Màn đêm buông xuống, nến cháy chập chờn.
Trúc Thanh gọi Nguyên Cẩn đến bên giường, nhẹ nhàng căn dặn: “Cẩn Nhi, mai là ngày thành hôn, mẹ muốn nói với con mấy lời.”
Dung Nguyên Cẩn quỳ trước giường, ngoan ngoãn đáp: “Mẹ cứ nói, con xin nghe.”
Trúc Thanh chưa vội, thở dài đưa tay vuốt ve vai Dung Nguyên Cẩn rồi mới hỏi: “Việc hôn sự này, con có trách mẹ không?”
Dung Nguyên Cẩn lắc đầu, nắm chặt tay mẫu thân, nghiêng đầu áp xuống giường: “Sao lại oán trách mẹ được? Mẹ vì con mà lao tâm khổ tứ, con vui mừng còn không hết nữa là. Chỉ là… con lo nương tử gả vào nhà ta sẽ vất vả.”
“Cẩn Nhi ngoan,” Trúc Thanh se sẽ thở dài, “Người ta không chê nhà ta mẹ góa con côi, con nhớ sau này phải đối xử tốt với nàng.”
“Đương nhiên rồi ạ.” Dung Nguyên Cẩn ngẩng đầu, “Đã gả vào cửa, là người nhà họ Dung, Nguyên Cẩn kiếp này nhất định sẽ không phụ nàng.”
Dung Nguyên Cẩn tháng trước mới tròn mười chín tuổi, lúc này thành hôn vẫn còn là quá sớm. Nhưng mẫu thân Trúc Thanh thân thể ngày càng yếu nhược, chỉ xuống giường thôi cũng khó khăn. Về phần Dung Nguyên Cẩn, năm mười hai tuổi từ trong núi hoang chết đi sống lại trở về, thể cốt quặt quẹo, quanh năm uống thuốc thay cơm.
Từ lúc liệt giường, Trúc Thanh rầu rĩ không thôi. Bà chỉ sợ một ngày nào đó chết đi, để lại đứa con ốm đau không người chăm sóc, bèn tự tiện nhờ bà mối thay Nguyên Cẩn tìm một mối hôn sự.
Cho dù Dung Nguyên Cẩn tuấn tú khôi ngô, nhưng gia cảnh vẫn là túng thiếu, hôn nhân đại sự phải suy xét kĩ càng.
Bà mối đi tìm nửa năm, cuối cùng cũng mang tin tức tới.
Đối phương là con gái của gia đình bán thịt ở thôn xa nọ, nghe nói tính tình cường liệt, bề ngoài cũng không xinh đẹp như những cô gái bình thường. Song theo lời bà mối, nàng vốn tính cách thiện lương, lại sắc sảo tháo vát, quả thực là lương duyên khó cầu.
Trúc Thanh suy tính hồi lâu cũng cảm thấy phù hợp. Dung Nguyên Cẩn từ nhỏ tính tình mềm mại, dễ bị bắt nạt, cưới một vị thê tử cương cường một chút như vậy hẳn cũng không tồi.
Cuộc hôn nhân cứ thế ấn định.
Gia đình mẹ già con trẻ ốm yếu, đi lại khó khăn, nhà gái bên kia lại ở xa, từ sính lễ đến chọn ngày đều nhờ bà mối đảm đương. Nhà gái biết được, hào phóng bảo rằng hà tất phải câu nệ lễ nghi, ngược lại càng làm mẹ con Dung Nguyên Cẩn băn khoăn xấu hổ. Ngày đón dâu nếu không tự mình đến, thì thực sự thất thố quá mức.
Giờ Thìn, một dải mây trắng bạc mờ ảo vắt ngang chân trời.
Trúc Thanh nhờ người hàng xóm dìu ra cửa. Bà đưa tay sửa sang áo bào chắn gió cho Dung Nguyên Cẩn, dặn dò: “Đi sớm về sớm, đừng để trễ giờ.”
Dung Nguyên Cẩn đáp: “Con biết ạ. Bên ngoài gió lớn, mẹ vào nhà nghỉ ngơi đi.”
Dung Nguyên Cẩn cưỡi ngựa đi đầu, mặt mày rạng rỡ, ấm áp như gió xuân.
Có lẽ do quanh năm không bước chân ra khỏi nhà, làn da y trắng muốt như sứ, đôi môi mỏng đỏ thắm mê người, tuy gương mặt lộ nét ốm yếu, nhưng đôi mắt trong veo thấu triệt tâm can. Tú cầu hoa đỏ rực treo trước ngực, hỉ phục vừa vặn ôm lấy thân hình dong dỏng cao, mái tóc dài đen như mực buộc lại sau ót bằng dải lụa đỏ thêu chỉ vàng. Dải lụa tung bay trong gió sớm mai, làn tóc sau lưng khẽ khàng lay động.
Tướng mạo Dung Nguyên Cẩn vốn dĩ xuất chúng, hôm nay lại phục sức lộng lẫy, trên đường thu hút bao nhiêu ánh mắt ngoái nhìn.
Y nghĩ về vị thê tử sắp cưới, không thể nhịn bụng suy đoán vẩn vơ, tướng mạo nàng ra sao, tính cách như thế nào. Lộ trình gần hai canh giờ cũng không khó khăn như đã tưởng, phỏng chừng là do háo hức chờ mong.
Cho đến lúc nữ nhi nhà họ Du trên đầu trùm khăn nắm tay phụ thân bước vào cỗ kiệu, Dung Nguyên Cẩn vẫn chưa hết ngơ ngẩn.
Y muốn mở hàn huyên đôi câu với Du gia phụ thân, lại bị ông cầm tay thúc giục: “Tiểu nữ nhà ta giao phó hết cho con, mau mau, mau mau về đi.”
Vốn dĩ Dung Nguyên Cẩn không giỏi ăn nói, lúc này càng không biết phải đối đáp ra sao, gật gật đầu, im lặng lên ngựa quay về.
Đã sắp trưa, thời tiết lẽ ra ấm áp bỗng dưng nổi lên từng trận gió lớn, rừng trúc đu đưa xào xạc.
Bệnh cũ lâu năm tái phát, Dung Nguyên Cẩn bị sặc, cổ