Một thanh niên gầy gò, nước da xanh rớt, chừng hai lăm, hai sáu tuổi, dáng vẻ chất phác rụt rè bước vào phòng làm việc của ông Kim.
- Chào bác ạ – Anh thanh niên chào lí nhí trong mồm.
- Vâng. Chào cháu. Cháu gặp tôi hay gặp ai?
Anh thanh niên không trả lời câu hỏi của ông Kim mà chăm chú nhìn ông rồi hỏi:
- Cháu xin lỗi bác, bác có phải là bác Hoàng Kim, bí thư tỉnh ủy không ạ?
- Đúng. Cháu muốn gặp tôi à?
- Vâng. Cháu tên là Sơn, con ông Mạch, bí thư huyện ủy Văn Lâm trước đây ạ.
Có cái gì đó nhói buốt chạy dọc xương sống ông Kim. Ông ngắm Sơn như cố nhớ lại khuôn mặt của người đồng chí đã một thời lăn lộn với ông trong vùng địch hậu của huyện Văn Lâm.
- Cháu là con thứ mấy của ông Mạch?
- Cháu là con trai cả. Chắc bác biết bố cháu chứ ạ?
- Không những biết mà bố cháu còn cùng với bác ăn bụi ngủ bờ mấy năm trời với nhau – Ông Kim tự tay mình rót chén nước đưa cho Sơn – Cháu uống nước đi. Cháu có mấy anh em?
- Thưa bác, cháu có bốn anh em. Sau cháu còn hai em trai và một em gái. Hai em trai cháu đã đi bộ đội. Một em đã lên đường đi Bê tháng trước, còn một em vừa nhập ngũ vào tiểu đoàn cao xạ pháo của tỉnh vừa mới thành lập. Trước đây cháu cũng đã mấy lần đi khám nghĩa vụ nhưng vì cháu bị bệnh tim bẩm sinh nên không trúng tuyển.
- Mẹ cháu có khỏe không?
- Từ khi bố cháu bị đội cải cách tử hình, mẹ cháu quá buồn phiền nên sức khỏe ngày càng suy sụp.
- Bác tưởng chuyện cũ qua lâu rồi mà mẹ cháu vẫn chưa quên được hay sao?
- Đã qua đâu bác.
- Sao thế?
- Bố cháu bị bắn hai hôm thì lệnh của trên gửi về yêu cầu đội cải cách hoãn tử hình bố cháu. Mẹ cháu được tin liền ngất xỉu phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau ngày sửa sai, nhà cháu được hạ xuống thành phần trung nông. Những thứ tịch thu của nhà cháu đều được trả lại, nhưng việc bố cháu bị bắn oan chẳng thấy ai nhắc tới. Cháu và chú em của bố cháu đã gửi đơn đi các nơi yêu cầu khôi phục lại danh dự cho bố cháu nhưng chẳng thấy ai đoái hoài. Đến một lời xin lỗi cũng không có. Cháu khuyên mẹ cháu việc gì đã qua cho nó qua, nhưng mẹ cháu không chịu. Mẹ cháu bảo cho qua hóa ra bố cháu là người có tội bị xử bắn là đúng hay sao. Mấy tháng nay sức khỏe mẹ cháu càng ngày càng yếu, chúng cháu lo mẹ cháu có chuyện gì có khi mang cả nỗi uẩn ức xuống mồ nên cháu mới tìm đến bác, cầu cứu bác có lời với mẹ cháu, nhỡ mẹ cháu có mệnh hệ nào thì cũng yên lòng nhắm mắt.
Ông Kim vỗ vào trán mình và để nguyên tay ở trán kêu lên:
- Bác có tội với vong linh bố cháu, có lỗi với mẹ cháu và các cháu rồi! Lâu nay bác cứ đinh ninh chuyện phục hồi danh dự cho bố cháu đã được cấp trên làm rồi.
Sơn nhìn nét mặt đau khổ của ông Kim, cảm thấy mình như người có lỗi.
- Việc này do người khác gây ra chứ có phải do bác gây ra đâu mà bác phải áy náy dằn vặt ạ.
- Đúng là bác không gây ra, nhưng bác hóa ra là kẻ vô tình trước đau khổ của gia đình cháu. Cháu uống nước đi. Người ta lấy lí do gì mà tử hình bố cháu, cháu có thể kể lại cho bác nghe được không?
Sơn cầm chén nước lên uống một ngụm rồi đặt chén xuống bàn:
- Người ta ghép cho bố cháu không biết bao nhiêu tội bác ạ. Mới hơn mười năm thôi nhưng hình ảnh của những ngày khủng khiếp ấy lúc nào cũng hiện lên trước mắt cháu. Ngày đó quê cháu không khí sôi lên sùng sục. Một buổi trưa bố cháu đi làm về dựng chiếc xe đạp vào cái cột ở hàng hiên, bước vào nhà vứt chiếc xắc cốt lên giường rồi nằm thở dài than vãn với mẹ cháu: Hỏng hết rồi. Sai bét cả rồi. Cái anh Dụ dưới Kiện An tốt như thế, bao nhiêu năm trong kháng chiến che giấu cán bộ về hoạt động, thế mà quy cho người ta làm gián điệp cho Pháp rồi kéo người ta đi bắn. Sai rồi bà ạ. Mẹ cháu bảo: Ông là bí thư huyện ủy thấy người ta làm sai sao không nói mà chạy về nhà than vãn là thế nào. Bố cháu bảo: Bí thư huyện ủy chứ bí thư tỉnh ủy cũng chẳng là cái gì đối với đội cải cách ruộng đất. Hai hôm sau đó bố cháu đạp xe đạp về giữa buổi. Mẹ cháu hỏi: Có việc gì mà ông về sớm thế? Bố cháu bảo: Tôi bị cách chức bí thư huyện ủy và bị khai trừ ra khỏi Đảng rồi. Mẹ cháu kêu lên: Sao thế? Bố cháu đáp: Tôi cũng chả biết nữa. Người ta đưa cái anh gì đó thành phần cố nông ở bên Tức Mạc vừa mới được kết nạp Đảng lên làm bí thư thay tôi vì lập trường tôi không vững, dám minh oan cho địa chủ. Mấy ngày đó bố cháu vật vờ như người ốm. Đến bữa ăn lùa vội bát cơm vào mồm rồi lên giường nằm, mồm lẩm bẩm những gì mấy mẹ con cháu không nghe rõ. Thế rồi một buổi sáng có ba anh dân quân, một anh mang súng, hai anh cầm gậy xồng xộc đi vào nhà cháu. Ba người dừng lại trước cánh cửa gỗ. Anh mang súng nói dõng dạc: Tên địa chủ cường hào ác bá Nguyễn Đình Mạch nghe lệnh của đoàn ủy cải cách ruộng đất đây: Sáng nay mày ra tòa án nhân dân đặc biệt để cho nông dân hỏi tội. Bố cháu chưa kịp nói gì thì hai anh dân quân cầm gậy xông vào kéo bố cháu dậy và lấy dây thừng trói giật cánh khuỷu bố cháu lại dong ra sân. Anh dân quân mang súng xua mấy mẹ con cháu đi theo bố cháu. Bấy giờ cháu đã mười ba tuổi, còn em gái cháu mới lên năm tuổi…
- Họ tử hình bố cháu ngay ngày hôm ấy?
- Vâng. Ngay chiều hôm ấy.
Ông Kim ngồi nhìn những giọt nước mắt lăn trên má Sơn. Sau đó ông cầm cái điếu cày ra ngồi lặng lẽ hút thuốc ở ngoài hiên để một mình Sơn ngồi lại trong phòng. Hút liền một lúc mấy điếu thuốc lào, ông Kim ngồi lặng lẽ nhìn lên ngọn cây. Quá khứ bị vùi lấp hơn mười lăm năm qua bỗng nhiên bị đào bới trở lại từng chi tiết rất nhỏ.
Năm 1950 với cương vị tỉnh ủy viên, ông được phân công chỉ đạo huyện Văn Lâm. Bấy giờ Văn Lâm nằm trong vùng tạm chiếm. Dạo đó ông Mạch làm bí thư chi bộ xã Lâm Du. Thời kỳ ấy xã chỉ có chi bộ chứ không có đảng ủy như bây giờ. Gia đình ông Mạch là cơ sở của ông. Cơ quan tỉnh ủy lúc đó ở an toàn khu. Mỗi tháng vài lần ông về Văn Lâm vài lần, lần nào ông cũng chỉ ở trong nhà ông Mạch. Ông Mạch là một đảng viên trung kiên. Hoạt động trong vùng tạm chiếm hết sức nguy hiểm nhưng chưa khi nào ông Mạch tỏ ra dao động. Ông nhớ có một lần vào mùa đông giá buốt chưa từng thấy, với bộ quần áo bà ba màu nâu, khoác trên mình cái áo tơi chằm bằng lá cọ, đầu đội chiếc nón rách, tay cầm cái nơm, ông bước đi liêu xiêu trong gió. Làng xóm yên tĩnh. Thỉnh thoảng ông dừng lại nghe ngóng động tĩnh rồi bước đi tiếp. Đến một khóm tre, ông dừng lại nhìn trước nhìn sau rồi đi vào nhà ông Mạch. Ông lần đến tấm liếp làm cửa sổ đưa tay gõ ba tiếng một. Lát sau có tiếng ông Mạch hỏi rất khẽ:
- Ai đấy?
- Tôi đây. Kim đây.
Nhận ra tiếng ông, ông Mạch hé cửa lách ra ngoài.
- Chỉ một mình anh hay có ai nữa không?
- Chỉ một mình tôi thôi.
- Anh vào nhà đi. Đứng ngoài này rét lắm.
Hai người rón rén bước vào nhà. Ông Mạch hỏi:
- Có đói không? Còn mấy củ khoai lang luộc ăn tạm nhé. Khuya rồi, đỏ lửa nấu cơm sợ lộ bí mật.
- Có khoai lang ăn là tốt rồi. Tôi ăn cơm ở Lai Xá từ lúc ba giờ chiều. Rét nên đói bụng quá.
Ông Mạch mò mẫm lấy cây đèn dầu đi xuống bếp thổi nùn rơm châm đèn rồi vặn bấc nhỏ hạt đậu cầm đến chỗ bà Lành đang nằm lay nhè nhẹ. Bà Lành gắt khẽ:
- Ngủ đi đừng có vớ vẩn, cả ngày đi làm cỏ lúa đang mệt bã người ra đây.
- Ai làm gì mà vớ vẩn. Anh Kim về. Bà dậy xem khoai lang ban chiều còn lại để đâu cho anh ấy ăn tạm.
Bà Lành nhổm ngay dậy:
- Anh Kim về thật à?
- Tôi nói dối bà làm gì. Anh ấy đang ngồi ở giường tôi ấy.
- Đừng hòng lừa tôi đến giường ông để ông giở trò. Tôi biết tỏng mưu mô của ông rồi.
- Khổ quá. Vợ chồng nếu muốn làm chuyện ấy làm khi nào chả được, việc gì tôi phải lừa bà. Tôi đứng nguyên đây, bà đến đó một mình xem có phải anh Kim ngồi ở đó không.
Ông cố nhịn cười trước những câu nhấm nhẳng của vợ chồng ông Mạch. Bà Lành vùng dậy bảo:
- Thế thì để tôi đi nấu cơm cho anh ấy ăn. Rét mướt thế này ăn khoai nguội có mà chết rét.
- Giờ là mấy giờ rồi mà bà định đỏ lửa?
- Tôi che kín chẳng để ánh lửa lọt ra ngoài đâu mà lo. Anh Kim đâu?
Ngồi ở góc giường ông Mạch, ông đáp khẽ:
- Tôi đây chị ạ. Sợ chị thức giấc nên tôi ngồi im ở đây.
- Anh coi giấc ngủ của tôi còn quý hơn công việc kháng chiến của anh hay sao. Anh ngồi đó chờ tôi đi thổi cơm cho mà ăn.
Ông đi đến cạnh bà Lành:
- Nghe anh Mạch bảo còn khoai lang lúc chiều, chị đem cho tôi ăn là được rồi.
- Khoai lang tối nay tôi đổ vào máng rau lợn hết rồi.
- Chị nói dối không phải lối. Vừa rồi tôi nghe chị bảo với anh Mạch là trời rét thế này ăn khoai vào thì có chết rét, giờ lại bảo đã đổ cho lợn.
- Anh ngồi nói chuyện với nhà tôi, tôi chỉ nấu một loáng là xong thôi.
Ông Mạch bảo ông:
- Thôi, cứ để bà ấy đi nấu cơm cho anh ăn cho ấm bụng. Tình hình có gì mới không anh?
- Địch tăng cường khủng bố nhằm quét cơ sở của ta ở vùng tạm chiếm. Tỉnh ủy phân công tôi về Văn Lâm nắm tình hình và truyền đạt lại Nghị quyết của tỉnh ủy. Anh chuẩn bị cho tôi ở lại công tác trong vòng hai đến ba tuần.
- Anh ở đây cả năm cũng được chứ đừng nói hai, ba tuần.
- Tất cả hầm bí mật trong xã Lâm Du vẫn còn nguyên vẹn cả chứ?
- Vẫn thế. Có cần đào thêm không?
- Chưa cần đào thêm. Chỉ
cần củng cố các hầm hiện có đã. Này, tôi muốn họp chi bộ Lâm Du vào đêm mai có được không?
- Có chuyện gì mà gấp thế?
- Tôi muốn phổ biến Nghị quyết của tỉnh ủy càng nhanh càng tốt. Làm được xã nào thì tranh thủ làm luôn. Bọn ở bốt Cầu Ngang có hay đi phục kích ban đêm không?
- Thỉnh thoảng.
- Phải tìm cách nhổ cái bốt này sớm ngày nào hay ngày đó chứ để nó lù lù ra thế rất trở ngại cho mọi hoạt động của ta ở vùng này.
- Bốt Cầu Ngang chỉ có hơn ba mươi tên lính Bảo hoàng do một thằng Tây mũi lõ làm đồn trưởng. Rào giậu cũng sơ sài. Chỉ cần đại đội địa phương của huyện cũng nhổ nó được. Hiện Lâm Du của tôi có hai mươi lăm du kích bí mật và chín khẩu súng trường. Nếu đại đội địa phương huyện đánh bốt, tôi sẽ chỉ huy anh em du kích phối hợp.
- Việc này để tôi về báo cáo lại với đồng chí bí thư tỉnh ủy rồi tính sau.
Bà Lành một tay bê cái niêu đất, một tay cầm cây đèn dầu leo lét từ dưới bếp đi lên nhà.
- Cơm được rồi đây. Anh Kim đến ăn cho nóng. Tôi chạy xuống bếp lấy mắm tép lên cho mà ăn.
- Chị nấu kiểu gì mà có cơm nhanh thế?
- Nấu chỉ một nhúm gạo, ít nước nên mới nhanh được thế.
- Nhà có muối cà không chị?
- Mùa này làm gì đã có quả mà muối.
- Thế thì cái tay địa chủ Đình thánh thật. Nhà hắn quanh năm suốt tháng có cà muối cho thợ cày ăn. Tôi ăn mãi gần chục năm nên đâm ra nghiện cà.
Bà Lành đặt một chén mắm tép xuống mâm:
- Mắm tép tôi làm đấy. Nếu thấy ngon, hôm nào làm việc đây xong trở về an toàn khu, tôi lấy cho một ít đưa về mà ăn.
Thấy ông ăn xong, ông Mạch bảo:
- Ăn no, lên giường nằm với tôi ngủ một giấc, gần sáng hẵng xuống hầm bí mật chứ dại gì nằm dưới hầm cho rét.
Ngay đêm hôm sau, ông và ông Mạch tổ chức họp chi bộ Vân Du. Khi hai người băng qua cánh đồng để đi đến địa điểm họp, ông Mạch xuýt xoa:
- Năm nay rét quá anh ạ. Phủ một đống rơm trên giường dày đến thế mà vẫn lạnh thấu xương.
- Sao không ấp nhau mà ngủ cho nó ấm lại đi nằm riêng?
- Cô ấy lúc nào cũng ôm chặt lấy hai đứa con như gà mẹ ấp con. Tôi chỉ cần đụng tay vào người là xù lông xù cánh lên, hãi lắm.
Ông cất tiếng cười khẽ trong đêm.
- Vậy không khi nào nằm với nhau à?
- Năm ba đêm mà không nằm được với nhau một lần chịu sao nổi.
- Thế sao anh vừa bảo chạm tay vào người chị ấy là chị ấy xù lông lên như con gà mẹ?
- Nói thế thôi chứ đôi khi cô ấy tự mò đến tôi xin tí chút rồi về ngủ với con.
Ông Kim khẽ cười, rồi hỏi chuyện khác:
- Anh định tổ chức họp ở đâu mà đi mãi không đến?
- Tôi triệu tập họp ở cái điếm canh lúa giữa đồng làng Hạ. Cũng sắp đến nơi rồi.
- Liệu địa điểm ấy có giữ được bí mật không?
- Anh yên tâm. Đây là cái điếm canh lúa và làm nơi nghỉ ngơi cho bà con đi làm đồng, nằm giữa đồng không mông quạnh nên an toàn lắm.
Có khoảng mười lăm, mười sáu người đang ngồi thì thào to nhỏ trong cái điếm canh thì ông và ông Mạch vào. Ông chào mọi người. Ông Mạch bảo:
- Hôm nay có thượng cấp về để phổ biến chủ trương của tỉnh ủy. Các đồng chí mình đã đến đủ mặt chưa?
Trong bóng tối có tiếng người đáp:
- Đồng chí Thừa cáo ốm. Cũng chẳng biết ốm thật không hay là dao động.
Ông Mạch bảo:
- Chưa biết chắc thì đừng có nói thế rồi đâm ra mất đoàn kết trong nội bộ. Đồng chí Tính đâu rồi? Đã bố trí lực lượng bố phòng chắc chắn chưa. Có thượng cấp về nhớ cẩn thận đấy.
- Tôi đã bố trí anh em đâu vào đó rồi. Nếu gặp lính đi lùng sục ban đêm, anh em sẽ nổ súng làm tín hiệu cho chúng ta biết để giải tán.
Ông Mạch kêu lên:
- Chết rồi. Có động thì bí mật chạy về báo chứ ai bảo cho nổ súng.
- Súng chôn dưới đất rỉ sét hết có dịp phải để cho anh em bắn xem có nổ không chứ.
Ông nói với ông Mạch:
- Thôi nhỡ ra rồi cứ để thế. Ta bắt đầu làm việc kẻo chẳng mấy chốc mà trời sáng đến nơi. Tôi tự giới thiệu luôn nhé. Nhiều đồng chí biết tôi rồi nhưng cũng có đồng chí chưa biết. Tôi là Kim, thường vụ tỉnh ủy. Được tỉnh ủy phân công chỉ đạo phong trào của huyện Văn Lâm và Tam Bình. Hôm nay tôi về đây để phổ biến trực tiếp Nghị quyết của tỉnh ủy về tình hình và nhiệm vụ mới để các đồng chí nắm được. Để giữ bí mật, tôi chỉ phổ biến bằng miệng và các đồng chí nhớ để lãnh đạo phong trào. Để bảo đảm bí mật nên không được ghi chép gì, vì vậy các đồng chí cố tập trung để nhớ những điểm chính của Nghị quyết…
Hơn mười lăm năm trôi qua rồi… chỉ vì giáo điều, máy móc mà không biết bao nhiêu đảng viên trung kiên như ông Mạch đã bị hại. Giờ đây có lẽ cũng do giáo điều, máy móc mà cuộc sống của người nông dân đang rơi vào cảnh thiếu thốn. Cơm không đủ no, áo không đủ lành. Chuyện cũ, chuyện mới lẫn vào nhau khiến lòng ông Kim rối như một mối tơ vò.
Ông Kim xách cái điếu cày trở vào ngồi xuống ghế.
- Bác thực sự đau lòng khi nghe câu chuyện của cháu. Bác cũng đã từng nghe nhiều trường hợp oan khiên như bố cháu. Nhưng thôi, tất cả đều thuộc về quá khứ của lịch sử cháu ạ. Thời ấy Đảng ta cũng đã coi sai lầm trong cải cách ruộng đất là nghiêm trọng và quyết tâm sửa sai. Nhưng cái sai làm chết người như bố cháu thì làm sao mà sửa được. Có điều bác không hiểu vì sao cháu đã gửi đơn từ đi khắp nơi yêu cầu phục hồi danh dự cho bố cháu mà người ta không giải quyết. Làm sai thì sửa chứ có khó khăn gì đâu.
- Bác có minh oan cho bố cháu được không bác?
- Các đoàn cải cách ruộng đất trước đây thuộc sự chỉ đạo của trên. Vì vậy phục hồi danh dự cho bố cháu cũng thuộc thẩm quyền của Trung ương. Tuy vậy với trách nhiệm là bí thư tỉnh ủy, đồng thời bố cháu cũng là ân nhân của bác trong những năm kháng chiến chống Pháp nên bác hứa với cháu sẽ làm hết sức mình để trả lại danh dự cho bố cháu trong thời gian ngắn nhất. Cháu về nói lại với mẹ cháu như vậy để mẹ cháu yên tâm. Trước mắt bác sẽ sắp xếp công việc để xuống thăm và động viên mẹ cháu. Cháu ngồi uống nước, bác sang gọi bác Dần sang để gặp cháu. Bác Dần là trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy.
Lát sau ông Kim trở về cùng với ông Dần.
- Đây là cháu Sơn, con trai đồng chí Nguyễn Đình Mạch, nguyên bí thư huyện ủy Văn Lâm đã bị xử lí sai trong cải cách ruộng đất – Ông Kim giới thiệu Sơn với ông Dần.
Sơn đứng lên:
- Cháu chào bác ạ.
- Chào cháu. Bác Kim vừa nói chuyện về bố cháu cho bác nghe. Bác hết sức bất ngờ vì nghĩ người ta đã minh oan cho bố cháu trong thời gian có chủ trương sửa sai cải cách ruộng đất.
Ông Kim hỏi ông Dần:
- Theo ông, ta nên giải quyết việc này như thế nào?
- Trước hết Ban tổ chức và ban kiểm tra tỉnh ủy có tờ trình gửi cho Ban Bí thư Trung ương Đảng báo cáo cụ thể quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đình Mạch và nói rõ việc xử lí sai với đồng chí ấy. Sau đó ta đề nghị Ban Bí thư ủy quyền cho tỉnh ủy đứng ra tổ chức việc khôi phục đảng tịch và danh dự cho đồng chí ấy. Anh thấy thế có được không?
Ông Kim suy nghĩ giây lát rồi đáp:
- Có lẽ chỉ có cách đó thôi. Ông bàn với chị Thường khẩn trương giải quyết việc này nhé. Nếu cần thì ông hoặc chị Thường trực tiếp lên gặp các đồng chí ở Ban bí thư.
- Vâng. Tôi sẽ bàn với chị Thường rồi báo cáo lại với anh.
Ông Kim nói với Sơn:
- Hôm nay cháu tận mắt nhìn thấy các bác bàn về việc khôi phục danh dự cho bố cháu rồi đấy. Cháu về nói lại để mẹ cháu yên tâm.
- Vâng. Cháu xin thay mặt mẹ cháu cám ơn các bác.
- Trách nhiệm của các bác chứ ơn huệ gì. Sáng nay cháu đi lên đây bằng phương tiện gì?
- Cháu phải nhảy ô-tô tải đi nhờ ba chặng mới lên đến thị xã.
- Lát nữa cháu về nhà bác ăn cơm trưa rồi bác cho ô-tô đưa cháu về tận nhà.
- Cháu cám ơn bác, mẹ cháu sức khỏe không được tốt nên cháu phải về kẻo mẹ cháu nằm ở nhà một mình không ai trông.
- Nếu cháu vội về thì bác không giữ.
Ông Kim bảo Đô đi xuống nhà mình lấy hai hộp sữa và cân đường, tiêu chuẩn bồi dưỡng của ông gửi biếu bà Mạch và bảo Hành cho xe đưa Sơn về tận nhà. Sơn đi rồi, ông ngồi thẫn thờ như kẻ mất hồn.