- Rất...rất lâu rồi dì ạ...Niệm lo con và ba Tám bất hoà nên chưa mở lời. Con thì vẫn đợi Niệm thôi dì, chỉ cần Niệm đủ dũng khí, dù có lên núi cao xuống biển lửa con cũng sẵn sàng theo Niệm.
Dì Kỷ nghe Đan thổ lộ sướng hết cả lỗ tai, bao lâu nay không thấy Niệm dẫn bạn gái về dì cứ lo con trai có vấn đề, giờ thì tốt quá rồi. Hoá ra cũng biết yêu cơ mà còn ngại nên chưa dám tiến tới thôi.
- Ôi dào con yên tâm, hai đứa cứ gạo nấu thành cơm thì chuyện ông Nhất ông Tám dì dẹp yên được ngay. Thôi dì về đây nhá, cho hai đứa bay có không gian riêng tư.
Dì phấn khởi bỏ về, để lại Hoài Đan một mình ngồi trong phòng bệnh của Niệm hai má hây hây đỏ. Niệm đang ngủ, giấc ngủ hiếm hoi giữa những cơn đau quằn quại trong suốt mấy ngày qua. Bữa nay Đan mua cherry đem đến cho Niệm đấy, Đan vẫn nhớ thời xưa Niệm rất hay ra siêu thị nhà Đan mua cherry để gây sự chú ý của Đan. Có lúc thấy Niệm cứ đứng lựa tới lựa lui Đan bực mình hỏi:
- Niệm thích ăn cherry đến vậy sao? Đan còn nhớ hồi nhỏ Niệm đâu có thích quả này?
- Nhưng người đó thích nên giờ Niệm cũng thích.
Niệm buột miệng đáp, trái tim Đan nhảy loạn. Mới mấy hôm trước Đan bảo với cô bạn thân Đan ăn cả túi cherry không biết chán mà Niệm đã nhớ rồi. Niệm lúc nào cũng chu đáo như vậy, thậm chí đến bây giờ bệnh có quyền làm nũng mà khi thức giấc vẫn nghĩ cho Đan.
- Niệm muốn ở một mình, Đan về đi.
Là do Niệm thương Đan con gái lái xe buổi tối nguy hiểm nên kiếm cớ đuổi Đan? Hoài Đan cười khổ xách túi bỏ ra ngoài hành lang ngồi. Bên trong có người lôi bức ảnh đã xé phân nửa trong ví ra ngắm nghía. Người con gái mặc váy cô dâu này, chẳng phải người ấy lấy chồng là vì cậu sao? Là do cậu đâm vào cô ấy rồi nằm bất động một chỗ, để cô ấy phải đối mặt với biết bao gian khổ. Ba bệnh, nợ nần, ngay cả bản thân cũng bị run tay dẫn tới ám ảnh tâm lý không thể vẽ đẹp như trước. Khủng hoảng lớn như vậy, sao có thể không bị rung động trước một người nhiệt thành giúp đỡ mình? Thật buồn khi người đó không phải là cậu. Thật buồn khi cậu lại chính là người gây ra đau khổ. Ngặt nỗi, cho tới bây giờ, mặc dù đã rất cố gắng nhưng cậu vẫn chẳng thể nhớ ra được sự việc hôm đó. Tất cả những gì còn đọng lại trong ký ức là trong chuyến du lịch năm ấy, ba Nhất cho cậu đi gặp đối tác bàn chuyện làm ăn. Vì cậu giúp ba ký được hợp đồng lớn nên ba rất vui, lúc về tới khu nghỉ dưỡng ba gọi cậu lại bảo:
- Hôm qua ba nghe mẹ nói có vẻ anh Niệm muốn về thành phố trước hả? Vậy lái con xe ba mới mua mà về, nếu thấy đi êm thì ba cho anh luôn.
Cậu cao hứng nhận chìa khoá từ tay ba, cũng muốn về luôn với Hoài nhưng vừa vào xe đã díp cả mắt. Có thể do tiếp khách uống kha khá nên đầu óc chuếnh choáng. Cảm thấy không đủ tỉnh táo để lái xe nên cậu chỉnh ghế lái ngả ra đằng sau để ngủ một giấc cho đỡ mệt. Ai ngờ đó lại là giấc ngủ dài nhất trong đời cậu, hôn mê mấy tháng liền, khi tỉnh dậy nghe mọi người nói cậu bị tai nạn cậu còn chả hiểu nổi vì sao? Cho tới thời điểm hiện tại lời giải thích hợp lý nhất chắc là cậu đã bị mộng du, trong lúc mơ màng đã khởi động xe phóng về thành phố nên không có ấn tượng gì. Mẹ cậu nói dựa vào vị trí tìm thấy cậu trên xe thì khả năng cao là cậu ngồi ghế phụ chứ không phải ghế lái, mẹ đoán có thể cậu muốn thử cảm giác mạnh khi lái xe, còn chả thèm thắt dây an toàn nên mới bị thương nặng. Sau đợt đó mẹ không mắng cậu nặng lời, chỉ rơm rớm nước mắt dặn nếu cậu còn thương mẹ thì lần sau đừng bao giờ liều lĩnh như thế. Cậu rất muốn bảo với mẹ rằng cậu chưa bao giờ có ý định đùa cợt với tính mạng của mình như vậy, nhưng sự việc đã xảy ra rồi, dẫu sao cậu cũng là người sai, giải thích nhiều có ích gì?
Cậu biết Hoài chẳng cần nghe mấy lời bao biện, cậu biết với tính cách quyết liệt của Hoài, cô ấy sẽ tính chuyện dọn ra ngoài. Sợ Hoài chuyển tới nơi khác an ninh không tốt nên cậu lựa chọn chuyển ra trước để Hoài yên tâm ở đó. Cậu tất nhiên mong có cơ hội để sửa sai, nhưng chỉ sợ có những chuyện đau thương trong quá khứ chẳng cách nào có thể bù đắp nổi. Mỗi lần nghĩ tới những gì Hoài phải chịu đựng, đầu cậu lại đau buốt. Nhưng có lẽ nỗi đau đó chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau khi những mũi kim nhọn hoắt chọc vào cơ thể Hoài khi cô ấy đi làm thụ tinh nhân tạo. Tất cả những cay đắng, oan nghiệt xảy đến với cô ấy đều do cậu ban tặng, trong khi đó, cậu ở phương trời xa vẫn luôn ngày ngày oán hận cô ấy, nguyền rủa kẻ phản bội như cô ấy sớm gặp báo ứng. Cậu của những năm tháng đó...sao có thể bồng bột tới vậy? Sao có thể vì sĩ diện mà không thèm quay về đối chất với cô ấy? Cậu...sao có thể ác với Hoài đến thế?
Trong phòng bệnh, có người nắm thật chặt một nửa tấm hình năm xưa áp vào lồng ngực, khoé mắt đỏ quạch. Từ bên ngoài có người sau khi suy nghĩ kỹ càng liền quyết tâm chạy vào ôm người kia, nghẹn ngào thổ lộ:
- Đan thực sự mệt rồi, Đan chẳng thể đợi tới ngày Niệm mở lời trước nữa đâu. Niệm à, chúng mình thành thật với nhau nhé, Đan yêu Niệm, và Đan biết Niệm cũng yêu Đan từ rất lâu rồi, phải không?
Hoài Đan cứ nghĩ rằng nếu cô mở lời trước thì Niệm sẽ có dũng khí để thừa nhận tình cảm. Thật không ngờ Niệm lại đẩy Đan ra rồi chầm chậm đưa Đan xem bức ảnh trong tay mình. Người con gái đó...không phải là Đan. Là một người mà có nằm mơ Đan cũng không dám tin Niệm lại dùng cô ấy để che giấu những cảm xúc dành cho Đan. Tối hôm đó Đan đã khóc rất nhiều, Đan trách Niệm hèn nhát, trách mình trót yêu một người không dám đương đầu với khó khăn như Niệm. Nhưng khi bình tĩnh rồi Đan lại tự hỏi tại sao Niệm giữ ảnh chị Hoài? Là để đối phó với Đan khi cần thiết hay là thực sự giữa Niệm và chị đã có gì đó? Những thắc mắc khiến Đan mệt mỏi không sao chợp mắt được.
Ở một căn nhà khác, cũng có người giống như Đan, mất ngủ vì những băn khoăn không lời giải đáp. Dạo gần đây Niệm bặt vô âm tín khiến ông Thuận vô cùng lo lắng, tầm chiều nghe dì Kỷ trách thằng Hoàng tiết lộ chuyện năm xưa khiến Niệm và dì bất hoà ông lại càng buồn. Buồn vì thương Niệm, ông trằn trọc suốt một đêm dài, sớm hôm sau mắt ông thâm quầng, ông rầu rĩ tâm sự với bà Hoà:
- Cho tới bây giờ tôi vẫn không thể tin Niệm say rượu mà vẫn có thể ngồi ghế phụ lái xe. Điều đó giống như việc làm của một thằng điên hơn là một người bình thường.
- Thì thằng Niệm nó đã bao giờ bình thường đâu? Cả một thời trẻ trâu ngông cuồng phá phách chú dì chả khổ bỏ xừ đi được. Với cả chính chú Nhất bảo chú tận tay đưa chìa khoá xe cho Niệm và thấy Niệm vào gara để xe mà.
Ông Thuận nghe vợ phân tích hợp tình hợp lý thì thôi không đăm chiêu nữa. Con trai ông thấy vậy liền thở phào nhẹ nhõm. Nhà dì Kỷ có một khu nghỉ dưỡng rất sang chảnh, mỗi lần tâm trạng xuống dốc anh vẫn hay ghé chơi. Anh thích thú vui nằm phơi nắng cạnh chiếc bể bơi dát vàng của chú rồi thi
thoảng nhổm dậy nhấm nháp ly rượu vang nhập từ miền Nam nước Pháp. Một ngày của nhiều năm về trước, khi anh tới khu nghỉ dưỡng thì cả chú lẫn dì đều đã ra ngoài, còn Niệm thì ngủ say như chết trong chiếc xe chú mới mua. Chắc cậu quá chén hay sao mà xung quanh nồng nặc mùi rượu. Phần vì cửa kính xe đang mở, chìa khoá xe lại ở ngay đó, phần vì thèm được lái xe xịn nên anh đã đưa Niệm sang ghế phụ để lượn lờ vài vòng. Lát sau anh hứng khởi đi đón một người khác nữa rồi nhường cho người đó lái thử, anh ngồi ở hàng ghế sau. Trong lúc phấn khích không kiểm soát được tốc độ, người đó đã đâm vào cha con Hoài.
Tuy sự cố năm xưa không phải lỗi của anh nhưng anh vẫn giấu tiệt danh tính người gây tai nạn bởi anh sợ nếu lộ ra thì mọi người sẽ ghét anh vì tự ý lái xe của chú ra khỏi gara, và còn vì anh quên không thắt dây an toàn cho Niệm, khiến cậu bị thương nặng. Cơ mà trách anh một phần thì trách nó mười phần, ai kêu nó sống lỗi sống bẩn nên lúc nghiệp tới đỡ không nổi. Cùng gặp nạn nhưng người cầm lái chỉ phải nằm viện một tháng, anh thì sống tốt nên gặp nhiều may mắn, chỉ bị đau lưng vài tuần là khỏi, là phần lưng có áo che nên chẳng ai để ý, cũng không một ai biết hôm đó anh từng ghé qua khu nghỉ dưỡng. Niệm lúc tỉnh dậy trong bệnh viện cũng không biết gì luôn, tại nó ngủ miết mà, sau đó thì va chạm mạnh quá nên lịm mất. Đến bây giờ nó vẫn nghĩ là nó bị mộng du nên lái xe, thằng đần!
Sai lầm lớn nhất của anh là sau khi sự cố xảy ra cuống quá quên béng mất không chuyển Niệm sang ghế lái. May mà Niệm có một tuổi trẻ oanh tạc nên mọi người đều tin rằng Niệm thích thử cảm giác mạnh bằng cách lái xe từ ghế phụ. Chú Nhất dì Kỷ bận làm thủ tục cho Niệm ra nước ngoài chữa trị nên chẳng còn tâm trí đâu mà nghi ngờ, dù sao trong mắt chú dì và gia đình, Niệm vẫn là một đứa con bướng bỉnh, ngang tàn và quái tính. Còn anh từ nhỏ đến lớn đã luôn gương mẫu, thành thử xảy ra chuyện thì mọi người tất nhiên sẽ tin nó mắc lỗi hơn là anh. Anh cảm thấy nhà chú dì giàu nứt đố đổ vách, đền bù mấy đồng cho cha con Hoài cũng chẳng thấm vào đâu. Cậu Niệm thì nổi tiếng hư, bị gán thêm tội gây tai nạn nào có bõ bèn gì?
Nhiều năm về trước công nghệ còn chưa phát triển như hiện nay, khu nghỉ dưỡng cũng ở trong khu vực an ninh tốt nên hồi đó chú dì không lắp máy quay, bởi vậy chỉ cần ba Hùng cứ mãi điên dở thì sự thật sẽ vĩnh viễn được chôn vùi. Sớm hay muộn thì cũng có ngày vợ trở về bên vòng tay của anh thôi. Cái duyên nợ vợ chồng mà, một ngày làm vợ anh thì cả đời phải là vợ anh, thằng khác đừng hòng xơ múi. Niệm thực ra chỉ thèm thuồng những thứ thuộc về anh chứ nó không hề yêu vợ thật lòng. Trái ngược với anh lúc nào cũng trân trọng vợ, nói với vợ những lời yêu thương ngọt ngào thì nó chưa bao giờ phát ngôn được câu nào tử tế cả. Ngày xưa chị em ở với nhau nó suốt ngày bắt nạt vợ. Vợ thức đêm may đồ kiếm thêm thu nhập nó quát vợ xơi xơi, vợ bổ quả xoài lỡ bị dao cứa vào tay nó mắng vợ ầm ầm, vợ trèo cây trượt chân ngã nó doạ vợ còn dám trèo lần nữa thì nó đuổi về quê. Một người đàn ông xấu tính như Niệm thử hỏi làm sao có thể đem lại hạnh phúc cho vợ? Suy cho cùng thì chỉ có người đàn ông tuyệt vời như anh mới xứng đáng ở bên vợ thôi.
"Vợ ơi Hạt Đậu mới được ra khỏi lồng ấp đó. Con đẹp trai giống hệt anh luôn. Anh mua cho Thư một căn hộ nhỏ rồi, chỉ cần vợ về anh sẽ bảo cô ấy dọn ra ngoài ở, xong vợ chăm con cho anh giống ngày xưa vợ chăm Bông nhé!"
Anh hí hửng nhắn tin cho vợ, đợi mãi mới thấy chuông điện thoại kêu, tiếc rằng lại chẳng phải cuộc gọi đến của vợ. Thư ký báo cáo với anh chính sách cắt lương thưởng của nhân viên do anh đề xuất bị phản đối gay gắt. Mọi người đang bàn nhau viết đơn xin cấp trên bãi bỏ chức Giám đốc của anh. Một lũ nhân viên đáng ghét, cộng thêm cả mẹ thằng Hạt Đậu chẳng chịu xin xỏ dì giúp anh, hại anh mới sáng sớm đã phải tự mình sang nhà dì thưa chuyện:
- Dì ơi tháng này xí nghiệp kẹo bánh lại bị lỗ rồi, lúc đầu con tính cắt lương thưởng của nhân viên, ngặt nỗi bọn họ không những không chịu mà còn tính làm loạn. Dì thương con dì bù lỗ giúp con được không ạ?
- Suốt từ Tết ra tới giờ tháng nào con cũng xin bù lỗ là sao vậy? Dì có phải cái mỏ vàng đâu con?
Gớm dì cháu với nhau mà nhờ xíu dì cũng khó chịu ra mặt, anh Hoàng bực bội càu nhàu:
- Thì con cũng có để dì thiệt đâu. Dì cho con tiền thì con tài trợ bánh kẹo cho dì đi phát cho người nghèo còn gì? Toàn bánh kẹo chất lượng cao đắt đỏ.
- Con ơi việc cho ai, cho nhiều hay ít là cái tâm của mình, con đừng lôi chuyện giá cả vào đây. Dì nói con nghe dì đem bánh kẹo của con đi thì dì cũng nói với người nhận là đồ của con tặng mọi người chứ không bao giờ bảo là đồ của dì nên con đừng ăn nói kiểu vậy.
- Con ăn nói kiểu gì thì con cũng là người đàng hoàng chính trực, chẳng như ai đó đi ngủ với chồng chị gái kết nghĩa dì ạ. Dì muốn được yên ổn thì tốt hơn hết đừng lên mặt với con, kẻo có ngày hối không kịp đấy dì.
- Con bị điên hả Hoàng?
- Con vẫn bình thường dì ạ. Nói tóm lại giờ dì có nôn tiền ra không? Nếu không thì đừng trách con tuyên bố cho cả cái họ này biết thằng Niệm là con của ba Thuận con nhé!
- Cái gì? Niệm là con của ba Thuận con? Nực cười! Con bị ẩm não hả Hoàng?
- Dì mới nực cười đó dì, có gan ăn vụng mà không có gan chùi mép ạ? Chính ba con thú nhận đó dì, ông ấy còn đang chờ thời cơ thích hợp để công khai Niệm với mẹ con kia kìa, dì chối không nổi đâu.
Dì Kỷ nghe anh Hoàng ba hoa uất điên cả người, dì ngay lập tức chạy sang nhà chị Hoà gọi ba anh:
- Anh Thuận đâu! Anh ra đây ngay cho em! Anh già lẩm cẩm rồi hay sao mà anh ăn sằng nói bậy, anh tiêm nhiễm vào đầu bọn trẻ con thứ quỷ quái gì thế hả? Thằng Niệm nó là con anh hồi nào chứ?
Ông Thuận còn đang sợ bà Hoà nên chần chừ mãi chuyện nhận con, nhưng bữa nay dì Kỷ làm um lên, cộng thêm chú Nhất thấy om sòm cũng đủng đỉnh đi sang nên ông mời tất cả mọi người vào nhà, rầu rĩ kể lại chuyện cũ:
- Mọi người có nhớ có một đợt chú Nhất vào Nam làm ăn gần nửa năm không? Chính vào cái đêm trời đổ bão, sấm chớp đùng đoàng xong cả khu bị mất điện đó...tôi...tôi và dì Kỷ đã đi quá giới hạn...ở ngay trong phòng của chú dì. Đừng ai trách dì Kỷ cả, chú Nhất xa nhà lâu như thế dì cũng có nỗi khổ riêng của mình, có trách thì cứ trách thằng đàn ông là tôi đây uống chén rượu vào liền không kiềm được lòng.