Đến khi Thiên Việt tỉnh dậy, thì cơn đau đã qua đi. Cả người mệt lả, cổ họng khô rát như thiêu đốt. Cố gắng cựa quậy, vừa định xuống giường tìm nước uống, thì Dĩ Thành đã đẩy cửa bước vào, còn bưng theo một cốc nước.
Dĩ Thành hỏi han: “Tỉnh rồi hả? Có khát chưa? Uống miếng nước đi, nhưng chỉ một miếng thôi đấy.”
Quả nhiên, trong cốc chỉ có lưng lửng nước ấm.
Thiên Việt hớp một hơi cạn sạch, vừa mở miệng, tính xin thêm cốc nữa, nhưng rồi bỗng thấy thẹn thùng, chỉ đành cụp mắt xuống, khư khư giữ lấy cái cốc. Dĩ Thành giằng mấy lần cũng không lấy lại được, mới hiểu ra, liền phì cười vỗ vỗ đầu cậu, nói: “Không được đâu, anh có tra trên mạng rồi, người ta dặn người bị viêm túi mật, lúc phát bệnh, ngay đến nước cũng không được uống nhiều đâu.”
Thiên Việt dấm dẳng: “Mới qua có một đêm không ngờ anh đã trở thành chuyên gia rồi cơ đấy.” – Ngữ điệu bất giác pha lẫn chút ấm ức và bướng bỉnh.
Dĩ Thành không ngăn được con tim mình mềm nhũn ra, mới nói: “Thế, cho em thêm một ít nữa nè, chút xíu thôi đó nha.” – Nói rồi đi ra khỏi phòng, chỉ chốc lát sau đã quay lại với một cốc nước trên tay, đúng thật là chỉ có tí tẹo nước dưới đáy, Thiên Việt lại uống cái ực hết veo, lần này cậu nhanh chóng đặt cốc lên bàn, rúc người vào trong chăn.
Dĩ Thành kéo nhẹ tấm chăn đang phủ kín đầu cậu nhóc, gọi: “Việt Việt, trùm kín mít như vậy, coi chừng ngạt thở đấy.”
Thiên Việt nghe vậy lại càng kéo chăn lên cao hơn, phủ kín cả mũi miệng, chỉ chừa ra có hai con mắt đen láy, sáng trong như non như nước, lúng liếng nhìn anh.
Trong khoảnh khắc ấy, cả hai đều chợt thảng thốt, tựa hồ những tháng ngày tươi đẹp trong quá khứ, đang chậm rãi ùa về.
Thiên Việt nghĩ, chỉ e là mình không trở lại được nữa rồi, đoan chắc không về được nữa đâu.
Dĩ Thành thấy Thiên Việt ngoảnh mặt đi, thì cũng đứng dậy, lúc này mới nhận ra, bàn tay mình đã siết chặt thành nắm đấm tự bao giờ rồi, các khớp ngón tay đều đang nhức nhối.
Ngay trong giây phút ấy, anh mới chợt hiểu ra, tình cảm mình dành cho cậu em láng giềng năm nào giờ đây quả thật đã đổi thay rồi.
Anh nghĩ, a, mình thế mà lại nảy sinh ham muốn với Việt Việt cơ đấy!
Vậy nhưng, anh lại sợ bản thân mình trong lúc mất kiềm chế sẽ gợi lại những ký ức không vui nơi cậu.
Dĩ Thành xoay người định ra ngoài, chợt nghe tiếng Thiên Việt hỏi: “Hôm nay anh không phải đi làm sao?”
Dĩ Thành nở nụ cười chân chất, đáp: “Không đi. Ở nhà với em.”
Thiên Việt nói: “Vậy không ổn đâu, làm lỡ dở công việc của anh.”
Chỉ bằng vài câu nói, Thiên Việt đã như một chú chim sợ cành cong, nới rộng khoảng cách giữa mình và Dĩ Thành.
Dĩ Thành ôn tồn đáp: “Làm gì có. Hôm qua anh đã gọi điện báo với công ty rồi. Hàng hóa đợt này, đã được giao đến Dư Diêu xong xuôi rồi, sáng nay chỉ có xe trống trở về thôi. Bác Lý dày dạn kinh nghiệm, sẽ không xảy ra sơ sót gì. Còn có Ninh Khả giám sát mà. Với cả… Anh cũng không yên tâm khi để người bệnh như em ở nhà một mình.”
Thiên Việt gọi khẽ: “Anh Dĩ Thành.”
Dĩ Thành trả lời: “Gì đấy?”
Trong lòng Thiên Việt ngổn ngang trăm mối tơ vò, chẳng biết phải bắt đầu mở miệng từ đâu. Đành nói: “Không, chỉ gọi anh thế thôi. Có gì đâu.”
Thiên Việt bị bệnh hai ngày, Dĩ Thành liền ở nhà chăm cậu hết hai ngày.
Bước sang ngày thứ ba, Thiên Việt cũng coi như khỏe hẳn, Dĩ Thành nói: “Hai bữa nay phải húp cháo suốt rồi, hôm nay anh có mua cá, lát nữa chưng lên cho em ăn, được không nào?”
Thiên Việt nằm ườn ra sofa trong phòng khách, hai cánh tay vắt thò ra khỏi tay vịn buông thõng xuống nền nhà, không ngừng đu đưa, nói: “Em đã bảo là sớm muộn cũng sẽ bị anh nuôi thành một đứa kén ăn mà. Hay là sau này anh mở một quán ăn đi, em sẽ đến ủng hộ cho.”
Dĩ Thành nói: “Trời đất, Việt Việt ơi là Việt Việt, em đó… Em đó nha…”
Thiên Việt cười hì hì.
Dĩ Thành nhắc nhở: “Việt Việt, lúc ăn cá nhớ phải phải cẩn thận, đừng để như hồi nhỏ cứ bị hóc xương miết đấy.”
Lời còn chưa nói hết, Thiên Việt đã y theo lời anh nói mà hóc một cái xương rồi.
Mẩu xương kẹt trong cuống họng, lấy ra không được mà nuốt vào cũng chẳng xong. Thiên Việt nghẹn bứ, đỏ ké mặt mày.
Dĩ Thành quýnh lên: “Nhanh nhanh nuốt trọng một miếng cơm đi.”
Nuốt hết hai nắm cơm rồi vẫn chẳng thấy tí tác dụng nào, Dĩ Thành lại lôi hũ giấm ra, rót cho cậu uống một muỗng, mẩu xương vẫn chưa chịu trôi xuống, đã thế còn làm cho Thiên Việt sặc tới gục ra bàn ho muốn ná thở.
Dĩ Thành lại càng cuống cuồng hơn, liên tục xoa tay: “Việt Việt, không ổn thật rồi, chúng ta vẫn nên đến bệnh viện thì hơn.”
Thiên Việt vẫn tiếp tục ho sù sụ: “Thế… thế thì… còn đâu… còn đâu… mặt mũi… em nữa.”
Rốt cục cũng ngừng ho rồi, Thiên Việt thở phào nhẹ nhõm, bất chợt cậu nói: “Í, miếng xương trôi xuống rồi.”
Dĩ Thành toét mồm cười: “Việt Việt, làm anh sợ hết hồn à.”
Thiên Việt cụp mắt xuống: “Em không có hù dọa anh, là… diễn quá xuất sắc thôi.”
Dĩ Thành khẽ nạt một tiếng: “Việt Việt.”
Thiên Việt không thèm ngước mặt nhìn
anh: “Sao nào?”
Dĩ Thành thở dài thườn thượt: “Không có chi. Phải rồi, em… rúc trong nhà hết mấy ngày trời chắc cũng buồn chán lắm rồi nhỉ. Hay là chiều nay mình ra ngoài dạo chơi đi. Chẳng mấy khi trời đẹp như hôm nay.”
Thiên Việt nói: “Ừm, để em đi tắm cái đã.”
Thiên Việt tắm xong thì thay đồ đi chơi luôn, mặc cho đầu tóc vẫn còn ướt nhẹp, dọc đường từ phòng tắm ra, nước cứ men theo chỗ tóc mai hai bên thái dương cậu mà nhỏ lỏng tỏng.
Dĩ Thành thấy vậy, mới lấy ra một cái khăn lông cỡ đại, kêu Thiên Việt ngồi xuống ghế sofa, còn mình thì đứng bên cạnh tỉ mẩn lau khô tóc cho cậu.
Chiếc khăn lớn lắm, che khuất cả đầu cả mặt Thiên Việt, Thiên Việt giấu mặt sau lằn vải khăn len lén mỉm cười.
Dĩ Thành dời khăn ra, liền trông thấy một gương mặt còn loáng thoáng ý cười.
Ở cự ly gần, Dĩ Thành có thể thấy rõ từng sợi lông măng bé xíu trên mặt cậu, trong đôi mắt nai to tròn ấy, là hai ảnh phản chiếu nho nhỏ của chính anh, thiết tha nhưng tràn đầy bất an.
Sau đó, anh thấy bản thân trong đôi mắt sáng ngời ấy dần tối sầm lại, sau cùng thì biến mất không chút dấu vết.
Thiên Việt quay đầu đi chỗ khác. Cậu nghĩ, hóa ra, hóa ra, người được phép ở bên Thị Dĩ Thành, chỉ là Việt Việt thôi, còn Tô Tô, thì không thể.
Rõ ràng đang ở rất gần, nhưng rồi lại lần nữa rời xa.
Buổi chiều, Thị Dĩ Thành lấy xe máy chở Thiên Việt ra Bắc Cực Các*, chỗ bọn họ vẫn hay đến chơi hồi nhỏ.
Giữa rừng cây um tùm rậm rạp, có một tòa biệt viện mà năm xưa Tống Tử Văn** từng ngụ lại. Phía sau biệt viện, là một vách núi. Có hơi âm u, không khí sực nức mùi cỏ cây ẩm ướt. Những bụi cây ngải mọc cao ngất, đến hơn nửa người. Vô cùng vô cùng yên ả.
Giữa một mảnh đất trống trong khu rừng, Thiên Việt nằm dài ra trên tấm bạt nhựa mà Dĩ Thành đã trải sẵn, Dĩ Thành nằm xuống cạnh cậu, nghiêng đầu sang ngắm cậu.
Hôm nay Thiên Việt không đeo cặp kính gọng đen con con ấy nữa, mắt cậu nheo nheo lại, như đang suy tư điều gì. Bóng nắng dìu dịu rọi lên mặt, lên người cậu, Dĩ Thành bỗng có cảm giác như khi tia nắng ban chiều tắt hẳn thì cậu cũng sẽ tan biến theo vậy, bất giác vội vươn tay ra, níu chặt lấy tay cậu.
Tay Thiên Việt bị bao phủ lấy bởi lòng bàn tay ấm nóng và khô ráo, cảm giác bình yên thanh thản ấy, khiến người ta quyến luyến không nỡ rời xa, chỉ thiếu chút nữa thôi là Thiên Việt đã buột miệng hỏi ra thắc mắc vẫn luôn canh cánh trong lòng mình bấy lâu nay.
Dĩ Thành này, anh, có phải chăng, vẫn đang tìm kiếm Việt Việt, một Việt Việt chân chính luôn ngự trị trong tim anh trước giờ.
Dĩ Thành thong thả gợi chuyện: “Việt Việt, em có còn nhớ hồi còn bé xíu, từng có một lần, chúng ta rủ nhau ra đây chơi, rồi em bị một con ong bay vào sau gáy, sợ tới nỗi khóc thét, miệng không ngừng hỏi tới hỏi lui, ‘Em có chết không vậy? Em có chết không vậy?’, đến lúc chuẩn bị về, thì chân em đã nhũn cả ra, thành ra anh đành phải cõng em suốt đoạn đường về đó. Việt Việt này, lúc em còn nhỏ, đúng thật là nhát như thỏ đế mà.”
Đứa bé nhút nhát ấy, ngay đến con ong mà cũng sợ được, thế mà nhiều năm về sau, lại dám bất chấp tất cả để hy sinh cho tình yêu một cách liều lĩnh đầy mù quáng như vậy.
Thiên Việt nghiêng người sang ghẹo: “Anh Dĩ Thành, anh cõng em đi một đoạn có được không?”
Dĩ Thành ngồi lên, đưa tay kéo Thiên Việt dậy: “Lên nào!”
Thiên Việt nằm úp sấp lên tấm lưng rộng săn chắc của anh, tựa đầu vào sau ót anh, cả người Dĩ Thành, ngập tràn hương vị của cái nắng hanh khô, nồng nàn mà ấm cúng. Thiên Việt nghĩ, thời hạn ba tháng, chỉ còn lại hai thôi nhỉ. Rồi sau đó, chắc là em nên đi thật xa vào thì hơn. Có như vậy, thì một mai, khi anh nhớ về Việt Việt, biết đâu còn có thể như ngày hôm nay, nhớ từng li từng tí, nhớ không sót chuyện nào.
- Hết chương 14-