“Không chân? Sao không nói là không đầu luôn đi? Rõ thật là bịa vớ bịa vẩn.” Chiêm Đài phá lên cười: “Sao anh không nói là ông già đó tuổi cao nên hoa mắt, ánh đèn ban đêm lại mờ, những người khác thì đều đi giày màu đen?”
“Còn lí do nào không đáng tin hơn cái lí do trên xe toàn là ma không?” Chiêm Đài nói với giọng điệu đầy khinh thường: “Trên đời này lấy đâu ra lắm ma quỷ lang thang vật vờ thế? Nếu thật sự có thể dễ dàng nhìn thấy ma như vậy thì chúng ta còn tu luyện vất vả từng ấy năm làm gì?”
Vạn vật trên thế gian đều có số mệnh, đâu thể vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết dễ dàng như thế?
Từ trước đến nay, cái gọi là ‘gặp ma’, mười lần thì có đến chín lần rưỡi là những suy nghĩ xấu xa mà con người không vượt qua được.
Ngày thường không làm chuyện trái với lương tâm, nửa đêm không sợ ma gõ cửa.
Chiêm Đài nhận càng nhiều vụ thì càng khịt mũi coi thường những vụ cầu thần, bắt ma như này.
Nghe xong câu chuyện, cậu hừ nhạt rồi hỏi: “Sau đó thì sao?”
Lão Bạch rụt cổ, đáp: “Chuyện ma mà, đương nhiên là có đủ loại kết cục.”
“Ờ, có phiên bản kể rằng đêm đó, chiếc xe buýt gặp tai nạn, toàn bộ người trên xe đều thiệt mạng, ngoại trừ ông già và cậu chàng kia.
Về sau, tuyến xe buýt đó cũng đổi tuyến đường.”
“Còn có phiên bản khác là, sau khi về đến nhà, cậu chàng càng nghĩ càng thấy không đúng.
Hôm sau, cậu ta lại đến đúng bến cũ chờ xe buýt, nhưng lại nghe nói hôm qua tu sửa tuyến Lập San, nên căn bản là không có xe chạy truyến đó.”
Lão Bạch chớp chớp đôi mắt bé như hạt đậu, nói vẻ rất gian manh: “Tôi thì vẫn thích nhất cái kết thế này.”
“Ông già nói với chàng trai: ‘cậu có biết vừa rồi trên xe, ngoài tôi với cậu ra thì mọi người đều không có chân không? Cậu chàng thót tim, mồ hôi lạnh chảy dọc sống lưng.
Sau khi trấn tĩnh lại, cậu ta mới trịnh trọng nói lời cảm ơn ông già.”
“Nhưng khi cúi đầu nói cảm ơn, cậu ta mới nhìn thấy dưới ống quần màu xám nhạt của ông già, rõ ràng là không có chân.”
Nói đoạn, lão Bạch rùng mình, hai cánh tay vòng lấy nhau.
Nom bộ dạng sợ sệt của hắn, Chiêm Đài hơi nhếch khóe miệng.
Cái kết mở kiểu này lại còn thú vị.
Một chiếc xe buýt vốn dĩ đang chạy bon bon trên đường, một ông già quái gở, dẫn một cậu nam sinh hồn nhiên xuống xe.
Giữa bốn bề đồng không mông quạnh, ông già khàn giọng, nói: “Ngoài tôi và cậu ra, những người trên xe đều không có chân.”
Cậu nam sinh vừa mới thoát chết liền mừng húm, nhưng trong khoảnh khắc cúi đầu xuống lại phát hiện người không có chân rõ ràng chính là ông già đang đứng trước mặt.
Ai là thật, ai là giả, ai là người, ai là ma.
Đến cùng thì cậu nam sinh nên tin ai, và kết cục của cậu ta sẽ như thế nào?
Trong giây phút hồi hộp, khoảng trống đó vừa vặn cho con người ta không gian tưởng tượng vô hạn.
Chiêm Đài ngẫm ngợi một hồi vẫn cảm thấy chẳng nghĩ ra được đáp án tiêu chuẩn.
Cậu mỉm cười lắc đầu, quẳng câu chuyện đó ra sau gáy.
Cho đến khi cậu đến Trường Sa gặp bố của Ngô Du.
Ngô Du mất tích một cách rất kỳ lạ.
Khoảng một tháng trước, Ngô Du bắt xe buýt từ trạm dừng Đại học Nam Trung đến ga Trường Sa.
Cậu ta xuất phát vào buổi trưa một ngày không phải cuối tuần, đó vốn là khoảng thời gian để nghỉ ngơi giữa ngày.
Không ai biết tại sao cậu ta lại chọn đến ga tàu vào thời điểm như vậy.
Cậu ta mới vào trường chưa đầy một năm, chương trình học của tháng Sáu hết sức căng thẳng.
Đây là thời điểm quan trọng để giáo viên tổng hợp những nội dung trọng tâm cho kỳ thi cuối kỳ.
Buổi sáng, Ngô Du đi học rất đúng giờ.
Buổi trưa, cậu ta còn hẹn bạn cùng lớp đến thư viện tự học vào buổi tối.
Song lại không thấy bóng dáng cậu ta trong giờ học chuyên môn chiều hôm đó.
Một cậu thanh niên 18, 19 tuổi thỉnh thoảng trốn tiết một, hai lần cũng là chuyện bình thường.
Xem bóng đá, chơi game, theo đuổi bạn gái, việc nào mà chẳng tốn thời gian và công sức.
Mặc dù bạn học của Ngô Du rất ngạc nhiên khi cậu ta trốn tiết học quan trọng trước kỳ thi, nhưng cũng không mấy bận tâm, còn cho là buổi trưa cậu ta ngủ quên nên không đến lớp.
Bạn học đó còn rất trượng nghĩa, chẳng những không mách giáo viên mà còn điểm danh thay Ngô Du, giấu chuyện nhẹm
này một cách ổn thỏa.
Trong phòng tự học ở thư viện vào buổi tối, bạn học của Ngô Du cũng không thấy cậu ta đến như đã hẹn, lại gọi điện thoại và gửi tin nhắn qua Wechat liên tục mà không thấy trả lời.
Bấy giờ, người bạn mới cảm thấy nóng ruột, bèn đi đến ký túc xá của cậu ta.
Bạn học và bạn cùng phòng ký túc xá của Ngô Du đợi đến 11 giờ tối là lúc ký túc xá tắt đèn mà vẫn không thấy cậu ta về.
Bấy giờ, họ mới hoảng hốt báo cho người phụ đạo.
Việc sinh viên mất liên lạc là chuyện lớn.
Người phụ đạo lập tức báo cáo với nhà trường, rồi báo cảnh sát.
Cảnh sát kiểm tra camera suốt đêm, phát hiện sau giờ cơm trưa, Ngô Du đeo chiếc ba lô màu xanh xám, đã lên một chiếc xe buýt ở trạm dừng xe buýt trước cổng trường, chạy tuyến đến ga tàu.
“Mới đầu tôi còn tưởng con trai mình muốn về nhà.” Bố Ngô Du vừa tròn 50 tuổi, nhưng việc ngày đêm tìm kiếm con trai suốt một tháng trời đã khiến ông dường như già đi rất nhiều, hai bên tóc mai đã nhuộm màu gió sương.
“Sau khi lên Đại học, nó vẫn chưa về nhà lần nào.”
Chiêm Đài nhạy cảm ngước mắt lên.
Một người con mới học Đại học năm đầu tiên, thường sẽ nhớ nhà mình nhất.
Tháng Chín khai giảng còn phải tập quân sự, rất nhiều bạn trẻ còn bị cháy nắng, chỉ mong đến ba ngày nghỉ Tết Trung thu để mua vé máy bay, mua vé xe, dẫu vượt ngàn dặm xa xôi cũng phải về nhà làm nũng bố mẹ.
Tuy nhiên, từ sau khi nhập học vào tháng Chín, đã sắp đến kỳ nghỉ hè của năm nhất mà Ngô Du vẫn chưa về nhà.
Huống hồ, còn có kỳ nghỉ đông và nghỉ Tết ở giữa.
Ông Ngô cảm nhận được ánh mắt hoài nghi của Chiêm Đài, bèn cười gượng.
Vẻ mặt vừa bối rối vừa thoáng nét buồn bã, ông giải thích: “Không phải như cậu nghĩ đâu.
Từ nhỏ Ngô Du đã lớn lên bên cạnh tôi và mẹ nó, tình cảm cha con giữa chúng tôi rất tốt.
Dạo Tết, nó không muốn về là bởi vì… tôi tái hôn.”
Mẹ của Ngô Du đã qua đời cách đây hai năm, hai bố con họ sống nương tựa vào nhau suốt hai năm nay.
Khi cậu con trai của mình lên Đại học, ông Ngô cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm.
Trước kỳ nghỉ đông, ông ngập ngừng nói với con trai rằng gần đây có tiếp xúc với một ‘dì’ cùng tuổi, đã góa bụa.
Hai người khá hợp nhau, còn có ý định bày mấy bàn tiệc vào dịp Tết để tổ chức một đám cưới đơn giản.
Ông Ngô rất xấu hổ, chỉ có thể úp mở hỏi ý kiến của Ngô Du.
Trong điện thoại, Ngô Du không nói gì.
Sau một hồi im lặng ngột ngạt, cuối cùng cậu ta chỉ ‘à’ một tiếng.
Dứt lời, cậu ta cúp máy.
Hôm sau, cậu ta nhắn tin cho bố mình, nói là đã tìm được một công việc làm thêm ở gần trường trong kỳ nghỉ đông, tiền công trong những ngày Tết được trả rất cao, nên sẽ không về nhà.
Ông Ngô nắm chặt điện thoại di động, đọc đi đọc lại hơn chục lần đoạn tin nhắn chỉ vài ba từ đó mà hai mắt đỏ hoe.
Tiệc rượu vẫn được tổ chức.
Ông Ngô dè dặt nói cho Ngô Du biết chuyện, rồi lại thấp thỏm đợi tin của cậu ta trước kỳ nghỉ hè.
Khi người phụ đạo báo cho ông biết là Ngô Du bắt xe buýt đến ga tàu, phản ứng đầu tiên của ông là hết sức vui mừng vì ngỡ con trai mình sắp về nhà..