Tiến ngồi khoanh chân trên hòn đá bên bờ sông Tảng đá rất to, nhẵn thín, không biết ở đâu ra. Tiến nghe ông bà kể mười sáu năm trước, tức là lúc Tiến mới ra đời, có một đoàn người đến đây để khai thác cát bên sông. Tảng đá đó tự dưng xuất hiện sau một đêm. Dịch chuyển kiểu gì cũng không được. Mấy người công nhân khai thác cát dùng máy móc thử phá tảng đá ra mà không được. Người thì cắt phải chân tay. Người thì đêm nằm mơ ác mộng. Người lại thấy máu từ trong tảng đá chảy ra. Lâu dần không ai dám động vào nữa.
Người lớn thì kiêng kỵ nhiều chứ lũ trẻ không để ý lắm. Đến khi Tiến có ý thức, biết mò ra chỗ tảng đá chơi thì cũng không còn mấy ai nhớ đến những chuyện huyền bí kia nữa. Từ đó trở đi, Tiến thường ra đây chơi. Hồi nhỏ còn bày trò với chúng bạn. Bây giờ Tiến đã lớn, cậu chỉ ra đây ngồi học. Trẻ con trong vùng cũng không đứa nào ra để nghịch đất cát như Tiến hồi xưa.
Hôm nay, Tiến cũng ra tảng đá ngồi, tay cầm quyển sách. Về khoản sách vở thì ít ai bằng Tiến. Làng Con Rùa xưa nay vốn không xuất sắc về mặt khoa bảng. Có được một người nghe nói đỗ trạng nguyên thì cũng từ ngày xửa ngày xưa rồi. Những người thành đạt trong làng cũng không ai học nhiều. Đa số họ bỏ học sớm, đi làm thuê làm mướn rồi khi có vốn thì chuyển qua kinh doanh. Bọn trẻ con lớn lên trong những gia đình như thế cũng bắt chước bố mẹ, lúc nào cũng nghĩ tới việc làm ăn buôn bán chứ không quan tâm mấy đến bài vở. Tiến có thể coi là một ngoại lệ ở làng, thậm chí là ngoại lệ so với những người cùng lứa tuổi. Tiến thích đi học. Thường ngày Tiến vẫn ra đây, ngồi trên tảng đá đọc sách, làm bài.
Tiến đang nhìn mấy dòng chữ, chưa kịp đọc thì thấy từ phía đường lớn, một thằng nhóc đen nhẻm, nhỏ thó hớt ha hớt hải chạy như ma đuổi. Tiến nhận ra thằng Sỹ, em trai mình. Là hai anh em mà sao chẳng giống nhau. Tiến da trắng, môi đỏ, mắt sáng, bộ dạng thanh tú đúng kiểu thư sinh. Còn thằng Sỹ còn nhỏ mà rắn rỏi, cứng cáp, da dẻ lúc nào cũng đen thui bởi phơi nắng nhiều.
Thấy Sỹ, Tiến gọi:
- Sỹ! Làm gì mà chạy vội vàng thế hả?
Nhưng hình như thấy Tiến, thằng Sỹ càng chạy nhanh hơn. Lần này, vừa chạy nó vừa la hét:
- Mọi người ơi! Mọi người ơi!
Tiến cũng đâm hoảng, vội vàng ôm mấy quyển sách chạy theo Sỹ về nhà. Cậu bị thằng em bỏ xa một đoạn. Về đến nơi thì Tiến đã thấy Sỹ mặt mày xám ngoét, đứng núp sau lưng bố mẹ. Xung quanh nhà còn mấy người hàng xóm. Mặt ai nấy đều đanh lại.
- Anh... Tiến... Anh là...
là người hay là ma thế? - Sỹ lắp bắp.
Tiến chau mày:
- Sao em lại hỏi thế?
Một người hàng xóm bạo gan lên tiếng:
- Nãy có người vớt xác mày ở dưới sông lên đây này! Tao với ông Biên chứ ai?
Mẹ Tiến cũng không dám nhìn con, chỉ hỏi:
- Mày là người hay là ma hả con?
Bố Tiến lườm:
- Chết rồi thành ma thì mới hiện về được chứ?!
Tiến bực lắm. Rõ ràng là cậu còn sống sờ sờ đây mà sao mọi người lại nói những điều quái dị như thế? Nhưng vừa lúc ấy, Tiến thấy trong nhà có một cái bóng. Cái bóng đen sì, tỏa ra luồng hơi như gió sông. Hình như ngoài Tiến ra không ai thấy cái bóng ấy.
Phải chăng ấy là Diêm Vương sai quỷ sứ đến bắt Tiến đi?
Tiến vội quay lưng bỏ chạy ra khỏi nhà. Không thể có chuyện kinh dị như thế được! Tiến còn sống! Cậu cắm đầu chạy ra sông. Sau lưng có đám người hiếu kỳ đuổi theo.
Tiến nhìn tảng đá, rồi lại nhìn ra giữa sông. Sông Bạch Long nổi sóng, nước cuộn thành từng xoáy.
Bỗng từ sông bốc lên một làn sương dày. Rất nhanh, làn sương bọc lấy Tiến.
Người làng nhìn ra giữa sông, thấy trong đám sương hiện lên một tòa lâu đài xây theo kiểu cổ. Xung quanh là một đám đông người lố nhố không rõ ai với ai. Sương mờ dần, người ta thấy cờ lọng bay đỏ rực trên sông. Thằng Sỹ reo ầm lên rồi chỉ tay về phía trước:
- Anh Tiến kia kìa!
Đúng là Tiến thật. Cậu mặc áo dài đỏ, đứng cạnh một người đàn ông cao lớn cũng mặc đồ na ná như thế. Trong màn sương đã tan bớt, người đàn ông lạ lùng kia đi lướt trên mặt sông. Người ấy cúi đầu như lạy tạ:
- Tôi vốn là thần ở sông này. Mấy trăm năm trước, trạng nguyên vinh quy bái tổ về làng ta, tôi sinh lòng cảm mến mà dâng sóng nhấn chìm thuyền, đặng giữ trạng lại. Nợ trần chưa dứt, mười sáu năm trước người ấy lại đi đầu thai. Tôi hóa ra tảng đá mà ở đây chờ. Giờ cậu ấy trút bỏ xác phàm, tôi xin đón cậu ấy về. Công ơn cha sinh mẹ dưỡng chúng tôi không dám quên, nên xin gửi lễ để tỏ lòng thành.
Nói rồi thần sông hóa phép ra mấy rương gỗ. Nắp rương bật ra, bên trong xếp đầy những vàng sáng lóa.
Ai nấy đều á khẩu. Khi định thần lại thì tòa lâu đài lẫn người trên sông đã biến mất rồi. Chỗ từng có tảng đá thì để lại một cái vảy trắng sáng lấp lánh.