Tôi càng bị cô lập thì Boris càng tín nhiệm tôi hơn. Hắn hài lòng với thói quen làm việc hữu hiệu và có hệ thống của tôi, và về lời khen thì hắn rất hào phóng.
- Trung úy Mamiya ạ, anh cừ lắm. Chừng nào nước Nhật còn có những người như anh, thì Nhật Bản chắc chắn sẽ phục hồi được sau cơn hỗn loạn thời hậu chiến. Nước tôi thì vô vọng rồi. Có khi thời Sa hoàng còn khá hơn. Ít nhất là Sa hoàng không phải nát óc vì một mớ lý thuyết. Lenin hiểu được dăm ba thứ từ lý thuyết của Marx rồi cứ thế áp dụng sao cho được việc mình, Stalin hiểu dăm ba thứ (có được bao lâu đâu) từ lý thuyết của Lenin rồi cứ thế áp dụng sao cho được việc ông ta. Trí óc càng hạn hẹp thì người ta lại càng có nhiều quyền lực ở cái xứ này. Trung úy ạ, tôi bảo anh thế này: ở đây chỉ có một cách duy nhất để sống sót mà thôi. Đó là không tưởng tượng gì hết. Gã người Nga nào dùng trí tưởng tượng của hắn là tới số. Tôi chả bao giờ dùng trí tưởng tượng của tôi cả. Việc của tôi là làm cho người khác dùng trí tưởng tượng của họ. Đó là miếng bánh của tôi. Hãy nhớ lấy điều đó cho kỹ. Và chừng nào anh còn ở đây thì ít nhất mỗi khi bắt đầu tưởng tượng cái gì đó, hãy hình dung khuôn mặt tôi và tự nhủ: không, đừng làm vậy. Tưởng tượng là mất mạng như chơi. Lời khuyên vàng ngọc của tôi đấy. Gì chứ tưởng tượng thì hãy dành cho kẻ khác.
Nửa năm trôi qua như vậy. Nay đã gần cuối thu năm 1947, tôi đã trở thành người không thể thiếu được đối với Boris. Tôi chịu trách nhiệm về khía cạnh kinh doanh trong hoạt động của hắn, còn Thằng Tác-ta đảm nhận phần bạo lực. Lực lượng cảnh sát mật vẫn chưa triệu hồi Boris về Mátxcơva, nhưng đến khi đó dường như hắn cũng không còn muốn về thủ đô nữa. Hắn đã ít nhiều biến trại tù và mỏ than thành lãnh địa riêng bất khả xâm phạm của mình, ở đó hắn có đầy đủ tiện nghi, đều đều hốt bạc, lại được cả một đội quân của chính mình bảo vệ. Mà có khi ngay cả giới lãnh đạo thủ đô cũng không muốn gọi hắn về mà cứ để hắn ở đó nhằm củng cố chỗ đứng của họ ở Siberia. Giữa Mátxcơva và Boris vẫn thường xuyên trao đổi thư từ, dĩ nhiên không phải bằng bưu điện mà theo đường xe lửa, qua tay các sứ giả bí mật. Đó luôn luôn là những gã cao lớn có cặp mắt lạnh băng. Mỗi khi một tên như vậy bước vào, nhiệt độ trong phòng dường như tụt ngay xuống.
Trong khi đó, tù nhân làm trong mỏ vẫn tiếp tục chết như rạ, xác vẫn tiếp tục bị vứt vào hầm lò. Boris tiến hành đánh giá toàn diện khả năng của từng tù nhân, kẻ nào ốm yếu thì hắn vắt kiệt lực đồng thời giảm khẩu phần ăn để giết họ dần dần và giảm số miệng ăn. Chỗ thức ăn cắt giảm từ khẩu phần của người yếu được bổ sung cho người mạnh để nâng cao năng suất. Ở trại này hiệu quả là tất cả: đó là thứ luật rừng, mạnh được yếu thua. Mỗi khi số nhân lực bắt đầu giảm, hàng đoàn xe tải chật ních tù nhân mới như những đoàn tàu chở gia súc lại đến. Đôi khi có tới hai mươi phần trăm "chuyến hàng" chết trên đường đi, nhưng chuyện đó chẳng ai quan tâm. Hầu hết tù mới là người Nga và Đông Âu từ phía Tây mang về. Thật may cho Boris rằng chính sách bạo lực của Stalin vẫn tiếp tục thịnh hành ở đó.
Kế hoạch của tôi là giết Boris. Dĩ nhiên tôi biết, dù khử kẻ này thì cũng không có gì bảo đảm tình thế của chúng tôi sẽ khá hơn lên. Đằng nào cũng vẫn là địa ngục, không dạng này thì dạng khác. Nhưng đơn giản là tôi không thể để con người như thế tiếp tục tồn tại trên đời này. Như Nikolai đã nói, hắn như con rắn độc. Ai đó sẽ phải chặt đầu nó.
Tôi không sợ chết. Có chăng là tôi sẵn sàng để Boris giết tôi như tôi giết hắn. Nhưng tôi không thể phạm sai lầm. Tôi phải đợi cho đến đúng cái khoảnh khắc khi tôi có thể tin tưởng tuyệt đối rằng sẽ chắc chắn kết liễu được mạng hắn chỉ bằng một phát súng. Tôi vẫn đóng vai người thư ký trung thành của hắn trong khi chờ cơ hội vồ mồi. Nhưng như tôi đã nói, hắn là kẻ cực kỳ thận trọng. Thằng Tác-ta kè kè bên cạnh hắn cả ngày lẫn đêm. Mà cho dù nếu hắn cho tôi cơ hội chỉ gặp mình hắn thì làm sao tôi giết hắn khi chỉ có một bàn tay, lại còn không có súng nữa? Nhưng tôi vẫn nhẫn nại chờ thời cơ. Nếu trên thế giới này quả thật có ông trời, thì lúc nào đó ngài ắt phải ban cơ hội cho tôi.
° ° °
Đầu năm 1948, có một tin đồn loan ra trong trại, rằng các tù binh Nhật cuối cùng cũng được phép trở về tổ quốc, rằng vào mùa xuân sẽ có một con tàu sang đây để đưa chúng tôi hồi hương. Tôi hỏi Boris về chuyện đó.
- Đúng là vậy, Trung úy Mamiya ạ, - hắn nói. - Tin đồn đúng đấy. Các anh sẽ được về nước, không lâu nữa đâu. Một phần do dư luận quốc tế, chúng tôi không thể giữ các anh lâu hơn nữa. Nhưng tôi có một đề nghị cho anh, Trung úy. Liệu anh có muốn ở lại đất nước này, không phải như tù binh chiến tranh mà như một công dân Xô Viết tự do không? Anh đã phục vụ tôi rất tốt, tôi tìm đâu ra người thay thế anh chứ? Về phần đây, nếu ở lại đây với tôi, anh cũng sẽ sống tươi hơn nhiều so với trở về Nhật mà chịu cực chịu nghèo. Nghe nói ở Nhật bây giờ cái ăn cũng chẳng có, người ta đang chết đói. Ở đây thì anh có tiền, có đàn bà, có quyền lực, gì cũng có.
Boris đưa ra đề nghị đó hoàn toàn nghiêm túc. Hắn biết để tôi ra đi thì có thể sẽ nguy hiểm bởi tôi biết bí mật của hắn. Nếu tôi từ chối, hắn có thể khử tôi để diệt khẩu. Nhưng tôi không sợ. Tôi cảm ơn lời mời của hắn nhưng nói rằng, tôi muốn về Nhật vì lo cho cha mẹ và chị gái. Boris nhún vai và không nói gì nữa.
Cơ hội tuyệt vời để giết Boris tự đến với tôi vào một đêm tháng Ba, khi ngày hồi hương đã đến gần. Lúc gần chín giờ tối, Thằng Tác-ta ra ngoài, để lại mình tôi với Boris. Tôi đang làm sổ sách kế toán như mọi khi, Boris ngồi viết thư nơi bàn. Ít khi chúng tôi ở lại văn phòng muộn như vậy. Thỉnh thoảng hắn nhấp một ngụm brandy trong khi ngoáy bút trên giấy. Trên giá mắc áo, bên cạnh áo da và mũ của Boris là khẩu súng lục đút trong bao da. Không phải loại súng lục to đùng do quân đội Liên Xô sản xuất mà là súng Walther PPK của Đức, hình như Boris lấy của một thiếu tá SS bị bắt làm tù binh tại trận chiến trên sông Danube. Súng luôn sạch như lau như ly, bóng loáng, trên báng súng có huy hiệu SS giống như hai lằn sét. Tôi vẫn thường quan sát Boris lau súng, và tôi biết trong băng đạn luôn luôn có đạn - tám viên đạn.
Hắn treo súng nơi giá mắc áo thì thật không bình thường. Vốn cực kỳ cẩn thận, mỗi khi làm việc ở bàn hắn luôn luôn cất súng trong ngăn kéo bên phải. Tuy nhiên, đêm ấy vì lý do nào đó hắn đang trong tâm trạng vui vẻ, nói nhiều nên không thận trọng như