“Đánh ông thì ông sẽ trả thù tôi, còn không đánh ông thì bà nội sẽ bất mãn với tôi”, Hoắc Khải nâng cái gậy lên và nói: “Nếu làm sao cũng phải tội thì việc gì phải đi đắc tội với người không thể đắc tội chứ”.
“Cậu dám! Cậu nghĩ cậu là cái thá gì hả, cậu thử đánh xem nào!”
Mấy người đàn ông trung niên đều đồng loạt đứng dậy, phẫn nộ nhìn qua.
Bọn họ đều là người có quyền cao chức trọng và có địa vị không hề thấp ở nhà họ Lý. Đám người đứng dậy khiến sắc mặt của Lý Thắng Bân cũng biến đổi.
Ông ta tuy là phó chủ tịch hội đồng quản trị của nhà họ Lý nhưng nói đến quyền lực thì cũng không bằng mấy người kia được
Chức vụ là chức vụ, quyền lực là quyền lực, không phải lúc nào hai cái này cũng đi đôi với nhau.
Nhất là khi nhìn vào cái gậy trong tay Hoắc Khải, Lý Thắng Bân bắt đầu thấy hoảng hốt. Ông ta thật sự không hiểu bà cụ đang nghĩ cái gì nữa. Đang yên đang lành tự nhiên lại bắt tên nhóc này ra mặt làm gì.
Nếu thật sự đánh họ thì sau này sao mà sống?
Nếu không đánh thì chi chính chẳng phải sẽ thành trò cười hay sao?
Tiến thoái lưỡng nan, đây đâu phải phong cách của bà cụ.
“Đánh thì vẫn phải đánh, nhưng tôi muốn hỏi ông ba câu. Nếu ông trả lời được thì tôi sẽ thay ông chịu ba cái đánh đó. Nếu không thì ông phải chịu đòn nhé”, Hoắc Khải nói.
Lý Tinh Thanh cười khẩy đáp: “Sao tôi phải trả lời câu hỏi của cậu, cậu nghĩ cậu là ai?”
“Giờ trong mắt ông đương nhiên tôi chẳng là cái gì, nhưng cây gậy này lại đại diện cho bà nội đấy, ông cũng không coi bà ra gì à?”, Hoắc Khải nói.
Lý Tinh Thanh thay đổi sắc mặt. Ông ta nào dám nhận cái tội này chứ. Bà cụ còn đang ngồi đó nhìn kìa, ông ta mà nói vậy thật thì kết cục cũng sẽ chẳng ra làm sao đâu.
Hoắc Khải nói tiếp: “Hay là ông cũng không dám đối đáp một câu với một đứa cháu như tôi? Nếu ông không có gan như vậy thì bỏ đi. Chỉ cần ông thừa nhận, là bậc con cháu, tôi sẽ thay ông chịu mấy đòn cũng được”.
“Phép khích tướng cũ rích, đúng là ấu trĩ”, Lý Tinh Thanh tỏ vẻ khinh thường rồi đáp: “Nếu cậu đã nói vậy thì tôi sẽ cho cậu một cơ hội!”
“Được”, Hoắc Khải gật đầu hỏi: “Câu đầu tiên, bà cụ muốn đánh ông, có được không?”
Lý Tinh Thanh sững lại, ông ta còn tưởng là Hoắc Khải hỏi câu gì ghê gớm lắm cơ. Ai ngờ lại là kiểu này.
Bà cụ vẫn luôn nhìn sang hướng đó, ánh mắt âm trầm kia làm cho Lý Tinh Thanh giật thót mình. Ông ta vội vàng đáp: “Đương nhiên là được”.
Ông ta vừa nói xong, cây gậy trong tay Hoắc Khải cũng được vung xuống, đánh thật mạnh vào vai của Lý Tinh Thanh.
Lý Tinh Thanh kêu lên đau đơn. Mấy người bên cạnh cũng giật mình giận dữ, chỉ vào Hoắc Khải mà mắng: “Làm phản đấy à!”
Mấy người thanh niên cũng xắn tay áo bước lên. Có người còn nắm lấy cổ áo của Hoắc Khải, bộ dáng như muốn đánh nhau đến nơi.
Lúc này, bà cụ đập bàn đứng dậy.
Tuy bà ta không nói gì nhưng động tác đó đã khiến đám người kia không dám làm loạn nữa.
Đến cả Lý Tinh Thanh cũng cắn răng nói: “Không được động vào cậu ta, để cậu ta hỏi tiếp. Để xem cậu ta còn hỏi được câu nào!”
Lý Tinh Thanh biết bản thân đã quá sơ ý nên mới bị đánh như vậy. Hoắc Khải đánh ông ta là vì chính miệng ông ta đã thừa nhận chịu đòn của bà cụ.
Nếu ông ta phản kích thì khác nào phủ định những lời mình vừa nói chứ.
Ông ta vừa sượng mặt, bà cụ vừa không tha cho ông ta.
Bởi vậy nên ông ta bắt buộc phải chịu cái đánh này. Nhưng về sau, Lý Tinh Thanh sẽ không dễ dàng sập bẫy nữa đâu.
Hoắc Khải cầm cái gậy, nhìn người đang đang nắm cổ áo mình. Anh không biết đây là con cái nhà ai, chỉ hỏi: “Anh định cứ thế này à?”
“Nhóc con, đừng có kênh kiệu quá, sớm muộn gì mày cũng bị xử thôi!”, người thanh niên kia hằn học nói rồi mới thả Hoắc Khải ra.
Hoắc Khải không buồn sửa lại cổ áo mà nhìn Lý Tinh Thanh và nói: “Chủ tịch Tống Tiên Tiến của công xưởng Giang Nam đã đồng ý ký kết hợp đồng với tôi. Nói chính xác là đã chính thức ký xong. Tin rằng nhiều người cũng đã biết chuyện này rồi nhỉ?”
“Biết rồi thì làm sao?”, Lý Tinh Thanh cười khẩy: “Cậu nghĩ chuyện này thì chứng minh được cái gì? Chủ tịch Tống vốn đã có hứng thú với nhà họ Lý chúng ta rồi, ai đi mà chẳng chốt được chứ, chẳng qua là cậu ăn may thôi”.
“Thế à?”, Hoắc Khải nói: “Nhưng tôi nói ra chuyện này không phải để nhận công mà tôi cũng không cho rằng bất kỳ ai đi cũng sẽ hoàn thành được việc này đâu. Trên thực tế, tôi muốn nói với mọi người rằng, sở dĩ ông Tống chịu ký kết hợp đồng với tôi là vì tôi đã nói dối ông ta”.
“Sao cơ!”
Có người kinh ngạc kêu lên, cũng có người đập bàn đứng dậy, chỉ vào Hoắc Khải và phẫn nộ nói: “Cậu làm ăn kiểu gì đấy hả! Sao cậu lại dám lừa người ta chứ! Nhỡ sau này chủ tịch Tống biết rồi tìm đến làm phiền chúng ta thì làm sao
bây giờ!”
“Đúng là vớ vẩn! Tôi đã nói rồi mà, miệng còn hôi sữa thì sao làm được việc gì. Bà nội không nên cho cái loại này đi làm mấy việc trọng đại mới phải, thế này khác nào đem phiền toái đến cho chúng ta”.
Đám người nghị luận ầm ầm, đến cả Lý Thắng Bân cũng thấy bất an. Nếu là lúc khác thì có lẽ ông ta cũng sẽ nói mấy câu tương tự với đám người kia, nhưng bây giờ thì ông ta không nói thế được.
Vì hiện giờ Hoắc Khải đang đại diện cho chi chính, nếu ông ta lên tiếng thì khác nào ăn cây táo rào cây sung.
Đối mặt với cái nhìn thù địch và bàn tán của đám người, Hoắc Khải không hề hoảng loạn. Anh nói tiếp: “Thật ra chủ tịch Tống hoàn toàn chẳng có hứng thú gì với nhà họ Lý. Chẳng qua là ông ta nể mặt gia tộc mà thôi. Các người đừng có cho thế là đáng kiêu ngạo. Còn lời nói dối mà tôi dùng để khiến ông ta ký hợp đồng với chúng ta cũng rất đơn giản. Chủ tịch Tống cho rằng nhà họ Lý không có chí tiến thủ, không có lợi ích gì. Nếu hợp tác với gia tộc như này thì chỉ mệt thân mà thôi. Tôi nói với ông ta rằng, nhà họ Lý đang tìm cách thay đổi. Chỉ cần có một phần một ngàn người chịu đi tìm hiểu xu thế tương lai thì chúng ta có thể có được hàng trăm chuyên gia rồi. Nếu kết hợp với danh tiếng của nhà họ Lý thì rất dễ thành công. Chủ tịch Tống tin những lời này nên mới đồng ý ký hợp đồng. Ông ta đang cược rằng nhà họ Lý vẫn còn tương lai, người nhà họ Lý vẫn muốn thay đổi”.
Lời này của Hoắc Khải khiến tiếng nghị luận ngày một nhỏ lại.
Tất cả mọi người đều đang nhìn anh. Nghe xong những lời anh nói, cảm xúc của bọn họ cũng khác nhau.
Có người đang suy tư, có người đang phẫn nộ, có người thì mơ hồ.
“Nói thật, tôi biết nếu muốn nhà họ Lý thay đổi thì không có nhiều khả năng. Các người là một đám ếch ngồi đáy giếng, chẳng hiểu nổi thế giới bên ngoài rộng lớn cỡ nào. Tôi lừa chủ tịch Tống để làm cho vụ đầu tư này của ông ta thua lỗ đủ đường”, Hoắc Khải nói xong, nhìn Lý Tinh Thanh và hỏi: “Nên tôi muốn hỏi ông rằng, ông thấy tôi có đang nói dối không?”
Lý Tinh Thanh bị hỏi đến cứng họng. Ông ta không biết nên trả lời Hoắc Khải thế nào.
Những lời phê phán của người ngoài về nhà họ Lý không chỉ có ngày một ngày hai, bọn họ đã nghe đến phát chán rồi.
Đúng như những gì Hoắc Khải nói, người nhà họ Lý không muốn thay đổi, không muốn tiến bộ mà chỉ muốn ăn chực nằm chờ. Bọn chọ cho rằng vì sản nghiệp nhà mình lớn nên có đủ khả năng để hoang phí.
Không phải không có ai nhìn thấy được chuyện này, mà là những người nhìn thấu thì không thể thay đổi được.
Lý Tinh Thanh nói thế nào được?
Nếu ông ta thừa nhận Hoắc Khải nói dối thì tức là đang mắng cả nhà họ Lý.
Nhưng nếu ông ta nói không thì nhà họ Lý phải thay đổi.
Thay đổi thế nào?
Ai sẽ đi đầu trong việc thay đổi?
Đây không phải chuyện nhỏ, nó có khi còn quan trọng hơn cả tranh quyền thừa kế nữa kìa.
Lý Tinh Thanh chỉ là một trong các chi phụ, còn không thể đại diện cho chi của mình thì làm sao có thể đại diện cho lợi ích của các chi khác chứ.
Ông ta không thể trả lời, cũng không dám trả lời.
“Ông trả lời không được thì là muốn ăn thêm một đòn nữa phải không?”, Hoắc Khải hỏi.
Lý Tinh Thanh cắn răng, gật đầu coi như thừa nhận.
So với việc trả lời câu hỏi bẫy này thì chẳng thà ăn đánh còn hơn, ít nhất bị đánh chỉ đau một lúc chứ không ảnh hưởng nhiều.
Hoắc Khải cũng không khách khí mà vung thẳng gậy xuống, khiến Lý Tinh Thanh đau đến mức cắn suýt thì gẫy răng.
Đám người xung quanh nhìn Hoắc Khải và Lý Tinh Thanh, không ai dám giơ tay giúp đỡ như vừa nãy nữa. Bọn họ đều biết thừa câu hỏi thứ hai ẩn chứa một lưỡi dao. Kẻ nào ra mặt thì kẻ đó sẽ phải trả lời thay Lý Tinh Thanh.
Lý Tinh Thanh không dám thì có mấy ai dám trả lời?
Đòn thứ hai đánh nhẹ hơn đòn thứ nhất nhiều.
Sau đó, Hoắc Khải lại nói: “Giờ là câu hỏi thứ ba. Nếu đem vị trí gia chủ cho ông thì ông nghĩ ông có ngồi vững được không?”
Câu hỏi thứ ba không quá phức tạp, rất đơn giản, nhưng lại giống câu thứ hai, không thể nào trả lời được.