Kể từ sau vụ đi ăn, cả phòng kinh doanh bỗng ngập tràn không khí chiến tranh lạnh. Tất nhiên là không cô nào dám cự lại phó phòng, cũng như người yêu của sếp tổng rồi, chỉ là không biết là vì ngại ngùng, hay vì ganh ghét nữa.
Vẫn là nói chuyện với nhau nhưng mức độ thân thiết thì không còn. Lâu lâu lại có những trường hợp tụm lại nói xấu về ai đó. Mỹ Hạnh nghĩ vậy cũng tốt, thân thiện quá sau này sẽ khó làm việc. Có điều cô hơi thắc mắc, giả sử như cô và Quốc Hùng sau này về chung một nhà đi và cô sẽ làm “bà tổng”, vậy thì giờ cô có thể lạm dụng trước quyền lực đó được không. Có một số người cô cần phải giải quuyết.
Tất nhiên chỉ là một số thôi, vì ở phòng cô vẫn còn chơi với nhiều người. Bác trưởng phòng thì không nói, bác rất hiền và cô còn phải được bác chỉ dẫn thêm nhiều điều. Những người còn lại, chỉ có cô C và anh A là vẫn còn chơi với cô.
Nói về anh A này, lúc đầu cô đa nghi tưởng anh chàng muốn làm phi công, ai dè không phải vậy.
“Con gái thích gì chị?”
“Làm sao để lấy lòng một cô gái hả chị?”
“Nếu là chị thì chị sẽ thích gì?”
Đó, một số câu hỏi cơ bản mà anh chàng hỏi cô để nhờ tư vấn. Lúc đầu đa nghi tưởng thằng nhóc này cưa cẩm mình, ai dè là cu cậu đang tán bạn gái.
Còn cô C thì vẫn tò mò hỏi han cô nhiều thứ, cuộc sống rồi tình yêu của hai người như thế nào. Cô cũng trả lời một số chi tiết, trừ vấn đề về tình yêu. Mới đây cô còn mới biết là mình đang yêu sếp tổng kia mà.
Thấy tình hình trong phòng có vẻ không được nồng ấm, cô thì có thể chuyển sang ngồi một phòng riêng, hoặc có thể xin chuyển sang bộ phận khác, nhưng cuối cùng cô lại quyết định cứ để mọi việc diễn ra như bình thường.
Ở đời có nhiều cái khổ và một trong số đó là “oán tắng hội khổ”, có nghĩa tạm hiểu rằng, người ta phải chịu khổ khi phải tiếp xúc với những người hay những thứ mà họ không thích, hoặc oán ghét.
Ai ghét cô thì cứ ghét đi, ai chết cho biết. Cô qua cái tuổi phải sống dựa theo cảm xúc của người khác rồi. Hồi nhỏ cứ sợ người này thế kia, người kia thế này, nên phải cuốn mình và bắt ép bản thân sống theo cảm xúc của họ, mặc kệ mình chịu thiệt ra sao. Giờ trưởng thành ra đời rồi, ngại không có chết, không có tiền mới chết thôi.
“Mình sinh ra không phải để làm vừa lòng tất cả mọi người”, một câu nói nổi tiếng mà cô đã từng được đọc ở đâu đó.
Do vậy, thay vì phải sống vì người khác thì nên sống vì bản thân và gia đình mình thì tốt hơn. Tất nhiên câu nói chỉ mang tính chất tương đối thôi, vì có những trường hợp tuy không phải là gia đình nhưng cô vẫn đối tốt, như Quốc Hùng chẳng hạn. Cô vừa mới cưu mang và tạo việc làm cho anh chàng. Mà thực chất anh chàng cũng chả cần cô cho phép nữa, cứ xồng xộc xông vào nhà.
Hôm đó sau khi chở cô đi làm về, anh chàng chạy ra siêu thị mua cả đống thứ rồi quay lại nhà cô.
“Ủa Hùng?” Cô chưa kịp nói hết câu thì anh đã xách đống túi đi vào. “Sau không đi về?” Cô đi theo sau lưng. “Mua gì nhiều vậy?” Cô đá nhẹ vào mông anh. “Hỏi sao không trả lời?”
Anh ngồi xuống trước tủ lạnh rồi quay đầu lại. “Lắp đầy tủ lạnh của em chứ làm gì.”
“Nói ai em?” Cô lại đá vào mông anh.
“Thế giờ em thích anh kêu bằng chị không?” Anh bắt đầu sắp xếp đồ vào tủ lạnh.
Sau vụ tủ lạnh, anh xắn tay áo lên và bắt đầu đi dọn dẹp. Vẫn như xưa, anh chàng quần quật khắp mọi nơi và mọi thứ đỡ bẩn hơn trước. Chẳng qua cô nhát thôi, chứ nếu so về vụ quét nhà thì anh thua cô xa.
“Em nhấc chân lên cái.” Quốc Hùng đang cầm chổi.
Cô lúc này đang ngồi trên ghế sofa. “Ai mượn vậy?”
“Tự nguyện.” Anh nói. “Bao anh ăn ở là được rồi.”
Cô tủm tỉm cười. “Bao ăn thì được, bao ở thì khỏi đi.”
“Sao vậy?” Anh nhìn cô với ánh mắt buồn bã.
“Nam cô, nữ cô, tự nhiên đòi ở chung với nhau.” Cô giả vờ trợn mắt lên hù dọa.
Anh cười đầy gian xảo. “Thế chúng ta ra phường đăng ký kết hôn đi. Khỏi sợ người ta dị nghị nữa.”
Cô đánh nhẹ vào người anh. “Nói gì đó?” Cô nghe mà thấy phát ngượng. Chưa gì mà đã đòi cưới người ta.
“Em nghĩ đi, giờ ai cũng biết em sống chung với anh rồi, làm sao ai dám cưới em nữa.” Anh nháy mắt.
“Sống chung hồi nào?” Cô đỏ mặt.
Anh ngước mắt lên như đang nhẩm tính. “Chắc phải mấy năm ở bên Úc á.” Anh khẽ cười. “Tin anh đi, ngoài anh ra, không ai cưới em đâu.”
Cô le lưỡi. “Ỉa thèm nhé. Đây ở góa tới già luôn.”
Trong khi đó ở phía dưới chung cư, Duy Thanh sau khi ngồi chờ một lúc rõ lâu thì cũng đánh xe đi. Anh không biết bản thân mình nên làm gì, anh chỉ cảm thấy rất nhớ và rất muốn được nhìn thấy Sún. Biết cô tan ca lúc nào nên anh đã đậu xe sẵn dưới chung cư từ trước. Nhìn cô bước ra từ xe của Quốc Hùng, tiếp tục chứng kiến bạn mình xách một đống túi lên trên chung cư và anh cứ như vậy, ngồi trong xe nhìn lên phòng, mà không biết bản thân đang đòi hỏi điều gì.
Thời gian không thể khiến anh quên cô đi, mà chỉ càng khiến anh nhớ cô hơn. Cứ ngỡ tình này sẽ sớm nhạt phai, nhưng không ngờ nó lại ăn sâu vào trí nhớ. Đi đâu, làm gì, anh đều thấy hình bóng của cô xuất hiện.
Do vậy, ngày qua ngày, chiều nào anh cũng ngồi trong xe chờ cô về. Anh chỉ muốn được nhìn thấy cô, dù chỉ là một khoảng khắc nhỏ. Và chỉ khi nào thấy được cô thì lòng anh mới nhẹ nhõm đi đôi phần.
Có lúc anh thấy, cô tay trong tay đi lên phòng cùng với Quốc Hùng. Lúc thì cô khoác vai và tựa đầu vào người anh chàng bước đi. Dù đã dặn lòng từ trước là sẽ lẳng lặng lùi về phía sau, nhưng khi nhìn thấy và chứng kiến tận mắt những cử chỉ âu yếm, những hành động tình cảm như vậy, thì anh càng giữ vững quyết định của mình hơn.
Mỹ Dung từng nói với anh. “Anh còn yêu chị em như vậy, sao anh không nói với chị em?”
Nói như thế nào, anh xin lỗi, chẳng qua vì đi tù nên anh mới cùng với mọi người lừa em. Giờ anh ra tù rồi, công việc cũng ổn định rồi, mình quay lại được không, chẳng lẽ anh phải nói như vậy.
Cứ cho là Mỹ Hạnh đồng ý quay lại đi, vậy hãy cho anh một lý do, một lý do để anh xứng đáng với việc đó. Suốt tất cả quá trình yêu nhau, anh luôn chạy trốn và bỏ rơi cô lại một mình, anh luôn bắt cô chờ đợi và làm cô đau khổ. Vậy anh xứng được hưởng hạnh phúc hơn so với Quốc Hùng sao, người mà luôn ở bên cô và chưa bao giờ bỏ rơi cô ở lại một mình.
Nhưng đó là vấn đề cô vẫn yêu anh, còn giờ đây thì cô đang hạnh phúc với Quốc Hùng kia mà. Mẹ Nga còn bảo là hai người chuẩn bị cưới. Vậy thì anh tới nói gì với cô bây giờ.
Nếu anh đã không mang lại được hạnh phúc cho cô, thì tại sao anh lại còn cản cô đi tìm hạnh phúc khác.
Cứ giả sử cô bỏ qua tất cả mọi chuyện cho anh, cùng anh bỏ trốn và bỏ lại tất cả mọi thứ sau lưng. Và cứ cho luôn là hai người sẽ “mai danh ẩn tích”, thoát khỏi sự truy giết của những kẻ thù và sống những ngày hạnh phúc với nhau, vậy những người còn lại thì sao.
Mẹ Nga tuy thương anh như con, nhưng đối với Quốc Hùng, bà vẫn muốn con trai mình được hạnh phúc chứ. Sau tất cả những gì bà làm cho anh, làm cho các anh chị em của anh và đây là cách anh trả ơn cho bà sao.
Chưa kể một điều quan trọng rằng, giờ đây, ngoài những chi phí mẹ Nga giúp đỡ cho nhà anh, thì bà còn đang tạo công ăn việc làm và chỗ ở cho hàng chục anh em khác. Giúp họ hoàn lương, hòa nhập lại với cộng đồng và có một cuộc sống lương thiện. Anh bỏ trốn cùng với Mỹ Hạnh, ai biết được mẹ Nga có tống cổ và cắt đứt những gì bà đang giúp đỡ hay không. Chẳng lẽ vì sự ích kỷ của bản thân, mà anh khiến cho cuộc sống của biết bao nhiêu người khác bị ảnh hưởng, chưa kể là gia đình của họ nữa.
Nên không, thay vì phải ấp ủ một chuyện phi đạo đức và ích kỷ như vậy, anh thà tự làm khổ chính mình thì hơn. Không có Sún anh vẫn gắng sống được, nhưng có Sún, chưa chắc gì anh đã có thể sống một cuộc đời bình thường, chưa kể là anh không thể cho Sún được những gì mà đáng ra Sún sẽ được hưởng khi ở bên Quốc Hùng.
“Ủa sao nhìn mẹ buồn vậy?” Duy Thanh hôm sau lái xe tới nhà mẹ Nga. Anh chuẩn bị chở mẹ đi gặp đối tác.
Bà đứng dậy. “Không có gì con.”
Ngồi
trên xe, anh nghĩ trước giờ công việc chưa bao giờ khiến bà u sầu như vậy. Chỉ có việc gia đình là mới buồn rầu thôi. “Chuyện thằng Hùng hả mẹ?” Anh ngầm đoán.
Bà ừm một tiếng rồi thở dài. “Lúc tối mẹ mới mắng nó.”
“Vụ gì vậy mẹ?” Anh tò mò.
“Từ hồi về nước đến giờ, chả khi nào nó có mặt ở nhà. Hết ở công ty thì cắm mặt bên nhà con Hạnh.” Nói xong bà chợt thấy áy náy với Duy Thanh về việc nhắc đến Mỹ Hạnh.
Anh nghĩ bà buồn cũng đúng thôi. Có một đứa con trai duy nhất, nuôi nó từ lúc “đỏ hỏn”, đến lúc lớn lên nó lại bên người con gái khác, tuy là mẹ nhưng không ít người cảm thấy tủi thân, thậm chí là ghen với con dâu mình. Đây là một chuyện rất bình thường mà anh hay đọc báo và nghe được trên đài, nên anh thấy rất thương cảm cho mẹ Nga.
“Thì lúc trước con đã bảo để Hạnh về sống chung đi, mẹ lại không chịu.” Anh khẽ cười.
Giờ thằng con đã không thèm đoái hoài gì đến bà, cho tụi nó về chung một nhà để bà nhìn cho tức chết à. “Có sống chung, thì cũng vậy thôi.” Dù sao thì bà cũng còn một thằng con trai để tâm sự. “Mà do anh hết đó.” Bà chợt nảy ý chọc cu cậu cho đỡ buồn.
“Sao lại do con?” Anh chả hiểu gì cả.
“Tại anh đòi chia tay con bé, nên giờ con bé mới đến với thằng Hùng.” Bà biết tính con mình không để bụng nên mới đùa như vậy.
Anh há hốc ngạc nhiên. “Mẹ ơi, vấn đề là nằm ở thằng Hùng mà. Có phải là Hạnh hay không, thì nó cũng sẽ cư xử như vậy thôi.”
Bà hỏi thật. “Đến khi nào con mới chịu để con bé đi? Chẳng lẽ con cứ định như vậy hoài?”
Tự nhiên bà đổi hướng nhanh quá khiến anh nhất thời choáng váng không thể mở lời.
Thấy cu cậu im lặng bà liền thở dài. “Nếu còn yêu sâu đậm như vậy, sao con…”
Anh biết mẹ Nga muốn nói gì nên liền cướp lời. “Con chỉ đang làm những gì tốt nhất thôi.”
“Con đừng biện minh cho mình như vậy.” Bà thấy không đúng.
Anh nén cơn đau lại. “Vậy mẹ có nghĩ, nếu mọi chuyện vỡ ra, ai sẽ là người đau khổ.” Anh phân tích cho bà hiểu. Mà thật ra anh cũng biết bà thừa hiểu rồi. “Là thằng Hùng đó. Mẹ muốn thấy con trai mình đau khổ sao? Thậm chí nếu con dẫn Hạnh đi, mẹ không sợ nó sẽ điên lên vì tình và suy nghĩ dại dột?”
“Làm gì đến mức đó.” Bà thấy cu cậu chỉ nói quá và phóng đại sự việc lên.
Anh nhếch môi cười. “Mẹ thừa biết thằng Hùng yêu Hạnh còn hơn con. Vậy mẹ nhìn con đi.” Anh nhìn bà qua gương. “Hùng sẽ mất bao nhiêu năm để quên được Hạnh, quên đi người vợ sắp cưới của mình?”
Bà chậc lưỡi. “Nó nói với mẹ sắp cưới vậy thôi, chứ con Hạnh chắc gì đã đồng ý.”
“Cho dù vậy, thì mẹ vẫn muốn đánh cược mọi chuyện sao?” Anh hỏi.
“Con đừng cứ ngụy biện như vậy.” Bà lắc đầu.
Anh nói trong cay đắng. “Con không nói sẽ quên Hạnh ngay bây giờ, nhưng con hứa với mẹ là con sẽ cố gắng quên cô ấy.”
Quên, đó có phải là trạng thái xóa bỏ hoàn toàn ký ức của một người ra khỏi trí nhớ hay không? Làm thế nào để quên? Phải mất bao lâu để quên?
Nếu yêu là từ “không” chuyển thành “có”, thì quên là từ “có” chuyển lại thành “không”. Mọi chuyện mà có thể đơn giản như vậy, thì có lẽ thế gian này đã không có nhiều người đau khổ vì tình yêu.
Yêu một người thì có thể rất nhanh, nhưng để hoàn toàn quên một người, đó không phải là một chuyện dễ dàng. Tình cảm có thể hết nhưng hình bóng thì vẫn còn vương lại và muốn xóa bỏ hoàn toàn ký ức về một người, nó không phải là chuyện cứ hết yêu là được. Không phải chỉ yêu mới nhớ, hận cũng có thể nhớ, thương cảm cũng có thể nhớ, hay đơn giản chỉ một lúc trống trải trong lòng, ta cũng có thể nhớ lại về người đã yêu.
Dù vây, nhưng không phải là không quên được. Bất cứ chuyện gì cũng phải “sanh diệt”, yêu cũng vậy, có nhớ thì phải tất có quên.
Duy Thanh hiểu, nhưng anh lại đi ngược lại với những gì mình đáng ra phải làm. Thay vì phải tập một cuộc sống không có Mỹ Hạnh, anh lại đắm chìm vào việc muốn ở gần cô hơn.
U mê tạo ra những suy nghĩ tham ái, từ sự tham ái, lại tìm mọi cách để làm thỏa mãn dục vọng. Để rồi khi đắm chìm trong nó, lại sinh ra lưu luyến chẳng muốn rời.
Duy Thanh si tình đến nỗi anh yêu và nhớ Mỹ Hạnh da diết, vì nhớ quá nên anh tìm cách mọi cách để được nhìn thấy cô, khi thấy được rồi thì anh lại chẳng muốn dừng lại. Chính vậy mà anh ngày càng bị kéo sâu hơn vào vòng xoáy đau khổ.
Thấy cô thì nhẹ lòng, nhưng có lúc anh thật sự rất buồn bực vì sự bất lực của bản thân. Ngồi trong xe nhìn cô ôm một đống tài liệu to lớn bước đi, trên đường chẳng may rớt xuống, rồi gặp phải gió thổi qua khiến nhiều giấy tờ bay tứ tung. Thấy vậy, anh liền định mở cửa chạy ra giúp nhưng giây phút vừa thò một chân ra ngoài, anh liền khựng người và đóng cửa lại như cũ. Anh không thể cứ thế xuất hiện trước mặt cô được và khi ngồi nhìn cô ngồi xuống nhặt lại từng đống giấy tờ, anh thật sự chịu không nổi, nên liền chuốc hết bực tức bằng cách đập tay lên vô lăng.
Rồi có một điều khó hiểu rằng, những lúc không được nhìn thấy cô, anh đậu xe cả đêm dưới chung cư là điều dễ hiểu. Nhưng có lúc thấy cô rồi, không chỉ một lần nhưng anh vẫn cứ thế ngồi đợi trong xe. Có những đêm anh ngồi rít thuốc cả một buổi tối và lâu lâu lại ngước mắt nhìn lên phòng của cô. Anh không biết rõ bản thân mình muốn gì, anh cứ ngồi trong xe như vậy, đợi đến khi ánh đèn của phòng cô vụt tắt thì mới vút xe đi.
Cũng chính vì ngồi đợi nhiều đêm, mà anh biết Mỹ Hạnh vẫn còn nhiều sở thích như trước. Cô vẫn còn thích uống sữa đậu nành và ăn vặt mỗi tối. Còn nhớ ngày xưa, anh từng chọc cô về vụ uống sữa này.
“Người ta bảo uống sữa đậu nành ngực to đó.” Anh khẽ cười.
Cô liếc mắt như muốn nuốt chửng anh. “Nói gì đó.” Thế là cô rượt anh chạy té khói.
Nghĩ lại lúc ấy mà anh lại cảm thấy vui. Có những chuyện mà sau này anh muốn tìm lại cảm giác xưa nhưng không thể. Giống như một đóa bồ công anh, gió cuốn đi rồi thì không thể nào trở lại như cũ. Ta chỉ có thể tìm được những nhánh nhỏ, tựa như những mảnh ký ức, chứ không thể là một đóa bồ công anh nguyên vẹn, như trở lại chuyện xưa.
Thấy cô hay mua sữa đem lên phòng, anh lại nảy ý muốn uống thử. Cầm một bịch sữa ấm trên tay, anh cảm thấy vị của nó không ngon như ở làng, vậy sao cô lại thích uống như vậy. Nhiều lúc trời mưa xối xả, vậy mà anh vẫn thấy cô che dù đi xuống mua cho bằng được.
“Mình có bán sữa đậu nành chai không em?” Anh bước vào cửa hàng tiện lợi đối diện chung cư.
“Có anh.” Cậu nhân viên tươi cười khi thấy “bạn hàng” tới. “Đây anh.” Cu cậu mở tủ lạnh đưa anh một chai sữa nhỏ.
Duy Thanh vặn nắp uống thử, anh thấy chưa đạt tới mức ở làng mình, nhưng dù sao ngon hơn bà chị đang bán ở đây. “Có giao hàng không em?”
“Có anh.” Cu cậu khẽ cười.
Anh hỏi. “Cái này bán lốc hay bán thùng?”
Cu cậu đáp. “Một thùng nhỏ, mười hai chai anh.”
“Vậy một tuần, em giao một thùng lên phòng 301 giúp anh.” Anh dặn. “Nhưng đừng nói là anh nha.”
“Em hiểu rồi.” Cu cậu nháy mắt. Tặng quà bí mật chứ gì.
Thế là sáng hôm sau, Mỹ Hạnh vừa mở cửa thì liền thấy một thùng sữa đậu nành đặt trước phòng. Trên thùng sữa có một tờ giấy biên lai giao nhận, đại loại khi cô đọc xong, cô hiểu đây là của người ta giao hàng đến. Tên người gởi thì chỉ ghi chữ “ANH”, người nhận thì lại ghi rõ tên cô “MỸ HẠNH”.
Ai biết cô thích uống sữa đậu nành vậy, ngoài mẹ cô ra thì chỉ có Quốc Hùng.