Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

Chương 30( part 02)


trước sau

Bị đưa đến mỏ làm việc không chỉ có tù binh Nhật. Còn có nhiều tội phạm người Nga nữa, là các tù nhân chính trị và cựu sĩ quan quân đội, nạn nhân các chiến dịch thanh trừng của Stalin. Không ít người trong số đó có giáo dục cao, rất có phẩm cách. Trong số người Nga có rất ít phụ nữ và trẻ em, hẳn là thành viên còn sót lại của gia đình các chính trị phạm. Người ta buộc họ làm những việc như hót rác, giặt giũ, vân vân. Các phụ nữ trẻ thường bị bắt làm điếm. Ngoài người Nga, các đoàn tàu còn chở tới người Ba Lan, người Hungari và những nước khác, một vài trong số đó có màu da sẫm, chắc là người Armenia hay người Kurd. Trại chia làm ba khu: khu lớn nhất giam các tù binh Nhật, khu dành cho các tội phạm và tù binh khác, và khu dành cho những người không phải tội phạm. Sống ở khu này là các thợ mỏ bình thường và chuyên gia về mỏ, các sĩ quan và cai tù, một số người có gia đình, và các công dân Nga bình thường khác. Còn có một đồn lính lớn gần nhà ga. Các tù binh chiến tranh và tù nhân khác bị cấm không được rời khỏi khu dành cho họ. Các khu ngăn cách với nhau bằng hàng rào kẽm gai, luôn có lính đi tuần, mang súng máy. 
Là thông dịch có nhiệm vụ liên lạc, tôi phải đến ban tham mưu hàng ngày nên được phép đi từ khu này sang khu kia nhưng phải trình giấy phép. Gần ban tham mưu là ga xe lửa và một cái gọi là thị trấn nhưng chỉ có một con phố duy nhất, hai bên là dăm ba cửa hàng nhếch nhác, một quán bar, một nhà trọ cho các quan chức và sĩ quan cao cấp đi thị sát. Quảng trường thị trấn bốn phía là những máng nước cho ngựa, chính giữa là một lá cờ đỏ lớn của Liên bang Xô Viết treo trên cột cờ. Dưới lá cờ là một chiếc xe bọc thép, có súng máy, tựa mình lên súng bao giờ cũng có một tay lính trẻ vẻ chán ngán, trang bị tận răng. Quân y viện mới xây nằm ở đầu bên kia quảng trường, trước cổng có một bức tượng Iosip Stalin to tướng. 
Có một người mà tôi phải kể với ông. Tôi gặp hắn vào mùa xuân năm 1947, có lẽ vào đầu tháng Năm khi tuyết đã tan hẳn. Một năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi tôi được đưa đến mỏ. Khi tôi gặp người đó lần đầu tiên, hắn đang mặc một thứ đồng phục người ta phát ọi tù nhân người Nga. Hắn đang cùng một nhóm khoảng mười người Nga làm công việc sửa chữa ở nhà ga. Họ dùng búa tạ đập vỡ đá rồi trải các mảnh đá vừa đập lên mặt đường. Tiếng búa nện chát chúa vào đá cứng vang rền khắp nơi. Tôi vừa đi nộp báo cáo lên ban tham mưu về thì đi ngang qua nhà ga. Viên trung sĩ đang chỉ huy công việc chặn tôi lại yêu cầu xuất trình giấy thông hành. Tôi rút trong túi ra đưa cho y. Tay trung sĩ, người to lớn dềnh dàng, nhìn soi mói tờ giấy thông hành hồi lâu với vẻ nghi hoặc, nhưng rõ ràng y không biết đọc. Y gọi một trong các tù nhân đang làm việc trên mặt đường, bảo người này đọc to tờ giấy lên. Người tù này không như những người khác trong nhóm: ông ta mang dáng dấp người có học. Và đó chính là hắn. Khi nhìn thấy hắn, tôi cảm thấy như mặt mình đã kiệt hết máu. Tôi hầu như không thở được. Tôi có cảm giác mình đang chết đuối. Muốn thở mà không thở được. 
Người tù có học này không ai khác hơn là viên sĩ quan Nga đã ra lệnh cho đám lính Mông Cổ lột da sống Yamamoto trên bờ sông Khalkha. Nay thì hắn gầy yếu, gần như hói trụi, mất một răng cửa. Thay vì bộ quân phục sĩ quan sạch như lau như li, hắn vận bộ quần áo tù bẩn thỉu, và thay vì đôi bốt sáng choang, hắn mang đôi giày vải thủng lỗ chỗ. Cặp tròng kính hắn trầy sướt, đầy cáu ghét, gọng kính cong vẹo. Thế nhưng không nghi ngờ gì nữa, đó chính là hắn. Không thể nào tôi lại nhận lầm hắn. Còn hắn, hắn cũng nhìn chòng chọc vào tôi, rõ ràng hắn tò mò không hiểu sao tôi lại đứng đực ra nhìn hắn như thế. Cũng như hắn, tôi đã già đi, đã tiều tụy đi nhiều trong chín năm qua. Thậm chí tóc tôi còn có mấy sợi bạc. Nhưng dẫu sao hình như hắn cũng nhận ra tôi. Một nét sửng sốt lộ ra trên mặt hắn. Hẳn là hắn cứ tưởng tôi đã chết rục xương dưới đáy cái giếng nào đó ở Mông Cổ rồi. Còn tôi, dĩ nhiên tôi cũng không thể nào ngờ sẽ lại gặp hắn vận quần áo tù trong một mỏ than ở Siberia. 
Chỉ một thoáng sau hắn đã trấn tĩnh lại, điềm nhiên đọc to cho gã trung sĩ cổ đeo súng máy kia nghe nội dung tờ giấy thông hành của tôi: rằng tên tôi là gì, rằng nghề của tôi là thông dịch, rằng tôi được phép đi lại từ khu này sang khu kia, vân vân. Tay trung sĩ trả lại tờ giấy thông hành và hất cằm ra hiệu bảo tôi đi. Tôi bước tới một đoạn thì ngoái đầu lại. Gã đàn ông kia đang nhìn tôi. Dường như hắn thoáng mỉm cười, nhưng có thể ấy chỉ là tôi tưởng tượng ra. Chân tôi run, mãi một lúc tôi không sao đi thẳng được. Cơn ác mộng khủng khiếp tôi từng nếm trải chín năm về trước chỉ trong nháy mắt bỗng sống lại rõ ràng, sống động trước mắt tôi. 
Tôi đoán rằng người đó đã bị thất sủng nên mới bị tống vào trại tù Siberia này. Những chuyện như vậy chẳng hiếm ở Liên Xô vào thời ấy. Trong nội bộ chính phủ, đảng và giới quân sự thường xuyên diễn ra những cuộc đấu đá khốc liệt, và Stalin, vốn đa nghi tới mức bệnh hoạn, truy bức những người thua cuộc một cách không thương tiếc. Những người đó bị tước mọi chức vụ, cấp bậc, bị xét xử chiếu lệ ở những phiên tòa cho có, rồi hoặc bị hành hình hoặc bị đưa vào trại tập trung, đường nào tốt hơn thì chỉ có Chúa mới biết. Bởi thoát chết thì cũng chỉ còn nước lao động khổ sai, nghiệt ngã đến không tưởng tượng nổi. Tù binh Nhật chúng tôi ít nhất cũng còn hy vọng được trở về quê hương nếu như sống sót, nhưng đám người Nga bị lưu đày kia không có niềm hy vọng ấy. Cũng như những kẻ khác, người này rồi cũng sẽ chết rục xương trên đất Siberia thôi. 
Duy có một điều khiến tôi lo, đó là hắn biết tên tôi, biết tôi ở đâu. Hồi trước chiến tranh tôi đã vô tình tham gia điệp vụ bí mật cùng với tay điệp viên Yamamoto, vượt sông Khalkha vào lãnh thổ Mông Cổ để hoạt động gián điệp. Nếu hắn tiết lộ thông tin này ra thì tôi sẽ rơi vào hoàn cảnh rất bất lợi. Tuy nhiên, hắn đã không tố giác tôi. Mãi về sau tôi mới biết, lúc ấy hắn đã có những kế hoạch lớn hơn nhiều dành cho tôi. 
Một tuần sau tôi lại gặp hắn ngoài nhà ga. Hắn vẫn bị xiềng, vẫn mặc bộ quần áo tù dơ dáy đó, đang dùng búa đập đá. Tôi nhìn hắn, hắn nhìn tôi. Hắn đặt búa xuống đất rồi đứng dậy quay về phía tôi, vươn thẳng người cao lớn như khi hắn còn mặc quân phục. Lần này, không nghi ngờ gì nữa trên mặt hắn nở nụ cười, tuy chỉ khẽ nhếch nhưng vẫn là nụ cười, trong nụ cười có một ánh tàn độc khiến tôi lạnh xương sống. Đó chính là vẻ mặt khi hắn quan sát Yamamoto bị lột da sống. Tôi bước ngang qua, không nói gì. 

Trong số các sĩ quan ban tham mưu quân đội Xô Viết ở trại có một người tôi chơi thân. Cũng như tôi, ông này là chuyên gia địa lý, học ở đại học tại Leningrad. Hai chúng tôi cùng tuổi, cùng yêu thích công việc vẽ bản đồ, nên thỉnh thoảng chúng tôi lại tìm cớ này cớ nọ để trao đổi về nghề nghiệp. Cá nhân ông ta rất quan tâm đến các bản đồ chiến lược của vùng Mãn Châu mà đội quân Quan Đông đã thực hiện. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể nói những chuyện như vậy khi có mặt cấp trên ông ta. Chỉ những khi họ vắng mặt, chúng tôi mới có thể thoải mái bàn đến vấn đề chuyên môn này. Thỉnh thoảng ông ta lại cho tôi đồ ăn hoặc cho tôi xem ảnh vợ con ông đang sống ở Kiev. Ông là người Nga duy nhất mà tôi có thể kết bạn trong suốt thời gian bị giam giữ ở Liên Xô. 
Một lần, làm như tình cờ, tôi hỏi ông ta về những người tù làm việc cạnh nhà ga. Tôi thấy trong số đó có một người không giống người tù binh thường, tôi bảo vậy: hình như người đó từng giữ một vị trí quan trọng. Tôi mô tả ngoại hình người đó. Viên sĩ quan - ông ta tên là Nikolai - liền cau mày nói: 
- Chắc đó là Boris Lột da. Tốt nhất là anh đừng dính dáng gì đến hắn. 
- Tại sao? - Tôi hỏi. 
Nikolai có vẻ ngần ngừ không muốn nói thêm, nhưng ông ta biết tôi còn có thể giúp ích cho ông ta, nên ông miễn cưỡng cho tôi biết vì sao "Boris Lột da" lại bị đưa tới mỏ này. 
- Đừng nói với ai là tôi kể với anh đấy, - ông cảnh cáo. - Thằng cha đó nguy hiểm lắm. Tôi không đùa đâu. Có cầm sào đứng cách hắn ba thước tôi cũng không dại gì đụng vào hắn. 
Nikolai kể như sau. Tên thật của "Boris Lột da" là Boris Gromov. Đúng như tôi nghĩ, hắn từng là thiếu tá trong NKVD 2. Khi Choybalsan chiếm chính quyền tại Mông Cổ và lên làm thủ tướng vào năm 1938, Gromov được cử đến Ulan Bator làm cố vấn quân sự. Tại đó, hắn tổ chức cơ quan cảnh sát mật của Mông Cổ theo mô hình NKVD của Beria và tỏ ra nổi bật trong việc đàn áp các lực lượng phản cách mạng. Bọn họ tổ chức vây ráp bắt người, ném vào trại tập trung, tra tấn, và chỉ cần một chút nghi ngờ là thủ tiêu lập tức. 

Ngay khi trận Nomonhan kết thúc và tình hình khủng hoảng tại Viễn Đông tạm yên, Boris được triệu hồi về Mátxcơva và bổ nhiệm sang miền Đông Ba Lan lúc đó do quận đội Xô Viết chiếm đóng, ở đó hắn đảm nhiệm việc thanh trừng quân đội cũ Ba Lan. Chính ở đó hắn đã có biệt danh "Boris Lột da". Hắn có kiểu tra tấn đặc biệt là lột da người sống. Hắn có một bộ hạ chuyên làm việc này, nghe nói đem từ Mông Cổ sang. Khỏi phải nói, người Ba Lan sợ hắn kỳ chết. Bất cứ ai đã tận mắt chứng kiến kẻ khác bị lột da sống đều sẽ khai tuốt tuột không thiếu một cái gì. Khi quân Đức bất ngờ tràn qua biên giới và chiến tranh Xô - Đức nổ ra, hắn rút lui từ Ba Lan về Mátxcơva. Thời đó rất nhiều người bị bắt vì tình nghi cộng tác với Hitler. Họ bị hành quyết hay tống vào trại giam. Ở đây, một lần nữa Boris nổi lên là cánh tay phải của Beria, chuyên sử dụng đòn tra tấn đặc biệt của mình. Stalin và Beria phải bịa ra thuyết nội gián nhắm lấp liếm trách nhiệm của chính họ là đã không tiên đoán được cuộc tấn công bất ngờ của phát xít Đức và cũng nhằm củng cố quyền lãnh đạo của họ. Nhiều người đã chết chẳng vì bất cứ cái gì trong những cuộc điều tra tàn bạo. Nghe nói Boris và thuộc hạ của hắn đã lột da ít nhất năm người, lại có lời đồn đại rằng hắn rất kiêu hãnh trưng những tấm da người kia lên khắp các bức tường phòng làm việc của mình. 
Boris tàn bạo là thế nhưng cũng là người cực kỳ cẩn trọng, chính vì vậy hắn mới sống sót

sau bao nhiêu âm mưu và cuộc thanh trừng. Beria yêu hắn như con. Nhưng có lẽ chính vì vậy hắn quá tự tin mà đi lỡ trớn. Sai lầm ấy quả thật là sai lầm chí mạng. Hắn bắt giam chỉ huy một tiểu đoàn thiết giáp do tình nghi người này đã bí mật liên lạc với một trong các tiểu đoàn thiết giáp của Hitler trong một trận đánh ở Ukraina. Hắn tra tấn anh ta bằng cách lấy thanh sắt nung đỏ chọc vào bất cứ chỗ nào có lỗ trên người: tai, lỗ mũi, trực tràng, dương vật vân vân, rồi giết chết người này. Nhưng hóa ra viên sĩ quan này là cháu ruột một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản. Chưa hết, khi ban tham mưu Hồng quân tiến hành điều tra đến nơi đến chốn thì mới phát hiện rằng anh ta hoàn toàn vô tội. Dĩ nhiên là vị quan chức kia nổi trận lôi đình, còn lãnh đạo Hồng quân cũng không thể im lặng khi thanh danh mình đã bị một vết nhơ như vậy. Lần này ngay cả Beria cũng không bảo vệ được Boris. Hắn bị cách chức, đưa ra tòa, cả hắn và tên trợ thủ người Mông Cổ bị kết án tử hình. Tuy nhiên NKVD đã làm mọi cách để can thiệp, kết quả là Boris được giảm án thành lao động khổ sai ở một trại tập trung (mặc dù tên tay chân thì bị treo cổ). Beria gửi vào tù cho Boris một bức mật thư hứa sẽ gây tác động trong quân đội và đảng để Boris chỉ cần ngồi trong trại một năm là sẽ được đưa ra và phục hồi địa vị. Ít nhất thì đấy là những gì Nikolai kể. 
- Giờ anh biết rồi đó, - Nikolai hạ giọng nói với tôi, - ai cũng nghĩ rằng Boris lúc nào đó rồi cũng sẽ trở về Mátxcơva, rằng chẳng bao lâu nữa Beria sẽ cứu hắn thôi. Đúng là Beria phải thận trọng, bởi trại này vẫn đang được quân đội và đảng điều hành. Nhưng không ai trong chúng ta có thể yên tâm đâu. Gió có thể đổi chiều bất cứ lúc nào. Mà khi gió đã đổi chiều thì kẻ nào trót rắn tay với hắn ở đây sẽ gặp khốn đấy. Trên đời này không thiếu gì thằng ngu, nhưng không ai ngu tới mức tự ký bản án tử hình ình. Thành thử tất cả bọn tôi đi qua hắn đều phải nhón chân. Hắn là khách danh dự ở đây. Dĩ nhiên chúng tôi không thể cho hắn được kẻ hầu người hạ và đối xử với hắn như trong khách sạn. Bề ngoài thì chúng tôi xích chân hắn, cho hắn đập vài hòn đá, nhưng thật ra hắn có phòng riêng, muốn rượu có rượu, muốn thuốc lá có thuốc lá. Nếu anh hỏi hắn là giống gì, tôi sẽ bảo hắn là rắn độc. Để hắn sống chẳng tốt lành cho ai hết. Giá như có ai nửa đêm lén vào cắt cổ hắn đi cho xong. 
Mấy hôm sau, khi tôi đi ngang qua nhà ga, tay trung sĩ to xác lại chặn tôi. Tôi dợm đưa giấy thông hành ra, nhưng y lắc đầu và bảo tôi đến văn phòng trưởng ga. Chẳng hiểu chuyện gì, nhưng tôi vẫn đi, đến nơi thì gặp không phải trưởng ga mà là Boris Gromov. Hắn ngồi uống trà ở bàn đợi tôi tới. Tôi chết điếng trên ngưỡng cửa. Hắn không bị cùm chân nữa. Hắn đưa tay ra hiệu cho tôi vào. 
- Xin chào trung úy Mamiya! Bao nhiêu năm rồi mới gặp nhau, - hắn vui vẻ nói, miệng cười toe toét. Hắn mời tôi một điếu thuốc, nhưng tôi lắc đầu. 
- Chính xác là chín năm, - hắn vừa nói vừa châm thuốc. - Hay là tám năm? Mà thôi, có gì khác nhau. Cái chính là anh vẫn sống và khỏe mạnh. Gặp lại bạn cũ mới hạnh phúc làm sao chứ! Nhất là sau cuộc chiến tranh khủng khiếp nhường đó. Anh đồng ý không? Mà làm cách nào anh thoát ra khỏi cái giếng đó vậy? 
Tôi chỉ đứng đó, không nói gì. 

- Thôi được, không sao cả. Quan trọng là anh đã thoát ra được. Rồi anh mất một bàn tay ở đâu đó. Rồi lại học nói được tiếng Nga lưu loát thế kia! Tuyệt lắm, cừ lắm. Mất một bàn tay thì đã sao... Cái chính là anh vẫn còn sống. 
- Có phải là do ý tôi đâu, - tôi đáp. 
Boris cười ha hả. 
- Trung úy Mamiya à, anh là người thú vị lắm. Thật ra anh có muốn sống đâu, thế mà anh đang sống sờ sờ ra ở đây. Phải, đúng là thú vị thật. Nhưng không dễ lừa tôi đâu. Người bình thường không ai thoát khỏi cái giếng sâu đó một mình được, đã thoát mà lại còn biết đường vượt sông trở về Mãn Châu. Nhưng đừng lo, tôi không kể với ai đâu. 
Thôi, về chuyện anh thế là đủ rồi. Giờ để tôi kể cho anh về tôi. Như anh biết đó, tôi đã mất chức, giờ chỉ là một tù nhân quèn trong trại tập trung. Nhưng tôi không định ở lại trốn khỉ ho cò gáy này mà đập đá suốt đời đâu. Tôi vẫn có thế lực ở Trung ương Đảng như hồi nào đến giờ, và tôi đang dùng thế lực đó để từng ngày một nâng cao vị thế của tôi ở đây. Vì vậy tôi sẽ nói rất chân thành với anh rằng tôi muốn có quan hệ tốt với các tù binh Nhật. Năng suất của mỏ này tùy thuộc vào các anh, vào quân số và sức làm của các anh. Nếu không đếm xỉa đến sức mạnh của các anh, trong đó có cả anh, trung úy Mamiya, chúng tôi sẽ không đạt được gì hết. Tôi muốn anh giúp tôi bằng những gì anh có. Anh từng là sĩ quan tình báo của đội quân Quan Đông, là một người rất can đảm. Anh nói tiếng Nga lưu loát. Nếu anh làm người liên lạc cho tôi, tôi sẽ có thể giúp anh và các đồng bào anh. Đề nghị này không đến nỗi tồi đâu. 
- Tôi chưa bao giờ là gián điệp, cũng không bao giờ có ý định làm gián điệp, - tôi tuyên bố. 
- Tôi không yêu cầu anh làm gián điệp, - Boris nói như để trấn an tôi. - Tôi chỉ nói rằng tôi có thể giúp cho các anh được dễ thở hơn. Tôi đề nghị cải thiện quan hệ, và anh sẽ là người trung gian giữa hai bên. Nếu hợp sức lại, chúng ta có thể lật đổ cái thằng chó dái người Gruzia "Ủy viên bộ chính trị" kia. Tôi làm vậy được đấy, đừng có tưởng! Mà tôi biết người Nhật các anh cũng căm thù hắn tận xương tủy. Một khi khử được hắn rồi, phía các anh sẽ có thể được tự quản một phần, có thể thành lập các ủy ban này nọ, có thể có tổ chức riêng của mình. Chừng đó thì ít nhất đám lính canh cũng không còn dám đối xử thô bạo với các anh bất cứ lúc nào tùy thích. Đã bao lâu nay các anh chỉ mong được thế thôi, phải không? 
Điều đó thì Boris nói đúng. Chúng tôi đã kiến nghị lên ban lãnh đạo trại về những chuyện đó từ lâu nhưng họ luôn luôn bác bỏ thẳng thừng. 

- Đổi lại ông muốn tôi làm gì? - Tôi hỏi. 
- Hầu như chẳng phải làm gì hết, - hắn cười toe toét, giang rộng hai tay ra. - Tôi chả cần gì hơn là quan hệ thân thiện với tù binh Nhật các anh. Tôi cần loại bỏ một số đồng chí của mình vì không tìm được tiếng nói chung, mà muốn vậy tôi cần các anh hợp tác với tôi. Chúng ta có nhiều lợi ích chung, vậy tại sao chúng ta không hợp sức để hai bên cùng được hưởng? Người Mỹ nói thế nào ấy nhỉ? "Give and take". Có qua có lại. Nếu anh hợp tác với tôi, tôi sẽ không làm gì bất lợi cho anh cả. Tôi sẽ không đâm sau lưng anh đâu. Dĩ nhiên tôi biết, tôi không có quyền yêu cầu anh phải ưa tôi. Giữa chúng ta đã có những chuyện không hay gì, hẳn là vậy rồi. Nhưng tôi trông vậy thôi chứ là người tự trọng. Tôi luôn luôn giữ lời hứa. Chuyện gì đã qua thì cho nó qua đi. 
Anh cứ về mà suy nghĩ về đề nghị của tôi đi, mấy hôm nữa hãy trả lời dứt khoát với tôi. Cứ thử xem. Các anh đâu có gì để mất, đúng không nào? Mà này, hãy nhớ rằng chuyện đó chỉ có thể nói với những người anh biết chắc chắn là đủ để tin cậy được. Có vài người trong các anh là chỉ điểm cho tay Ủy viên Bộ chính trị. Đừng để chúng hóng hớt được chuyện này. Nếu lộ ra thì sẽ gay go đấy. Thế lực của tôi ở đây tạm thời chỉ có hạn thôi. 
Về lại khu của mình, tôi chọn ra một người để bàn về lời đề nghị của Boris. Người này nguyên là đại tá trong quân đội, một kẻ gan lì và có đầu óc sắc sảo. Là chỉ huy một đơn vị từng cố thủ trong pháo đài trên núi Khingan, cương quyết không giương cờ trắng ngay cả khi Nhật đã đầu hàng, nay ông là thủ lĩnh không chính thức của các tù binh Nhật trong trại, một thế lực mà người Nga cần phải tính tới. Tôi giấu không kể với ông ta về chuyện Yamamoto bị lột da sống trên bờ sông Khalkha, chỉ nói rằng Boris từng là sĩ quan cao cấp trong lực lượng cảnh sát mật và giải thích về đề nghị của hắn. Viên đại tá hình như quan tâm đến ý tưởng thanh toán tay Ủy viên Bộ chính trị cầm đầu trại và giành lấy ít nhiều quyền tự trị cho tù binh Nhật. Tôi nhấn mạnh rằng Boris là một tay có máu lạnh, một kẻ cực kỳ nguy hiểm, tay tổ về những trò lừa đảo và mưu ma chước quỷ, kẻ như vậy thì chớ bao giờ nhắm mắt tin. "Có thể anh nói đúng - đại tá nói - Nhưng thằng Ủy viên Bộ chính trị thì cũng vậy thôi, ta chẳng có gì để mất". Ông có lý. Dù vụ này có vỡ lở đi nữa thì mọi chuyện cũng chẳng thể nào tồi tệ hơn hiện thời, tôi nghĩ. Song tôi đã lầm to! Địa ngục thì chẳng bao giờ có đáy. 
Mấy ngày sau tôi thu xếp được một cuộc gặp riêng giữa Boris và ông đại tá tại một nơi kín đáo. Tôi làm thông dịch. Cuộc thảo luận kéo dài ba mươi phút, kết quả là hai bên đạt được một thỏa thuận bí mật và bắt tay nhau. Tôi không có cách nào biết những gì xảy ra sau đó. Hai bên không tiếp xúc trực tiếp để tránh gây chú ý, chỉ trao đổi thư từ viết bằng mật mã thông qua một kênh bí mật nào đó. Vai trò trung gian của tôi đến đó là hết. Thế cũng tốt đối với tôi. Tôi không muốn dính dáng gì tới Boris nữa. Mãi về sau tôi mới hiểu, gì chứ chuyện đó thì không thể. 
Như Boris đã hứa, khoảng một tháng sau Trung ương Đảng triệu hồi tay Ủy viên Bộ chính trị người Gruzia, hai ngày sau thì cử tới một ủy viên mới để thay thế. Sau đó hai ngày nữa thì ba tù binh Nhật bị siết cổ chết giữa đêm khuya. Người ta phát hiện được xác họ treo trên xà nhà để trông tuồng như tự sát, nhưng rõ ràng họ đã bị những người Nhật khác thanh toán. Ba người này hẳn là các tay chỉ điểm mà Boris đã nói. Chẳng ai tiến hành điều tra vụ việc. Đến khi đó thì Boris đã nắm toàn bộ trại trong tay mình.
------------------------------- 1 Nguyên văn: hành hình theo kiểu lynch 2 Cơ quan cảnh sát mật của Liên Xô dưới thời Stalin (từ 1934 đến 1946), viết tắt từ tiếng Nga Narodniy Kommissarias Vnutrennikh Del, tạm dịch là Bộ Dân ủy Nội vụ - ND.
 


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện