Thục sè sẹ đặt bài thơ Phán vừa sáng tác vào trong ngăn bàn. Nó thận trọng đến mức tưởng như mảnh giấy nhỏ kia có thể tan biến bất cứ lúc nào.
Trong bài thơ đó, bọn Thục đã ngỏ lời xin lỗi Phong Khê, rằng những lời lẽ quá đáng trong lá thư trước chỉ là sự bỡn cợt, chẳng cần để tâm làm gì ệt, và cho rằng bọn Thục chơi với bạn là do quý mến chứ không phải vì... ham ăn, mong Phong Khê đừng hiểu lầm mà mang tội với... trời đất!
Khi nghe yêu cầu của Xuyến về “bài thơ cấp cứu”, Phán không giấu được nụ cười chế nhạo. Cúc Hương nhác thấy, liền trừng mắt:
- Bạn cười cái gì vậy? Chọc quê tụi này hả?
- Tui đâu dám!Phán đáp với vẻ hiền lành nhưng Cúc Hương vẫn cảm thấy nhột nhạt. Mặc dù Phán không nói ra nhưng chắc anh đang cười thầm trong bụng! Cúc Hương nghĩ vậy và tự dưng nó cảm thấy bực mình. Nó bực Xuyến, bực Thục và bực cả chính nó. Tự nhiên viết thư chọc ghẹo người ta đã đời bây giờ nhún mình xin người ta... tha lỗi, thật chẳng giống ai! Nhưng sự thể đã đến nước này, quả chẳng còn cách nào khác. Nhất là con Thục, từ ngày anh chàng Phong Khê rút lui không kèn không trống, mặt mày nó buồn thiu đến tội.
Bụng ấm ức sẵn, giờ lại thấy Thục cứ lúi húi với mẩu giấy trong ngăn bàn, Cúc Hương đâm xẳng giọng:
- Liệng đại nó vô trong đó! Mày làm gì rụt rụt rè rè cả buổi vậy!
Không quan tâm đến vẻ giận dỗi của Cúc Hương, Thục mơ màng hỏi:
- Chẳng biết lần này anh ta có hồi âm cho tụi mình không?
Cúc Hương càng điên tiết:
- Hồi âm hay không, kệ xác hắn! Lần này mà hắn còn im hơi lặng tiếng, tụi mình nhất định “xù đẹp” luôn, không có năn nỉ ỉ ôi gì nữa hết! Thật tao chưa thấy ai “vô tình bất nghĩa” như “thằng cha” này!
Cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện phải viết thư xin lỗi, Cúc Hương lại mạt sát Phong Khê không tiếc lời. Điệu bộ của nó hung hăng hệt một con gà chọi. Nhưng qua hai ngày sau, khi trong ngăn bàn của Thục xuất hiện lá thư hồi âm của Phong Khê kèm theo ba thỏi chocolate, cũng chính Cúc Hương là người đầu tiên ca ngợi Phong Khê lên tận mây xanh:
- Thật tao chưa thấy ai ăn ở có tình có nghĩa như anh chàng này! Người “dễ thương” như vậy đúng là nằm mơ cũng không thấy nổi! - Rồi nó quay sang thục, chép miệng - Con Thục này thiệt tốt phước!
Thục “xí” một tiếng:
- Bữa trước mày rủa anh ta tối mày tối mặt, bữa nay thấy có ăn, lại trở giọng tâng bốc, thật chẳng biết mắc cỡ chút nào!
Cúc Hương nhướng mắt:
- Mày đừng có bôi bác bạn bè! Tao khen hắn là khen sự thông minh của hắn chứ đâu phải vì mấy thanh chocolate “hối lộ” kia!
- Khen sự thông minh? - Thục ngạc nhiên.
- Chứ sao! - Cúc Hương cười hì hì - Vừa rồi mình viết thư bảo với hắn là mình chơi với bạn vì quý bạn chứ không phải vì ham ăn, hắn biết ngay là mình nói dối nên tiếp tục gửi chocolate ình. Như vậy hắn chẳng phải hạng người thông minh xuất chúng là gì.
Lối giải thích của Cúc Hương khiến Thục không nhịn được cười. Nó đang định lên tiếng bắt bẻ thì Xuyến đã gọi giật:
- Lại đây tụi mày ơi! Lại xem anh chàng Phong Khê giở giọng “ghen tuông” với con Thục nhà mình nè!
Cúc Hương nãy giờ lo cãi cọ xung quanh mấy thỏi kẹo, quên bẵng mất lá thư của Phong Khê, nay nghe Xuyến gọi, liền nhảy bổ lại. Thục cũng muốn chạy ào tới nhưng những điều Xuyến vừa “thông báo” khiến nó không dám lộ vẻ nôn nóng, sợ hai bạn trêu. Tim nhảy lô-tô trong ngực, Thục bước từng bước một, cố làm ra vẻ thản nhiên.
Cúc Hương vừa lướt mắt qua bài thơ, đã la ầm:
- Chà chà, anh chàng “nổi máu Hoạn Thư” lên rồi, Thục ơi!
Thục tò mò liếc vào mảnh giấy trên tay Xuyến. Những dòng chữ in hoa quen thuộc đập vào mắt nó:
Mấy hôm nay ốm nằm nhà
Chứ không phải trách gì ba bạn hiền
Nằm nhà đọc báo giải phiền
Mới hay có kẻ thương “hiền thục” kia
Chút lòng thán phục, xin chia...
Bên dưới bài thơ là dòng tái bút: “Xin tạm biệt. Hẹn tái ngộ sau khi thi xong học kỳ hai. Ký tên: Phong Khê“.
Thục đọc xong lá thư, thở dài lẩm bẩm:
- Hóa ra anh chàng này cũng ham học gớm!
Cúc Hương gật gù:
- “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” mà!
Xuyến tặc lưỡi:
- Chưa chắc đó đã là lý do chính!
- Sao mày biết? - Thục tròn mắt.
- Sao lại không biết! - Xuyến nhếch mép vẻ từng trải - Tao còn lạ gì tâm lý của tụi con trai! Hắn thấy Phán củi làm thơ tán tỉnh mày nên đâm ra sầu đời muốn “nghỉ ngơi” một thời gian để... băng bó vết thương lòng. Chính vì vậy mà hắn đòi “tạm biệt” chứ chẳng phải bận ôn thi gì đâu!
Thục chưa kịp nói gì, Cúc Hương đã vội vàng phụ họa:
- Con Xuyến nói đúng! Bài thơ của Phán củi không khác nào một nhát kéo cắt đứt ngang “con đường tình ta đi” của hắn. Hắn cần phải có thời gian để hàn gắn lại vết thương... chiến tranh!
- Tao không tin! - Thục lắc đầu - Tụi mày chỉ toàn nghĩ xấu cho người ta! Biết đâu anh ta ốm chưa khỏi! Trong thư anh ta chẳng nói anh ta ốm mấy bữa nay là gì!
- Chỉ có những đứa khờ khạo như mày mới đi tin những chuyện vớ vẩn đó! - Cúc Hương hừ mũi - Hắn chẳng bệnh hoạn gì đâu, chỉ ốm tương tư thôi!
Người ta bảo “yêu nhiều thì ốm, ôm nhiều thì yếu” mà! - Rồi nhìn Thục, Cúc Hương cười cười - Tao thấy mày lúc này cũng bắt đầu “yếu yếu” rồi đó!
Thục đỏ mặt đập vào vai Cúc Hương:
- Nói bậy nè!
- Trúng chóc chứ bậy gì! - Cúc Hương tiếp tục trêu - Chỉ những người thuộc hệ PAL như tao hoặc hệ SECAM như con Xuyến mới “khỏe-mạnh-mẽ” được!
Còn những người thuộc hệ NTSC như mày, Hoàng Hòa, Phán củi, Phong Khê thì không “ốm-yếu-ớt” cũng “sầu-muộn-phiền”, đố có mà tươi tỉnh lên được!
Xuyến lườm Cúc Hương:
- Thôi, đừng có giả bộ ba hoa vung vít rồi quên mấy thanh kẹo đi! Chocolate đâu, chia ỗi đứa một cây coi!
Cúc Hương nhăn nhó chìa mấy thanh kẹo ra:
- Kẹo đây nè! Mày làm như ai cũng tham ăn như mày không bằng!
Thục cầm lấy thanh kẹo trên tay Cúc Hương một cách hững hờ. Chẳng hiểu sao Thục cảm thấy buồn buồn về lá thư của Phong Khê. Anh chẳng tỏ một thái độ gì về chuyện Phán làm thơ tặng Thục, không châm chọc cũng không hờn dỗi, nhưng trong những lời lẽ bình thản kia, Thục tưởng như mình đọc thấu những trách móc lặng thầm giấu kín trong đó. Phong Khê còn bày tỏ sự thán phục một cách khó hiểu. Tại sao lại thán phục? Anh thán phục ai, Thục hay là Phán củi? Phải chăng đó là một cách nói cay đắng? Thục tự hỏi và không sao trả lời được. Đã mấy lần, Thục định nhờ Xuyến và Cúc Hương “giải đáp tâm tình” nhưng rốt cuộc lại ngại ngùng không dám hỏi. Nó biết Xuyến và Cúc Hương chỉ xem tất cả những chuyện đang xảy ra như một trò đùa không hơn không kém. Nhưng riêng Thục, câu chuyện về anh chàng Phong Khê cứ bắt nó vẩn vơ nghĩ ngợi và không hiểu sao những lúc nghĩ đến anh, nó lại cảm thấy bâng khuâng xa vắng, mặc dù cho đến tận giờ phút này, nó vẫn chưa biết anh là ai và mặt mũi anh tròn méo thế nào.
Đôi lúc Thục cũng cảm thấy buồn cười về những ý nghĩ vớ vẩn của mình. Cúc Hương xếp Thục vào hệ NTSC không phải là không có lý. Thục kín đáo, nhạy cảm, thường xúc động không đâu vào đâu. Xuyến bảo đó là thói “xúc động sảng“. Nếu biết lá thư mới nhất của Phong Khê khiến Thục buồn đến thế nào, hẳn Xuyến và Cúc Hương sẽ “giũa” Thục thê thảm còn hơn người ta giũa móng chân... ngựa.
Biết vậy nên Thục đành bấm bụng làm thinh. Làm thinh một hồi, bụng ấm ức, Thục lại rủa thầm anh chàng Phán củi “tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa” chết tiệt kia. Thật chưa thấy ai “lãng xẹt” như anh ta. Chẳng thà như Hoàng Hòa, ngồi trong lớp liếc Thục một cái,
rồi... thôi. Như vậy thì chẳng ai hay biết, bạn bè cũng không mà Phong Khê cũng không. Lại chẳng bị ai ầm ĩ trêu chọc. Đằng này Phán củi chẳng thèm biết đến thái độ của Thục, cứ ngang nhiên “tương” một bài thơ lên báo hệt như người ta quảng cáo trên ti-vi, ai mà chẳng nghe thấy. Giọng điệu lại bô bô ra vẻ “ta đây cũng có một cái... ngã ba lòng” khiến mấy ngày sau đó Thục xấu hổ đến mức chẳng dám nhìn mặt ai. Nhất là những khi Hoàng Hòa ngồi dãy bên kia trông sang, Thục càng nóng ran cả mặt mày.
Nhưng Hoàng Hòa nghĩ ngợi như thế nào, đối với Thục điều đó không quan trọng. Thục chỉ sợ Phong Khê hiểu lầm, dù rằng tại sao Thục lại sợ như vậy thì chính Thục cũng không cắt nghĩa được. Nó chỉ biết nó cảm thấy thấp thỏm khi Phong Khê đọc được bài thơ “tai họa” của Phán củi và khi Phong Khê đòi “tạm biệt” một cách đột ngột thì nó lại vô cùng bứt rứt. Nó không rõ đằng sau lý do ôn thi học kỳ hai có còn một lý do nào khác như Xuyến nhận xét hay không. Dù sao thì Thục cũng cố tin rằng Phong Khê không bịa chuyện, rằng anh ta đề nghị cả bọn tạm thời “cắt đứt liên lạc” chính vì lợi ích học tập của anh và cả của bọn Thục.
Vì thật ra kỳ thi quan trọng kia cũng đã đến gần. Chỉ còn một tuần lễ nữa thôi.
Khác với Thục, Xuyến và Cúc Hương chẳng tỏ vẻ gì âu sầu về chuyện Phong Khê đòi “ngưng chiến“. Lần trước, nhà thơ Lê Huy Phán lỡ tuôn ra hai câu thơ tàn nhẫn “dù quen biết hay không quen biết, thì bọn này có thiết tha chi” khiến sau đó Phong Khê cáo bệnh về vườn nằm đọc báo... Mực Tím thì Xuyến và Cúc Hương còn tỏ ra áy náy, nhưng lần này mọi sự là do đề nghị “chính đáng” của Phong Khê nên sự im lặng của anh ta không còn là... sự im lặng đáng sợ đối với tụi nó nữa. Cúc Hương chỉ thỉnh thoảng buồn tình than thở:
- Than ôi, thời ăn uống nay còn đâu!
Xuyến cười:
- Thi xong học kỳ hai, nhà máy chế biến thực phẩm mang tên Phong Khê sẽ hoạt động trở lại chứ lo gì!
Cúc Hương vẫn rầu rầu:
- Sao lại không lo! Thi xong học kỳ hai là chuẩn bị nghỉ hè. Nghỉ hè xong tụi mình đâu còn học ở trường này nữa mà tính chuyện “đục khoét” tiếp!
Trước nay, Xuyến và Thục chẳng bao giờ nhớ năm học của chúng là năm học cuối cùng ở ngôi trường này và chẳng bao lâu nữa chúng sẽ phải từ giã khung cảnh quen thuộc nơi đây nên bây giờ nghe Cúc Hương nhắc, cả hai bất giác thở dài cảm thán:
- Ừ hén, vậy mà tụi tao quên béng đi mất! Vậy mà lâu nay cứ tưởng tụi mình sẽ ăn đời ở kiếp nơi đây!
- Làm gì có chuyện đó! - Cúc Hương tặc lưỡi - Không những tụi mình không ăn đời ở kiếp tại đây được mà con Thục cũng đừng hòng “ăn đời ở kiếp” với anh chàng Phong Khê của nó! Mai đây, khi tụi mình đi rồi, hắn ta sẽ tiếp tục nhét thư vào ngăn bàn của một đứa con gái khác đòi làm quen, và như thế là con nhãi tốt số đó sẽ hưởng tất tần tận những thứ của ngon vật lạ trên cõi đời này. Còn tụi mình thì... trơ mõm!
Lời tiên tri của Cúc Hương khiến Thục nhăn mặt:
- Mày nói gì nghe ghê quá!
- Để đó rồi mày coi! - Cúc Hương gục gặc đầu như một nhà hiền triết - Mày buồn thì tao chịu nhưng “sự thật khách quan” như thế nào thì tao nói vậy! Tụi đàn ông con trai mà mày!
- Xí! - Thục bĩu môi - Mày làm gì mà rành tụi con trai dữ vậy?
- Sao lại không rành? - Cúc Hương trợn mắt - Tưỡng gì chứ tụi con trai, tao biết cả tá!
- Xạo đi!
- Tao xạo mày làm gì! Trong bà con dòng họ nhà tao có đúng mười hai anh em trai mà!
Nói xong, Cúc Hương nhe răng cười khiến Thục dù đang tức ấm ách cũng phải bật cười theo.
- Thôi đừng cà rỡn nữa! - Xuyến thình lình xen vào, giọng có vẻ trầm ngâm - Bây giờ tụi mình tập trung bàn chuyện này coi!
Thấy Xuyến mặt mày nghiêm trọng, Cúc Hương nheo nheo mắt:
- Chuyện gì mà phải “tập trung” dữ vậy? Bàn số đề hả?
Phớt lờ sự cà khịa của Cúc Hương, Xuyến tiếp tục theo đuổi những ý nghĩ vừa lóe ra trong óc:
- Theo tao, đã đến lúc tụi mình cần phải tìm hiểu xem anh chàng Phong Khê là người như thế nào!
Lời tuyên bố bất ngờ của Xuyến khiến Thục và Cúc Hương trố mắt:
- Sao hôm trước mày bảo đừng truy tìm hắn, sợ “mất giá”?
- Hôm trước khác, bây giờ khác! Bây giờ sắp nghỉ hè. Trước khi chia tay ít ra tụi mình cũng phải “liếc sơ” qua hắn để... mở rộng kiến thức chứ!
Nghe Xuyến nói, bất giác Thục cảm thấy tim mình đập thình thịch. Nhưng nó không tỏ lộ điều gì. Chỉ có Cúc Hương là hào hứng:
- Vậy sáng mai tụi mình bắt đầu chiến dịch truy lùng... đạo tặc. Tao sẽ...
Cúc Hương chưa nói dứt câu, Xuyến đã cắt ngang:
- Sáng mai chưa được! Phải đợi thi xong học kỳ hai đã!- Mày không muốn vi phạm “hợp đồng” với tay Phong Khê chứ gì?
- Không hoàn toàn như vậy! - Xuyến thủng thỉnh - Cái chính là tao muốn con Thục được ăn ngon ngủ yên trước ngày thi! Gặp Phong Khê bây giờ, rủi đó là một tên ốm o quặt quẹo có phải hỏng bét hết mọi chuyện không! Tốt nhất là chờ thi cử xong xuôi. Lúc đó, con Thục có thất vọng cũng không ảnh hưởng gì!
Cúc Hương gật gù:
- Vậy thi xong là tụi mình ra tay “vạch mặt” hắn liền?
Xuyến cười:
- Ừ, lúc đó mày sẽ được ưu tiên thủ vai thanh tra Ca-ta-nhi.
Cúc Hương rụt cổ:
- Và rốt cuộc tao sẽ bị bắn chết như trong phim “Con bạch tuộc”?
- Không đâu! - Xuyến nhún vai - Trong vụ này, nếu có kẻ chết thì người đó là con Thục chứ không phải mày!
Thục đỏ mặt, mỉm cười không đáp. Nghĩ đến lúc gặp mặt Phong Khê, tự nhiên Thục cảm thấy xao xuyến khôn tả. Trước đây, bị Xuyến cấm cản, Thục nóng lòng biết mặt anh ta kinh khủng. Bây giờ, Xuyến đã “bật đèn xanh”, Thục lại tần ngần nửa muốn nửa không. Thục không làm sao giải thích được sự mâu thuẫn trong lòng mình. Hay là Thục sợ khi gặp mặt anh chàng Phong Khê bằng xương bằng thịt, niềm vui rộn ràng sẽ biến thành nỗi thất vọng sâu xa như Xuyến nói? Có phải vậy không, Thục cũng không biết nữa.