Cẩn Ngôn

Chương 129


trước sau

Năm Dân Quốc thứ năm, ngày 20 tháng 8 năm 1913 Dương lịch, hai nhóm học sinh Trung Quốc sang Mỹ du học lần lượt đến Thanh Đảo, Sơn Đông.

Bọn họ sẽ từ nơi này ngồi tàu thủy vượt qua đại dương đi đến một vùng đất khác, học tập sinh hoạt ở đó 2 năm. 10 ngày sau, một nhóm học sinh khác theo lộ trình tương tự bắt đầu xuất phát ở Thượng Hải.

Nhóm du học sinh xuất phát từ Thanh Đảo có tổng cộng 51 người, trong đó 50 người là thông qua khảo hạch và được địa phương đề cử, đều là những người tài đức vẹn toàn lại có sở trường đặc biệt. Chỉ thừa ra một người, đó chính là Lý Cẩm Thư mà Lý tam thiếu “lạm dụng chức quyền” đi cửa sau cứng rắn nhét vào.

Vì có thể để cho Lý Cẩn Thư lên được chiếc tàu thủy này, Lý Cẩn Ngôn đã phát điện báo cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào Hữu Đức, người chịu trách nhiệm lựa chọn nhóm du lưu học sinh đi Mỹ du học. Thẳng thắn mà nói, Lý Cẩm Thư chính là “thuận gió theo thuyền”, không chiếm dụng chi phí của nhóm lưu học sinh, học phí và phí sinh hoạt đều tự gánh lấy. Để thuyết phục đối phương, hắn còn bỏ thêm một món tiền xem như là học bổng cho nhóm lưu học sinh đầu tiên.

Có thể nói, con đường du học Mỹ của Lý Cẩm Thư chính là do Lý Cẩn Ngôn dùng tiền trải ra. Việc này hắn cũng không gạt hai vợ chồng Lý Khánh Vân.

Lý Khánh Vân càng thêm trầm lặng, tam phu nhân lại đặc biệt cảm ơn Lý Cẩn Ngôn, lại cảm tạ nhị phu nhân, còn không dưới một lần căn dặn Lý Cẩm Thư ra nước ngoài rồi không được phép tùy hứng nữa, gặp chuyện thì đừng nên quá kích động…

Bề ngoài Lý Cẩm Thư giống như tiếp thu những lời này, nhưng thật sự nghe vào hay lại nghe tai này lọt tai kia thì còn phải chờ thời gian kiểm chứng.

Khi vừa tới Thanh Đảo, cô giống như chim xổ lồng sắt, nhìn cái gì cũng cảm thấy mới lạ, thấy gì cũng thích, cuối cùng cho rằng đây mới là hương vị của sự tự do. Hai người Lý Cẩn Ngôn phái đến bên cạnh cô cũng rất ít quản cô, tuy đều là những cô gái trẻ mới ngoài đôi mươi, nhưng lúc nào cũng mang bộ dạng lạnh như băng. Lý Cẩm Thư không muốn nói chuyện với các cô, liền đi tìm mấy học sinh khác ở cùng khách sạn.

Lúc đầu thì khá ổn, mọi người chỉ đơn giản chào hỏi nhau, nói chút chuyện trong nước xảy ra đoạn thời gian gần đây. Sau khi đôi bên đã quen thuộc, khi những học sinh này bắt đầu tụm năm tụm ba lại một nhóm thảo luận các kiến thức chuyên môn, Lý Cẩm Thư lại không chen vào nổi một câu. Sở trường duy nhất của cô là tiếng Anh, những người này cũng không tệ hơn chút nào so với cô, có người còn nói được tiếng Đức, tiếng Pháp, thậm chí là tiếng Tây Ban Nha.

Những lúc này, Lý Cẩm Thư đều sẽ im lặng, dần dần, cô phát hiện mình và những người này ở chung với nhau thật khó, có phần không hợp nhau. Bọn họ lúc nào cũng thảo luận về toán học, hóa học, vật lý, thậm chí là nông nghiệp, tự do dân chủ mà cô thường xuyên nghe được ở trường học mãi vẫn không được bọn họ nhắc tới một lần nào.

Lúc Lý Cẩm Thư mở miệng ra hỏi, một cô gái tóc ngắn nói với cô rằng, chuyến này bọn họ đi là để học tập tri thức, sau khi học xong sẽ về đền đáp cho quốc gia. Bọn họ không quan tâm cái gì là đánh đổ giai cấp thống trị, cái gì là tự do dân chủ, những thứ này đối với bọn họ mà nói chỉ là lý luận suông. Bọn họ cho rằng tình hình quốc gia hiện tại so với thời kỳ nam bắc giằng co nhau thì tốt hơn rất nhiều. Những hạng mục và mệnh lệnh do chính phủ ban ra đều là vì nước vì dân. Chính phủ cũng không làm ra hành động nào bán đứng quyền lợi quốc gia, thế sao lại muốn lật đổ?

“Khi nhân dân của một quốc gia bị vây trong nghèo khó, khi phần lớn mọi người đều ăn không đủ no, nói những lời khoác lác này để làm cái gì?” Cô gái kia dừng một chút rồi nói tiếp: “Đương nhiên, không phải tôi nói suy nghĩ của cậu là sai. Chỉ là tôi cho rằng, thà làm ra chút chuyện còn hơn chỉ nói suông. Huống hồ, lời này không dễ nghe cho lắm, nhưng cậu có thể đi du học được chính là dựa vào giai cấp bóc lột trong miệng cậu đấy.”

Lời nói của cô gái rất thẳng thắn, cũng rất thực tế, hơn nữa đa số mọi người ở đây đều có cùng quan điểm với cô.

Sống chung với nhau một đoạn thời gian, những lưu học sinh này cũng cảm thấy sự khác biệt giữa bọn họ với Lý Cẩm Thư, không ai sẽ đi dồn hết tâm trí kiếm chuyện với cô ta, nhưng cũng không ai muốn qua lại quá thân cận với cô. Bộ Giáo dục chọn ra 100 học sinh trong mấy nghìn người, hiển nhiên là muốn đánh giá từ nhiều phương diện. Bọn họ đều là những người xuất sắc trong chúng bạn đồng trang lứa, thông minh, trung thực, chăm chỉ, thực dụng.

Đúng thế, thực dụng.

Khoe khoang khoác lác, thích mạnh miệng, dễ bị người khác kích động, dù có thông minh đi nữa cũng sẽ không được đưa vào danh sách đi du học.

Trước khi xuất phát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào Đức Hữu đã nói với những học sinh này những lời rất thành khẩn: “Ngày xưa từng vinh dự được đọc qua Thiếu niên luận của Lương tiên sinh, trong đó nói rằng thiếu niên là căn cơ của nước nhà, tôi hết sức tâm đắc. Các cô cậu là hy vong của Trung Hoa, là hy vọng của dân tộc! Mong các cô cậu hãy cùng cố gắng, mong các cô cậu hoàn thành việc học, sớm ngày trở về!”

Cõi lòng những học sinh này tràn đầy nhiệt huyết tận trung với Tổ quốc, lấy chấn hưng dân tộc làm nhiệm vụ của bản thân, mỗi người bọn họ đều đọc thuộc lòng Thiếu niên luận của Lương tiên sinh, mỗi người đều nguyện vì quốc gia của mình, vì dân tộc của mình mà hiến dâng đến giọt máu cuối cùng.

Lý Cẩm Thư không hiểu được cách nghĩ của bọn họ, tư tưởng của bọn họ hoàn toàn khác với những gì mà trước đây cô tiếp xúc, thế giới của bọn họ khác xa thế giới của cô. Cô cũng bắt đầu suy nghĩ, suy nghĩ về mình của trước đây, có lẽ những người này đúng… Lúc cô có thể chân chính hiểu cái gọi là lý tưởng và hiện thực rốt cục có bao nhiêu chênh lệch thì mới là lúc cô bắt đầu trưởng thành.

Trong gió biển, nhóm học sinh sắp đi xa đứng trên boong tàu, vẫy tay chào cha mẹ và thân nhân đến đưa tiễn.

Khi bọn họ trông thấy Bộ trưởng Đào và thầy giáo đã từng dạy bọn họ đứng trong đám người đưa tiễn, 50 người đồng loạt xoay người làm lễ với bọn họ, sau khi đứng thẳng thì cùng nhau ngâm nga: “Trách nhiệm ngày hôm nay, không phải của ai khác, chính là của thiếu niên chúng ta. Thiếu niên có giỏi thì đất nước mới giỏi, thiếu niên giàu có thì đất nước mới giàu có, thiếu niên mạnh mẽ thì đất nước mới mạnh mẽ, thiếu niên độc lập thì đất nước mới độc lập, thiếu niên tự do thì đất nước mới tự do, thiếu niên tiến bộ thì đất nước mới tiến bộ… Mặt trời đỏ ló dạng, con đường rạng ánh sáng… Hổ con gầm nơi cùng cốc, muông thú đều hoảng sợ… Đẹp làm sao! Thiếu niên Trung Quốc chúng ta, mãi trường tồn cùng với đất trời! Mạnh mẽ làm sao! Thiếu niên Trung Quốc chúng ta, cùng Tổ quốc sống lâu muôn đời. Thưa thầy, chúng em nhất định sẽ ra sức học tập, không phụ lòng mong mỏi của Tổ quốc!”

Thanh âm của các thiếu niên xuyên qua không trung, vụt lên trời cao, lướt qua cánh chim hải âu.

Đám người Đào Đức Hữu đưa tiễn ở bên bờ thì cao giọng đáp: “Đẹp làm sao! Thiếu niên Trung Quốc ta! Mạnh mẽ làm sao! Thiếu niên Trung Quốc ta! Hy vọng của Tổ quốc, rường cột của nước nhà!”

Một màn này được các phóng viên cũng đến tiễn đưa hết lòng dùng máy ảnh chụp ghi lại, theo tia lửa và sương khói từ ánh đèn huỳnh quang loé lên, lịch sử được khắc ghi lại trong tấm ảnh ố vàng.

Thống đốc Đức ở Thanh Đảo Waldeck nói với  đại sứ Đức trú tại Trung Quốc mới nhận chức – Paul von Hintze: “Paul, đây là một dân tộc không dễ dàng chịu chấp nhận thất bại.”

Hintze gật đầu, sắm vai làm một quân nhân Đế quốc Đức và nhân viên ngoại giao cao ngạo nói: “Nhưng bọn họ cũng là một dân tộc phải chịu áp bức. Bọn họ muốn thoát khỏi khốn cảnh thì rất khó.”

“Ai biết được.” Waldeck nhún vai, làm ra một động tác rất không phải “đàn ông Đức”: “Chỗ tôi có hai chai rượu ngon, tôi đã mời  Spee đến ăn tối, tôi nghĩ hai người sẽ có rất nhiều chuyện muốn nói.”

“Spee?” Bước chân Hintze dừng lại, rất dễ nhận thấy hắn có cái nhìn không quá tốt đối với Tổng tư lệnh hạm đội Viễn Đông đương nhiệm: “Hai năm trước tôi đã rời khỏi quân đội rồi.”

“Coi như xong. Đàn ông Đức vĩnh viễn sẽ không bao giờ quên cuộc đời quân nhân của hắn.”

“Được rồi.” Đối với một tên đã trở nên không giống một người đàn ông Đức mà càng ngày lại càng giống một tên người Mỹ như Waldeck, Hintze cũng hết cách rồi.

Tàu thủy phát ra tiếng coi dài, ống khói tỏa ra khói đen không dứt, từ từ ra khơi.

Mấy người đàn ông thấp bé xen lẫn trong đoàn người rời khỏi bến tàu.

Vừa về tới chỗ ở tạm thời, một người trong số đó lập tức nói: “Thế lực của Đế quốc tại Trung Hoa bị suy giảm không ngừng. Ở Bắc Kỳ, nhất là sáu tỉnh Bắc Kỳ mà Lâu Tiêu đang thống trị, ngoại trừ Đại Liên thì gần như không có nơi nào Đế quốc được sống yên ổn. Than,
sắt, lương thực và gỗ chúng ta yêu cầu đều không thể vận chuyển về trong nước được! Tuyệt đối không thể để việc này tiếp tục diễn ra được nữa, Đế quốc phải hành động thôi!”

“Koizumi-san, ngài công sứ Yamaza đã đặt vấn đề với Nội các, sau này lấy cái tên Shina(1) để gọi Trung Hoa.” Một tên có bộ ria ngắn, thấp giọng nói với hai mươi kẻ lùn xung quanh: “Shina, người Shina! Thời huy hoàng của đế quốc Đường Tống đã sớm thành dĩ vãng, bọn chúng không xứng chiếm giữ được một mảnh đất rộng lớn và giàu tài nguyên như thế này!”

(1) Shina là danh xưng chuyển tự Latinh từ Hán tự “支那” (Hán-Việt: Chi Na), được người Nhật sử dụng và bị nhiều người Trung Quốc coi là cách nói xúc phạm đất nước Trung Quốc. Nguyên thủy từ này được dùng một cách trung lập trong cả tiếng Trung và tiếng Nhật nhưng dần dà mang tính xúc phạm khi được dùng trong bối cảnh chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai.

“Đúng!” Koizumi đáp: “Doihara-san, đa tạ đã nhắc nhở, kẻ hèn này nhớ kỹ!”

“Ừ,” Doihara gật đầu: “Tôi sẽ lên đường đi Đại Liên, Koizumi, cậu đi cùng tôi một đoạn đi, có chuyện chúng ta cần phải làm.”

“Vâng!”

Mấy người Koizumi rời khỏi phòng thuê, Doihara đi đến trước cửa sổ, nhìn cảnh sắc bên ngoài, vẻ mặt u ám.

Thầy của hắn – Tùy viên Sakamoto – đã từng nói cho hắn biết, Trung Quốc là một con sơn dương chờ bị làm thịt, là một khối bánh ngọt chờ bị Đế quốc Đại Nhật Bản cắt xẻ.

“Hạm đội của Đế quốc ở vùng biển Trung Hoa thông suốt không gặp trở ngại, dũng sĩ của Đế quốc có thể muốn làm cái gì thì làm  trên mảnh đất này. Nơi ấy có lương thực và khoáng sản mà chúng ta cần, có tất cả mọi thứ mà chúng ta cần!”

Ở trong nước, Doihara vẫn luôn cho là như vậy. Nhưng khi hắn tận mắt nhìn thấy quốc gia này, hắn liền nảy sinh sự hoài nghi với lời thầy đã từng nói. Doihara và rất nhiều bạn học của hắn ở lục địa không giống nhau. Hắn quả thật là một phần tử cuồng nhiệt của chủ nghĩa quân phiệt, nhưng đồng thời vẫn duy trì được lý trí.

Hắn sẽ ở trước mặt sĩ quan huấn luyện lớn tiếng nói: Trách nhiệm của quân nhân Đế quốc chính là tiến công! Nhưng hắn cũng sẽ ở trong lòng mình suy xét cái giá phải trả khi làm như vậy.

Napoléon đã từng nói, Trung Quốc là một con sư tử đang say ngủ, một khi nó tỉnh lại, toàn bộ thế giới sẽ rơi vào sự run sợ. Hắn cảm tạ Thượng Đế, con sư tử này vẫn còn đang ngủ say.

Nếu con sư tử này đột nhiên tỉnh lại trong giấc nồng, vậy thế giới sẽ thành cái dạng gì đây?

Nhớ lại một màn đã chứng kiến ở bến tàu, Doihara chợt cảm thấy vô cùng lo sợ.

Không! Hắn cố hết sức lắc đầu.

Vì Đế quốc Đại Nhật Bản, trước khi con sư tử này thức tỉnh, ta sẽ hoàn toàn bóp chết nó khi nó còn đang say giấc.

Kenji Doihara cũng không biết, ngay khi hắn đang nghĩ mưu mô quỷ kế, đầy một bụng xấu, bản thân hắn đã sớm bị người ta theo dõi. Mà người đang nhìn chòng chọc hắn ôm mục đích là lấy mạng của hắn.

Thành Quan Bắc

Lý Cẩn Ngôn lật qua lật lại tờ điện báo trước mặt, hết gấp rồi lại mở, lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Tiêu Hữu Đức đứng trước mặt hắn không nhịn được mở miệng hỏi: “Ngôn thiếu gia, có vấn đề gì sao?”

“Hả, không có.” Lý Cẩn Ngôn lắc đầu.

Chỉ cần là người Trung Quốc ở hậu thế thì đều biết rõ chiến tranh Trung-Nhật(2), biết rõ Ngụy Mãn Châu quốc(3), biết rõ các phiên tòa Tokyo(4), càng biết rõ Kenji Doihara! Tên đầu lĩnh gián điệp của bọn Nhật xâm chiếm Trung Quốc, Sư đoàn trưởng của sư đoàn 14, tội ác mà hắn đã phạm phải ở Trung Quốc dù có chặt hết tre làm sách cũng không chép hết được.

(2)Chiến tranh Trung-Nhật: Chiến tranh Trung-Nhật là chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu từ 7 tháng 7 năm 1937 khi quân Thiên hoàng tiến chiếm Bắc Trung Hoa, khởi đầu từ Sự kiện Lư Câu Kiều và kết thúc khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh ngày 9 tháng 9 năm 1945 vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Đây là cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Á thế kỷ 20. (tham khảo thêm tại https://vi.wikipedia.org/wiki/Chien_tranh_Trung-Nhật)

(3) Ngụy Mãn Châu quốc: chính là Mãn Châu quốc hay Đại Mãn Châu Đế quốc, là chính phủ bảo hộ do Đế quốc Nhật Bản lập nên, cai trị trên danh nghĩa Mãn Châu và phía đông Nội Mông, do các quan chức nhà Thanh cũ tạo ra với sự giúp đỡ của Đế quốc Nhật Bản vào năm 1932. Những nhà sử học nói chung đều xem Mãn Châu quốc là chính phủ bù nhìn hay thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản vì sự hiện diện số đông của quân đội Nhật và sự quản lý chặt chẽ về quản lý chính quyền, cộng với sự tàn bạo trong thời chiến của Nhật đối với người dân địa phương ở Mãn Châu quốc. Những sử gia người Trung Quốc thường nhắc đến quốc gia này với tên “Ngụy Mãn Châu quốc” để nhấn mạnh bản chất bù nhìn cho quân xâm lược Nhật Bản của chính phủ này. (tham khảo thêm tại https://vi.wikipedia.org/wiki/Mãn_Châu_quốc)

(4)Phiên tòa Tokyo: Tên chính thức của nó là Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông, còn được gọi Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo, đã được triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 1946 để xét xử giới lãnh đạo của Đế quốc Nhật với ba loại tội ác chiến tranh. “Loại A” dành cho những kẻ đã tham gia vào những âm mưu chung nhằm phát động chiến tranh, loại này gồm những người có quyền hành cao nhất; “loại B” dành cho những kẻ phạm phải những tội ác “thông thường” (“conventional”) hoặc tội ác chống lại loài người; “loại C” dành cho những kẻ “lên kế hoạch, ra lệnh, cho phép, hoặc không chống lại các tội ác như trên ở những cấp chỉ huy cao hơn.” Ngày 12/11/1948, sau gần hai năm rưỡi tiến hành xét xử, phiên tòa Tokyo đã tuyên án 25 bị cáo, vốn là các tướng lĩnh cao cấp của Đế quốc Nhật Bản đã bị kết án tám ngày trước đó với các tội danh vi phạm luật Quốc tế về chiến tranh (tham khảo thêm tại https://www.luatkhoa.org/2017/11/tu-nuremberg-den-tokyo-nhung-phien-toa-kinh-dien-cua-luat-quoc-te-ve-chien-tranh-va-hoa-binh/)

Cho dù ở thời không này, tất cả mọi chuyện đều chưa phát sinh, nhưng Lý Cẩn Ngôn đã nổi ý nghĩ muốn giết hắn.

Đây là lần đầu tiên hắn thực sự muốn giết người nào đó, cũng tính toán phái người đi thực thi nhiệm vụ.

“Ngài Tiêu, chuyện cứ dựa theo lời ông nói mà lo liệu đi.”

Nhân viên tình báo ẩn núp ở biệt thự Sakamoto đã nắm rõ hành tung của Doihara, 3 ngày sau hắn sẽ bí mật đi Đại Liên, trên đường có tạt qua Thiên Tân, đó là thời cơ tốt nhất để ra tay.

“Ngôn thiếu gia,” Tiêu Hữu Đức hơi do dự: “Chuyện này thực sự không nói cho Thiếu soái biết sao?”

“Không cần.” Lý Cẩn Ngôn lắc đầu: “Chờ làm xong chuyện rồi tôi sẽ nói với anh ấy.”

“Nhưng…”

“Cái gì?”

“Thiếu soái đã biết rồi.”

“Hả?!” Lý Cẩn Ngôn bỗng ngẩng phắt đầu. “Ông nói?”

“Tuyệt đối không phải!”

“Thế sao Thiếu soái lại biết được?”

Tiêu Hữu Đức không lên tiếng, bỗng cửa phòng bị đẩy ra, Lâu Tiêu mặc quân phục cất bước đi đến. Hắn ra hiệu cho Tiêu Hữu Đức đi ra ngoài trước, đóng cửa phòng lại, sau đó xoay người đi về phía Lý Cẩn Ngôn.

“Thiếu soái, em…”

Lý Cẩn Ngôn đứng lên, có phần luống cuống. Lâu Tiêu không nói gì, đến trước mặt hắn, rút tờ điện báo trong tay Lý Cẩn Ngôn bị gấp đến biến dạng, mở ra.

“Kenji Doihara?”

“Thiếu soái, em muốn diệt trừ hắn là có nguyên nhân.” Lý Cẩn Ngôn nói: “Hắn là một tên gián điệp Nhật Bản…”

Lâu Thiếu soái thế mà lại lắc đầu.

“Thiếu soái, người này không thể giữ lại!” Lý Cẩn Ngôn có chút nóng nảy: “Thật sự không thể giữ lại!”

“Hắn sẽ chết.” Lâu Thiếu soái vò tờ điện báo lại thành một nắm, ném xuống đất rồi dẫm nát dưới lòng bàn chân.

Giày ủng màu đen, thảm trải màu đỏ, trên đó là tờ giấy đã nhàu nát.

Bàn tay to mang theo vết chai do cầm súng chậm rãi mơn trớn cần cổ Lý Cẩn Ngôn: “Tôi nói rồi, tôi là người đàn ông của em, chuyện như vậy cứ giao cho tôi, để tôi làm.”

Lý Cẩn Ngôn há miệng, lại phát hiện tất cả lời muốn nói đều nghẹn trong cổ họng, một chữ cũng không thoát ra được.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện