Tôi rút trong túi quần ra một viên kẹo chanh, bóc giấy gói rồi cho vào mồm. Tôi từng coi việc nghỉ làm ở công ty là một cơ hội để bỏ thuốc lá, nhưng bây giờ đi đâu tôi cũng không thể thiếu mấy viên kẹo chanh. Kumiko bảo tôi nghiện kẹo chanh mất rồi và cảnh cáo rằng chẳng mấy chốc tôi sẽ sâu hết cả hàm răng, nhưng tôi không bỏ kẹo được. Trong khi tôi đứng ngắm khu vườn, con bồ câu đậu trên ăngten vẫn kêu gù gù, như một tay cạo giấy đóng số lên một tệp giấy. Tôi không biết mình đã đứng đó tựa rào trong bao lâu, nhưng tôi nhớ mình đã nhổ kẹo ra khi cảm thấy nó đã tan một nửa và lấp đầy miệng cái vị ngọt dinh dính. Tôi vừa chuyển cái nhìn sang bóng chim đá thì có cảm giác ai đó vừa gọi mình từ phía sau.
Tôi quay lại thì thấy một cô gái đừng trong khu vườn bên kia ngõ. Người cô nhỏ nhắn, tóc tết bím. Cô đeo kính râm thẫm, gọng màu hổ phách, mặc áo phông cộc tay màu xanh nhạt. Mùa mưa vẫn chưa dứt hẳn, thế mà cô đã kịp làm cho đôi tay mảnh dẻ của mình có một màu rám nằng mềm mại ưa nhìn. Cô đút một bàn tay vào túi quần soóc. Bàn tay kia đặt lên một cánh cổng hằng tre ngang thắt lưng xem ra chẳng càn được ai. Hai chúng tôi chỉ cách nhau chừng hơn một thước.
- Nóng quá, - cô bảo.
- Ừ, nóng, - tôi đáp.
Sau mẩu trao đổi ngắn ngủi này cô lại đứng đó nhìn tôi. Rồi cô móc trong túi ra một bao "Hope", rút một điếu, đút vào giữa miệng. Cô có cái miệng nhỏ, môi trên hơi vểnh. Cô quẹt diêm chấm thuốc. Khi cô khẽ nghiêng đầu, tóc cô lệch sang bên để lộ một chiếc tai có hình dáng tuyệt đẹp, nuột nà như vừa mới nặn, vành tai ánh lên vẻ dịu dàng của lớp lông tơ.
Cô búng que diêm đi rồi chúm môi phà khói. Đoạn, cô nhìn lên tôi như thể đã quên mất là có tôi ở đó. Tôi không nhìn thấy mắt cô sau cặp tròng thẫm của chiếc kính râm.
- Anh sống gần đây à? - cô hỏi.
- Ừ, - tôi muốn chỉ về phía nhà mình, nhưng để tới được đây tôi đã len lách quá nhiều đến nỗi giờ tôi chịu không biết nhà mình ở hướng nào nữa. Tôi đành chỉ hú họa.
- Tôi đi tìm con mèo, - tôi vừa nói như để thanh minh vừa chùi lòng bàn tay mướt mồi hôi vào quần. - Nó đi vắng cả tuần rồi. Có người thấy nó quanh quẩn chỗ này.
- Con mèo trông thế nào?
- Mèo đực, to khỏe. Có vằn nâu. Chót đuôi hơi quặp.
- Tên gì?
- Noboru. Wataya Noburu.
- Không, không phải tên anh. Tên con mèo cơ.
- Thì tên con mèo đấy.
- Chà, ấn tượng quá!
- Thực ra đấy là tên ông anh vợ anh. Con mèo có gì đó giống ông ấy. Bọn anh lấy tên ông ấy đặt cho con mèo, để cho vui thôi mà.
- Con mèo giống ông ấy chỗ nào cơ?
- Anh không biết. Nhìn chung là thế. Dáng đi chẳng hạn. Hay là cái nhìn chả biểu lộ gì hết.
Lần đầu tiên cô mỉm cười, nụ cười khiến cô giống trẻ con hơn nhiều so với ấn tượng ban đầu. Cô không quá mười lăm, mười sáu tuổi. Môi trên cô vểnh thành một góc kì lạ. Tôi nghe như thấy giọng nói "Sờ em đi", giọng người đàn bà trong điện thoại. Tôi lấy mu bàn tay lau mồ hôi trên trán.
- Con mèo có vằn nâu, chóm đuôi hơi quăn, - cô gái nói. - À, nó có đeo vòng cổ không?
- Đeo vòng cổ màu đen, để trị bọ chét.
- Cô đứng ngẫm nghĩ chứng mươi, mười lăm giây, bàn tay vẫn đặt trên cánh cổng. Rồi cô vứt điếu thuốc đang hút dở xuống đất, lấy bàn chân đi xăngđan giẫm lên.
- Có lẽ em đã gặp một con mèo như thế, - cô bảo. - Em không biết đuôi có quặp không, nhưng con mèo vàng nâu, giống như cọp ấy, hình như có đeo vòng cổ.
- Em thấy khi nào?
- Thấy khi nào á? Chà... Mới ba bốn hôm trước thôi. Sân nhà em cứ như là nơi quá cảnh của tất cả mèo hàng xóm ấy mà. Chúng đi tắt qua nhà em từ nhà Takitani tới nhà Miyawaki.
Cô chỉ về phía căn nhà không người ở, nơi con chim đá vẫn đang giang cánh, cây xiêm gai vàng đang đón nắng hè và con bồ câu vẫn tiếp tục gù gù đơn điệu trên cần ăngten tivi.
- Em có ý này, - cô nói. - Sao anh không đợi ở đây? Tất cả lũ mèo sớm muộn gì cũng đi qua nhà em trên đường tới nhà Miyakawi. Anh cứ đi tới đi lui kiểu này thì coi chừng người ta gọi cảnh sát bắt đấy. Có người bị như thế rồi.
Tôi lưỡng lự.
- Đừng lo, - cô nói. - Ở đây chỉ có em thôi. Chúng mình cứ ngồi sưởi nắng, đợi con mèo ló mặt ra. Em sẽ nhìn giúp anh. Thị lực của em những hai mươi-hai mươi cơ đấy.
Tôi nhìn đồng hồ. Hai giờ hai mươi sáu phút. Những gì tôi phải làm hôm nay, từ giờ cho đến tối là mang đồ đến hiệu giặt và làm bữa tối.
Tôi bước qua cổng vào trong vườn, theo sau cô bé băng qua bãi cỏ. Chân phải cô hơi khập khiễng. Cô đi vài bước rồi dừng, quay lại nhìn tôi.
- Em bị ngã xe máy từ ghế sau, - cô nói như thể chuyện ấy chẳng có gì quan trọng.
Nơi rìa bãi cỏ có một cây sồi lớn. Dưới bóng cây có hai ghế xếp bằng vải bạt, trên một chiếc có trải tấm khăn tắm màu xanh dương. Trên chiếc ghế kia lỉnh kỉnh một bao "Hope""chưa mở, cái gạt tàn, chiếc bật lửa, một cuốn tạp chí, một chiếc máy nghe nhạc ngoại cỡ. Máy đang phát một bản hard rock âm lượng không to lắm. Cô bé tắt nhạc rồi trút hết mớ đồ đạc trên chiếc ghế thứ hai xuống cỏ để lấy chỗ cho tôi. Ngồi trên chiếc ghế này tôi thấy rõ khoảng sân căn nhà không người ở bên kia - con chim đá, cây xiêm gai vàng, hàng rào mắt cáo. Hẳn là cô bé đã quan sát tôi suốt cả thời gian tôi đứng ở bên kia.
Vườn nhà này lớn thật. Có một bãi cỏ rộng dài thoai thoải, đó đây có mấy khóm cây. Bên trái hai chiếc ghế là một hồ nước to mép bằng bê tông, phơi cái đáy cạn khô dưới nắng. Trông cái màu xanh xanh thì đủ biết đã bao lâu hồ không có nước. Chúng tôi ngồi xoay lưng lại căn nhà thấp thoáng sau màn cây. Nhà không lớn, kiến trúc chẳng cầu kỳ. Chỉ khu vườn thênh thang được chăm sóc cẩn thận là nom bề thế mà thôi.
- Vườn rộng quá, - tôi vừa nói vừa nhìn quanh. - Rộng thế này thì chăm sóc cũng mệt.
- Hẳn rồi.
- Hồi bé anh có làm việc ột công ty chuyên xén cỏ thuê.
- Thế à? - rõ là cô bé chẳng quan tâm gì đến chuyện cỏ kiếc.
- Em luôn ở đây một mình à? - tôi hỏi.
- Vâng, lúc nào cũng một mình. Trừ một bà đến mỗi sáng và chiều, dọn dẹp ấy mà. Còn lại thì suốt ngày chỉ mình em thôi. Anh muốn uống gì lạnh không? Nhà có bia đấy.
- Không, cảm ơn.
- Thật á? Đừng khách sáo đấy nhé.
Tôi lắc đầu.
- Em không đi học à?
- Thế anh không đi làm à?
- Có việc gì làm đâu mà đi.
- Thất nghiệp à?
- Đại loại thế. Anh mới thôi việc vài tuần trước.
- Trước anh làm gì?
- Anh là trợ lý luật sư. Anh đến các cơ quan chính phủ để lấy tài liệu, sắp xếp hồ sơ đâu vào đó, kiểm tra các tiền lệ pháp lý tiến hành thủ tục tố tụng... kiểu kiểu thế.
- Nhưng anh thôi việc rồi.
- Ừ.
- Vợ anh có việc làm không?
- Có.
Con bồ câu ở khoảnh sân bên kia chắc đã thôi gù gù mà bay đi nơi khác. Đột nhiên tôi nhận thấy một sự im lặng chết chóc bao phủ quanh tôi.
- Kia là chỗ lũ mèo hay qua lại, - cô nói, tay chỉ về phía đằng kia bãi cỏ. - Anh có thấy cái máy đốt rác trong sân nhà Takitani không? Chúng nó chui ra từ dưới hàng rào ngay ở chỗ ấy, đi qua bãi có, rồi chui qua cổng sang mảnh sân bên kia. Lần nào cũng đúng lộ trình ấy.
Cô lật kính lên trán, nheo mắt nhìn khu vườn rồi kéo kính xuống, phà ra một làn khói. Trong khoảng thời gian đó tôi kịp thấy cô có một vết xước dài khoảng năm phân gần mắt trái, loại vết xước có khả năng để sẹo suốt đời. Chiếc kính râm hẳn là để che vết xước ấy. Khuôn mặt cô bé không phải là đẹp lắm nhưng có cái gì đó thật quyến rũ, có thể là cặp mắt sống động hay đôi môi hình dáng khác thường.
- Anh có biết nhà Miyakawi không? - cô hỏi.
- Chả biết gì cả, - tôi đáp.
- Gia đình họ từng sống trong căn nhà không có người ở kia. Gia đình rất nền nếp. Họ có hai cô con gái, cả hai đều học trường tư dành cho nữ sinh. Ông Miyakawi là chủ mấy cái nhà hàng.
- Sao họ không ở đó nữa?
- Có lẽ vì ông ấy nợ nần. Họ bỏ trốn, biến mất vô tung tích chỉ trong một đêm. Đâu như một năm trước. Họ bỏ lại căn nhà, mặc cho cỏ dại và lũ mèo. Mẹ em cứ than phiền suốt.
- Có nhiều mèo đến thế sao?
Vẫn ngậm điều thuốc trong miệng, cô bé ngẩng lên nhìn trời.
- Đủ thứ trên đời. Con thì trụi lông, con thì chột mắt... ở cái chỗ trước kia là con mắt giờ chỉ còn cục thịt. Eo ôi!
Tôi gật đầu.
- Em có người bà con mỗi bàn tay đều có sáu ngón. Chị ấy lớn hơn em một chút thôi. Bên cạnh ngón út chị ấy lại có thêm một ngón thừa, như ngón tay trẻ sơ sinh ấy. Chị ấy biết cách gập nó lại nên hầu như không ai nhận thấy cả. Mà chị ấy đẹp lắm cơ.
Tôi lại gật.
- Anh nói thử xem, đó có phải là do di truyền không? Gọi thế nào ấy nhỉ... từ trong huyết thống ấy mà?
- Anh không biết nhiều lắm về di truyền.
- Cô ngừng nói. Tôi mút viên kẹo chanh và chú mục vào lối đi của lũ mèo. Nãy giờ chẳng thấy con mèo nào cả.
- Thực tình anh không muốn uống gì à? - cô hỏi. - Em đi lấy Coca đây.
Tôi nói tôi không cần uống gì cả.
Cô đứng dậy khỏi ghế và biến mất sau hàng cây, chân phải hơi khập khiểng. Tôi nhặt tờ tạp chí từ dưới cỏ lên, lật lật các trang. Hoàn toàn bất ngờ, tôi nhận ra đó là một tạp chí dành cho nam giới, loại nguyệt san bìa láng. Trên trang ảnh là một ả ngồi ghế, hai chân dạng rộng thành một góc kỳ quái, quần bó chẽn mỏng dính phô ra toàn bộ chỗ kín với lớp lông đen nhánh. Tôi thở dài đặt tạp chí xuống, khoanh tay lên ngực, lại chú mục vào lối đi của lũ mèo.
Mãi rất lâu sau cô bé mới trở lại, tay cầm cốc Coca. Cái nóng buồi chiều đang hành hạ tôi. Ngồi dưới nắng, tôi nghe đầu mình cứ ong ong. Tôi hoàn toàn không muốn nghĩ gì hết.
- Nói em nghe, - cô tiếp tục đề tài bỏ dở. - Nếu anh yêu một cô gái nhưng hóa ra cô ấy có những sáu ngón tay thì anh sẽ làm gì?
- Đưa cô ấy tới rạp xiếc, - tôi đáp.
- Thật à?
- Không, dĩ nhiên là không, - tôi nói. - Đùa thôi mà. Chắc là chuyện ấy chẳng làm anh bận tâm lắm đâu.
- Cho dù con cái anh có thể dũng bị do di truyền?
Tôi nghĩ một chút rồi mới trả lời.
- Không, thực tình anh nghĩ là sẽ không bận tâm về chuyện đó mà. Thừa một ngón tay thì đã sao?
- Thế nếu cô ấy có bốn vú?
Tôi lại phải nghĩ một hồi.
- Anh không biết.
Bốn vú? Cứ cái đà này thì nói mãi không hết. Tôi quyết định chuyển đề tài.
- Em bao nhiêu tuổi?
- Mười sáu. Mới đây thôi là sinh nhật tròn mười sáu của em đấy. Em vừa lên năm đầu trung học đệ nhị cấp.
- Em nghỉ học lâu chưa?
- Nếu em đi nhiều thì chân vẫn đau. Em lại còn bị vết xước gần mắt nữa. Trường em họ nhiễu sự lắm. Người ta mà biết em bị ngã xe máy thì sẽ bàn tán vào chẳng thiếu chuyện gì. Thành thử em nghỉ ốm. Em được nghỉ trọn một năm nhé. Chả việc gì phải vội lên lớp cả.
- Ừ thì thế.
- Thì thế là sao? Vừa rồi anh bảo là cô gái có sáu ngón thì anh vẫn lấy, nhưng có bốn vú thì không...
- Anh không nói vậy. Anh chỉ bảo là anh không biết.
- Anh không biết gì nào?
- Anh không biết - ý anh là khó tưởng tượng được chuyện ấy.
- Một cô gái có sáu ngón tay thì anh hình dung được chứ?
- Chắc là được.
- Thế sao bốn vú thì lại không? Có gì khác nhau nào?
Tôi lại phải nghĩ thêm một hồi nữa, nhưng vẫn không tìm ra câu trả lời.
- Em hỏi nhiều quá phải không?
- Người