu người thân của Khấu Lẫm có liên quan đến phủ Hoài Vương, tội mưu phản rất khó định ra cho hắn, nhiều lắm là mất đi sự tín nhiệm của Thánh Thượng, từ từ sẽ bị tước bỏ vị trí Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ. Thế nhưng với cáo buộc hiện tại thì chắc chắn phải chết không thể nghi ngờ.
Phía hàng võ tướng, Tạ Tòng Diễm thản nhiên liếc mắt nhìn Khấu Lẫm một cái rồi lại thu hồi ánh mắt.
Lương Thành Đế cũng hướng ánh mắt nhìn Khấu Lẫm: “Khấu khanh thật sự không biết nguyên quán chân chính của mình ở nơi nào? Hoàn toàn không có ấn tượng?”
Khấu Lẫm dập đầu, thanh âm vẫn khẽ run: “Khi đó là năm chiến loạn bị thiên tai, dân chạy nạn vô số, tỷ tỷ của vi thần mang theo vi thần nhỏ tuổi một đường chạy nạn, chưa bao giờ đề cập đến chuyện của phụ mẫu. Vi thần chỉ biết tổ tiên họ Khấu, ngoài ra thì không hề biết thêm điều gì.”
Cố Ngự sử cười lạnh: “Nếu lệnh tỷ không chột dạ, vì sao không kể lại gia sự cho Khấu Chỉ Huy Sứ?”
Lương Thành Đế quét mắt về phía quan viên: “Các khanh nhận xét việc này như thế nào?”
Trong điện lặng ngắt như tờ, lúc này chưa xác định được tỷ tỷ của Khấu Lẫm có thật là Trinh nương hay không, ai dám đứng ra cho ý kiến?
Thật ra cho dù chứng minh được người trong bức họa là Trinh nương, Khấu Lẫm có lẽ chỉ là một hài tử Trinh nương nhặt được ở ven đường trong lúc chạy nạn, không có nửa điểm quan hệ đến Hoài Vương. Nhưng với tính cách đa nghi của Thánh Thượng, tuyệt đối sẽ không giữ lại Khấu Lẫm.
Chuyện bọn họ cần làm là chờ tin tức từ hậu cung truyền đến, xác định thân phận của Trinh nương. Sau đó sẽ nhân dịp buộc tội Khấu Lẫm, cho Thánh Thượng một lý do để đưa hắn vào chỗ chết.
Mọi người vui mừng.
“Vậy chờ đi.” Lương Thành Đế nhắm mắt lại.
Tư thế này là không chuẩn bị bãi triều, nghiễm nhiên biến đại triều hội trở thành công đường thẩm phán Khấu Lẫm.