Dịch: Amelie.Vo
Tôi bê đống sách xuống khỏi kệ và phân công cho Tử Dạ cùng nhau tìm kiếm.
Trong này có sách giáo khoa, truyện cổ tích, sách tham khảo, tiểu thuyết tiếng Hoa và tiếng Anh, vân vân.
Tôi càng lúc càng nóng ruột, không thể nhẫn nại được như Tử Dạ.
Cậu ngồi yên xem sách rất nghiêm túc, bên cạnh là mấy tầng sách xếp chồng lên nhau.
Thật tình tôi không coi nổi nữa.
Việc đầu tiên mà tôi nghĩ đến chính là: có khi nào manh mối được giấu trong các góc của giá sách hay không, chẳng hạn như mật thất hay gì đó.
Lúc làm trống kệ sách, tôi chợt tìm thấy một chiếc hộp khóa ngoài ở phía trong cùng bên trái, nằm ở tầng ba của chiếc kệ.
Mật khẩu gồm sáu chữ số.
Ban đầu, tôi thử nhập ngày sinh của cả ba chúng tôi.
Bây giờ là tháng 7 năm 2022.
Vậy thì…
Ngày sinh của Nhã Nhã là 950601.
Sai rồi! Có phải năm sinh bị sai hay không? Tôi thử từ 1985 tới 2000, tất cả đều sai hết.
Ngày sinh của Tử Dạ là 031202.
Sai luôn! Sau khi xác nhận lại với Tử Dạ, tôi không hề ấn sai mà.
Ngày sinh của tôi là 990831.
Sai nốt!
Vậy thì, ắt hẳn mật khẩu phải nằm trong sách.
Tử Dạ: “Một số quyển sách có đánh dấu màu đỏ.
Có thể đó là manh mối.”
Cậu đẩy sang cho tôi một quyển từ điển, trên đó có một câu được khoanh lại bằng bút đỏ:
[Yêu thương là cảm giác mến mộ và tri kỷ giữa hai cá thể hữu tình.]
Chúng tôi tìm thấy tổng cộng năm quyển sách có đánh dấu màu đỏ, chủ yếu là sách tranh và tiểu thuyết.
Trong số đó có một quyển được khoanh hai câu.
Bốn quyển còn lại, mỗi quyển khoanh một câu.
Quyển 1:
[“Có thể đưa cho ta một con dao được không?” Cô hỏi phù thủy.]
Quyển 1:
[“Được thôi.
Nàng định giết bọn họ, hay giết chết chính mình?” Phù thủy hỏi.]
Quyển 2:
[Không nên dễ dàng bỏ cuộc như vậy! Cho dù là quái vật đáng sợ nhất cũng có quyền được yêu.]
Quyển 3:
[Thể nào lại mang chiếc lồng dệt bằng tình yêu, giam cầm cô vào trong chốn tuyệt vọng.]
Quyển 4:
[Tôi thật sự không phải cô ta, tại sao lại muốn giết chết tôi cơ chứ?]
Quyển 5:
[Yêu thương là cảm giác mến mộ và tri kỷ giữa hai cá thể hữu tình.]
Rốt cuộc sáu câu trích dẫn kỳ lạ này hàm chứa ý nghĩa gì? Nó có liên quan gì đến mật khẩu mở khóa hay không?
Đợi chút, tôi sắp xếp lại nó một lần nữa và khoanh tròn các ký tự đầu câu.
“Có thể đưa cho ta một con dao được không?” Cô hỏi phù thủy.
Thể nào lại mang chiếc lồng dệt bằng tình yêu, giam cầm cô vào trong chốn tuyệt vọng.
Yêu thương là cảm giác mến mộ và tri kỷ giữa hai cá thể hữu tình.
Tôi thật sự không phải cô ta, tại sao lại muốn giết chết tôi cơ chứ?
“Được thôi.
Nàng định giết bọn họ, hay giết chết chính mình?” Phù thủy hỏi.
Không nên dễ dàng bỏ cuộc như vậy! Cho dù là quái vật đáng sợ nhất cũng có quyền được yêu.
Trái tim tôi đập loạn một nhịp.
Những lời này vốn có hàm ý sâu xa hơn, hẳn là liên quan đến Ân Tử Nhã.
Tuy nhiên, tôi không cách nào đồng cảm được với kẻ đã cầm tù tôi và Tử Dạ.
Tôi chỉ muốn được tìm mật khẩu mà thôi.
Song, những thứ này đều là chữ và chữ.
Mật khẩu lại là những con số, sao bây giờ đây?
Tử Dạ: “Có thể đếm số nét của chữ Hán hoặc là số chữ của bính âm.”
(Bính âm là cách đọc của chữ Hán.
Ví dụ chữ 妈 có bính âm là “mā”, nghĩa là mẹ)
Số nét của chữ Hán lần lượt là: 5, 4, 5, 4, 10, 7.
Tôi nhập thử “545417”.
Chiếc hộp vang lên một tiếng “cạch”.
Mở ra được rồi!
Bên trong hộp có một quyển sổ màu cà phê thật dày.
Đúng lúc này, tôi nhận được một tin nhắn tới:
[Chúc mừng Huyên Huyên đã khám phá ra quyển sổ.
Cậu đã tiến rất gần đến chân tướng rồi đấy.
Hy vọng cậu có thể hiểu được quá khứ của mình.
(Nhã-Nhã-khá-ngạc-nhiên-trước-hành-động-của-Huyên-Huyên.jpg)]
Những con chữ chi chít được viết bằng bút máy theo lối Hành thư [1], đồng thời còn đính kèm rất nhiều hình ảnh, nhìn cực kỳ quen mắt, dường như tôi đã từng xem qua đâu đó.
À, nhớ rồi! Ghi chép của bác Vinh trong hồ sơ bệnh án viết tay giống hệt những con chữ này.
Đây hẳn là quyển nhật ký của bác Vinh – quản gia kiêm bác sĩ tư nhà họ Ân.
Tôi lướt qua một lượt quyển sổ.
Có rất nhiều danh xưng đại loại như “Đại tiểu thư”, “Tiểu thiếu gia”, “Lão gia”, “Phu nhân”, “Lão phu nhân”, “Hạ nhân”, vân vân.
Bây giờ đã là xã hội hiện đại chứ không phải thời phong kiến nữa.
Ông ấy quả thật là một con người hoài cổ.
Tuy nhiên, những gì bác Vinh viết đều là manh mối chính yếu.
Tôi và Tử Dạ cùng nhau đọc kỹ càng:
——————–
Ngày 1 tháng 6,
Đại tiểu thư đã treo cổ tự sát vào đúng ngày sinh nhật của cô hôm nay.
Một cô bé tài hoa như vậy, quá đáng thương rồi.
Chúng tôi đều rất hối hận vì đã không ngăn cản cô ấy kết hôn cùng với tên cặn bã kia.
Vào những ngày cuối đời, cô đã thuê một căn phòng tồi tàn, dùng dây điện để thắt cổ tự vẫn.
Phu nhân đã xỉu ngay tại chỗ rồi mãi mãi không bao giờ tỉnh lại.
Lão gia ra đi còn chưa được bao lâu mà.
Ngày 10 tháng 6,
Thi thể của đại tiểu thư vẫn chưa được hạ táng mà đặt trong một chiếc quan tài và để ngay giữa phòng khách.
Mùi hôi thối đã bốc lên khắp nhà, không ai có thể chịu nổi.
Hạ nhân của Ân gia đã bỏ đi gần hết, không người nào muốn ở lại chăm sóc cho một cái thây cả.
Trước khi rời khỏi đó, tôi phải dùng một chiếc khăn ướt để che mũi và miệng mình lại.
Đến cả hàng xóm xung quanh còn hô hoán rằng nếu không xử lý mùi hôi này thì bọn họ sẽ báo cảnh sát.
Bọn họ những tưởng xác chết là của một con vật cưng.
Tôi đến gặp lão phu nhân ở lầu hai và nhắc nhở bà nên đưa xác đi chôn càng sớm càng tốt.
Mùi tử thi phân hủy bao gồm putrescine và cadaverine, rất có hại cho cơ thể con người.
Nếu để nó khuếch tán sẽ gây ra ngộ độc.
Lão phu nhân ngồi trên xe lăn, tay vuốt ve con mèo.
Mãi một lúc sau bà mới đáp: “Vẫn còn chưa đến lúc.”
Trông bà chậm chạp và nặng nề như thể một cái xác bị phù thủng.
Song, đôi mắt ti hí kia lại sáng rực như một ngọn đèn dầu.
Chắc hẳn bà cụ đau lòng lắm, không nỡ để cháu gái mình rời đi.
Ngày trước, dù tính tình bà có ngoa ngoắt và hà khắc bực nào, thì bây giờ khi cả con trai và cháu gái của mình đều ra đi, tôi lại thấy thông cảm cho bà ấy.
Ngày 25 tháng 6,
Tôi gọi điện thoại cho chị Lưu – người phụ trách bếp núc.
Chị thông báo với tôi rằng thi thể của đại tiểu thư đã không còn đặt ở trong phòng khách nữa.
Cuối cùng, mùi hôi thối cũng đã đỡ hơn rồi.
Lão phu nhân gọi tiểu thiếu gia trở về nhà.
Chị Lưu bảo lão phu nhân càng ngày càng kỳ quái, chị không muốn tiếp tục ở lại đây, đương tính chuyện chuyển đi nơi khác.
Người từ trước đến nay che chở cho tiểu thiếu gia là lão gia đã qua đời.
Lão phu nhân vốn vẫn luôn không chấp nhận được cậu.
Thế nhưng, tiểu thiếu gia lại là người đứng đầu trong danh sách thừa kế gia sản của lão gia.
Cho dù Ân gia có lụn bại thì gia sản cũng không hề ít ỏi.
Tôi nhờ chị Lưu nhắc nhở tiểu thiếu gia một chút nhưng chị Lưu lại bảo tiểu thiếu gia không mấy hứng thú đến tiền tài, thay vì ở lại giữ căn biệt thự nát này, chi bằng rời đi thật xa.
Chị Lưu còn bảo mỗi lần đi chợ về, chị đều cảm thấy choáng váng mặt mày.
Cái mùi hôi thối này cho dù có tẩy rửa thế nào cũng không tan đi.
Ngày 13 tháng 7,
Những ngày này, tôi thường hay nghĩ về người mẹ ruột của tiểu thiếu gia.
Người phụ nữ tên Bạch Thường kia, xinh đẹp còn hơn một đóa hồng trắng.
Tiếc thay, đó lại là một đóa hồng bệnh tật.
Có lẽ đã đoán trước được kết cục của mình, sau khi gửi tiểu thiếu gia đến Ân gia, cô ấy liền đưa chiếc vòng tay có giá trị duy nhất trên người mình cho vợ tôi, nhờ chúng tôi bảo vệ đứa con trai của cô.
Lúc vợ tôi từ chối nhận vòng tay, cô ấy cực kỳ thất vọng.
Nhưng cho dù không có chiếc vòng tay, hai chúng tôi vẫn sẽ tận sức chăm sóc tốt cho tiểu thiếu gia mà.
Chúng tôi có thể nhận ra được, mặc dù lão gia cư xử lạnh nhạt với tiểu thiếu gia, nhưng trong lòng vẫn rất coi trọng cậu.
Những ngày về hưu, mỗi ngày tôi đều nhàn rỗi đến cuống cuồng.
Chợt nhớ đến tiểu thiếu gia, tôi bèn dứt khoát chọn một ngày cuối tuần để đến thăm cậu.
Có rất nhiều người ăn bận theo kiểu đạo sĩ ở Ân gia, trong sân còn chứa cả đạo cụ dùng để làm phép.
Lão phu nhân ngồi trong sân, tinh thần phấn chấn.
Bà không ngừng nói: “Người sắp về rồi, sắp về rồi.”
Cảm thấy mình không được khỏe lắm, tôi bèn kể với vợ tôi về điều này.
Vợ tôi nghe xong liền phản ứng rất mạnh.
Cô nói rằng lão phu nhân đã lên kế hoạch từ lâu, rất rất lâu rồi.
Ngày trước có một lần cô dọn dẹp nhà vệ sinh thì bất cẩn đi nhầm vào căn phòng bí mật của bà cụ.
Bên trong đó chứa rất nhiều thứ cực kỳ đáng sợ, có liên quan đến “thái phu nhân” – tức mẹ của lão phu nhân.
Vợ tôi còn bảo, tuyệt đối không được dính líu đến mấy chuyện này.
Dù lão gia vốn có ơn với chúng tôi nhưng giờ người đã mất, hợp đồng cũng kết thúc.
Những chuyện khác chúng tôi e là không quản nổi.
Ngày 14 tháng 7,
Tôi liên lạc với trường học của tiểu thiếu gia.
Tiểu thiếu gia đã mất tích hai tuần rồi.
Tôi dám chắc cậu ấy vẫn đang ở trong ngôi biệt thự cũ.
Tôi phải cứu cậu ra ngoài.
Ân gia có cả đống vệ sĩ đứng canh ngay lối vào.
Tôi thay quần áo đạo sĩ rồi trà trộn vào một nhóm người đi vào bên trong.
Những người này rất kỳ quái, bọn họ không nói chuyện, mỗi người đều dắt một con dao ngay thắt lưng.
Tôi nhận ra bọn họ định làm gì đó vào ngày mai.
Tôi muốn báo cảnh sát nhưng điện thoại lại không bắt được tín hiệu.
Tiểu thiếu gia vẫn chưa tìm được, mà mùi hôi thối càng nồng nặc hơn, nhưng có vẻ những người này không hề ngửi thấy.
Ngày 15 tháng 7,
Vốn dĩ, tôi là người không tin vào ma quỷ thánh thần.
Nếu không phải tận mắt chứng kiến, tôi quả thật sẽ không bao giờ tin nổi.
Những người này bố trí toàn bộ căn biệt thự cổ thành nơi để cúng tế.
99 tên đạo sĩ gõ chiêng đánh trống và hiến tế bằng máu tươi.
Tiểu thiếu gia trẻ tuổi vừa