6
Thừa kế tài sản
♦
Vấn hỏi về loài sứa
♦
Cái gì đó như là cảm giác xa cách
Tôi ngồi trong bóng tối. Mãi xa phía trên kia, vầng sáng hình bán nguyệt trôi trên miệng giếng như dấu hiệu của một cái gì đó. Thế nhưng không chút ánh sáng nào trên kia lọt xuống được đáy giếng này.
Sau một thời gian, mắt tôi quen dần với bóng tối. Chẳng mấy chốc tôi đã có thể nhận ra hình dáng bàn tay mình nếu đưa lên gần mặt. Những vật khác quanh tôi bắt đầu lờ mờ hiện ra, rất từ từ, như những con vật nhỏ buông lỏng dần cảnh giác, từng tí từng tí một. Tuy nhiên, dù mắt đã quen đi nữa, bóng tối không bao giờ thôi là bóng tối. Mỗi khi tôi tập trung cố nhìn rõ vật gì thì hình dáng của nó lại mờ đi, im lìm hòa lẫn vào bóng tối. Hẳn có thể gọi đây là "bóng tối nhạt", nhưng dù "nhạt" đi nữa, nó vẫn có sự dày đặc riêng của nó, sự dày đặc mà trong một số trường hợp còn hàm chứa một bóng tối nhiều ý nghĩa hơn cả bóng tối như mực. Trong thứ bóng tối này ta có thể thấy cái gì đó. Nhưng đồng thời ta cũng hoàn toàn chẳng thấy gì.
Trong cái bóng tối đầy ẩn nghĩa đến kỳ lạ đó, ký ức tôi bỗng trỗi dậy với một sức mạnh chưa từng có. Những hình ảnh rời rạc mà ký ức khơi dậy trong tôi sinh động lạ lùng, rõ rệt đến từng chi tiết nhỏ, chừng như tôi có thể nắm bắt được trong tay. Tôi nhắm mắt, hồi tưởng lại lần đầu tiên gặp Kumiko tám năm về trước.
° ° °
Chuyện xảy ra trong phòng đợi dành cho người nhà bệnh nhân tại bệnh viện trường đại học ở Kanda. Dạo đó gần như ngày nào tôi cũng phải tới bệnh viện gặp một khách hàng giàu có đặng lo chuyện thừa kế tài sản cho ông ta. Kumiko thì đến bệnh viện mỗi ngày giữa hai buổi học để chăm sóc mẹ đang điều trị loét tá tràng. Nàng hay mặc quần bò hay quần soóc, áo len chui cổ, tóc buộc đuôi ngựa. Có khi nàng mặc áo khoác có khi không tùy thời tiết đầu tháng Mười một. Nàng mang túi đeo vai trong đó luôn có vài cuốn sách trông như là giáo trình đại học, ngoài ra còn thêm vài cuốn mẫu vẽ.
Ngay chiều hôm đầu tiên tôi đến bệnh viện, Kumiko đang ngồi trên ghế sofa, bắt tréo đôi chân mang giày đen gót thấp, say sưa đọc sách. Tôi ngồi đối diện nàng, cứ năm phút lại xem đồng hồ để đợi đến giờ phỏng vấn ông khách hàng - ông ta đi khỏi trước đó một tiếng rưỡi đồng hồ vì lý do gì tôi không rõ. Kumiko không hề rời mắt khỏi sách. Nàng có đôi chân rất đẹp. Nhìn nàng, tâm trạng tôi mới phấn chấn lên được ít nhiều. Bỗng dưng tôi tự hỏi nếu là người có khuôn mặt đẹp (hay ít nhất là cực kỳ thông minh) và đôi chân tuyệt mỹ thế kia thì mình sẽ thấy thế nào nhỉ?
Sau khi gặp nhau vài lần trong phòng đợi, tôi và Kumiko bắt đầu chuyện gẫu với nhau - cho nhau mượn những cuốn tạp chí đã đọc xong hoặc cùng ăn chỗ hoa quả trong túi quà ai đó đem tới biếu mẹ nàng. Dù gì thì ở đó chúng tôi thấy chán kinh khủng nên cần có người trạc tuổi mình để nói chuyện.
Ngay từ đầu tôi và Kumiko đã tìm thấy một cái gì đó ở nhau. Đó không phải là loại cảm xúc mạnh mẽ, bản năng khiến hai con người như bị sốc điện ngay từ lần đầu gặp gỡ, mà là một cái gì thầm lặng hơn, êm ả hơn, như hai tia sáng nhỏ nhoi cùng trôi trong bóng tối mênh mông, ngày một tiến lại gần nhau mà chính mình không biết. Càng hay gặp nhau, tôi càng cảm thấy không phải mình vừa làm quen với một người lạ mà mới tình cờ gặp lại một người bạn thân.
Chẳng bao lâu tôi không còn thỏa mãn với những cuộc chuyện trò ngắn ngủi với Kumiko trong bệnh viện xen giữa việc này việc khác. Tôi vẫn mong có dịp gặp nàng ở nơi khác để có thể trò chuyện thoải mái với nàng. Cuối cùng, một ngày kia tôi quyết định hẹn gặp nàng.
- Anh nghĩ em và anh cần thay đổi không khí một chút, - tôi nói. - Ta hãy ra khỏi đây, đến chỗ nào không có bệnh nhân hay khách hàng gì hết ấy.
Kumiko nghĩ một chút rồi đề nghị:
- Đến công viên thủy sinh nhé?
Thế là công viên thủy sinh trở thành nơi hẹn hò đầu tiên của chúng tôi. Sáng hôm đó Kumiko mang quần áo đến bệnh viện ẹ thay và gặp tôi ở phòng đợi của bệnh viện. Hôm đó trời quang, ấm áp, Kumiko mặc áo váy đơn sơ màu trắng, áo khoác len đan màu xanh dương nhạt. Ngay từ hồi đó tôi đã luôn kinh ngạc thấy nàng sành ăn mặc đến nhường nào. Ngay cả khi mặc cái quần, cái áo đơn giản nhất, nàng chỉ cần xắn tay áo hay bẻ cổ áo lên là đủ để biến nó thành một cái gì đó thật khác thường, ngoạn mục. Đó là một thứ tài khéo mà nàng có. Tôi thấy nàng chăm chút cho quần áo của mình với nỗi trìu mến gần như là tình yêu. Mỗi khi ở bên nàng, mỗi khi đi cạnh nàng, tôi luôn ngắm nàng đầy thán phục. Áo cánh của nàng không khi nào có một nếp nhăn. Các đường gấp trên quần áo nàng ngay tăm tắp không chê vào đâu được. Cái gì màu trắng nàng mặc trông cũng như mới tinh. Giày của nàng chẳng bao giờ mòn vẹt hay lấm bẩn. Nhìn những gì nàng mặc, tôi có thể hình dung những áo cánh, áo len của nàng gấp cẩn thận, xếp ngay hàng trong tủ hay ngăn kéo, những chiếc váy và áo dài của nàng bọc nylon treo trong tủ (sau này khi đã lấy nhau, tôi sẽ tận mắt thấy là đúng như vậy).
Buổi chiều đầu tiên bên nhau, hai chúng tôi đến công viên thủy sinh ở Vườn thú Ueno. Hôm ấy trời thật đẹp. Tôi thì cho rằng tản bộ loanh quanh vườn thú thích hơn nhiều, nên bèn gợi ý như vậy với Kumiko trong khi đi xe điện đến Ueno, nhưng rõ ràng nàng đã nhất quyết đến công viên thủy sinh. Nếu nàng đã muốn vậy thì chẳng sao, với tôi thế nào cũng được. Ở công viên thủy sinh có một chỗ đặc biệt chuyên trưng bày sứa, hai chúng tôi đi từ đầu đến cuối khu ấy để ngắm các loài sứa quý hiếm từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về. Chúng vừa bơi vừa lắc lư trong bể, từ con bé tí như túm bông cỡ đầu ngón tay đến những gã khổng lồ đường kính xấp xỉ một mét. Tuy là Chủ nhật nhưng khu công viên thủy sinh không đông người lắm. Có khi hơi thưa thớt là khác. Vào một hôm đẹp trời như vậy, người ta thích xem voi và hươu cao cổ hơn là xem sứa.
Tôi không nói gì với Kumiko, nhưng thật ra tôi ghét cay ghét đắng cái giống sứa. Hồi nhỏ đi bơi ngoài biển tôi bị sứa cắn luôn. Có lần bơi một mình ra hơi xa, tôi lạc vào giữa cả một đàn sứa. Khi tôi nhận ra thì đã muộn, bị sứa vây quanh tứ bề. Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên cái cảm giác nhơn nhớt, lành lạnh khi lũ sứa chạm vào tôi. Giữa cái mê cung toàn là sứa ấy, một nỗi kinh hoàng khủng khiếp tràn ngập trong tôi, như thể tôi đã bị lôi tuột vào một vực thẳm đen ngòm không đáy. Chẳng hiểu sao tôi không bị cắn, nhưng vì hãi quá tôi đã uống no nê một bụng nước biển. Chính vì vậy tôi chỉ mong sao đi qua khu trưng bày sứa càng nhanh càng tốt, thà đi xem mấy loài cá bình thường như cá hồi hay cá bơn còn hơn.
Nhưng Kumiko thì lại mê lắm. Đến bể nào nàng cũng dừng lại, tựa vào tay vịn, đứng ngây ra như bị thôi miên, chẳng còn biết thời gian là gì nữa. - Nhìn xem, - nàng nói. - Em chả bao giờ ngờ trên đời lại có giống sứa hồng đẹp tuyệt đến thế. Xem nó bơi đẹp chưa kìa! Chúng cứ lắc lư như thế mà chu du khắp các đại dương trên thế giới kia đấy. Chúng thật là tuyệt phải không?
- Ừ, tuyệt, - tôi nói. Nhưng càng bắt mình ra điều nghiên lũ sứa cùng với Kumiko, càng lúc tôi càng thấy tức ngực. Tự lúc nào chẳng biết tôi không trả lời nàng nữa, chỉ chăm chú đếm tiền trong túi hoặc lau mép bằng khăn tay. Tôi cứ cầu trời sao cho chóng đến bể sứa cuối cùng, nhưng mãi không thấy hết. Trên các đại dương của trái đất này có cơ man nào là loài sứa cơ mà. Tôi cố chịu được chừng nửa tiếng, nhưng rồi cơn căng thẳng khiến đầu tôi như vữa ra. Cuối cùng, đứng tựa vào tay vịn cũng không nổi nữa, tôi đành phải rời Kumiko mà đổ vật xuống một ghế dài gần đó. Nàng đến cạnh tôi, vẻ rất lo lắng hỏi xem tôi có bị ốm không. Tôi thành thực trả lời rằng nhìn lũ sứa mãi tôi bị chóng mặt.
Nàng nhìn đăm đăm vào mắt tôi với vẻ mặt nghiêm trang.
- Đúng vậy thật, - nàng nói. - Nhìn mắt anh em hiểu. Mắt anh lơ láo thất thần thế nào ấy. Nghĩ cũng lạ, chỉ vì nhìn sứa không thôi mà ra vậy. - Kumiko nắm tay tôi dẫn tôi rời khỏi khu trưng bày thủy sinh tối tăm, ẩm ướt để ra ngoài nắng.
Ngồi ở công viên gần đó trong mười phút, hít thở chậm, dần dần tôi mới lấy lại được trạng thái tâm lý bình thường. Mặt trời mùa thu tuôn ánh sáng dịu dàng xuống khắp nơi, lá cây ngân hạnh khô đến tận gân khẽ rung rung khi gió nhẹ thổi.
- Anh đỡ chưa? - vài phút sau Kumiko hỏi. - Anh lạ thật đấy. Nếu anh ghét sứa đến vậy thì phải nói ngay từ đầu chứ, ai lại đợi tới khi nó làm mình phát ốm thế này?
Bầu trời cao vòi vọi, không mây, gió thổi dễ chịu, thiên hạ thong dong tận hưởng ngày Chủ nhật trong công viên nom thật hạnh phúc. Một cô gái mảnh dẻ, xinh xắn dắt con chó lớn lông dài. Một ông lớn tuổi đợi mũ phớt không rời mắt khỏi đứa cháu gái đang chơi bập bênh. Vài cặp ngồi trên ghế dài cũng như chúng tôi. Đằng xa có người đang tập chạy nốt kèn saxophone.
- Sao em thích sứa quá vậy? - tôi hỏi.
- Em chả biết nữa. Chắc là vì chúng dễ thương, - nàng nói. - Nhưng khi nhìn kỹ chúng, em bỗng nảy ra ý nghĩ này. Cái mà ta thường thấy trước mắt mình chỉ là một phần nhỏ nhoi của thế giới mà thôi. Ta vẫn quen nghĩ: Thế giới của ta là thế này đây, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Thế giới thực nằm ở một nơi tối và sâu hơn thế giới này nhiều, ở đó gần như toàn là bọn sứa hay những loài tương tự thôi. Chỉ là chúng ta quên mất điều đó. Anh có đồng ý không? Hai phần ba bề mặt trái đất là đại dương, bằng mắt