Ngày đặt chân đến Trúc phủ ở Từ An, mưa dầm rả rích. Sáng sớm, sương mù lành lạnh giăng kín khắp nơi.
Bùn đất ướt nhẹp văng bẩn một mảng ống quần trắng muốt, Dung Nguyên Cẩn không để tâm, cầm ô đứng trước xe ngựa, đưa tay đỡ Du Tà bước xuống.
Gõ cửa hồi lâu, vẫn không thấy ai ra ngoài đón.
Mưa phùn lạnh lẽo, Du Tà quay về xe ngựa đứng, cởi trường bào phủ lên người Dung Nguyên Cẩn.
Một tiểu tư chậm chạp bước ra, ngáp một cái, mở cửa híp mắt dò xét hai người, thật lâu sau mới uể oải cất tiếng: “Từ hương Lận đến? Vào đi.”
(Hương là đơn vị hành chính địa phương nhỏ nhất của Trung Quốc, ngày nay vẫn dùng, tương đương với trấn.)
Xa phu lấy bọc hành lý từ xe ngựa, đem xuống dỡ trước cửa Trúc phủ, ngẩng đầu toan gọi tiểu tư kia đến phụ một tay. Gã tiểu tư thấy thế cau mày, vênh váo hất cằm phất tay áo: “Để ra chỗ khác, ngươi có biết nơi này là chốn nào không hả?”
“Chuyện này…” Xa phu bối rối nhìn về phía cố chủ (người thuê xe).
Dung Nguyên Cẩn cất ô, đưa cho Du Tà, đỡ lấy rương hành lý từ tay xa phu: “Để ta.”
Du Tà thần tình băng lãnh, rời mắt khỏi gương mặt tên tiểu tư, ung dung cầm hành lý trong tay Dung Nguyên Cẩn quăng đến trước mặt gã, ánh mắt sắc bén: “Làm phiền đưa chúng ta đến chỗ ở trước.”
Gã tiểu tư mặt mũi cứng đờ, trừng hắn hồi lâu, bất đắc dĩ vác theo chiếc rương dẫn hai người đến thiên viện (sân bên của một tòa nhà, đối ngược với sân chính).
Thiên viện này âm u thiếu sinh khí, cỏ dại trên lối đi mọc cao quá nửa đầu gối, hiển nhiên là đã lâu không có người. Trái lại, trong nhà có vẻ như đã được dọn dẹp, ngoại trừ một giường, một bàn, một tủ bên ngoài thì không có đồ trang trí gì thêm, trông qua rộng rãi sạch sẽ.
Đợi gã tiểu tư đi khỏi, Du Tà trải ra một chiếc khăn sạch, ngồi xuống lau bùn đất trên ống quần Dung Nguyên Cẩn.
Bùn nhão bắn bẩn cả vạt áo trắng tuyết, Du Tà đứng dậy, lau nước mưa dính trên thái dương tướng công nhà mình: “Tướng công trước tiên đổi y phục đã.”
Dung Nguyên Cẩn ngoan ngoãn gật đầu, nói: “Được.”
Sáng ra, chính viện Trúc phủ tấp nập người vào kẻ ra, ồn ã náo nhiệt. Thanh âm truyền đến nơi này lại chỉ còn duy nhất tiếng mưa, lộp độp lộp độp, lay động cỏ cây.
Dung Nguyên Cẩn thay y phục, cười nói: “Cũng là yên tĩnh.”
Du Tà cũng cười cười, im lặng.
Chuẩn bị xong xuôi, Dung Nguyên Cẩn muốn dẫn Du Tà đến chỗ cữu phụ để sớm nói lời cảm tạ. Một nha hoàn tay cầm thực hạp bỗng nhiên đi tới.
Nha hoàn bày điểm tâm nước trà lên bàn, nói với bọn hắn Trúc lão gia sớm đã rời phủ, trong phủ không có người tiếp đãi, chờ thêm một chút sẽ có người đến dẫn đi sau.
Dung Nguyên Cẩn đành thôi.
Nghỉ ngơi trong phòng cả buổi, tới trưa vẫn là nha hoàn nọ đưa cơm. Dung Nguyên Cẩn nhịn không được hỏi một câu: “Cữu nương (mợ) phải chăng cũng đang ở trong phủ?”
Nha hoàn lộ vẻ khó xử: “Có trong phủ, nhưng đại phu nhân hôm nay thân thể khó chịu, không tiện tiếp đãi…”
Dung Nguyên Cẩn sắc mặt khó coi. Du Tà xoa bờ vai y trấn an mấy câu, Dung Nguyên Cẩn chỉ lắc đầu nói không sao.
Mãi đến khi sắc trời nhập nhoạng mới có người tới dẫn hai người ra tiền sảnh dùng bữa. Ra đến trước cửa, Dung Nguyên Cẩn căn dặn Du Tà: “Nhà cữu phụ ta đối nhân xử thế có chút khắt khe, nếu trong bữa ăn có làm gì thất lễ, nương tử tuyệt đối đừng để bụng.”
Du Tà đáp: “Yên tâm.”
Hai người vừa theo nha hoàn đặt chân vào ngưỡng cửa tiền sảnh, cả bàn ăn đang cao hứng trò chuyện chợt lặng ngắt như tờ, có vài ánh mắt đổ dồn về phía họ.
Một vị nam tử mặc giáng tử cẩm bào (áo gấm đỏ tía) ngước mắt nhìn y, lên tiếng: “A, là đường đệ* tới.”
Dung Nguyên Cẩn chắp tay gọi: “Đường huynh*.”
Người Dung Nguyên Cẩn gọi đường huynh này tên là Trúc Nghiêu, con trai duy nhất của nhà cữu phụ. Gã ỷ vào đại nghiệp trong nhà mà có chút tiền bẩn, hành sự luôn luôn hống hách bạo ngược.
Khi Dung Nguyên Cẩn còn bé, từng có một thời gian Trúc Thanh phải đi xa, đem y gửi nuôi tại nhà cữu phụ.
Ngoại tổ phụ (ông ngoại) khi còn tại thế hết mực yêu thương Dung Nguyên Cẩn lễ phép hiểu chuyện bao nhiêu, lại càng nghiêm khắc với Trúc Nghiêu nghịch ngợm ngang ngược bấy nhiêu. Cũng bởi vậy mà Trúc Nghiêu không ít lần bày tỏ đố kỵ, huynh đệ