“Nào, chuẩn bị tới giờ rồi.” Quốc Hùng hớn hở.
Hôm nay là ba mươi Tết, vì anh và Mỹ Hạnh không về nước, nên mẹ anh đã bay sang tận đây. Mọi người hoãn lại tất cả mọi việc, canh đúng giờ “giao thừa” ở quê hương và đón mừng năm mới ở bên này. Tuy không có các món “ẩm thực quê nhà” nhưng anh và Mỹ Hạnh cũng chuẩn bị và sửa soạn mọi thứ rất linh đình. Bà Thúy Nga thấy vậy cũng rất mừng, vì thấy hai đứa chả khác gì vợ chồng thực thụ.
“Sao mẹ còn đứng đó?” Quốc Hùng chỉ tay lên ghế. “Mẹ tới ngồi đây đi.”
Thế là bà lắc đầu rồi bước tới ngồi giữa hai đứa nhóc. Mọi người chờ đến đúng giờ và bắt đầu hò hét chúc mừng nhau. Đây là cái Tết đầu tiên Quốc Hùng cảm thấy hạnh phúc thật sự, hạnh phúc khi ở bên cạnh người anh yêu.
Mỹ Hạnh cũng đón nhận cái Tết đầu tiên xa nhà của mình và cũng là cái Tết đầu tiên, cô thấy như mọi ngày bình thường. Có lẽ niềm vui của cô giờ đây đang vui vẻ bên một người khác, mà cô quên mất, anh đã được ra tù đâu.
Từ khi qua đây, thỉnh thoảng cô hay trò chuyện với gia đình mình qua mail. Cô thì không nói, chỉ có bé Dung phải chạy ra tiệm net để liên lạc. Giờ thì cô cũng không còn giận em mình nữa, vì người có lỗi có phải là em cô đâu, mà cho dù có lỗi đi chăng nữa, thì nó vẫn là em gái của cô, và cô cũng không thể giận nó được. Hơi rắc rối nhưng nói chung là cô cũng đã tha thứ cho em mình. Lâu lâu cô còn mail hỏi Mỹ Dung dạo này thế nào, có cần cô giúp hoặc mua gì không. Cô nghĩ chắc em cô vẫn còn ngại, vì nó luôn thoái thác bảo không cần.
“Con thế nào rồi?” Bà Thúy Nga tranh thủ dọn dẹp với Mỹ Hạnh thì hỏi. Từ lúc qua đây tới giờ, lúc nào thằng con bà cũng kè kè bên cạnh, nên bà chả thể tâm sự riêng tư với cô nhóc.
“Dạ, vẫn bình thường cô.” Mỹ Hạnh khẽ cười.
“Còn đau không?” Bà đi thẳng vào vấn đề.
Mỹ Hạnh mặc dù vẫn thấy nhói trong tim nhưng vẫn giả vờ. “Dạ không.” Cô lắc đầu và cười gượng.
Bà Thúy Nga tất nhiên vẫn chưa tin lắm. “À, bữa trước cô có gặp mẹ con.” Bà nghĩ mình nên chuyển chủ đề.
“Ủa vậy hả cô.” Mỹ Hạnh cảm thấy dễ chịu hơn khi nói về vấn đề này. “Mẹ con có nói gì không?”
“Hỏi con sống bên này thế nào, rồi nhờ cô giúp đỡ này kia.” Bà khẽ cười.
“Hai người đang nói gì vậy?” Quốc Hùng bất ngờ xuất hiện.
Bà Thúy Nga quay lại. “Nói xấu thằng con mất dạy của tôi.”
Quốc Hùng giả vờ buồn. “Năm mới nha mẹ.”
“Ở bên Tây, người ta không có kiêng cử.” Bà đáp lại ngay lập tức.
Thời gian qua đi, Mỹ Hạnh vẫn tiếp tục ôm chặt nỗi đau của mình. Tất nhiên, dù không nói thành lời, nhưng cả cô và Quốc Hùng đều hiểu, chuyện tình cảm của cả hai bây giờ là điều không thể.
Quốc Hùng vẫn là “bà mẹ khó tính” của cô. Luôn cằn nhằn khi cô làm sai và nhắc nhở khi cô quên gì đó. Chả biết anh suy nghĩ gì, nhưng càng ngày anh càng biến thành người “phụ nữ của gia đình”, khi từ cái ăn đến việc dọn dẹp, anh đều bao tất. Tất nhiên nói anh giỏi thì không phải, dọn dẹp nhà sạch cũng không luôn, chỉ là anh siêng gì mà siêng dữ, siêng hộ luôn phần của cô.
Cảm thấy mình không nên làm phiền và chây ì ra nữa, thế là cô quyết định phân chia công việc hằng ngày với anh. Tất nhiên lúc đầu anh không chịu, về sau anh đồng ý, rồi lại cũng lén âm thầm làm luôn phần nhiệm vụ của cô. Mọi việc thế là dần dần hoàn nguyên lại như lúc ban đầu.
Thỉnh thoảng cô cũng hay nghe Quốc Hùng kể về Duy Thanh ở những bữa cơm. Mặc dù biểu cảm như không quan tâm, nhưng thực chất trong lòng cô vẫn muốn biết nhiều hơn những gì Quốc Hùng kể. Ngoài việc cô Thúy Nga đang giúp anh sớm ra tù, thì cô chả còn nghe được gì thêm.
Về công việc ở cửa hàng cà phê, ngoại trừ lần đầu tiên xót lòng khi thấy các cặp tình nhân “tay trong tay”, thì về sau cô quen dần và cảm thấy bình thường hơn. Cô đã từng cùng anh như vậy, cùng anh nắm tay bước vào cửa hàng, cùng nhau chọn thức uống và cùng nhau trò chuyện. Nhiều lúc cô tự hỏi bản thân, có khoảnh khắc nào trong số đó, anh đối xử với cô thật lòng không. Hay tất cả chỉ là vở kịch, và cô bị cuốn theo như một khán giả bị hấp dẫn bởi tài năng của một “bậc thầy” như anh.
Tại sao con người luôn thay đổi khi lớn lên. Tại sao anh không phải “Lu ngốc nghếch” như xưa, luôn bảo vệ và ở bên cạnh che chở cho cô. Mà hóa ra, cô đặt tên anh là Lu, với hy vọng anh sẽ luôn yêu thương, quấn quít không rời xa mình. Nhưng rồi như thể cái tên “Lu” đó, lại dường như dành cho chính cô vậy, luôn chạy theo hình bóng của anh, mà không hề suy nghĩ.
Những lời nói yêu thương của anh, đó là sự “thả thính” dành riêng cho cô, hay với nhiều người con gái khác nữa, bao gồm cả Mỹ Dung. Thật sự là anh ngây ngô, hay đó chỉ là sự giả vờ của anh để đánh lừa và qua mắt những người con gái như cô. Nếu nói anh là “sở khanh” thì có vẻ quá tầm thường, “bậc thầy lừa tình” mới đủ để diễn tả được trình độ của anh.
Cô nhớ lại chuyện ngày xưa, lúc đó đang trong thời gian ôn thi đại học. Chiều hôm đó theo thói quen, anh lại chạy xe qua chở cô đi chơi. Không ra bờ sông quen thuộc, lần này anh lại chở cô tới nơi mới, trường tiểu học cũ.
“Đố Sún đây là đâu?” Duy Thanh quay lại khẽ cười.
Cô lúc này đang cùng anh đi dạo trong sân trường. “Trường cấp một hồi xưa chứ đâu.” Sao lại hỏi cô như vậy, ngốc nghếch là có thật.
“Không.” Duy Thanh nói. “Đây là nơi anh gặp em.”
Tất nhiên lúc đó cô nghe xong thì liền đứng hình. Đúng thật là vậy, đây chính là địa ngục mà cô vô tình gặp phải ác ma. Xem ra những gì trước kia cô đấu tranh tư tưởng là đúng, lẽ ra cô không nên phát sinh tình cảm với anh.
Cứ gặm nhắm nỗi đau như vậy, cô ngày càng ít
cười và ít nói hơn trước.
Thế rồi cái Tết tiếp theo cũng đến, và như những dự định trước đó của cô với Quốc Hùng, hai người sắp xếp mọi việc để bay về nước. Chỗ làm của cô cũng khá thân thiện nên “boss” đồng ý cho cô nghỉ, mà không gây bất cứ một khó khăn nào. Chưa kể “boss” của cô còn thưởng thêm một khoản nhỏ nữa. Tất nhiên là cô nhận lấy cho “boss” vừa lòng, chứ thật sự thì từ khi được cô Thúy Nga chu cấp, cô có thiếu cái gì đâu.
Sau nhiều giờ bay, về tới thành phố khi trời chập tối, vì phải mua quà biếu gia đình nữa, nên sau khi vừa đặt chân xuống, cô và Quốc Hùng phải đánh xe thêm một vòng nữa trước khi về nhà.
Kéo vali vào sân, còn quà thì Quốc Hùng xách hộ, cô thấy mọi thứ vẫn vậy, vẫn chả có gì thay đổi, ngoại trừ ngôi nhà đã được quét vôi lại toàn bộ. Vẫn là khoảng sân, vẫn là dây phơi quần áo và vẫn là những chậu cây thuốc nam, ngôi nhà vẫn y nguyên như trong ký ức của cô, mặc dù thành viên trong gia đình đã thay đổi. Dưới ánh đèn chiếu sáng trong nhà, cô có thể thấy rõ em gái mình đang bế con trên tay.
“Chị.” Mỹ Dung ngạc nhiên khi thấy chị mình về nhà. Mặc dù đã liên lạc với nhau từ trước nhưng Mỹ Dung vẫn ngạc nhiên. Có lẽ vì thần thái, hay phong cách ăn mặc của chị cô thay đổi chăng.
“Con gái mình về em ơi.” Chú Tân từ dưới bếp đi lên nói lớn.
Quốc Hùng đi vào. “Dạ con chào chú.” Anh nhìn Mỹ Dung. “Chào em.”
“Dạ anh.” Mỹ Dung khẽ cười.
“Con về rồi hả?” Bà Thùy Trang đang chuẩn bị thức ăn tối.
Cô đáp. “Dạ.”
Quốc Hùng lại chào. “Con chào cô.”
“Ở lại ăn cơm luôn con.” Bà Thùy Trang mỉm cười. “Cô mới nấu xong.”
“Dạ thôi cô.” Quốc Hùng khẽ cười. “Để bữa khác ạ. Giờ con phải về nhà có chút việc.” Anh quay sang Mỹ Hạnh. “Hùng về nha.”
Cô ừm một tiếng rồi nói với mẹ mình. “Để con giúp mẹ.” Tự nhiên cô cảm thấy khó chịu khi ở gần Mỹ Dung.
“Thôi, con mới về mệt nên cứ ngồi nghỉ đi.” Bà vừa nói, vừa đi xuống bếp.
Một lát sau. “Thời tiết bên đó thế nào con?” Chú Tân bắt đầu mở chuyện khi mọi người ngồi quây quần bên nhau ăn cơm.
Cô trả lời đại. “Dạ, cũng bình thường chú.” Chỉ còn cô là vẫn còn kêu chú Tân bằng “chú”.
Bà Thùy Trang tò mò. “Con ở chung nhà với thằng Hùng à?”
Cô thấy những chuyện này, cô đều nói cho mọi người từ lâu rồi mà. “Dạ.”
Bà gắp thức ăn vào chén Mỹ Hạnh. “Hai đứa sống chung như vậy được không?” Thật ra thì bà rất muốn hai đứa “ăn cơm trước kẻng” kia.
“Dạ bình thường mẹ.” Cô vừa ăn, vừa nói. “Phòng ai, nấy ở nên cũng như ở trọ vậy thôi.” Cô đã giải thích ngay trong bức mail đầu tiên gởi về nhà, là vì sao cô không thích ở trong ký túc xá do trường sắp xếp rồi mà.
“Chị vẫn còn đi làm thêm hả?” Mỹ Dung hỏi.
Cô chỉ ừm một tiếng.
Tối đó, sau khi ăn cơm xong, cô vào lại phòng mình, thỉnh thoảng cô nhắn tin trò chuyện với Quốc Hùng và chủ yếu là gởi mail cho lũ bạn để hỏi thăm. Đã rất lâu rồi cô mới lại được nằm trên chiếc giường cũ đầy kỷ niệm này. Vui có, buồn có, cười cũng không ít và khóc cũng rất nhiều.
“Chị đang làm gì vậy?” Mỹ Dung bế Duy An đi vào.
Cô liếc mắt sang. “Gởi mail cho bạn.”
Mỹ Dung ngồi xuống giường. “Chị mới mua máy tính hả?” Cô nàng tò mò khi thấy chiếc máy tính màu trắng mới tanh.
“Laptop của anh Hùng cho chị.” Cô đáp.
“Ồ.” Mỹ Dung khen ngợi. “Anh Hùng tốt chị ha.” Thấy chị mình im lặng không nói gì, Mỹ Dung ầm ờ. “À, anh Thanh ra tù rồi đó chị.” Cô hy vọng chị sẽ nói chuyện với mình khi nghe về vấn đề này.
Mỹ Hạnh bắt đầu khó chịu. “Chị biết rồi.” Cô đã nghe Quốc Hùng nói. Nhưng rồi cô chợt nghĩ, việc Duy Thanh ra tù thì liên quan gì tới cô nữa. Em cô có ý gì đây.
Mỹ Dung thấy chị mình rất khác và đôi phần lạnh nhạt hơn trước. Trong mail chị cô nói đã bỏ qua mọi chuyện, chứ nếu không thì cô đâu dám bước tới gần. “Em thấy hình như chị mập ra thì phải?”
“Chị vẫn vậy mà.” Cô ngồi dậy. “Bé vẫn khỏe chứ?” Cô khẽ nắm tay Duy An.
“Dạ khỏe chị.” Mỹ Dung mừng rỡ. “Chị bồng cháu đi.” Mỹ Dung nói với con mình. “Con qua dì bồng nha.”
“Thôi.” Mỹ Hạnh từ chối nhưng khi thấy em mình đưa con qua, cô đành miễn cưỡng bồng lấy. “Chị đâu biết chăm em đâu.”
Mỹ Dung khẽ cười. “Nó ngoan lắm, chị đừng lo.” Cô đứng dậy. “Chị bồng giúp em một chút, em đi pha sữa cho nó.”
Mỹ Hạnh bế Duy An trên tay, hai dì cháu nhìn nhau và dường như có sự liên kết vô hình của huyết thống, thằng bé cứ nhìn cô mỉm cười và không ngừng nũng nịu.
“Chu choa xem ai kìa.” Bà Thùy Trang bước vào phòng. “Thấy dì bồng là nịnh liền.”
Nịnh, đó có phải là “gien” di truyền hoặc là huyết thống của anh không. “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, có phải Duy An cũng như ba nó, cũng chỉ giỏi nịnh nọt cô những lúc khi cần và sẵn sàng chà đạp vứt bỏ cô đi khi không cần nữa.
Biết đâu những cảm xúc khó chịu nãy giờ của cô, không phải là vì Mỹ Dung, mà chính là vì Duy An thì sao. Biết đâu cô khó chịu khi nhìn thấy thằng bé, vì nó làm cô liên tưởng đến thằng cha. Hay biết đâu cô khó chịu vì cả hai.
Cứ ngỡ sau bao nhiêu thời gian, cô có thể quên và vứt bỏ được quá khứ, nhưng ai ngờ khi đối diện với thực tế thì mới biết là không. Hóa ra, yêu và hận đều có một điểm chung, đó là nhớ. Chỉ có lãng quên mới là điều cô cần nhất vào lúc này.