8
Chuyện dài của Kano Creta
♦
Khảo sát bản chất của cái đau
- Tôi sinh ngày 29 tháng Năm, - Kano Creta bắt đầu kể, - và vào tối sinh nhật năm hai mươi tuổi, tôi quyết định tính sổ cuộc đời mình.
Tôi đặt một tách cà phê trước mặt cô. Cô cho kem vào rồi khuấy một cách uể oải. Không cho đường. Tôi thì uống cà phê đen, như mọi khi. Đồng hồ trên kệ sách tiếp tục gõ khô khốc lên bức tường thời gian.
Kano Creta nhìn chằm chằm vào tôi rồi nói:
- Không biết liệu tôi có nên kể từ đầu không - tôi sinh ra ở đâu, về gia đình tôi...
- Cô muốn kể gì cũng được, tuỳ cô thôi. Cô thấy kể thế nào tiện nhất thì cứ kể.
- Tôi là con thứ ba trong gia đình, - cô nói. - Chị Malta và tôi còn có một người anh trai. Cha tôi là chủ một bệnh viện ở tỉnh Kanawaga. Nhà tôi chẳng có gì gọi là những "vấn đề gia đình" mà chỉ là một gia đình bình thường như bao gia đình khác. Cha mẹ tôi rất nghiêm khắc, tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị của lao động. Cha mẹ khá là khắt khe với ba anh em tôi, nhưng cũng cho chúng tôi có được đôi chút tự lập trong những chuyện nhỏ nhặt. Anh em tôi chẳng thiếu thốn thứ gì, song cha mẹ cho rằng không nên cho con cái có thừa tiền tiêu vào những thứ xa xỉ. Nói chung, từ bé cha mẹ đã dạy tôi sống thanh đạm.
Chị Malta lớn hơn tôi năm tuổi. Ở chị ngay từ bé đã có cái gì đó khác người. Chị ấy có khả năng tiên đoán nhiều chuyện. Chị biết ở phòng bao nhiêu đấy có bệnh nhân nào vừa chết, hoặc nếu ai đó đánh rơi ví thì chị biết chính xác tìm ở đâu sẽ thấy, vân vân. Đầu tiên ai cũng thích thú, cho rằng đó là một năng khiếu có ích, nhưng chẳng mấy chốc cha mẹ tôi lại đâm lo. Ba mẹ ra lệnh cho chị không được nói về "những việc không có cơ sở thực tế rõ ràng" khi có mặt người ngoài. Cha tôi lo là lo cho cái ghế giám đốc bệnh viện của mình, ông không muốn người ta nghe nói chuyện con gái ông có những khả năng siêu nhiên. Từ đó trở đi chị Malta tự khóa mồm mình. Chị không những thôi nói về "những việc không có cơ sở thực tế rõ ràng" mà còn hiếm khi dự phần vào những cuộc trò chuyện bình thường nhất.
Tuy nhiên, chị lại cởi mở tấm lòng với tôi. Hai chị em tôi rất thân nhau. Chị ấy thường dặn trước: "Đừng nói với ai là chị đã báo trước với em nhé", rồi chị sẽ khẽ khàng nói đại loại như là "Sẽ có một đám cháy dưới phố" hoặc "Sức khỏe của bà dì sống ở Setagaya sẽ còn tệ hơn nữa". Chị hễ đã nói là đúng. Hồi đó tôi còn nhỏ nên chỉ thích thú vô cùng. Tôi không thấy có gì đáng sợ hay kỳ quái cả. Thậm chí đến giờ tôi vẫn nhớ, tôi hay lẵng nhẵng bám theo chị từng bước, đòi chị nói cho nghe những lời "sấm truyền" của chị.
Chị càng lớn thì những năng lực đặc biệt kia càng mạnh, nhưng chị chẳng biết dùng chúng vào việc gì hay nuôi dưỡng chúng ra sao, điều đó khiến chị hết sức khổ sở. Chị không biết xin lời khuyên nhủ của ai, không biết nhờ ai chỉ dẫn xem chị làm gì. Điều đó khiến chị trở thành một cô bé rất cô độc. Chị phải tự mình giải quyết mọi việc. Chị phải tự mình tìm lời giải ọi vấn đề. Trong gia đình, chị không hạnh phúc. Chẳng có lấy một lần nào chị tìm được bình an trong tâm hồn. Chị phải đè nén năng lực của mình, ỉm chúng đi. Chẳng khác gì trồng một cái cây to lớn, mạnh mẽ trong một chiếc chậu con. Nó không tự nhiên. Không đúng chỗ. Chị chỉ biết mỗi một điều: cần phải thoát khỏi chỗ này, càng sớm càng tốt. Chị tin rằng ở nơi nào đó vẫn có một thế giới thích hợp với chị, nơi chị có thể sống đúng cuộc đời mình. Thế nhưng chị phải nhẫn nhịn đợi đến khi tốt nghiệp trung học.
Chị quyết định không vào đại học mà đi nước ngoài sau khi rời trường. Song, dĩ nhiên, cha mẹ tôi là những người bình thường, sống một đời giản dị, nên họ không dễ gì cho chị làm vậy. Thế là chị tôi ra sức làm việc, tích cóp một số tiền đủ cần rồi trốn khỏi nhà. Nơi đầu tiên chị đến là Hawaii. Chị sống ở đảo Kauai trong hai năm. Chị ấy đọc được ở đâu đó rằng bờ biển phía Bắc của Kauai có một nơi mang những nguồn nước thần diệu. Ngay từ khi đó chị ấy đã nuôi một mối quan tâm to lớn đối với nước. Chị ấy tin rằng sự tồn tại của con người phụ thuộc rất nhiều vào các thành tố của nước. Chính vì vậy chị đến sống ở Kauai. Lúc ấy có một cộng đồng híp-pi cư ngụ trong nội địa hòn đảo. Chị ấy sống như một thành viên trong cộng đồng đó. Nước ở đó có tác động to lớn đến khả năng ngoại cảm của chị. Nhờ uống nước ấy, chị đạt được sự hài hòa hơn giữ năng lực tâm linh với thể xác vật chất. Chị viết thư kể cho tôi điều đó tuyệt diệu đến nhường nào; thư của chị làm tôi thật hạnh phúc. Nhưng chẳng bao lâu sau vùng đất đó không còn làm chị thỏa mãn nữa. Quả thật đó là một xứ sở tươi đẹp, bình yên, con người ở đó xa lạ với vật dục mà chỉ tìm kiếm bình an nội tâm. Thế nhưng, họ phụ thuộc quá nhiều vào tính dục và ma túy. Chị tôi không cần những thứ đó. Sau khi sống hai năm ở Kauai, chị bỏ đi.
Từ đó chị sang Canada, đi đây đó vòng quanh miền Bắc nước Mỹ, rồi tiếp tục đến châu Âu. Đi đến đâu chị đều thử mẫu nước đến đó, ở một vài nơi chị cũng tìm thấy những thứ nước tuyệt diệu, nhưng không ở đâu có thứ nước hoàn hảo cả. Thế là chị lại đi, đi mãi. Mỗi khi hết tiền chị lại hành nghề chiêm tinh, giúp người ta tìm vật đánh rơi hay người thân đi lạc. Người ta trả tiền cho chị, dù chị không muốn lấy tiền. Chị cho rằng những năng lực trời cho thì không nên đáng đổi bằng lợi lộc vật chất. Tuy nhiên, vào lúc ấy đó là kế sinh nhai duy nhất của chị. Chị đi đến đâu người ta cũng nghe tiếng chị. Chị kiến tiền không khó. Thậm chí chị còn giúp cảnh sát điều tra một vụ án ở Anh. Một cô bé bị mất tích, chị tìm ra nơi cái xác bị giấu. Chị còn tìm thấy găng tay của kẻ sát nhân cách đó không xa. Hắn bị bắt và nhận tội. Báo nào cũng đưa tin chuyện ấy. Lúc nào tôi sẽ cho ông xem mấy bài báo tôi cắt giữ lại. Thế là chị tôi cứ lang thang khắp châu Âu như thế, cho tới khi dừng chân ở Malta. Đã gần năm năm từ khi chị rời Nhật Bản, nơi này hóa ra lại là đích cuối cho cuộc truy tìm nước của chị. Chắc là chính chị ấy có kể cho ông chuyện này?
Tôi gật đầu.
- Suốt những năm tháng bôn ba khắp thế giới Malta vẫn thường xuyên gửi thư cho tôi. Dĩ nhiên, có những lúc hoàn cảnh khiến chị không thể viết thư, song hầu như tuần nào tôi cũng nhận được một bức thư dài của chị trong đó chị kể chị đang ở đâu, làm gì. Chị em tôi vẫn rất thân thiết với nhau. Dù xa xôi cách trở bao nhiêu, chị em tôi vẫn có thể chia sẻ cảm xúc với nhau qua những lá thư của chị. Mà thư mới tuyệt làm sao chứ! Giá như đọc được, ông sẽ thấy chị ấy là người tuyệt vời đến thế nào. Qua thư, tôi có thể gặp gỡ hàng bao nhiêu thế giới khác, hàng bao nhiêu con người thú vị. Thư của chị khích lệ tôi biết chừng nào! Chúng giúp tôi trưởng thành. Vì vậy, tôi sẽ luôn luôn biết ơn sâu sắc đối với chị tôi. Tôi không hề phủ nhận những gì chị đã làm cho tôi. Nhưng nói gì thì nói, thư cũng chỉ là thư. Khi tôi bước vào tuổi mới lớn, những năm tháng đủ những vấn đề phức tạp, khi tôi cần chị hơn bao giờ hết, chị lại luôn luôn ở nơi nào đó xa lắc xa lơ. Tôi không thể nào vươn tay ra để bắt gặp bàn tay chị ở bên tôi. Ở nhà, tôi hết sức cô đơn. Một mình một cõi. Những năm vị thành niên của tôi đầy rẫy những đau đớn - tôi sẽ kể với ông sau. Tôi không biết nhờ ai khuyên nhủ, bảo ban. Theo nghĩa đó tôi cũng cô đơn như chị Malta ngày trước. Giá như chị ở gần tôi khi đó thì hẳn đời tôi đã khác bây giờ. Chị hẳn sẽ khuyên bảo tôi, khích lệ, cứu giúp tôi. Nhưng giờ đây nhắc lại chuyện đó để làm gì? Cũng như Malta đã phải tìm con đường riêng ình, tôi phải tìm đường cho riêng tôi. Thế là năm tròn hai mươi tuổi, tôi quyết định tự sát.
Kano Creta cầm tách, uống chỗ cà phê còn lại:
- Cà phê ngon quá, - cô nói.
- Cám ơn, - tôi đáp, cố tỏ vẻ càng tự nhiên càng tốt. - Tôi mời cô ăn gì nhé? Tôi có luộc mấy quả trứng.
Cô ngần ngừ một chút rồi nói cô muốn ăn một quả. Tôi mang trứng và muối từ trong bếp ra rồi rót thêm cà phê cho cô. Không chút vội vã, Kano Creta và tôi bắt đầu bóc vỏ trứng rồi vừa ăn vừa uống cà phê. Nửa chừng thì chuông điện thoại reo, nhưng tôi không trả lời. Sau khi reo được mười lăm, mười sáu lần gì đó, chuông ngừng. Suốt thời gian đó, Kano Creta có vẻ như không hề nghe thấy chuông điện thoại.
Ăn quả trứng xong, Kano Creta rút từ trong chiếc xắc sơn mài màu trắng ra một chiếc khăn tay nhỏ để lau miệng. Rồi cô kéo thẳng diềm váy.
- Khi đã quyết định tự sát, tôi muốn để lại thư tuyệt mệnh. Tôi ngồi nơi bàn suốt một tiếng đồng hồ, cố viết ra cho được lý do khiến mình muốn chết. Tôi muốn nói rõ rằng không một ai có lỗi, rằng mọi lý do đều nằm ở bên trong tôi. Tôi không muốn gia đình cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm vì một lỗi lầm không phải của họ.
Nhưng tôi không viết hết được bức thư. Tôi cố viết lại, viết lại nữa, song mỗi thư mới lại càng tệ hơn thư trước. Khi đọc lại cái mình vừa viết, tôi thấy nó nghe thật xuẩn ngốc, thậm chí khôi hài nữa. Tôi càng cố làm cho nghiêm chỉnh, nó càng trở nên lố bịch. Cuối cùng tôi quyết định chẳng viết gì hết.
Tôi cảm thấy thật ra chuyện rất đơn giản. Tôi thất vọng với cuộc đời mình. Tôi không chịu nổi nữa hàng bao nhiêu kiểu đau mà cuộc đời liên tục bắt tôi phải chịu. Tôi đã phải chịu đau suốt hai mươi năm. Đời tôi chẳng khác gì hơn là một nguồn đau đớn không dứt. Nhưng tôi đã gắng chịu đựng. Tôi hoàn toàn tin tưởng mình đã nỗ lực đến cùng để chịu đựng cái đau. Tôi có thể tự hào tuyên bố không có gì mạnh hơn những nỗ lực của tôi. Tôi sẽ không đầu hàng mà chiến đấu đến cùng. Nhưng đúng ngày tròn hai mươi tuổi, tôi đi đến một kết luận giản dị: sống như thế không đáng. Cuộc sống không đáng cho ta phải mất nhiều sức lực đến vậy.
Cô ngừng nói, ngồi vuốt vuốt một hồi mấy góc chiếc khăn tay để trên đùi. Khi cô nhìn xuống, hai hàng mi dài đổ những cái bóng mềm mại lên khuôn mặt.
Tôi