Cứ chiều đến là từng đàn cò đi kiếm ăn ở các ao đầm trong vùng kéo nhau về tụ tập trên các ngọn cây cổ thụ trong khuôn viên cơ quan tỉnh ủy. Tiếng cò mẹ quèng quẹc, tiếng lũ cò con líu ríu choen choét tạo nên mớ âm thanh hỗn tạp với bao cung bậc xốn xang. Đối với ông Kim, đến mùa lũ cò kéo về cư trú và sinh con đẻ cái trên các ngọn cây, ông thấy như mình được ai đó ban tặng cho ông niềm vui khôn tả. Cả cuộc đời thơ ấu nhọc nhằn của ông lầm lũi làm bạn với cò. Thân phận ông, mấy anh em ông và bố mẹ ông cũng chẳng khác gì thân phận của những con cò lặn lội trên đồng ruộng từ mùa đông cho chí mùa hè nhặt nhạnh kiếm miếng ăn. Có lẽ vì vậy mà cứ mùa cò kéo nhau về làm tổ người ông bỗng thấy thư thái. Ngoại trừ những ngày đi vắng, còn lại dù bận đến đâu, ông cũng ra đứng ngắm lũ cò con một lúc mới trở về phòng làm việc. Riêng vào các buổi cuối chiều, khi đàn có lũ lượt kéo nhau về tổ là ông bỏ mọi công việc để ra ngắm nhìn cho đến khi hoàng hôn buông xuống mới thôi. Chiều nay khi ông Kim đang say sưa nhìn lên ngọn cây để cảm nhận niềm vui sum họp sau một ngày lặn lội kiếm ăn của lũ cò mẹ về với con mình, ông không để ý ông Sắc đến đứng sau lưng mình từ bao giờ. Đến khi ông Sắc đặng hắng lên tiếng, ông Kim mới quay lại.
- Anh nhìn gì say sưa đến nỗi tôi đến đứng sau lưng anh lâu rồi mà anh không hay biết gì?
- Tôi đang nhìn đàn cò về tổ anh ạ. Bố mẹ con cái líu ríu bên nhau nhìn cảm động lắm.
- Trong các giống chim ăn trên đồng, loài cò là loài chim gắn bó với người nông dân hơn cả. Mỗi khi nhìn thấy đàn cò là tôi nhớ đến quê hương đến quặn lòng.
- Tôi cũng vậy. Đàn cò bao giờ cũng gợi cho tôi nhớ đến những ngày tháng lam lũ của bố mẹ tôi.
- Năm nào đàn cò cũng kéo nhau về đây cư trú à?
- Vâng. Chúng tụ tập về đây từ tháng ba âm lịch cho đến tháng chín, tháng mười kiếm ăn và sinh con đẻ cái, sau đó kéo nhau đi đâu chẳng ai biết cho đến năm sau lại tiếp tục quay về. Những ngày đầu vắng đàn cò buồn không thể tả anh ạ. Bâng khuâng hẫng hụt mất cả tuần mới hết nhớ.
- Tâm hồn anh nhạy cảm như một nhà thơ.
- Tôi không làm được thơ nhưng tôi rất thích thơ, nhất là thơ Tố Hữu. Anh vào phòng tôi uống nước.
- Đi dạo loanh quanh thích hơn. Các anh được ở trong một khu vực quá tuyệt vời.
- Nơi đây vốn là Tòa Công sứ của Pháp trước Cách mạng Tháng Tám.
- Những cây cổ thụ này chắc có từ thời thuộc Pháp phải không?
- Vâng. Người Pháp ngoài đầu óc thực dân ra, họ có cái nhìn thật xa. Anh biết là gì không? Đó là trồng cây. Từ thủ đô Hà Nội cho đến các thị xã trên miền Bắc nước ta hiện nay phần lớn là cây trồng dưới thời thuộc Pháp. Mà cái hay của họ còn ở chỗ biết chọn những cây có bộ rễ chắc và lá xanh quanh năm. Anh nhìn trong khu này mà xem. Những cây lim, cây sưa, cây sấu, cây xà cừ và một số cây nữa có độ tuổi gần một trăm năm nay mà vẫn xanh mơn mởn thế kia. Bốn mùa trên các con đường này ngày nào cũng chỉ có lá rụng lác đác chứ không rụng ào ạt như các giống cây khác. Tôi thấy riêng chuyện này phải học người Pháp.
Ông Sắc cười:
- Anh nói vậy không sợ phê bình mất lập trường vì ca ngợi kẻ đã cai trị dân mình à?
- Tôi ấy à. Tôi nghĩ thấy cái gì hay là nên học.
Hai người vừa đi thong dong vừa nói chuyện.
- Tôi có nhận xét không biết có đúng không. Hình như anh muốn xa lánh mấy anh em phái viên chúng tôi thì phải? – Ông Sắc hỏi.
- Anh thấy đấy, tôi có khi nào rỗi rãi đâu. Những khi cần trao đổi việc gì tôi mới qua chứ chẳng có thì giờ để ngồi trà dư tửu hậu với các anh được.
- Tôi nghĩ anh nói chưa thật lòng.
- Vì sao anh bảo tôi chưa thật lòng?
- Câu hỏi của anh thật khó giải thích. Tôi chỉ có cảm giác vậy thôi. Có thể anh thấy chúng tôi đang là vật trở ngại cho một số công việc gì đó của anh chẳng hạn.
- Tính tôi khi đã quyết làm một việc gì đó thì chẳng có gì ngăn cản được tôi cả.
- Kể cả việc làm sai.
- Sai thì tôi không bao giờ làm.
Ông Sắc đắn đo giây lát rồi hỏi:
- Hình như anh đang có ý định làm một việc gì đó đối với tình hình Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiện nay có phải không?
- Anh đoán vậy hay nghe ai phản ánh?
- Tôi đoán vậy.
Ông Kim cười:
- Khi nãy anh bảo tôi chưa thật lòng, bây giờ lại đến lượt anh.
Cả hai người cùng cười.
- Đầu kia có chiếc ghế đá, ta đến đấy ngồi nói chuyện đời cho vui. Anh đồng ý chứ?
Ông Sắc gật đầu. Hai người đi đến ngồi vào chiếc ghế đúc bằng xi măng thấp lè tè kiểu rất cổ, kê dưới một gốc cây lim cổ thụ.
- Chiếc ghế đá này có từ thời nào mà kiểu cũ quá nhỉ? – Ông Sắc hỏi.
- Tôi cũng chưa khi nào tìm hiểu, nhưng chắc là lâu lắm rồi. Đầu năm 1959, tôi được Trung ương điều từ quân đội về làm bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh, tôi đã nhìn thấy những chiếc ghế đá này rồi. Có thể nó có từ thời đây còn là tòa công sứ mà cũng có thể mới được đúc trong thời kỳ Phước Vĩnh bị Pháp chiếm đóng.
- Ở Hà Nội tôi thấy một số vườn hoa cũng có kiểu ghế như thế này.
- Khi nãy tôi hỏi anh có phải anh nghe ai phản ánh tôi đang có ý định làm một việc gì đó đối với các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mà chưa thấy anh trả lời? – Ông Kim gợi lại câu hỏi vừa rồi.
- Đúng là không có ai phản ánh cả. Chỉ thỉnh thoảng anh Đình qua ngồi uống nước chè rồi nói chuyện với nhau tôi mới biết.
- Cũng là một cách phản ánh kiểu mới.
- Tôi có cảm giác giữa
anh và anh Đình có một cái gì đó bằng mặt mà không bằng lòng có phải thế không?
- Nhận xét một ủy viên thường vụ trước mặt người khác là việc không hay, nhưng tôi xin nói thẳng với anh, tay Đình là một tay cơ hội. Không hiểu anh thế nào chứ tôi cực ghét những kẻ cơ hội. Bất kỳ một tổ chức nào mà có những tay như vậy chui vào là cực kỳ nguy hiểm.
Ông Sắc tán đồng:
- Đúng như vậy. Nhiều Đảng Cộng sản và Công nhân trên thế giới chao đảo vì để cho những kẻ cơ hội chui vào trong tổ chức của mình. Anh đừng cho tôi tò mò. Hình như các anh đang dùng Hợp tác xã Hồng Vân của huyện Vĩnh Hòa để tìm phương thức khoán mới trong nông nghiệp có phải thế không?
- Lại phản ánh của tay Đình chứ gì?
- Bỏ qua chuyện ấy đi. Tôi muốn biết ý định của các anh.
Ông Kim ngẫm nghĩ giây lát rồi bảo:
- Đánh giá tình hình các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở Phước Vĩnh giữa các anh với chúng tôi có khác nhau, vì thế có nói chắc anh cũng không hiểu hết được.
- Không phải ai trong ba phái viên chúng tôi cũng đánh giá như nhau. Về phần tôi, việc đánh giá có điểm không giống các anh, nhưng cũng có nhiều điểm gần với các anh.
- Ví dụ?
- Các anh cho rằng sự trì trệ của các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là do khoán…
Ông Kim ngắt lời:
- Tôi không đánh giá nguyên nhân hoàn toàn là do khoán.
- Không cho là nguyên nhân do khoán, sao các anh tập trung vào việc tìm cách thay đổi phương thức khoán?
- Có những việc nhìn thấy đấy nhưng không sửa được, nói một cách khác là chưa dám sửa. Riêng những nhược điểm bộc lộ trong khoán có thể sửa được nên chúng tôi đang nghiên cứu tìm ra các lối khoán thích hợp để khắc phục những nhược điểm của lối khoán hiện tại, nhằm đẩy mạnh tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới.
- Anh và tôi đều xuất thân từ thành phần nông dân nên biết rõ cái cây lên quặt quẹo và có lá vàng đều do cái gốc. Giống dù tốt đến mấy mà gieo trồng không đúng cách, đúng thời vụ, không được chăm bón đàng hoàng thì cây khó mà lên xanh tốt được. Tình hình Hợp tác xã của chúng ta hiện nay cũng tương tự như vậy.
Ông Kim vỗ đùi khen:
- Hay! Hay! Những điều anh nói hoàn toàn đúng với suy nghĩ của tôi lâu nay. Hợp tác xã quy mô là hạt giống tốt, nhưng đất đai chưa được cày bừa kỹ đã gieo giống. Lại gieo không đúng thời vụ thì nó quặt quẹo là phải.
- Không phải ai cũng nghĩ như anh với tôi đâu. Ngay trong ba anh em phái viên của chúng tôi, sau khi đi khảo sát một số Hợp tác xã nông nghiệp của hai tỉnh Phước Vĩnh và Phú Thịnh về ngồi họp cũng đánh giá khác nhau. Hình như anh định cử chị Thường xuống Hồng Vân để chỉ đạo khoán có phải không?
- Tôi định cử chị Thường và tay Hoàng, phó ban tuyên huấn tỉnh ủy. Sao anh biết?
- Anh Đình báo cáo với anh Ẩn.
Ông Kim kêu lên:
- Đúng là nuôi ong tay áo.
- Rất có thể trong những ngày tới chúng tôi sẽ xuống Vĩnh Hòa để kiểm tra việc trả lại ao cho xã viên và chia đất cho hộ xã viên sản xuất vụ ngô xen canh. Có khi anh cho hoãn việc cử người xuống Vĩnh Hòa đã. Chờ mọi việc lắng xuống rồi các anh làm gì thì làm.
- Các anh định khi nào xuống Vĩnh Hòa?
- Chưa nghe anh Ẩn nói gì. Nhưng có lẽ chỉ trong vài ngày tới thôi. Vì anh Ẩn tỏ ra rất sốt ruột.
- Khi nào đi, anh báo trước cho tôi biết có được không?
- Để làm gì?
- Tôi sẽ xuống đấy để trực tiếp nghe các anh kết luận như thế nào việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân.
- Có nên không?
- Nên chứ. Mấy cậu lãnh đạo ở huyện Vĩnh Hòa cũng như xã Hồng Vân đều là những người có tâm huyết với việc thay đổi cách làm ăn của Hợp tác xã. Nhưng họ ít khi được tiếp xúc với lãnh đạo cấp Trung ương nên có thể mấy cậu ấy lúng túng khi bị chất vấn những câu hỏi hóc búa. Nếu để họ hoang mang là hỏng hết việc. Mặt khác, tôi cũng muốn chỉ cho các anh thấy Hợp tác xã Hồng Vân sai đúng ở chỗ nào.
- Tôi cũng nói tính tình của anh Ẩn, anh Bao để anh biết mà ứng xử. Anh Ẩn là người tốt, hết lòng với công việc. Lòng dạ anh ấy cũng không hiểm sâu. Nhưng nhược điểm lớn nhất của anh Ẩn là quá tôn thờ nguyên tắc, đôi khi chính xác từng chi tiết, gần như một cái máy. Cái gì anh ấy đã nghĩ rồi thì thay đổi rất khó. Còn anh Bao là một nhà lí luận suông, một trí thức sách vở, ít hiểu biết về thực tế. Học mấy năm lí luận ở trường lớp hẳn hoi nhưng không tiêu hóa nổi nên mỗi lần tuôn ra là có vô vàn từ ngữ của triết học, kinh tế chính trị học lổm ngổm cứ như cua bò, có khi ngớ ngẩn, nghe chối tai không chịu được.
Ông Kim cười:
- Còn anh nữa. Sao không giới thiệu về mình.
Ông Sắc nói giọng trầm lắng:
- Trong tôi có anh và tôi tin trong anh cũng có tôi. Việc gì phải giới thiệu.
- Đường còn dài. Không biết có giống nhau được mãi hay không.