Nói xong, y lên ngựa cùng với người Mông Cổ ruổi về phía Tây.
Dựng trại xong, ba chúng tôi dùng bữa tối đạm bạc. Chúng tôi không thể nấu nướng hay đốt lửa. Thảo nguyên mênh mông này nhìn đâu cũng chỉ thấy rặt những gò cát thấp, không có một cái gì che chắn chúng tôi, nên chỉ cần một làn khói nhỏ cũng đủ để chúng tôi bị tóm cổ lập tức. Chúng tôi dựng lều thấp dưới các đụn cát, chỉ ăn bánh quy khô và thịt hộp nguội. Khi mặt trời đã lặng dưới chân trời, bóng tối nhanh chóng trùm lên chúng tôi, bầu trời nhiều sao đến mức khó tin. Xa xa có tiếng sói tru lẫn trong tiếng gầm gào của dòng sông Khalkha. Chúng tôi nằm dài trên cát nghỉ ngơi sau một ngày kiệt lực.
Trung sĩ Hamano bảo tôi:
- Xem ra chúng ta đặt chân vào hiểm địa rồi đây, trung úy à.
Tôi đành phải đồng ý với anh ta. Cho tới khi đó, ba chúng tôi - trung sĩ Hamano, hạ sĩ Honda và tôi - đã khá hiểu nhau. Thói thường, một hạ sĩ quan dày dạn súng đạn như hạ sĩ Hamano sẽ giữ thái độ xa cách và khinh khỉnh đối với một sĩ quan trẻ non nớt như tôi, nhưng trường hợp chúng tôi thì khác. Anh ta tôn trọng tôi vì tôi có học vấn, đã tốt nghiệp một trường không phải là trường nhà binh, tôi thì thực lòng quan tâm đến kinh nghiệm trận mạc và óc phán xét đầy thực tiễn của anh ta mà không coi trọng chuyện cấp bậc. Chúng tôi còn dễ nói chuyện với nhau bởi anh ta quê ở Yamaguchi còn tôi ở Hiroshima, không xa Yamaguchi. Anh ta kể tôi nghe về cuộc chiến ở Trung Hoa. Anh ta là người lính từ đầu đến chân, học vấn võ vẽ hết cấp tiểu học, nhưng anh ta cũng có nỗi hoài nghi về cái cuộc chiến trần ai tưởng như không bao giờ dứt này ở đại lục. Anh ta bộc bạch với tôi.
- Tôi không nề hà chuyện đánh nhau. Tôi là người lính. Tôi sẵn sàng chết trên chiến trường vì tổ quốc, bởi vì đó là việc của tôi. Nhưng cái cuộc chiến mà chúng ta đang lâm vào ấy, trung úy à, nó không chính đáng đâu. Nó không phải là cuộc chiến thật, không có chiến tuyến nơi ta giáp mặt quân địch mà đánh tới nơi tới chốn. Chúng ta tiến, còn địch thì rút lui không đánh. Rồi lính Trung Hoa họ cởi hết quân phục mà trà trộn vào dân thường, thế là chúng ta chẳng còn biết kẻ thù là ai nữa. Vậy nên chúng ta giết nhiều người vô tội với cái cớ là tiêu diệt "bọn nổi loạn" hay "đám tàn quân" và tịch thu thực phẩm. Chúng ta buộc phải cướp đồ ăn của họ vì chiến tuyến di chuyển quá nhanh nên hậu cần của ta không theo kịp. Và ta buộc phải giết tù binh vì không biết giam chúng ở đâu hay lấy gì cho chúng ăn. Thế là sai, trung úy ạ. Chúng ta đã làm những chuyện kinh khủng ở Nam Kinh. Chính đơn vị tôi làm. Chúng tôi quẳng hàng tá người xuống giếng rồi ném lựu đạn xuống theo. Có những chuyện chính mình đã làm mà bây giờ không sao mở miệng nói ra được. Trung úy ạ, tôi nói với anh rằng đây là một cuộc chiến hoàn toàn không có Lý do Chính đáng nào hết. Chỉ là hai bên giết nhau thôi. Những người chịu chết chóc đau thương hóa ra toàn là đám nông dân nghèo khổ, họ thì có biết chính trị hay ý thức hệ là cái gì đâu. Với họ thì chả có Quốc dân đảng, chả có Thống chế Trương2, chả có Bát lộ quân nào hết. Có cái ăn là họ hạnh phúc rồi. Tôi biết cảm nghĩ họ ra sao, vì chính tôi là con một ngư dân nghèo. Những người thấp cổ bé họng làm quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ vừa đủ cầm xác. Tôi không tin, giết những người như vậy mà hoàn toàn không có lý do gì hết thì liệu có tốt lành gì cho nước Nhật.
Khác với trung sĩ Hamano, hạ sĩ Honda chẳng có gì nhiều để nói về mình. Nói chung, anh ta là một tay ít nói. Anh ta thường im lặng nghe chúng tôi nói chuyện mà không chêm nhận xét của mình vào. Nhưng bảo rằng anh ta "ít nói" vậy thôi, chứ thật ra anh ta không phải là loại người bản tính lầm lì khó chịu hay rầu rĩ. Chỉ là anh ta ít khi tự mở miệng. Thực sự là điều đó khiến tôi thỉnh thoảng lại tò mò không biết anh ta đang nghĩ gì, nhưng anh ta hoàn toàn không phải là kẻ khó gần. Thậm chí, chính phong thái bình thản của anh ta nhiều khi lại làm người khác thấy nhẹ lòng. Anh ta quả thật là điềm tĩnh. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, anh ta không hề đổi sắc mặt. Tôi được biết anh ta quê ở Asahikawa, ở đó cha anh ta có một nhà in nhỏ. Anh ta kém tôi hai tuổi. Sau khi học xong, anh ta cùng các anh trai làm việc cho nhà in của cha. Anh ta là em út trong ba anh em, người anh cả thì đã bị giết ở Trung Hoa hai năm về trước. Anh ta thích đọc sách, hễ rảnh được phút nào là y như rằng tôi thấy anh ta cuộn tròn một góc mà đọc cuốn sách nào đó về đề tài Phật giáo.
Như tôi đã nói, Honda hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế, nhưng dù chỉ mới được huấn luyện một năm, anh ta đã là một người lính kiệt xuất. Trong mỗi trung đội luôn luôn có một hai người như vậy, những người luôn luôn nhẫn nại, bền gan, thực hiện đến cùng nghĩa vụ của mình không một lời ta thán. Thể chất khỏe mạnh, phản xạ tuyệt hảo, họ hiểu ngay lập tức những gì được chỉ bảo và áp dụng chính xác vào thực tế. Honda là một người như vậy. Và do được đào tạo về kỵ binh nên anh ta là người biết rõ nhất về loài ngựa; anh ta lãnh phần chăm sóc cả sáu con mà chúng tôi mang theo. Đôi khi chúng tôi cảm thấy dường như anh ta hiểu tâm trạng lũ ngựa đến từng chân tơ kẻ tóc. Trung sĩ Hamano thừa nhận ngay khả năng của hạ sĩ Honda và giao phó cho anh ta ngần ấy việc mà không chút băn khoăn.
Vậy nên tuy đơn vị chúng tôi khác thường, chắp vá là vậy nhưng chúng tôi hết sức hiểu nhau. Và chính bởi không phải là một đơn vị bình thường nên chúng tôi không hề câu nệ những thứ quy tắc nhà binh theo sách vở. Chúng tôi rất thoải mái, cởi mở với nhau, gần như là Nghiệp quả đã đưa chúng tôi đến với nhau vậy. Chính vì thế trung sĩ Hamano mới có thể nói thẳng với tôi những gì vượt ngoài cái khuôn phép bất di bất dịch giữa sĩ quan với hạ sĩ.
- Trung úy này, - có lần anh ta hỏi, - ông nghĩ thế nào về tay Yamamoto kia?
- Tôi dám đánh cuộc là mật vụ, - tôi nói. - Nếu không phải chuyên gia thì làm sao nói tiếng Mông Cổ như thế được. Lại còn thông thạo vùng này như lòng bàn tay nữa.
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Ban đầu tôi cứ nghĩ hắn là một trong những bọn đạo tặc chuyên cưỡi ngựa thông đồng với đám sĩ quan chóp bu, nhưng hóa ra không phải. Lũ ấy tôi còn lạ gì. Chúng nó đã mở mồm là nói rạc tai, mười phần hết năm phần là bịa. Rút súng thì nhanh như chớp. Nhưng tay Yamamoto này thì không phải hạng xoàng. Hắn là tay tổ đấy. Sĩ quan cao cấp, rất cao nữa là khác. Chuyện ấy thì đứng xa một dặm tôi cũng ngửi ra. Tôi nghe nói quân ta muốn kết hợp đơn vị tác chiến bí mật nào đó với những người Mông Cổ thuộc quân đội do Liên Xô đào tạo, và người ta đã đưa sang một số chuyên viên mật vụ để lo chiến dịch này. Có thể Yamamoto có liên quan đến vụ này.
Hạ sĩ Honda đang cầm súng đứng canh ở cách chúng tôi một quãng. Tôi đặt khẩu Browning ngay bên cạnh để có thể chộp lấy bất cứ lúc nào. Trung sĩ Hamano đã tháo ghệt ra và đang xoa bó chân.
- Dĩ nhiên là tôi chỉ đoán thế thôi, - anh ta nói thêm. - Gã Mông Cổ mà chúng ta gặp có thể là một sĩ quan quân đội Mông Cổ đang chống người Liên Xô và cố tiếp xúc bí mật với quân đội Nhật.
- Cũng có thể, - tôi nói. - Nhưng anh nhớ giữ mồm giữ miệng, kẻo người ta chặt đầu đấy.
- Nào, nào, trung úy, tôi đâu có ngu thế. Chuyện này chỉ giữa hai chúng ta thôi, - anh ta nhe răng cười với tôi, rồi trở nên nghiêm trang. - Nhưng nếu đúng vậy thật thì nguy hiểm lắm. Khéo mà chiến tranh như chơi.
Tôi gật đầu đồng tình. Ngoại Mông về hình thức là một nước độc lập, nhưng thực chất là một xứ vệ tinh của Liên Xô. Theo nghĩa đó thì nó chẳng khác là bao so với Mãn Châu quốc, nơi quyền hành thực sự nằm trong tay người Nhật. Nhưng ai cũng biết, ở Ngoại Mông có một nhóm chống Liên Xô, nhóm này đã bí mật liên hệ với quân đội Nhật ở Mãn Châu quốc, các thành viên nhóm này đã dấy lên nhiều cuộc nổi loạn. Hạt nhân của thành phần nổi loạn này là các quân nhân Mông Cổ bất mãn với sự chuyên quyền của quân đội Xô Viết, tầng lớp địa chủ chống lại chính sách tập trung hóa cưỡng bức trong nông nghiệp và các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng - số này có tới hàng trăm người. Thế lực nước ngoài duy nhất mà nhóm chống Liên Xô này có thể xin trợ giúp là quân đội Nhật đang đóng quân tại Mãn Châu quốc. Vả lại so với người Nga thì rõ ràng người Nhật chúng ta gần gũi họ hơn bởi đều là người châu Á, đồng chủng da vàng. Một năm trước đó, 1937, một kế hoạch nổi dậy quy mô lớn ở thủ đô Ulan Bator đã bị lộ, hậu quả là xảy ra những cuộc thanh trừng quy mô lớn. Hàng ngàn quân nhân và tu sĩ Phật giáo bị hành hình như những phần tử phản cách mạng cấu kết với quân đội Nhật, nhưng tâm trạng chống Nhật vẫn cứ âm ỉ nơi này nơi khác. Thành thử nếu có một sĩ quan tình báo Nhật vượt sông Khalkha để bắt liên lạc với một sĩ quan chống Liên Xô thuộc quân đội Ngoại Mông thì cũng chẳng có gì lạ. Để ngăn chặn việc đó, quân đội Ngoại Mông đã cử các đơn vị tuần tra thường xuyên đi tuần và tuyên bố toàn bộ dải lãnh thổ cách biên giới Mãn Châu quốc từ mười tới mười hai cây số là vùng cấm. Tuy nhiên vùng này quá rộng nên dẫu có tuần tra cũng không thể nào để mắt tới từng li từng tí một.
Cho dù cuộc nổi dậy của họ có thành công đi nữa, chắc chắn quân đội Liên Xô sẽ lập tức can thiệp để bóp chết hoạt động phản cách mạng của họ. Nếu điều đó xảy ra, những người nổi dậy sẽ yêu cầu quân đội Nhật giúp đỡ, đó sẽ là cái cớ để đạo quân Quan Đông của Nhật can thiệp. Chiếm Ngoại Mông thì chẳng khác nào thọc dao vào mạng sườn của Liên Xô ở Siberia. Bộ tổng tham mưu ở Tokyo hẳn sẽ cố kiềm chế cơn hăng đó, nhưng đây là một cơ hội mà bộ tham mưu đạo quân Quan Đông vốn đầy tham vọng chẳng dễ gì bỏ qua. Hậu quả sẽ không chỉ là xung đột biên giới mà là chiến tranh tổng lực giữa Liên Xô và Nhật. Nếu một cuộc chiến như vậy xảy ra trên vùng biên giới Mãn Châu - Liên Xô, Hitler có thể đáp trả bằng cách chiếm Ba Lan hay Tiệp Khắc. Đó chính là tình huống mà hạ sĩ Hamano đã nói khi nhận xét về khả năng xảy ra chiến tranh.
Sáng hôm sau, mặt trời đã mọc mà Yamamoto vẫn chưa trở về. Tôi là người cuối cùng canh gác. Tôi mượn súng trường của trung sĩ Hamano, ngồi trên một đụn cát có phần cao hơn mà ngắm bầu trời phía Đông. Bình minh ở Mông Cổ là một điều kỳ diệu. Chỉ trong khoảnh khắc, chân trời trở thành một dải sáng mờ treo trong bóng tối, rồi cái dải sáng ấy dâng lên, mỗi lúc một cao hơn. Dường như có một bàn tay vĩ đại tự trên trời vươn xuống chầm chậm kéo tấm màn đêm ra khỏi mặt đất. Cảnh tượng đó thật kỳ vĩ, một cảnh tượng mà, như tôi đã nói, lớn lao hơn rất nhiều so với tất cả những gì tôi có thể lĩnh hội được với những giác quan hạn hẹp của con người. Tôi ngồi đó ngắm nhìn, trong tôi bỗng dâng lên một cảm giác rằng chính sự sống của tôi đang dần dần tiêu biến thành hư vô. Ở cõi hư vô đó không có dấu vết gì của những thứ vô nghĩa như những việc làm nhỏ nhặt của con người. Cũng một cảnh tượng này từng xảy ra hàng triệu lần, hàng trăm triệu lần, từ thời thái cổ, từ rất lâu trước khi tồn tại bất cứ thứ gì gọi là sự sống trên trái đất. Quên khuấy rằng mình đang đứng gác, tôi như bị thôi miên, ngắm mãi cảnh bình minh của một ngày mới.
Sau khi mặt trời đã hiện rõ