Buổi tối của hai ngày sau, hôn lễ được tổ chức đúng hẹn.
Người trên trấn không thể so với nông thôn, lòng nhiệt thành của mọi người chỉ giới hạn ở đi hóng chuyện và chế giễu, chuyện này lại xui rủi, đừng nói giúp đỡ, dù có cho tiền chưa chắc đã có người tới. Mà hiện giờ Dung gia tổ chức âm hôn, hàng xóm ngay cả xuất hiện xem trò cười cũng ngại xui, chỉ liếc nhìn một cái rồi nhanh chóng kéo mấy đứa nhóc vào nhà đóng cửa, những người tới phụ giúp trong nhà đều là bỏ tiền đến nông thôn thuê những người già có nhiều kinh nghiệm trong mấy chuyện mê tín.
Theo tục lệ, cô dâu trước khi lấy chồng phải tắm gội, dâng hương.
Dâng hương là để bái tế tổ tiên thần linh, đồng thời khẩn cầu các tiểu quỷ mở đường.
Tắm gội thì phải dùng nước bùa, còn phải dùng rau thơm chà rửa sạch sẽ từ đầu đến chân như chà da heo, điểm chết người là, phải chà rửa tới ba lần, mỗi lần đều phải hết một nén nhang, quả thực là hành xác người. Đến khi không còn sức lực được người đỡ về phòng, cả người Dung Phỉ đã bị ngâm đến nhăn nheo.
Lại tốn thêm gần một tiếng đồng hồ nữa, cuối cùng Dung Phỉ cũng được trang điểm mặc lễ phục xong, có thời gian để ngồi thở.
Dung Phỉ mặc lễ phục cô dâu, đầu đội khăn voan đỏ thêu uyên ương hệt như những tân nương thời cổ đại thường thấy trên TV, ngồi ngay ngắn trước gương, im lặng chờ đội ngũ đón dâu tới. Tay cô không cầm táo đỏ nhưng những cô dâu bình thường mà cầm một chiếc đèn lồng màu trắng có viết ngày sinh tháng đẻ của Thẩm Khiêm, trong phòng không một tiếng động, ai nấy đều bận rộn nhưng không một ai nói chuyện, động tác cũng vô cùng nhẹ nhàng. Không những thế, ngoại trừ Dung Phỉ cả người đỏ choét thì những người còn lại đều mặc đồ tang, bầu không khí đó tự dưng khiến cho con người ta có cảm giác u ám như bị đè nén.
Tiếng kèn trống từ xa kéo gần đến trước nhà họ Dung, chẳng mấy chốc hai người trang điểm cho Dung Phỉ đã nhẹ nhàng bước vào. Hai người này một là thím Thường, một người khác là chị dâu họ ở phương xa của thím Thường. Sau khi bước vào, hai người không nói một lời, đỡ Dung Phỉ lên bước ra ngoài.
Dung Phỉ vừa được người dìu ra ngoài, mẹ Dung đã bưng một chén nước từ phòng bếp bước theo sau, hai mắt sưng húp, đỏ hồng, Dung Nguyệt cũng đỏ cả mắt, chỉ có ba Dung từ đầu đến cuối đều ở lì trong phòng không chịu bước ra.
Dung Phỉ ra khỏi cửa đã nghe được tiếng “ào” ở phía sau, lưng cô cứng đờ, thiếu chút đã không kiềm được nước mắt.
Mẹ Dung nhìn rõ từng động tác của Dung Phỉ, cố nén xúc động muốn kéo người về, vội đóng sầm cửa cuốn lại.
Cửa vừa đóng xong, mẹ Dung thiếu chút đã té ngã, may được Dung Nguyệt kịp thời đỡ lấy. Dù hai người đều rõ âm hôn này chỉ là hình thức, chỉ để chấm dứt chấp niệm của con quỷ kia, một khi con quỷ đó hoàn thành được chấp niệm sẽ chịu đi đầu thai, Dung Phi cũng có thể trở lại cuộc sống bình thường, nhưng nghĩ đến những uất ức mà Dung Phỉ phải chịu, hai người vẫn thấy đau lòng.
Nhưng dù có khó chịu, có đau lòng thì hai người vẫn phải gồng mình chống đỡ, bởi vì lát nữa họ còn phải thay quần áo đi đến hỉ đường ở tứ hợp viện. Vốn nghĩ nếu ông lão kia luôn mang theo bài vị của Thẩm Khiêm bên người, có thể mời đối phương làm người nhà của anh, nhưng ông lão không muốn, thế nên họ đành phải đem bài vị về, còn hỉ đường thì bày trí ở Nam Uyển của khu tứ hợp viện. Việc gọi hồn phải tiến hành từ cửa chính nên lát nữa hai người chỉ có thể đi vào từ cửa hông.
Đội ngũ đón dâu do Tăng đạo sĩ dẫn đầu.
Thấy Dung Phỉ bước ra, Tăng đạo sĩ mặc trang phục tế đàn cầm mấy tờ tiền âm phủ cuối cùng ném vào bồn lửa đang cháy hừng hực trước cửa, vừa tụng kinh văn vừa bước về phía trước.
Những người khác cũng khua chiêng gõ trống, nhanh chân đuổi theo.
Đi cuối đội hình là Vạn Cường, cháu ngoại
trai kiêm đồ đệ của Tăng đạo sĩ, phụ trách ôm gà trống và nhang đèn, tiền âm phủ. Cậu ta là bạn học thời cấp hai của Dung Phỉ, bình thường hai người cũng khá thân thiết, giờ thấy Dung Phỉ thất thần không nhúc nhích, cậu đưa mắt bảo cô nhanh chân đuổi theo rồi mới theo sau Dung Phỉ.
Sự thật chứng minh, đường đi của đạo sĩ không phải đường thẳng, mà phải lượn qua lượn lại như giò cháo quẩy, Dung Phỉ đuổi theo cực kỳ khó khăn, mấy lần suýt trẹo chân, mày nhờ Vạn Cường đi sau thỉnh thoảng đỡ kịp. Không nói đến đống quần áo và trang sức cồng kềnh trên người, chỉ riêng cái đèn lồng không ngừng lắc qua lắc lại trên tay thôi đã khiến cô khó lòng đứng vững rồi, chưa đi hết hai con phố, Dung Phỉ đã thở hồng hộc.
Có lẽ là ngày thuần âm nên đêm nay trời tối đen như mực, không trăng không sao, mưa rơi lất phất, phía xa xa còn có màn sương trắng nặng nề, khiến cả trấn nhỏ đều chìm trong bầu không khí u ám quỷ dị. Thỉnh thoảng, nhìn mấy bóng cây đung đưa bên đường, thậm chí cả những mái che bình thường chỉ thấy đậm chất cổ xưa cũng phập phồng lên xuống theo tiết tấu khiến người ta rợn cả tóc gáy.
Suốt dọc đường, Dung Phỉ luôn cảm giác có thứ gì đó không sạch sẽ theo sau bọn họ, dù đã mặc ba lớp trong ba lớp ngoài, cô vẫn thấy lạnh đến phát run. Tuy có Vạn Cường theo sau nhưng cô chắc chắn, lúc này chỉ cần một chiếc lá rơi thôi cũng đủ cho người thần kinh đang căng lên như dây đàn là cô nhảy dựng lên.
May mà đoạn đường này cảm giác tuy có vẻ dài nhưng cũng chỉ mất tầm mười phút là tới, thấy tứ hợp viện đã hiện lên phía trước, Dung Phỉ thở phào nhẹ nhõm. Không nói đến chuyện sợ hay không sợ, chỉ lắc qua lắc lại thôi cũng đủ khiến cô muốn động kinh luôn rồi.
Sau khi bước qua cửa chính của tứ hợp viện, cuối cùng bước đi của Tăng đạo sĩ cũng trở lại bình thường, Vạn Cường cũng bắt đầu rải tiền âm phủ, miệng lầm bầm ‘vong hồn’ gì gì đấy, Dung Phỉ nghe được không chỉ da đầu run lên mà cả tim cũng đập bình bịch không ngừng.
Cơn tra tấn khiến người ta sợ hãi không thôi ấy cứ kéo dài liên tục tới tận khi dừng lại trước gốc hòe già ở Bắc Uyển mới thôi.
Nhưng mà, Tăng đạo sĩ vốn nên bắt đầu nghi thức gọi hồn, sau khi nhìn bố cục xung quanh cây hòe già, động tác gõ mõ bỗng khựng lại, nhíu mày thật chặt.
Cùng lúc đó, những người khác cũng dừng động tác.
Dung Phỉ không rõ chuyện gì, muốn quay đầu hỏi Vạn Cường nhưng không thể, chỉ đành nghẹn một bụng. Phản ứng này của Tăng đạo sĩ, rõ ràng là đã xảy ra chuyện gì đó!
Tăng đạo sĩ sửng sốt một lát rồi vẫy tay với Vạn Cường.
Tuy Vạn Cường cũng nhận ra được có chuyện bất thường nhưng khi Tăng đạo sĩ vẫy tay, cậu ta vẫn tận hết trách nhiệm ôm đống đồ trên tay qua đó. Cậu đặt gà trống sang một bên, đốt nhang đèn và một ít tiền âm phủ, kính một chén rượu, cúi người vái ba cái sau đó cầm số tiền âm phủ còn lại trong rổ rải quanh gốc hòe già, xong xuôi cậu mới ôm con gà trống dưới đất lên, cắt đứt mào gà, nhỏ máu một vòng quanh gốc cây.
Kể cũng lạ, mào gà nhỏ như vậy nhưng lại có không ít máu, kéo một vòng quanh gốc cây không hề bị đứt đoạn. Nhưng khi đã hết một vòng, trên mào gà chỉ còn đọng lại một giọt máu chưa nhỏ xuống, không hề có chuyện máu chảy không ngừng như mọi người đã đoán.
Sau khi mọi thứ đã tươm tất, Tăng đạo sĩ bắt đầu tế đàn, tụng kinh gọi hồn.