Chuyển ngữ: Andrew Pastel
Trong giảng đường nhỏ có hơn 30 sinh viên đang ngồi rải rác. Trừ tiếng giảng bài của tôi thì không hề nghe thấy bất kỳ âm thanh nào khác.
Thương Mục Kiêu ngồi ở hàng ghế đầu, chính giữa, ánh mắt vẫn luôn dõi sát theo tôi, thỉnh thoảng lại còn viết viết thứ gì đó, say mê học hành đến mức cứ như thể cái tên bị tôi đuổi ra khỏi lớp lần trước không phải cậu ta vậy.
"Bây giờ là phần câu hỏi." Tạm dừng powerpoint, tôi đến bên cạnh bục giảng, quay mặt xuống các sinh viên, "Các bạn được tự do đặt câu hỏi."
Không có bao nhiêu người giơ tay, nhưng trong số đó có Thương Mục Kiêu. Tôi chỉ nói chuyện với cậu ta khi nào không thể tránh né được nữa thôi, mà cậu ta giơ tay tôi không nhất định phải gọi. Hơn nữa, trong tiềm thức, tôi luôn cảm thấy cậu ta chắc là cũng chẳng đặt được câu hỏi nào nghiêm túc.
Tôi rất thản nhiên làm ngơ trước sự tích cực của cậu ta, lướt qua cậu, gọi một nam sinh ở hàng sau.
Thương Mục Kiêu bất mãn để tay xuống, quay đầu lại nhìn nam sinh được gọi kia, sau đó ngả người tựa vào lưng ghế như một đại gia đích thực.
Sinh viên bị gọi kia không biết đã xảy ra chuyện gì mà co rúm người lại thấy rõ, lắp bắp nói.
"Em... em muốn hỏi, thưa thầy, có thể... thể... giải thích lý thuyết về 'Bốn cội rễ của lý trí túc lý' của Schopenhauer một cách dễ hiểu, bớt những thuật ngữ triết học được không ạ?" Cậu ta gãi đầu ngượng ngùng, "Em... em thấy... hơi khó hiểu."
Triết học là một môn học rất khó và phức tạp, đầy rẫy những lý thuyết vừa mâu thuẫn vừa thống nhất từ các chủ nghĩa khác nhau, những sinh viên chỉ vì môn tự chọn bắt buộc, bất đắc dĩ đến đây ngồi vào lớp "Lịch sử triết học phương Tây" này, sẽ rất dễ bị các thuật ngữ triết học phức tạp làm cho lú lẫn.
Tôi gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu, sắp xếp từ ngữ một chút rồi chậm rãi nói: " 'Bốn cội rễ của lý trí túc lý', nói nôm na là... bốn lý do cơ bản giải thích sự tồn tại của thế giới... Schopenhauer tin rằng thế giới khác biệt là do mọi người có những cách thể hiện khác nhau ra bên ngoài."
"Lý do thứ nhất, kinh nghiệm trực quan tạo thành những quan điểm cơ bản của con người về sự vật, và được kế thừa lại."
"Lý do thứ hai, các khái niệm trừu tượng tạo thành những phán đoán cơ bản của con người về sự vật, chúng xuất phát từ kiến thức của con người về sự vật."
"Lý do thứ ba, kiến thức bẩm sinh về thời gian và không gian tạo nên sự nhạy cảm của con người đối với các con số, và nó là thứ tạo nên cảm giác tồn tại."
"Lý do thứ tư, hành động của con người là cách để thể hiện ý chí, và thứ thúc đẩy nó là 'động cơ'."
"Đây là nội dung sơ lược của 'Bốn cội rễ của lý trí túc lý', em đã hiểu chưa?"
Cậu sinh viên kia vừa hí hoáy ghi chép vừa gật đầu liên tục: "Vâng, em hiểu rồi ạ, thầy vừa nói xong em đã hiểu! Thầy thật là giỏi!"
Thương Mục Kiêu cười hừ một cái, không hề che giấu sự khinh thường, giống như đang nghĩ mấy loại chuyện này mà cũng lôi ra giảng cho được, chẳng có trình độ gì.
Không biết cậu ta lấy đâu ra can đảm để cười người khác.
"Còn ai có câu hỏi nữa không?"
Thương Mục Kiêu lười biếng giơ tay, dường như cũng không hy vọng tôi sẽ gọi cậu ta.
Nhưng tôi cố tình gọi: "Cậu muốn hỏi gì?"
Nếu cậu ta nói gì xằng bậy, tôi cũng có lý do chính đáng yêu cầu cậu ta ra ngoài.
Thương Mục Kiêu sửng sốt thấy rõ, ngớ người ra một lúc, nhưng nhanh chóng sốc lại tinh thần, trôi chảy rõ ràng trình bày câu hỏi của mình.
"Nếu một tình yêu không được mọi người chúc phúc, thì ta nên theo lý trí hay bản năng?"
"Câu trả lời phụ thuộc vào chuyện cậu tin vào lý luận của chủ nghĩa gì."
Cậu ta hỏi tới: "Còn thầy thì sao? Nếu gặp được nửa kia khiến thầy rung động nhưng tình yêu không được mọi người chúc phúc, thầy sẽ chọn nghe theo lý trí hay quay về với bản năng?"
"Sự khác biệt giữa con người và động vật là con người có lý trí. Lý trí giúp chúng ta lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai, làm chủ cuộc sống và giảm thiểu rủi ro. Tôi nghĩ chúng ta không nên từ bỏ phần quyền lợi này."
"Nhưng lý trí cũng làm cho chúng ta mất đi sự nhạy cảm với sự việc." Thương Mục Kiêu cãi lại tôi, " 'Lý trí khiến chúng ta được và mất.' Câu này có nghĩa là lý trí không quan trọng mà, đúng không ạ?"
Đây là nguyên văn câu nói của Schopenhauer, có lẽ cậu ta đã chuẩn bị sẵn.
Thành thật mà nói, đây không phải là một câu hỏi khó trả lời, nó không có nhiều nội dung triết học mà phù hợp làm một chủ đề biện luận hơn, để có thể rõ ràng ưu khuyết điểm.
Tôi còn tưởng cậu ta sẽ hỏi cái gì đó cao siêu, nhưng cuối cùng tất cả chỉ có vậy.
"Tôi theo chủ nghĩa lý trí, cậu theo chủ nghĩa phi lý trí. Chúng ta không cùng quan niệm, làm sao có thể nói chuyện với nhau? Cậu chấp nhận trở về với bản năng, nhưng tôi lại muốn nghe lý trí, ngay từ đầu chúng ta đã khác nhau, cậu không thuyết phục được tôi, và tôi cũng không có ý định thuyết phục cậu. Triết học là một tồn tại chứa đầy những hiểu biết và suy đoán khác nhau, không phải để phân định đúng sai."
Tranh luận câu hỏi này nữa thật vô bổ, tôi muốn dừng lại, nhưng cậu ta vẫn chưa chịu thôi.
"Vậy là thầy sẽ không bao giờ bị bản năng điều khiển, luôn có lý trí phải không?" Cậu ta nghiêng người về phía trước, giọng điệu và nét mặt khẽ thay đổi, như thể không tin, như đang chờ xem, trong đôi mắt đen ấy ngập tràn sự nóng lòng muốn thử.
Cậu ta nghĩ rằng mình có thể làm tôi phá vỡ lý trí, làm trái nguyên tắc, "tự vả" vào luận điểm của tôi ngày hôm nay. Nhìn khuôn mặt trẻ trung và kiêu ngạo của cậu ta, tôi biết tỏng cậu ta đang nghĩ gì.
Không phải cậu ta hỏi tôi một câu hỏi không trình độ, cậu ta chỉ đang mở đường cho một ngày nào đó trong tương lai, ngày mà cậu ta có thể cười nhạo tôi vì tôi từng là người theo chủ nghĩa duy lý.
Con chó con hư đốn.
Tôi sẽ không cho cậu ta cơ hội như vậy, nhanh chóng kết thúc vấn đề.
"Quan điểm của tôi không quan trọng. Câu hỏi này kết thúc, câu hỏi tiếp theo."
Không nhận được câu trả lời mình mong muốn, cậu ta nhàm chán ngả người ra ghế, nghịch cây bút bi trên tay, khóe môi nở một nụ cười nhẹ, dùng khẩu hình miệng thầm nói với tôi ba từ:
Đồ hèn nhát.
Tôi thản nhiên lướt qua, bắt đầu trả lời câu hỏi tiếp theo.
Kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, Thương Mục Kiêu sẽ đến văn phòng của tôi mỗi ngày trước khi tan tầm để