Mùa đông lại đến và cũng như mọi năm, Duy Thanh cảm thấy chả thích một chút nào. Mặc dù đông này có Sún, nhưng chả phải vì thế mà anh nên vui. Đông ở đây nó đáng ghét lắm. Không chỉ có lạnh và những cơn gió rét, đông ở đây còn kèm theo cả mưa. Mà cũng chẳng phải là mưa một chút rồi tạnh, mưa cả ngày và khiến người ta cảm thấy sầu đời hơn.
Rồi anh còn rầu thêm nữa khi thấy Sún phải vất vả đi học như thế nào. Con gái sinh ra vốn đã cực khổ và càng cực khổ hơn khi phải đi học vào những ngày mưa. Nếu như Bích Trâm vốn dĩ luôn gấp đôi tà áo dài lên từ trước, thì những ngày mưa này, Mỹ Hạnh mới thực hiện. Xắn ống quần lên cao, dùng dây thun buộc lại cho “chắc”. Tà áo thì gấp lên và bỏ vào trong quần kẹp lại. Duy Thanh thấy vẫn còn may là Mỹ Hạnh không phải mang thêm kính cận.
Nhiều bạn nữ khác thì thao tác nhanh hơn Mỹ Hạnh. Chỉ việc cột hai tà áo dài lại với nhau và mang áo mưa vào chạy ra ngoài. Duy Thanh nghĩ có thể do Mỹ Hạnh “rườm rà”, cũng có thể là do cô sợ áo dài bị nhăn nhúm lại. Và cũng có thể là do anh thấy chướng mắt, khi bạn lớp trưởng đứng bên cạnh Sún, cầm sẵn trên tay đống dây thun và áo mưa để phục vụ. Nếu Sún thao tác nhanh, thì làm gì có chuyện bạn lớp trưởng đứng bên cạnh đúng không.
Trời thì đã lạnh, mỗi lần tắm là phải nấu nước sôi, vậy mà mưa cứ ào xuống như trút nước. Người nào mà bảo thích mưa thì anh sẽ đấm thẳng ngay vào mồm. Giỏi về đây sống đi rồi còn bảo thích mưa nữa không.
Nói về Mỹ Hạnh, tới nhà, cô liền cởi áo mưa ra “giũ” cho ráo bớt nước rồi phơi lên cho khô. Là con gái thì phải chịu thôi, mùa mưa ẩm ướt kéo theo nhiều bất tiện nhưng mà kệ, mưa mùa đông cũng có cái “thú” của nó. Sau này có người bảo thích mưa, vậy mà ai đó đâu có dám đấm vào mồm.
Vào những ngày mưa mùa đông này, chả có thứ gì tuyệt bằng việc chui lên giường, đắp chăn và đọc truyện. Sáng không được ngủ nướng thì giờ về cô ngủ bù. Chưa kể là ngoại còn tinh ý nữa, buổi chiều còn nấu sẵn nồi khoai sắn cho hai chị em cô ăn lót dạ. Chấm với “muối mè”, ăn xong thì lại leo lên giường tiếp tục thú vui đang dang dở, còn có “combo” nào tuyệt bằng những chuyện này nữa.
Ngược lại, về phần Duy Thanh, vừa đạp xe về nhà là anh lại thấy sầu não. Bình thường thì Minh Dũng đã ho và bị cảm, những ngày đông này thì cu cậu càng khổ hơn. Không chỉ mình cu cậu bệnh, mà những anh chị em khác cũng bị và đặc biệt là má Ba nữa. Cứ mỗi khi đông đến là má lại lâm bệnh. Duy Thanh chả biết làm gì ngoài việc nắn bóp tay chân cho má.
Đối với Duy Thanh, đông chả có gì vui và anh cực kỳ ghét nó. Ngay từ lúc nhỏ là anh đã ghét rồi kia, bởi vậy khi anh ghét ai thì anh luôn hét lên, “tao ghét mày như đông”. Khổ nỗi người bị mắng lại chả hiểu gì sất, cứ nghĩ “đông” là con nào hoặc thằng nào đấy.
Mùa đông cũng không phải “quá quắt” như những gì Duy Thanh ghét. Đâu phải lúc nào trời cũng mưa và mưa suốt cả mùa. Thỉnh thoảng chỉ có mưa vài ngày và khi vào tiết khí “đông chí” thì mưa bắt đầu ít hơn và không còn nữa.
Advertisement / Quảng cáo
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Không như Duy Thanh, Quốc Hùng lại khá thích. Mưa là lý do để anh chàng né tránh những cuộc đi chơi với Bảo Hân. Những tưởng khi giả vờ quen nhau như vậy thì Quốc Hùng sẽ thích Bảo Hân, nhưng mọi việc lại không như ý mọi người mong muốn. “Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, vậy mà khi ép hai người thành một cặp, duyên vẫn không tự thành.
Có lẽ không ai hiểu rõ hoàn cảnh và tình cảm của mình rõ bằng Quốc Hùng hơn cả. Giả vờ thích Bảo Hân là một chuyện, ép buộc bản thân thích nàng hoa khôi là chuyện khác, mà có khi cũng chả phải là ép buộc. Bằng bạn, bằng bè, bằng tất cả người dưng, bản thân của Quốc Hùng đôi lúc cũng muốn thử cái cảm giác có người yêu là như thế nào và đồng thời cũng không muốn thua kém với các bạn đồng trang lứa, anh đây cũng có người yêu.
Lợi dụng Bảo Hân nhưng Quốc Hùng cũng thừa biết cô nàng chưa bao giờ thật lòng với mình. Tự nhận cả hai đều thô bỉ và khốn nạn nhưng có lẽ Quốc Hùng không nhận ra một điều rằng, ít nhất Bảo Hân cũng cố gắng biến mối quan hệ giả dối này thành tình thật. Hơn hết, đừng “suy bụng ta, ra bụng người”, không phải vì anh lợi dụng mà có thể áp đặt, gán ghép người ta cũng lợi dụng như mình.
Có thể điểm xuất phát của ta giống nhau, nhưng không phải vì thế mà cho rằng tính chất và kết quả của ta sẽ như nhau. Đời muôn vàn, muôn nẻo và chúng ta muôn kiểu, muôn người.
Sau một noel chả có gì thú vị vì má Ba bị bệnh, việc thi học kỳ chả mang tính chất quan trọng vì có thi cũng như không, một mùa đông đáng ghét nữa sắp trôi qua và Duy Thanh bắt đầu chuẩn bị cho việc đón Tết.
Không như Duy Thanh, Mỹ Hạnh buồn bã vì mất một ngày noel vui vẻ, ngày cô định rủ “Lu khờ khạo” đi chơi thì phải cắm mặt vào ôn thi. Nỗi buồn lại kế tiếp khi học lực của cô lại tiếp tục xếp thua “Vũ mất dạy”. Thua ai cũng được, nhưng cô nhất quyết không thể thua thằng Văn Vũ đó. Cũng đi chơi như Duy Thanh, cũng đọc truyện như cô, cũng tham gia đoàn thể như Tấn Bình, vậy mà sao lúc nào điểm cũng cao chót vót. Cô không biết rốt cuộc thì não của “Vũ mất dạy” đó chứa cái gì ở bên trong. Nhưng có lẽ mọi sự buồn bã cũng không bằng một việc, đó là ngoại cô mất, mất ngay trước Tết vài ngày.
Giờ thì ai sẽ lo lắng, chăm sóc cho cô đây, ai sẽ ngồi nghe những tâm sự và an ủi cô nữa. Chỉ có ngoại, ngoại là người duy nhất thương cô, hiểu cô và chiều chuộng cô hết mực. Ngoại đi rồi, giờ cô biết phải làm sao. Nếu trên đời này có phép màu, cô nguyện ước đánh đổi mười năm tuổi thọ của mình để đổi lấy việc ngoại sống thêm mười năm nữa. Mà năm năm cũng được, năm năm nữa thôi, để cô có thể làm tròn trách nhiệm và bổn phận của một người cháu.
Ngoại mất, điều đó đồng nghĩa với một việc là cô và em phải dọn về sống chung với mẹ mình. Một lần nữa cô lại xa Duy Thanh sao. Có lẽ và chưa bao giờ cô lại thích tập tục và văn hóa truyền thống của làng mình như lúc này. Ngoại mất và ngoại chỉ còn có mỗi mẹ của cô là sống ở đây, những dì, cậu khác đều hiện đã định cư nơi khác. Do vậy, thay vì cô phải dọn về sống với mẹ, thì mẹ phải dọn về lại đây sống với chị em cô.
Mẹ cô tuy không ảnh hưởng bởi các quan niệm truyền thống, nhưng người khiến bà thay đổi, chính là chú Tân. Bởi vậy, tình yêu có thể khiến người ta thay đổi và chú Tân đã thay đổi quan điểm mẹ cô bằng những lời khuyên bảo dịu dàng. Ngoại cô mới mất và chú nói không thể để ngôi nhà trở nên lạnh lẽo và “hương tàn, bát lạnh” như vậy được. Cô không biết cái này đúng không nhưng sau này cô mới rõ được sự thật, chú Tân biết cô thích ở đây, nên chú “phịa” ra như vậy để chiều lòng cô.
Thật ra thì cô cũng chả ghét gì chú, nên việc chú làm điều này, nó cũng không phải là để lấy lòng cô. Mà cô cũng chả quan tâm nữa, được tiếp tục học ở đây, được gần Lu, như vậy là cô vui rồi. Ít nhất, đây cũng là điều hạnh phúc nhỏ nhoi trong cái việc tang gia đầy u sầu này.
Nói về Duy Thanh, anh vui lắm, cứ Tết đến là anh rất vui. Khoảng thời gian trước Tết này, đây là lúc mà mọi người hay thiết lễ cúng “tất niên”. Nhà nhà cúng, xóm xóm cúng, cả làng đều cúng. Sau vụ cúng thì Duy Thanh bắt đầu chương trình “đại tu” ngôi nhà của mình. Vâng, cũng chỉ là phóng đại sự việc lên lần nữa, chứ thật ra anh chỉ sơn sửa lại nhà cửa mà thôi.
Năm nào cũng vậy, trừ những em nhỏ ra, còn lại tất cả các anh chị em đều xum tụ ngồi với nhau phá phách. Ngoài anh, chị Ngọc Minh và anh Duy Trung là những “thợ sơn” đúng nghĩa ra, còn lại toàn là bôi, trét và quẹt sơn tùm lum à, kể cả thằng Quốc Hùng.
Lấy giấy nhám, dao hay bất cứ thứ gì khác để cạo đi lớp sơn cũ, sau đó quét lên một lớp sơn lót và cuối cùng là sơn màu. Chị Ngọc Minh lo những chiếc xe đạp, Duy Thanh, Quốc Hùng và anh Duy Trung lo những cánh cửa và hàng rào, những anh chị em còn lại thì tha hồ bôi nhau lấm lem. Xong cửa thì đến tường, cái này mọi người không có cạo, mà sơn chồng lên luôn. Bùm, hoàn thành công trình vĩ đại và giờ đây mọi người thấy căn nhà chả khác gì là nhà mới.
Mặc dù lúc nào về nhà cũng bị mẹ mình nói khía, “việc nhà thì nhát, việc cô bác thì siêng”, nhưng Quốc Hùng vẫn lết xác qua nhà Duy Thanh và nhà Văn Vũ. Năm nào mẹ của anh chàng cũng thuê người về sơn sửa lại nhà, vì bà sợ con mình cực, con mình nhọc, con mình nguy hiểm khi phải trèo cao quét vôi. Trong khi đó thì con bà lại sang nhà hàng xóm, nghĩ có điên không chứ. Mà may là con bà chỉ chơi với Duy Thanh và Văn Vũ, chứ nếu không thì bà chả khác gì ngồi trên đống lửa.
Nhà dọn xong, quần áo mới cũng đã sắm, mà nhắc đến vụ quần áo thì Duy Thanh mới nhớ. Năm nào cô Thúy Nga cũng tặng quần áo mới cho cô nhi viện. Từ em nhỏ nhất đến các anh chị lớn nhất, ai cũng được cô Thúy Nga sắm cả. Mà ngoài quần áo ra, cô còn tặng quà với bánh kẹo nữa. Toàn là những thứ ngon và đắt tiền.
Tết cũng đến và cũng như năm nào, ở chỗ anh chả xem được pháo hoa. Muốn xem thì phải xuống dưới thành phố kia, nên mọi người chủ yếu tập trung quây quần bên nhau bên chiếc tivi. Thời khắc điểm tới, trên màn hình, pháo hoa bắt đầu những phát bắn đầu tiên và mọi người cùng nhau hò hét chúc mừng. Sau những lời chúc và lì xì, Duy Thanh cùng cả nhà dẫn nhau sang chùa để xin xăm và hái lộc đầu năm.
Không như Duy Thanh đang đắm
chìm trong sự hạnh phúc, Mỹ Hạnh lại ngồi co ro một góc trong phòng. Ngoại của cô đi rồi, năm mới còn gì vui chứ. Lọ “mắm củ kiệu” mà cô cùng ngoại làm, hủ “thịt muối” mà cô và ngoại cùng ngâm, giờ Tết đến rồi, ngoại cô lại đi mất.
Sáng mồng một, sau khi làm xong các công việc cần thiết, Duy Thanh liền xách xe, đạp sang nhà Mỹ Hạnh. Đã nhiều ngày rồi anh chưa gặp được cô, nói ra thì anh thấy nhớ cô, nhớ dễ sợ nhớ luôn ấy. Hai lăm Tết được nghỉ, đến giờ chưa được một tuần, vậy mà anh thấy như một năm. Cũng định chạy qua mấy lần nhưng vì bận, cộng với việc chả có cớ gì để chạy qua nên anh ngại. Giờ thì Tết nè, Tết nên anh có đường đường, chính chính qua nhà cô.
Dừng xe lại trước cổng, Duy Thanh nhìn vào nhà Mỹ Hạnh và thấy có điều gì đó lạ lạ. Chả có hoa hòe, cũng chả có mai, đào hay “quật”. Nhà anh tuy không khá giả mấy nhưng Tết đến thì má vẫn sai các anh ra mua hai chậu bông Cúc về. Nhà anh còn có cây quật nữa, có điều từ khi anh Duy Nhân ra đi, anh ấy đem theo luôn cả “bí kiếp” đi theo. Anh Duy Trung mặc dù được anh ấy dặn dò và hướng dẫn nhưng mấy năm nay, cây quật chỉ có lá và cành, trái đâu chả thấy.
“Sún ơi Sún.” Duy Thanh cảm thấy mình kêu nhầm nên kêu lại. “Hạnh ơi.”
Mỹ Hạnh bước ra. “Lu hả, vào đây chơi.”
Tết mà sao nhìn Sún cứ “ỉu ỉu” như thế nào ấy, anh không biết lý do là gì, cho tới khi bước vào nhà và thấy một chiếc bàn thờ to chình ình trước mặt. Khung ảnh trên đó, chính là bà ngoại hôm nào.
Hai người ngồi ngoài hiên và Mỹ Hạnh bắt đầu tâm sự mọi điều với Duy Thanh. Chiều hôm đó, anh cuối cùng cũng hiểu được mọi việc trước giờ hay thắc mắc. Vì ba mẹ lục đục với nhau, nên Sún và em mình bắt buộc phải chuyển nhà lên gần huyện để sống. Vì mẹ Sún muốn gần và để dễ quản ba Sún hơn, trước giờ ba Sún làm việc trên huyện và ít khi về nhà. Đó cũng là lý do mà Sún phải chuyển trường.
Những tưởng như vậy thì gia đình sẽ lại “hòa êm” nhưng mọi chuyện vẫn không thể cứu vãn được sự chia ly và tan vỡ gia đình. Ban đầu là ly thân, sau đó cũng tới ly hôn và Sún phải nhìn ba mình bước đi cùng một người phụ nữ khác. Rồi chú Tân xuất hiện, chú cũng như mẹ cô, từng có một cuộc hôn nhân tan vỡ. Hai trái tim, hai sự đồng cảm với nhau, hai người bắt đầu quen nhau và tất nhiên Sún với em mình thừa biết chuyện đó. Lúc đầu là những món quà, tiền tiêu vặt, rồi đến xuất hiện trong những bữa cơm và đưa đón hai chị em cô đi học.
Muốn mẹ mình hạnh phúc nên hai chị em cũng không ngăn cấm hay ghét bỏ chú. Rồi hai người họ cũng làm một cái đám tiệc nho nhỏ, đăng kí kết hôn và dọn về sống cùng nhau. Đến năm lớp chín, sức khỏe của bà ngoại yếu đi và phát bệnh nhiều lần. Do vậy cô xin mẹ mình về sống chung với bà để cho dễ chăm sóc. Phần có gì thì hai bà cháu cũng đỡ hơn là một mình bà.
Advertisement / Quảng cáo
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Tất nhiên là sao mẹ cô cho phép được, nhưng khi nghĩ đến cảnh sống chung với “cha dượng” cũng khó chịu như thế nào, nên mẹ cô đành miễn cưỡng đồng ý. Nghĩ cho cùng thì mẹ cô cũng khó lòng từ chối, chẳng lẽ lại đi bất hiếu để cho bà ngoại như vậy.
Duy Thanh nghe xong mọi chuyện thì vô cùng thương Mỹ Hạnh. Anh không ngờ cô lại có một cuộc sống khó khăn như vậy. Qua chuyện này thì anh cũng cảm thông cho bạn lớp trưởng, vì trong thời khắc khó khăn đó, bạn lớp trưởng đã ở bên cạnh quan tâm và chia sẽ mọi thứ với Sún, điều mà anh không hề làm được.
Chiều hôm sau, Mỹ Hạnh cảm thấy hơi buồn vì cả nhà lại đi chơi hết, do vậy cô nghĩ mình cũng nên đi chơi. Mà đi chơi thì phải vui và giờ cô chỉ cảm thấy vui nhất khi được gặp Lu ngốc, nên chẳng do dự mà đạp xe đi. Đoạn đường từ nhà cô tới nhà của Lu cũng không xa lắm. Đạp ngang qua bờ sông, rẽ vào đường tre làng rồi tới trường cấp một, sau đó đạp tiếp nữa tới “hồ xanh”, nơi cô nhi viện nằm bên cạnh.
Vì được mẹ và chú Tân dặn trước nên Mỹ Hạnh chỉ dám đứng bên ngoài. “Thanh ơi.”
Má Ba ngồi trong phòng nghe được nên liền bước ra. “Hạnh hả, vào nhà chơi con.”
Cô khẽ cười. “Dạ thôi, con mắc tang nên vào không được.”
“Tang gì mà tang.” Bà mỉm cười. “Nhà bác không cử, con cứ vào đi.”
Cô khá bất ngờ. “Con vào được hả bác?”
“Được.” Bà gật đầu rồi nói lớn. “Thanh ơi, bạn gái qua chơi kìa.”
Minh Dũng nghe thấy nên liền chạy ra. “Chị Hạnh.”
Cô dựng xe xong thì đi tới. “Chào Dũng năm mới.”
“Cho chị này.” Minh Dũng đưa cây kẹo bốn mùa “hương vải” ra.
Cô nhận lấy. “Cảm ơn em nha.”
Má Ba lúc này đi vào phòng tập thể nam. Bà thấy con trai mình đang ngủ say trên giường. Khẽ cười, bà lay nhẹ cu cậu. “Thanh, Thanh.” Thấy cu cậu thức dậy, bà nói tiếp. “Bạn gái sang chơi kìa.”
“Dạ?” Duy Thanh không tin vào tai mình. Anh bật dậy ngay sau đó.
Sau khi vệ sinh mặt mũi, chỉnh sơ lại áo quần, Duy Thanh hớn hở lao đi. Anh thấy má Ba, Minh Dũng và bé Bi đang ngồi trò chuyện với Sún. Lần đầu tiên anh thấy Sún mang áo sơ mi tay ngắn và quần dài. Trông Sún có vẻ không còn buồn như hôm qua nữa.
“Sún mới tới hả?” Duy Thanh kiếm cớ bắt chuyện.
Má Ba liếc mắt. “Bạn gái tới chơi cả tiếng rồi, còn mình thì lo nằm ngủ.”
“Anh Thanh hư quá.” Minh Dũng cười.
Ngồi trò chuyện một lúc, ăn vài cái bánh kẹo, cắn vài chục hạt dưa, uống vài ly nước ngọt, Duy Thanh và Mỹ Hạnh chào mọi người rồi đạp xe đi chơi. Anh muốn dẫn cô nàng ra bờ hồ, nơi có quan cảnh thích hợp cho hai người tâm sự.
Đạp xe ra khỏi nhà, Duy Thanh cùng Mỹ Hạnh đạp thêm một đoạn nữa thì rẽ phải. Hai người bắt đầu đạp trên đoạn đường đê dọc hồ, một bên là hồ nước yên ả trong xanh, một bên là đồng cỏ xanh mượt, hai trái tim khẽ rung nhẹ bởi ngọn gió “tình yêu”. Dừng xe lại ở gần giữa hồ, Duy Thanh cùng Mỹ Hạnh bước tới ngồi trên thành đê.
“Đẹp quá ha.” Đây là lần đầu tiên cô tới đây. Mặc dù trước giờ cô đã nghe rất nhiều người bàn tán về vẻ đẹp nơi này.
Duy Thanh thấy bình thường. “Lu thấy bình thường mà.” Chắc do anh lớn lên ở đây nên bị nhàm chán.
Cô đánh nhẹ lên vai anh. “Đẹp vậy mà bảo bình thường.”
Duy Thanh khẽ cười. “Nó chỉ đẹp.” Anh ngập ngừng. “Khi Sún chưa tới.”
Advertisement / Quảng cáo
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
“Nói gì đó.” Cô bếu bụng anh trong khi mặt đỏ lên.
“Á.” Anh nhướng người né nhưng không kịp.
Rồi Duy Thanh vô tình chạm tay vào một bụi cỏ nhỏ. Nhìn sang, anh thấy một bụi hoa dại nhỏ mọc ra từ những vết nứt trên bờ đê. Cảm thấy mình nên áp dụng một chút “sến” từ những cuốn sách đọc được ở nhà Quốc Hùng, anh bứt một bông hoa “Xuyến Chi”, hay nơi anh sống còn gọi là hoa Cúc “dại”. Một bông hoa nhỏ với nụ vàng bên trong và những cánh hoa màu trắng bên ngoài.
Anh quay sang Mỹ Hạnh mỉm cười. “Tặng Sún nè.” Trong lúc Mỹ Hạnh đang mở to mắt vì ngạc nhiên, thì anh vô thức vén tóc, dắt bông hoa lên tai của cô. Anh không biết có sến lắm hay không, chứ anh thấy cô đang lao qua cắn anh như hôm nào.
Anh hy vọng cô cũng sẽ như loài hoa Xuyến Chi này, dù có sống trong môi trường khắc nghiệt như thế nào, Xuyến Chi vẫn kiên cường phát triển và khoe sắc cùng với đất trời. Mộc mạc, tự nhiên và vẻ đẹp phải khiến người ta xao xuyến.
Mỹ Hạnh phát ngượng chả biết làm gì nên đành cắn Duy Thanh cho đỡ thẹn. Cắn xong, cô cũng chỉ biết cúi mặt xuống vò tay lại với nhau. Người gì đâu mà kì cục, hết buông lời tán tỉnh cô, giờ lại đến tặng hoa thể hiện nữa chứ.
Hai người cứ thế im lặng một hồi lâu, mãi đến sau này thì Mỹ Hạnh chợt nhận ra một điều, cô cũng chỉ là như hoa Xuyến Chi kia, mọc dại ven đường, chả được người ta cung phụng, có thể bị ngắt và bị chà đạp bất cứ lúc nào. Cuộc đời của cô, nó chả khác gì với sự tích của hoa Xuyến Chi cả.
Truyện kể rằng, có một cô gái sở hữu giọng hát làm say đắm người nghe nhưng nàng lại không hề xinh đẹp. Thậm chí chẳng ai dám đối mặt và quan tâm đến nàng. Suốt một thời gian dài, cô gái luôn cô đơn lạnh lẽo và phải sống một mình.
Rồi tình cờ có một người đàn ông đi ngang qua và bị hấp dẫn bởi giọng hát tuyệt vời của cô gái. Người đàn ông đó đã dừng lại trò truyện, quan tâm nhưng chưa một lần dám đối diện với cô nàng. Nhưng cô gái chẳng kịp nhận ra điều đó, mà lại cảm thấy hạnh phúc tràn đầy trong người.
Hạnh phúc chưa được bao lâu, thì người đàn ông đó cũng bỏ cô gái ra đi mà không một lời từ biệt. Cô gái vẫn hi vọng một ngày nào đó, người đàn ông ấy quay lại và cho cô một niềm hạnh phúc đến trọn đời. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, mà cô gái ấy vẫn chẳng thấy người đàn ông trong mộng của mình quay về. Cô gái đã kiệt sức, ngã xuống và rồi mọc lên một loài hoa nhỏ bé, xinh đẹp mang tên Xuyến Chi, một loài hoa dại có sắc đẹp kỳ lạ và mỗi khi nhắc đến loài hoa này, ai nấy đều bồi hồi xao xuyến.