Ông Côn đang buộc mấy cục pin vào hai thanh tre nối với cái đài Xiônmao thì ông Kim bước vào. Thấy thế, ông Kim bảo:
- Ông cứ làm đi, tớ qua chỉ hỏi xem ông viết lại Nghị quyết đã xong chưa thôi.
- Tôi làm xong đâu vào đó rồi. Đã đưa cho bên văn thư đánh máy và in rô- nê-ô. Có khi chiều nay thì xong.
- Cả đêm qua tớ nằm trăn trở mãi chuyện khoán trắng cho xã viên ông ạ. Có lẽ ông cần soạn một bản kế hoạch thật chi tiết, cụ thể cách khoán như thế nào để cho Ban quản trị nắm được để khi tiến hành khoán không bị lúng túng. Theo tớ cứ tính khả năng lao động của từng hộ rồi chia ruộng đất cho hộ tự sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch. Hợp tác xã giao sản lượng rồi cân đối mức ăn từ trước cho xã viên, sau khi thu hoạch thì khấu trừ vào sản lượng khoán. Cách khoán này là giao ruộng đất cho xã viên sản xuất, gắn trách nhiệm của người lao động với sản phẩm cuối cùng. Do đó tạo nên động lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển. Ông thấy thế nào?
Ông Côn nghĩ một lát rồi nói với ông Kim:
- Tôi hiểu ý của anh rồi. Nhưng khoán trắng cho từng hộ lại vướng ở chỗ trâu bò còn nằm trong tay Hợp tác, xã viên lấy đâu ra trâu bò để cày ruộng được chia?
- Giải quyết việc này không khó. Hợp tác xã chỉ để lại một số trâu bò nhất định để cày bừa cho những hộ không có khả năng mua trâu bò, còn lại bán tất cho xã viên. Nếu thiếu thì hộ nào muốn mua đăng ký với Hợp tác. Hợp tác sẽ lên các huyện miền núi như Linh Sơn, Thạch Sơn mua về hộ cho bà con. Nông cụ cũng bán tháo khoán, ai muốn mua thì mua.
- Tôi hoàn toàn tán thành với cách làm anh vừa nghĩ ra. Để tôi suy nghĩ tiếp xem nên bắt đầu từ đâu và cách làm cụ thể như thế nào rồi soạn thành văn bản hướng dẫn cho dưới cơ sở thực hiện. Việc làm này cũng phải hết sức thận trọng và cả kín đáo vì hiện ông Đỗ đang nằm cạnh chúng ta. Nếu ông ấy phát hiện ra việc chúng ta chia ruộng đất để khoán trắng cho xã viên, lại còn bán cả công cụ sản xuất cho bà con nông dân nữa là thành ra to chuyện đấy.
- Ông không phải lo. Đây chỉ là vận dụng Nghị quyết chứ mình có tách vấn đề ra khỏi Nghị quyết đâu.
Ông Côn chưa kịp nói gì thì Đô đến bảo:
- Ông Đỗ qua gặp anh để làm việc.
- Một mình ông Đỗ hay có cả ông Bao, ông Sắc?
- Chỉ có mình ông Đỗ thôi.
Ông Kim đứng lên nói với ông Côn:
- Ông nghĩ tiếp chuyện tớ vừa nói, chiều gặp nhau bàn cụ thể nhé. Tớ về xem tay Đỗ nói chuyện gì.
- Tôi đoán không sai là chỉ có xoay quanh Nghị quyết 68 chứ chẳng có chuyện gì.
Ông Kim về đến phòng làm việc của mình thì đã thấy ông Đỗ đang ngồi chờ với vẻ sốt ruột.
- Chào anh. Anh qua làm việc mà không hẹn trước cho tôi biết để đón, anh thông cảm nhé.
- Anh cứ làm tôi như người xa lạ không bằng. Anh đang bận việc à?
- Chẳng có việc gì chạy loanh quanh phòng này, phòng khác nói chuyện với anh em cho vui thôi.
Ông Đỗ nhìn ông Kim với đôi mắt nghi ngờ:
- Tôi nghe anh em bảo anh làm việc không biết nghỉ ngơi là gì, sao hôm nay bảo không có việc?
- Đúng là cũng có lúc việc dồn đến không có thời gian để nghỉ, nhưng cũng có lúc chẳng có việc gì mà làm. Anh qua chơi hay có việc gì không?
Ông Đỗ biết rất rõ tính của ông Kim khi hai người cùng công tác với nhau nên làm bộ xuê xoa:
- Hôm nay tôi đến làm việc với anh với tư cách là cấp dưới của anh như ngày hai chúng mình còn ở với nhau tại Cục Công binh, không biết anh có đồng ý hay không?
Ông Kim nhận ra chân tướng của Đỗ nên đáp:
- Thời nào phải tính theo thời đó chứ anh. Hơn nữa lời nói của cấp trên và cấp dưới có khác gì nhau. Cấp trên nói phải thì cấp dưới phải nghe, ngược lại, cấp dưới nói phải thì cấp trên phải chịu khó mà nghe.
Ông Đỗ tiếp tục với cái giọng xuê xoa của mình:
- Đôi khi ngồi nghĩ lại cái thời ở bộ đội sao mà đẹp thế. Tôi cứ tiếc giá như mình đừng chuyển ngành thì hay biết mấy.
Ông Kim mỉa kín đáo:
- Anh ở lại quân đội thì chắc gì đã được quyền cao chức trọng như hôm nay.
- Cương vị càng cao thì càng vất vả chứ chẳng được gì.
Ông Kim cười:
- Tôi muốn có cái vất vả của anh mà không được đấy. Nếu tôi đoán không nhầm thì hôm nay anh muốn gặp tôi để nói về Nghị quyết tỉnh ủy chúng tôi vừa được thông qua có phải không?
- Vâng. Hôm hội nghị tôi rất muốn phát biểu trước các đại biểu về quan điểm của mình đối với Nghị quyết 68 nhưng anh không đồng ý, bảo có ý kiến gì trao đổi với anh sau nên hôm nay tôi muốn gặp anh để nói rõ về quan điểm của mình. Tôi muốn anh coi tôi là cấp dưới của anh như ngày nào góp ý với anh chứ đừng coi tôi là cấp trên phê phán anh để cho cuộc trao đổi này trở nên bình thường. Anh đồng ý không?
- Quan trọng là anh nói gì và nói như thế nào. Còn cấp dưới hay cấp trên chẳng liên quan gì mấy đối với tôi. Nếu anh muốn coi đây cuộc góp ý kiến thì ý nào anh góp đúng tôi xin nghe, ý nào anh góp sai thì tôi cãi, anh đừng có cho tôi hỗn là được.
Nói xong ông Kim cười để làm giảm nhẹ bớt câu nói gay gắt của mình.
- Anh đã làm đến chức bí thư tỉnh ủy mà vẫn giữ cái lối nói châm chọc, hài hước như ngày xưa nhỉ?
- Lối nói vô hại việc gì mà phải bỏ. Hơn nữa hài hước cười đùa cũng là liều thuốc làm cho đầu óc người ta bớt căng thẳng. Ta bắt đầu làm việc được chưa? Tôi sẵn sàng nghe anh góp ý đây.
Ông Đỗ nhấp ngụm nước xong mới nói:
- Rất tiếc là hôm hội nghị tôi không được phát biểu một cách công khai quan điểm của mình về Nghị quyết 68 để các đại biểu dự hội nghị nắm được, thành ra phải trao đổi riêng với anh.
- Tôi không để anh phát biểu là hoàn toàn có lợi cho uy tín của anh, anh đừng trách tôi.
Ông Đỗ ngạc nhiên:
- Sao lại có lợi cho
uy tín tôi?
Ông Kim giải thích:
- Vì tôi biết thế nào anh cũng phê phán nhiều điểm trong Nghị quyết 68. Nhưng anh thấy đấy, khuynh hướng của hội nghị là đại đa số tán thành với Nghị quyết, chỉ sửa chữa một vài điều chưa thích hợp thôi. Kết quả biểu quyết 19-3 đã nói lên sự nhất trí rất cao của tỉnh ủy chúng tôi đối với Nghị quyết 68. Vì thế nếu anh có ý phê phán Nghị quyết, anh sẽ bị các đại biểu phản ứng dữ dội. Điều đó không phải bất lợi cho anh hay sao?
- Trong từng trường hợp cụ thể, không phải đa số lúc nào cũng đúng.
- Điểm này thì tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Không phải lúc nào đa số cũng đúng. Nhưng trong trường hợp hội nghị hôm vừa rồi thì chân lí lại thuộc về đa số. Bởi hơn ai hết họ là những người ngày đêm lăn lộn với nông dân. Họ hiểu nông dân đang sống như thế nào và muốn gì?
Ông Đỗ cười châm biếm:
- Nếu hỏi nông dân muốn gì thì chắc chắn họ sẽ trả lời là muốn làm ăn cá thể.
Ông Kim độp luôn:
- Nếu thế chúng ta phải đặt lại câu hỏi vì sao nông dân không thiết tha với Hợp tác mà muốn quay ra làm ăn cá thể?
- Đó là bản chất cố hữu của nông dân.
- Không đúng - Ông Kim khẳng định rắn như đanh - Theo tôi bản chất của nông dân chúng ta rất tốt. Họ trung thành tuyệt đối với Đảng, tin tưởng Đảng và nguyện đi theo Đảng đến cùng, vì thế chúng ta không có quyền đổ tội cho nông dân mà phải nghiêm túc xem xét chúng ta đã làm gì để cho nông dân tin.
- Lòng trung thành của nông dân đối với Đảng không ai có thể phủ nhận được. Nhưng đầu óc tư hữu đã có nguồn gốc từ hàng ngàn năm nay. Trong khi đó cải tạo Xã hội chủ nghĩa của chúng ta mới trên dưới mười năm. Chưa đủ thời gian để tạo nên ý thức tập thể Xã hội chủ nghĩa có trong đầu của người nông dân, vì thế nếu có cơ hội là đầu óc tư hữu trỗi dậy ngay. Nghị quyết 68 của tỉnh ủy các anh chính là cơ hội đó.
Ông Kim thấy người mình bức bối như bị rôm đốt. Kìm lắm ông mới giữ được thái độ bình tĩnh của mình:
- Tôi lại nghĩ khác. Nghị quyết 68 của chúng tôi là nhằm cũng cố vững chắc Hợp tác xã, làm cho nông dân tin chỉ có con đường làm ăn tập thể mới đưa lại ấm no cho mình. Nếu chúng tôi không ra Nghị quyết kịp thời thì đúng như anh nói, nông dân sẽ bỏ Hợp tác xã để trở về với con đường làm ăn cá thể. Sở dĩ chúng tôi đặt vị trí quản lí lao động lên hàng đầu là do tình hình thực tế mấy năm vừa qua, chúng ta đã buông lỏng quản lí hoặc quản lí lao động theo lối ông chủ và người làm thuê. Phân phối không công bằng. Giữa lao động và hưởng thụ thành quả lao động của mình hết sức bất hợp lí. Từ đó nảy sinh ra tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm, lao động theo kiểu đối phó, chỉ cần có công điểm, không cần hiệu quả công việc. Do vậy năng suất mỗi năm mỗi tụt. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh thì chẳng bao lâu nữa nông dân chỉ còn ăn cháo để sống qua ngày. Hợp tác xã tan rã là điều đã nhìn thấy trước. Và đó mới là nguyên chính dẫn nông dân bỏ tập thể ra làm ăn cá thể để tự cứu mình.
Ông Đỗ biết đối chọi với ông Kim không phải dễ. Khi còn là cấp phó của ông Kim ở trong quân đội cũng đã đôi lần hai người tranh luận đến độ gay gắt. Nhưng lần nào ông Đỗ cũng đành rút lui trước thái độ kiên quyết của ông Kim, khi ông Kim cho việc mình làm là hoàn toàn đúng. Nhưng ở vị trí bây giờ ông không thể để cho ông Kim muốn làm gì thì làm. Ông nói:
- Tình hình một bộ phận Hợp tác xã hiện nay làm ăn sa sút là một thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là chuyển trạng thái sản xuất từ thời bình sang thời chiến nhưng một số Hợp tác xã lại không chuyển biến kịp với tình hình. Ngoài ra là trình độ yếu kém về quản lí của một số cán bộ lãnh đạo Hợp tác xã. Chỉ cần nâng cao trình độ về mặt nhận thức tư tưởng và trình độ quản lí về chuyên môn thì những Hợp tác xã yếu kém sẽ được khắc phục nhanh chóng các mặt yếu kém của mình. Anh nghĩ Nghị quyết 68 của các anh là liều thuốc chữa được căn bệnh yếu kém này chăng? Không đâu. Đó chỉ là liều thuốc độc làm cho con bệnh chết thật sự.
Đến đây thì ông Kim không còn kiên nhẫn được nữa. Ông cúi xuống kéo cái điếu cày lên rồi nói với ông Đỗ:
- Hôm dự hội nghị anh có nghe hai Chủ nhiệm báo cáo tình hình của Hợp tác xã mình trước và sau khi thay đổi phương thức quản lí hay không? Tôi nghĩ không có gì chứng minh rõ ràng bằng thực tế. Ví dụ Hợp tác xã Gia Đạo, từ chỗ ngày công của một xã viên không có năm nào đạt được ba lạng thóc. Anh có hình dung ra với ba lạng thóc thì người nông dân ăn cơm hay ăn cháo? Còn bây giờ, thay đổi phương thức theo hướng dẫn của dự thảo mà cả năm sẽ đạt trên sáu tấn một héc-ta. Nếu anh không tin đó là sự thật thì tôi mời anh đến tận nơi ra thăm đồng lúa của Hợp tác xem như thế nào. Anh đừng vội quy kết Nghị quyết 68 của chúng tôi sai chỗ này lệch chỗ kia. Chỉ cần một năm nữa thôi, anh sẽ thấy bộ mặt nông thôn của Phước Vĩnh sẽ như thế nào. Chỉ chờ một năm nữa thôi, anh có hiểu không. Một năm nữa thôi.
Giọng ông Kim gần như lạc đi vì xúc động.
Ông Đỗ ngồi như phỗng nhìn ông Kim không chớp mắt.