4
Ân sủng đánh mất
♦
Điếm tinh thần
Về đến nhà, tôi thấy trong thùng thư có một bức thư dày. Đó là thư của Trung úy Mamiya. Họ tên và địa chỉ của tôi được viết ngoài phong bì bằng thứ Hán tự đậm nét, chân phương quen thuộc. Thay đồ, rửa mặt xong, tôi xuống bếp uống hai cốc nước lạnh. Nghỉ một chút lấy lại hơi, tôi mới rọc phong bì.
Trung úy Mamiya dùng bút lông viết kín đặc mười trang giấy mỏng bằng thứ chữ li ti. Tôi lật qua các trang giấy rồi nhét lại vào phong bì. Tôi mệt quá không đọc nổi một bức thư dài như vậy. Tôi không có sức đâu để tập trung vào lúc đó. Lướt mắt qua những hàng chữ viết tay, tôi thấy chúng như một bầy lúc nhúc những con bọ kỳ dị màu xanh nước biển. Bên cạnh đó, giọng của Wataya Noboru vẫn còn văng vẳng trong trí tôi.
Tôi nằm dài trên ghế sofa, nhắm mắt hồi lâu, không nghĩ gì cả. Với tâm trạng của tôi lúc này thì không nghĩ gì cả chẳng phải là việc khó. Để không nghĩ gì cả, tôi chỉ việc nghĩ về nhiều chuyện, mỗi chuyện một tí: nghĩ về cái gì đó một chút rồi lại quẳng ngay ra khỏi đầu.
Mãi gần 5 giờ chiều tôi mới quyết định đọc thư của Trung úy Mamiya. Tôi ra ngoài hiên, ngồi tựa lưng vào một cây cột rồi rút các trang giấy ra khỏi phong bì.
Trang đầu toàn những câu giao đãi theo nghi thức: chào hỏi dông dài, cám ơn tôi đã mời ông đến nhà hôm nọ, và vô cùng xin lỗi đã làm tôi chán ngấy với những câu chuyện dài lê thê của ông. Trung úy Mamiya nhất định là người rất am hiểu lễ nghi giao tiếp. Ông là một kẻ còn sống sót từ thời những lễ nghi đó chiếm một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày. Tôi lướt nhanh qua những dòng đó rồi giở sang trang thứ hai.
Xin ông thứ lỗi cho tôi đã mào đầu một cách dài dòng đến vậy. Mục đích duy nhất của tôi khi viết như vậy - dẫu biết khi mạo muội làm vậy là tôi đang buộc ông phải gánh một nhiệm vụ không mong muốn - là để thông báo với ông rằng những sự kiện tôi kể với ông hôm trước hoàn toàn không phải do tôi bịa đặt ra, cũng chẳng phải là những hồi ức đáng ngờ của một lão già, mà là một sự thật hoàn toàn, trọng đại, sự thật đến từng chi tiết nhỏ. Như ông cũng biết, chiến tranh đã chấm dứt từ rất lâu rồi, hiển nhiên là ký ức thoái hoá dần cùng với thời gian. Ký ức và ý nghĩ cũng già đi như con người ta già đi vậy. Nhưng một số ý nghĩ không bao giờ có thể già đi, một số ký ức không bao giờ có thể già đi.
Mãi đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa bao giờ kể những chuyện này với bất cứ ai ngoại trừ ông. Đối với hầu hết mọi người, những câu chuyện đó của tôi nghe như toàn bịa đặt không thể tin được. Phần đông thiên hạ coi những gì nằm ngoài phạm vi hiểu biết của họ là vớ vẩn, không đáng bận tâm. Ngay chính tôi cũng chỉ ước ao rằng những câu chuyện của mình quả thật không là gì khác ngoài bịa đặt. Tôi đã sống qua ngần ấy năm trời chỉ bám víu vào niềm hy vọng mong manh rằng những ký ức đó của tôi chẳng qua chỉ là giấc mộng hoặc cơn mê sảng. Tôi đã ra sức thuyết phục chính mình rằng những chuyện đó chưa hề xảy ra. Nhưng mỗi khi tôi cố đẩy chúng vào bóng tối, những ký ức đó lại quay về, càng mãnh liệt hơn, càng sống động hơn bao giờ hết. Như tế bào ung thư, những ký ức đó đã cắm rễ trong tâm trí tôi, ăn dần vào trong thể xác tôi.
Mãi đến giờ tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ nhất một cách rõ ràng đến đáng sợ. Tôi nhớ như thể những sự kiện đó chỉ mới xảy ra hôm qua. Tôi có thể vốc cát và cầm ngọn cỏ trong tay, thậm chí nghe được mùi của chúng. Tôi thấy rõ hình dáng những đám mây trên bầu trời. Tôi cảm thấy ngọn gió khô lẫn đầy cát thốc vào hai má tôi. So ra thì chính những sự kiện sau này trong đời tôi mới có vẻ là ảo ảnh trên đường ranh giữa mộng mị và thực tại.
Cội rễ cuộc đời tôi - những gì tôi có thể nói rằng từng có lúc thực sự là chính bản thân tôi - đã bị chết cóng hay thiêu rụi ở đó, giữa thảo nguyên Ngoại Mông nơi mà xa ngút mắt cũng không có một cái gì cản trở tầm nhìn. Sau đó tôi mất một bàn tay trong trận kịch chiến với đơn vị xe tăng Xô Viết tấn công qua biên giới; tôi đã nếm mùi khổ ải không thể hình dung nổi nơi trại lao động Siberia trong cái lạnh chết người của mùa đông; tôi được hồi hương, làm thầy dạy môn xã hội ở một trường trung học vùng quê suốt ba mươi năm trời yên ả, rồi từ đó tới giờ tôi sống đơn độc, canh tác trên mảnh đất của mình. Thế nhưng từng ấy năm tháng về sau trong đời mình tôi thấy chỉ như là ảo ảnh. Dường như chưa hề có những năm tháng đó vậy. Chỉ trong khoảnh khắc, ký ức tôi đã nhảy qua cái vỏ rỗng thời gian đó mà về lại thảo nguyên Hulunbuir hoang vu.
Cuộc đời tôi mai một như thế đó, bị biến thành vỏ rỗng như thế đó hẳn là do một cái gì kia trong làn ánh sáng tôi đã nhìn thấy nơi đáy giếng, làn ánh sáng mặt trời mãnh liệt xuyên thấu vào đáy giếng chỉ trong vòng mười đến hai mươi lăm giây. Nó ập xuống bất ngờ và biến đi cũng đột ngột như vậy. Nhưng trong làn ánh sáng kéo dài ngắn ngủi kia tôi đã thấy một cái gì đó - cái gì đó mà suốt đời tôi sẽ không bao giờ thấy lại được nữa. Và một khi đã thấy rồi, tôi không còn là con người như xưa nữa.
Điều gì đã xảy ra dưới đó? Có ý nghĩa gì? Mãi đến giờ, hơn bốn mươi năm sau, tôi vẫn không trả lời được chính xác những câu hỏi đó. Chính vì vậy những gì tôi sắp nói sau đây chỉ là một giả thuyết, không hơn, một cách giải thích tạm thời tôi nghĩ ra cho chính mình mà không dựa trên một cơ sở logic nào. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng trong lúc này giả thuyết của tôi là gần gũi nhất với ý nghĩa đích thực của những gì tôi đã trải qua.
Quân Mông Cổ đã ném tôi xuống một cái giếng sâu đen kịt giữa thảo nguyên, chân và vai tôi bị gãy, tôi chẳng có đồ ăn lẫn nước uống, chỉ còn chờ chết. Trước đó tôi đã thấy một người bị lột da sống. Tôi cho rằng trong hoàn cảnh đặc biệt đó, ý thức của tôi đã đạt tới sự tập trung đậm đặc đến mức khi làn ánh sáng cường liệt đó rọi xuống trong vài giây ngắn ngủi kia, tôi đã xuống được đến nơi có thể gọi là phần cốt lõi của ý thức tôi. Dù thế nào đi nữa, tôi đã thấy hình dáng của một cái gì đó. Ông cứ tưởng tượng xem. Mọi vật quanh tôi đều tắm trong ánh sáng. Tôi đang ở ngay chính giữa một dòng thác ánh sáng. Mắt tôi chẳng nhìn thấy gì. Đơn giản là tôi được bọc trong ánh sáng. Nhưng rồi có cái gì đó bắt đầu xuất hiện. Trong lòng sự mù lòa thoáng chốc của tôi, một cái gì đó đang cố gắng thành hình. Một vật gì đó. Một vật gì đó có sự sống. Như cái bóng nhật thực, nó bắt đầu trỗi dậy, màu đen, trong ánh sáng. Nhưng tôi không thể nào nhận rõ hình thù của nó. Nó đang cố đến với tôi, đang cố ban cho tôi một cái gì đó như là ân sủng của trời. Tôi run rẩy chờ nó. Nhưng rồi, hoặc vì nó đã đổi ý hoặc vì không đủ thời gian, nó chẳng bao giờ đến với tôi. Chỉ một khoảnh khắc trước khi thành hình trọn vẹn, nó đã lại tan biến đi và hòa lẫn vào ánh sáng. Thế rồi bản thân ánh sáng cũng tắt. Thời hạn cho ánh sáng đó chiếu vào đáy giếng đã hết.
Điều đó xảy ra cứ hai ngày một lần. Cũng chính một điều đó. Một cái gì đó khởi sự hình thành trong làn ánh sáng tràn trề, rồi chưa kịp nên hình thù trọn vẹn thì đã biến mất. Dưới đáy giếng, tôi đói khát đến khủng khiếp. Nhưng rốt cuộc thì đó không phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều khiến tôi khổ sở nhất khi còn ở dưới giếng là nỗi giày vò vì không sao nhìn rõ được hình dạng cái vật gì đó kia trong ánh sáng: đói vì không thể nhìn thấy cái cần phải thấy, khát vì không thể biết cái cần phải biết. Giá như nhìn rõ được nó thì dù có chết ngay ở đó tôi cũng cam lòng. Tôi thật sự cảm thấy vậy đó! Tôi sẵn sàng hy sinh bất cứ cái gì để nhìn trọn vẹn được hình dạng của nó.
Nhưng rồi rốt cuộc cái hình thể đó vuột khỏi tôi mãi mãi. Ân sủng chưa được ban cho tôi thì đã hết rồi. Và như tôi đã nói, từ khi thoát được cái hố kia mà leo lên mặt đất, cuộc đời tôi chỉ còn là một cái vỏ rỗng, trống hơ trống hoác. Chính vì vậy mà khi quân đội Xô Viết xâm chiếm Mãn Châu ngay trước khi chiến tranh kết thúc, tôi đã tình nguyện lên tuyến đầu. Trong trại lao động ở Siberia cũng vậy, tôi cố tình làm sao cho người ta đưa tôi đến những nơi khắc nghiệt nhất. Thế nhưng, dẫu có làm gì đi nữa, tôi vẫn không chết. Đúng như hạ sĩ Honda đã tiên đoán đêm ấy, số tôi là quay về Nhật để sống một cuộc đời dài đến lạ lùng. Tôi nhớ lần đầu tiên nghe lời tiên đoán đó tôi đã sung sướng biết bao. Nhưng lời tiên đoán đó hoá ra là một lời nguyền. Không phải tôi không chết, mà là tôi không thể chết. Hạ sĩ Honda nói đúng cả về điều đó nữa: lẽ ra tôi đừng biết thì hơn.
Khi sự khải thị và ân sủng đó đã mất thì cuộc đời tôi cũng mất. Những gì trước kia từng sống ở trong tôi, những gì chính vì vậy mà có giá trị gì đó, nay đều đã chết. Không còn lại gì nữa cả. Tất cả đã bị thiêu cháy thành tro trong luồng sáng khốc liệt kia rồi. Sức nóng tỏa ra từ sự khải thị hay ân sủng đó đã đốt rụi vào tận trong cốt lõi cái sinh mệnh của kẻ vốn là tôi. Hiển nhiên tôi không đủ sức cưỡng lại sức nóng đó. Thế nên tôi không hề sợ chết. Có chăng thì cái chết của thể xác sẽ là một dạng cứu thoát cho tôi. Nó sẽ vĩnh viễn giải thoát tôi khỏi cái nhà tù vô vọng này, khỏi cái nỗi đau khi tôi phải là tôi.
Một lần nữa tôi lại làm ông phát chán vì câu chuyện dài lê thê này. Tôi xin ông thứ lỗi. Nhưng điều tôi muốn nói với ông là thế này, ông Okada ạ: tôi đã lỡ đánh mất cuộc đời mình vào một thời điểm nhất định, từ đó trở đi tôi sống thêm hơn bốn mươi năm nhưng cuộc đời thì đã mất. Là kẻ ở trong địa vị đó, tôi đâm ra nghĩ rằng sự sống của ta hạn hẹp hơn nhiều so với những ai đang rơi vào vòng xoáy của đời vẫn tưởng. Ánh sáng chỉ rọi vào hành vi sự sống trong một khoảnh khắc tột cùng ngắn ngủi, có lẽ chỉ vài giây. Một khi ánh sáng đã ra đi mà ta chưa ngộ được điều khải thị nó mang lại cho ta thì sẽ không còn cơ hội thứ hai nữa. Có khi kẻ đó sẽ phải sống nốt quãng đời còn lại trong nỗi cô đơn và sám hối sâu thẳm và vô vọng. Trong cái thế giới xế chiều đó, ta không thể trông mong bất cứ điều gì nữa. Tất cả những gì kẻ đó nắm trong tay chỉ là cái xác khô còn lại của cái lẽ ra đã có.
Dù có thế nào, tôi cũng lấy làm vui đã có cơ duyên gặp ông Okada và kể cho ông nghe câu chuyện của tôi. Liệu nó có