“Sao buồn vậy con?” Má Ba lại thấy Duy Thanh ngồi chống cằm nghĩ ngợi.
Duy Thanh ngẩng mặt lên. “Má.”
“Sao, lại không thích đi học à?” Bà ngầm đoán.
Duy Thanh đứng dậy ôm má. “Dạ không.”
“Sao lại không?” Bà thắc mắc hỏi.
“Con muốn đi làm nuôi má.” Anh đáp.
Bà hiểu ra vấn đề của cu cậu. “Con thấy mấy anh chị đi làm, nên muốn đi theo đúng không?”
Anh gật đầu. “Dạ.”
Bà khẽ cười. “Má biết con thương má. Nhưng nếu con muốn đi làm thì phải đi học đã.”
Duy Thanh không hiểu lắm. “Con muốn đi làm luôn, con không muốn đi học nữa.”
Bà thấy con mình thật ngây ngô. Cu cậu vẫn chưa hiểu gì về “đời”. “Má biết. Nhưng con cần phải đi học, phải kiếm cái chữ, sau đó mới đi làm được. Với lại người ta chỉ nhận người có đi học, không ai nhận người không đi học cả.” Bà muốn đả thông tư tưởng cho cu cậu, nên giả vờ nói như vậy.
“Vậy là con phải đi học á?” Duy Thanh thấy đi làm sao mà khó quá vậy. Anh cứ tưởng đi làm là ra xin họ, rồi đi làm thôi chứ.
Má Ba gật đầu. “Ừm.” Bà xoa đầu cu cậu. “Ngốc, ngốc lắm.”
Thế rồi sau những ngày trì hoãn, Duy Thanh cũng bắt đầu đi học và chính thức bước vào cấp hai. Nếu như cấp một học cùng với nhau, thì đương nhiên lên cấp hai sẽ lại được học chung với nhau. Duy Thanh nghĩ như vậy nhưng thực tế thì lại là một chuyện khác.
Làng P nơi Duy Thanh ở chỉ có một ngôi trường tiểu học. Khi lên trung học cơ sở, thì mọi người sẽ phải đi lên trên xã để học. Làng P thuộc xã H, nhưng xã H ngoài làng P thì có thêm một làng nữa, đó là làng V. Do vậy trường THCS xã H sẽ là nơi tề tựu học sinh của hai làng P và V.
Nếu những gia đình nào không thích thì có thể làm giấy chuyển trường xin qua xã kế bên để học. Vì ở trong thời này, mọi người sẽ phải học theo tuyến, nghĩa là người ở xã nào sẽ phải học ở xã đó. Nếu qua xã khác học thì người ta gọi là “trái tuyến”. Tất nhiên vẫn có nhiều trường hợp học sinh trái tuyến và để được chuyển trường, gia đình sẽ phải làm nhiều cách khác nhau, đi thẳng, đi vòng hoặc đi ngõ sau.
Do học tận ở xã, vượt qua phạm vi của ngôi làng, nên Duy Thanh bắt buộc phải đạp xe đi học và chiếc xe đạp ngang cũ kỹ được anh Duy Nhân chỉnh sửa sơ lại, trước khi giao toàn quyền cho cu cậu.
Vì nhập học trễ nên Duy Thanh cầm tờ giấy xin vào lớp đi tìm phòng và cái phòng của anh, sau khi tìm thì mới biết nó nằm ở trên tầng hai, lớp 6/5, phòng số năm. Lang thang một hồi thì anh cũng vào lớp, vì chưa tới giờ nên các bạn học sinh vẫn đang cười đùa trò chuyện và ai cũng nhìn anh với con mắt ngạc nhiên, xen lẫn tò mò. Vẫn như thói quen cũ, Duy Thanh bước đến dãy bàn bên cửa sổ và nhắm thẳng tới cuối lớp mà ngồi. Vừa đặt chiếc cặp xuống, bạn nam bàn trên đã quay lại nhìn anh.
“Chỗ này có người ngồi rồi bạn ơi.” Bạn nam nói.
Duy Thanh thấy chiếc bàn không có một cái cặp nào. “Mình ngồi một bên được không?” Anh nghĩ nếu có người ngồi rồi thì anh ngồi chung bàn. Nếu cả bàn có hai người ngồi thì anh đi chỗ khác.
Bạn nam tiếp tục nói. “Không được, bạn qua bàn khác ngồi đi.”
“Bàn tao hay bàn mày?” Một bạn nam khác bất ngờ bước tới vỗ đầu bạn nam kia.
“Tao giữ bàn giúp mày rồi, mày còn nói nữa.” Bạn nam bàn trên tỏ vẻ như bị đánh oan.
Duy Thanh lúc này nhìn qua bạn nam mới tới. Áo quần tươm tất, áo trắng ra áo trắng, quần xanh đen ra quần xanh đen, da vẻ trắng trẻo hồng hào, mái tóc bóng loáng được vuốt ngược lên trên, Duy Thanh nghĩ đây chắc chắn là “công tử” mà mấy anh chị ở nhà hay nhắc đến.
“Tao tên Quốc Hùng.” Bạn nam “công tử” hỏi. “Mày tên gì?”
Anh đáp. “Mình tên Duy Thanh.”
Trước đó vài phút, lúc này Quốc Hùng được bác tài xế chở tới trường, mặc dù khoảng cách từ nhà anh đến trường không xa lắm. Bước ra khỏi xe, biết bao nhiêu ánh mắt nhìn về phía mình, Quốc Hùng thở dài rồi đút hai tay vào túi quần bước tới. Trên đường đi lên lớp, Quốc Hùng thấy một thằng da ngăm đen, hơi cao, đầu đinh, mang chiếc áo trắng mà không ra áo trắng, quần thì xanh đó nhưng lại xăn lên mấy bậc. Vai mang chiếc cặp cũ, trên tay cầm tờ giấy gì đó, vừa đi, vừa đảo mắt nhìn xung quanh. Quốc Hùng nghĩ thằng này chắc là học sinh lưu bang đang đi tìm lớp.
Anh ngạc nhiên lần thứ hai, khi thấy thằng da đen đó đi lên trên tầng và càng ngạc nhiên hơn nữa khi nó bước vào lớp anh. Đoán chắc thằng này học lớp mình, Quốc Hùng lẳng lặng bước theo sau. Thấy nó đi về cuối lớp và ngồi vào chiếc bàn của mình, anh sực nghĩ đến đứa bạn cùng bàn không mấy thân thiện trong tương lai.
Trở lại với thực tại, Quốc Hùng bỏ cặp xuống bàn. “Tao tên Quốc Hùng.” Anh nhìn thằng da đen hỏi. “Mày tên gì?”
Duy Thanh đáp. “Mình tên Duy Thanh.”
“Mày mới nhập học à?” Quốc Hùng ngồi xuống.
Duy Thanh gật đầu. “Hôm nay là ngày đầu tiên mình đi học.” Anh ngập ngừng. “Mình ngồi đây được không?”
“Được.” Quốc Hùng đáp ngắn gọn. Hóa ra thằng này là học sinh mới.
“Sao bữa nay mày lại ngẫu hứng muốn ngồi chung vậy?” Bạn nam bàn trên lại quay xuống. Mọi năm anh chàng thấy Quốc Hùng chỉ muốn ngồi một mình.
Quốc Hùng tát nhẹ vào đầu Hoàng Sơn. “Im mày.”
Duy Thanh nghĩ hai người này chắc là bạn học cũ. Chỉ có quen nhau mới có cách cư xử như vậy thôi.
Quốc Hùng quay qua Duy Thanh. “Nhà mày ở đâu?”
“Chào mấy bạn hiền thân thương.” Anh Đức lúc này đi tới. Anh chàng ngồi chung bàn với Hoàng Sơn. Thấy có người lạ nên Anh Đức tò mò. “Bạn hiền nào đây?”
Hoàng Sơn nói khía. “Bồ mới của thằng Hùng.”
“Bồ cái đầu mày á.” Quốc Hùng lại đánh nhẹ vào đầu Hoàng Sơn.
“Chào bạn hiền.” Anh Đức vừa bước vào chỗ, vừa đưa tay ra. “Anh Đức đây rất vui khi được gặp bạn.”
Duy Thanh thấy vậy nên cũng miễn cưỡng bắt tay với Anh Đức. “Mình tên là Duy Thanh.” Anh thấy bạn Anh Đức ngồi trên mình.
Quốc Hùng hỏi lại. “Nhà mày ở đâu?”
Duy Thanh đáp. “Nhà mình ở gần cái hồ á.”
Tiếng trống vào lớp vang lên và mọi người có mười lăm phút trong khung giờ “truy bài”.
“Nhà tao cũng ở gần đó này.” Quốc Hùng hớn hở. “Cách cái hồ khoảng mấy trăm mét.” Anh khẽ cười. “Vậy cấp một mày học ở đâu?” Quốc Hùng đoán Duy Thanh học chung trường với mình, nhưng anh muốn hỏi cho chắc.
Duy Thanh đáp. “Mình học ở trường P. Còn bạn?”
Quốc Hùng nghĩ mình đã đoán đúng. “Tao cũng học trường P này. Sao tao không thấy mày nhỉ. Mày học lớp mấy?”
Duy Thanh nghĩ anh ngồi trong lớp hoài thì làm sao Quốc Hùng thấy mặt được. “Mình học lớp 1/3 đến lớp 5/3. Còn bạn?”
Sau này Quốc Hùng nói với anh, chính vì việc anh rúc mãi ở trong lớp, nên cả cấp một, Quốc Hùng chưa bao giờ thấy cái bản mặt anh ở sân trường cả.
“Mày thay đổi cách nói chuyện được không? Mình với bạn trông như mấy đứa con gái ấy.” Quốc Hùng nhăn nhó.
Duy Thanh nghĩ ngợi giây lát rồi nói. “Thế mi học lớp mấy?” Anh bắt chước theo “ngôn ngữ” của các anh chị ở nhà.
“Được này.” Quốc Hùng vỗ vai Duy Thanh. “Ra dáng con trai rồi đấy.”
“Tụi tao học lớp 1/1 cho đến lớp 5/1.” Hoàng Sơn quay xuống chem lời vào.
Anh Đức cũng quay xuống mỉm cười. “Ê, Đức nhận ra mấy bạn hiền không những học chung trường, mà còn ở chung xóm luôn đó.”
Quốc Hùng nói. “Có tao với thằng Thanh ở chung xóm thôi. Còn hai đứa mày thì ở chung làng.”
“Nhà tụi tao cũng gần nhà tụi mày mà.” Hoàng Sơn nhíu mày.
“Nhưng khác xóm.” Quốc Hùng bặm môi lại.
Anh Đức thắc mắc. “Thế xóm với làng thì có gì khác nhau?”
Quốc Hùng khẽ cười. “Một làng có thể có nhiều xóm. Và xóm tao thì không có hai tụi mày.”
“Ta với mi cũng không cùng xóm.” Duy Thanh bất ngờ nói.
“Ai nói?” Quốc Hùng bỗng bị chặn họng nên thấy “dị” với hai đứa bàn trên.
Duy Thanh khẽ cười. “Mi mới nói nhà mi cách nhà ta mấy trăm mét. Mà xóm ta có chút à, không thể nào lớn như mi nói được.”
“Thì tao nói nhầm, chắc tầm mấy chục mét thôi.” Quốc Hùng đỏ mặt.
Rồi giờ học cũng bắt đầu, Quốc Hùng bắt đầu lấy sách vở Toán ra. Duy Thanh sau một hồi cặm cụi ghi chép thì anh mới nhận ra một điều. Làm thế nào mà dấu nhân “x” lại chuyển thành dấu “.”. Rồi anh bắt đầu tiếp cận với các phương trình, các môn học mới như vật lý, công nghệ hay tiếng anh. Ở thời của Duy Thanh lúc này, lên lớp sáu thì trường mới dạy tiếng anh.
Sau nhiều ngày thì Duy Thanh lại tiếp cận với môn sinh học. Anh cũng chả hiểu vì sao Tiếng Việt lại chuyển thành Ngữ Văn và Đạo Đức lại chuyển thành Giáo Dục Công Dân. Ở môi trường cấp hai này có rất nhiều điều mới lạ với Duy Thanh và anh thì vẫn mơ hồ với cảm nhận nó từng chút một. Không như anh, Quốc Hùng lại tỏ ra bình thường chả có gì. Duy Thanh nhiều lúc thấy thằng bạn mình tỏ ra một cái khí chất hơn người và nhiều khi cái khí chất của nó khiến anh nhớ đến những lời của mấy anh chị, “già trước tuổi”.
Lên lớp sáu, Duy Thanh ngoài tiếp xúc với những môn học mới, thì anh cũng biết thêm được nhiều thứ và làm được nhiều thứ. Giả dụ như anh được viết bút bi, được nghiễm nhiên mang khăn quàng đỏ. Lúc học cấp một, không như Mỹ Hạnh được vào đội từ năm cấp ba, thì đến cuối lớp năm, trước khi ra trường, Duy Thanh mới được vào đội. Nếu không phải vì tốt nghiệp ra trường thì chắc anh cũng sẽ chẳng bao giờ lên được “đội viên”.
Nhắc đến Mỹ Hạnh thì Duy Thanh mới nhớ, kể từ khi vào lớp sáu tới giờ, anh vẫn chưa gặp lại được cô nàng. Anh đã từng tranh thủ giờ ra chơi và chạy qua những lớp bên cạnh dò hỏi nhưng chả có lớp nào có tên cô cả. Sợ mấy bạn mới nhập học nên chưa biết hết tên, nên anh nghĩ nên đợi thêm một thời gian nữa.
Thế rồi tuần này qua tuần nọ, anh vẫn lang thang qua các lớp để tìm Sún của mình, nhưng Sún thì chẳng thấy, mà anh lại tìm thấy Khánh Long. Đến khi hỏi Khánh Long thì anh mới biết Mỹ Hạnh đã chuyển nhà.
“Thôi con đừng buồn nữa.” Má Ba sau khi nghe Duy Thanh tâm sự lại mọi chuyện xong thì liền an ủi. “Mọi chuyện trên đời này đều có duyên số cả. Má nghĩ nếu hai đứa có duyên thì sau này chắc chắn sẽ được gặp lại.”
Duy Thanh mừng rỡ. “Thật hả má?”
Má Ba gật đầu. “Ời.” Bà xoa đầu cu cậu. “Ngốc này.”
Nhưng có lẽ điều quan trọng ở cấp hai này, không phải là việc Duy Thanh xa Mỹ Hạnh, mà đó chính là việc Duy Thanh bắt đầu bước vào quá trính “mất căn bản” của mình.
Trong cái xui thì lại có cái hên, ông trời cho Duy Thanh ngu không ai bằng, thì lại cho anh một Quốc Hùng bên cạnh thiên tài hơn người. Những bài toán, lý và cả tập làm văn, không có gì có thể làm khó được Quốc Hùng. Hơn nữa, vở Quốc Hùng luôn sạch sẽ và chữ nhìn rất đẹp hơn ai kia ở bên cạnh.
“Mi học giỏi ghê.” Duy Thanh nhìn bài kiểm tra của toán của mình và Quốc Hùng. Số “bốn phẩy năm” của anh và số mười tròn trĩnh của người bên cạnh.
Hoàng Sơn quay xuống. “Nghĩ sao vậy mày. Người ta học sinh xuất sắc năm năm liền. Đại diện cho lớp đi thi học sinh giỏi thành phố mà lại.”
Duy Thanh gãi mặt. “Thế sao khí lại không học lớp 6/1?” Ý Duy Thanh bảo vì sao Quốc Hùng lại không học lớp “chuyên”.
Anh Đức khẽ cười. “Vì bạn hiền thân thương đó muốn học chung với hai bạn này.”
Sau này Duy Thanh mới biết Quốc Hùng bảo mẹ xin ban giám hiệu cho học chung với Đức và Sơn. Anh nhìn sang Quốc Hùng thì thấy anh chàng ghi gì đó vào một mảnh giấy nhỏ. “Mi viết gì vậy?”
Quốc Hùng nghiêm nghị viết từng chữ. “Bảo đứa nào ngồi bàn này đừng có bỏ rác trong hộc bàn nữa.”
Duy Thanh gật đầu như hiểu ra. Trước giờ anh nghe Hoàng Sơn bảo Quốc Hùng thích sạch sẽ, ngăn nắp, thơm tho, giờ thì anh đã hiểu. Giơ cánh tay mình lên ngửi, Duy Thanh nghĩ mình chắc không hôi lắm. Anh sợ mình gây phiền hà cho bạn “công tử” bên cạnh. Mãi sau này Duy Thanh mới được Quốc Hùng kể lại lý do vì sao để anh ngồi cùng, đó chính là sự thương hại.
Và cũng là ấn tượng đầu tiên khi Quốc Hùng nhìn thấy anh.
Trống trường vang lên, cả lớp bắt đầu nhốn nháo ra về. Duy Thanh vẫn như hôm nào, anh nhanh chóng cùng Quốc Hùng đi xuống bãi giữ xe. Từ sau khi trở thành bạn bè với nhau, Duy Thanh đã sang chở Quốc Hùng đi học theo lời đề nghị của cu cậu.
Vì đoạn đường tới trường của Duy Thanh phải đi ngang qua nhà Quốc Hùng, cộng với việc ngán ngẫm mọi người nhìn mình bước ra từ xe hơi, Quốc Hùng cảm thấy thoải mái hơn khi đi xe đạp. Ngoài ra, việc đi học với nhau khiến tình bạn giữa anh và Duy Thanh thân thiết hơn.
Duy Thanh xách chiếc xe đạp ngang ra, vì không có yên sau, chỉ có hai cái để chân, nên Quốc Hùng có hai lựa chọn. Một là anh chàng đứng lên hai cái để chân của bánh sau và vịn lên vai Duy Thanh để đứng vững khi qua những đoạn đường gập ghềnh. Hai là Quốc Hùng chọn thanh ngang của sườn xe, nơi anh phải ngồi một bên, vịn vào tay lái và tựa như Duy Thanh bọc trọn lấy người anh. Tất nhiên, mặc dù Duy Thanh da đen, quần áo ngã màu nhưng không có hôi nách như Anh Đức.
Vì phải ngồi học cả buổi nên nhiều lúc đi về, Quốc Hùng hay chọn cách thứ nhất là đứng sau xe. Nếu chọn cách thứ hai thì mông anh xem như ê ẩm đến cả ngày. Những lúc xe chạy qua đoạn đường đất trước khi rẽ vào xóm, là mỗi lần chiếc xe xốc lên làm anh thốn đến cả mông.
Quốc Hùng đứng lên xe rồi, Duy Thanh bắt đầu đạp đi. Vừa đi được một đoạn thì Duy Thanh gặp chị mình. “Chị Hồng.”
Thúy Hồng quay qua. “Á Thanh.”
“Em chào chị.” Quốc Hùng đứng phía sau khẽ cười.
Thúy Hồng cũng đáp lại. “Chào Hùng.”
“Thôi em về trước nha.” Duy Thanh vẫy vẫy tay.
Thúy Hồng ừm một tiếng. “Em với Hùng về trước đi.”
Duy Thanh khẽ cười đạp nhanh hơn. Chị Thúy Hồng lớn hơn anh một tuổi, chị năm nay học lớp bảy. Cũng như anh, chị Hồng cũng chạy qua chở bạn đi học. Mặc dù học chung trường, chung buổi nhưng từ khi đi học đến giờ, Duy Thanh chỉ gặp chị vào những lúc đi về.
Thời gian như vậy cứ tiếp tục trôi, Duy Thanh một buổi đi học, buổi còn lại phụ giúp các anh chị làm việc gì đó. Có khi anh còn giúp má ru “nôi” cho Minh Dũng ngủ nữa. Anh và Quốc Hùng ngày càng thân thiết hơn. Cũng chính vì sự thân thiết đó và sự tốt bụng của Quốc Hùng, nên chả mấy chốc nỗi buồn về Mỹ Hạnh trong người Duy Thanh đã vơi đi.
Quốc Hùng vẫn là tâm điểm của mọi người và nhất là việc Duy Thanh biết anh thư từ với một bạn nữ học buổi sáng. Bạn nữ đó là người ngồi một chỗ với Quốc Hùng và cũng là người hay bỏ các vỏ bánh kẹo trong hộc bàn. Lúc đầu Quốc Hùng viết giấy bảo bạn nữ đừng bỏ rác, dần dần đến chuyện hỏi thăm nhau, lâu ngày những mẫu giấy ấy lại trở thành những lời tán tỉnh.
Việc đầu tiên Quốc Hùng làm khi vào lớp là nhanh chóng lấy thư ra đọc. Trước khi về thì anh chàng lại viết thư bỏ vào hộc bàn. Chuyện này chỉ có Duy Thanh và Quốc Hùng biết, hai bạn bàn trên không được thông báo chuyện này. Đơn giản là vì Quốc Hùng sợ bị chọc quê, nhất là với cái miệng của Hoàng Sơn.
Mọi chuyện sẽ vẫn bình thường như vậy, cho đến ngày một chuyện xảy ra, cái chuyện khiến Duy Thanh và mọi thứ đồng loạt thay đổi. Hôm đó vào giờ ra chơi, Duy Thanh vẫn hay chạy qua trò chuyện với Khánh Long và Văn Vũ. Lúc về lớp thì anh thấy ba người bạn của mình và ngạc nhiên hơn khi Duy Thanh thấy ba bộ mặt của bạn mình.
Quốc Hùng, lần đầu tiên Duy Thanh thấy Quốc Hùng mặt mày bí xị và tức giận như vậy. Hoàng Sơn thì vừa xoa xoa mặt, vừa thì thầm văng tục không ngừng trong miệng. Anh Đức thì quần áo xộc xệch, mếu máo than oán. Biết chắc có chuyện không hay xảy ra nên Duy Thanh liền hỏi. Cuối cùng anh biết ba người này vừa đánh nhau với mấy đứa cùng khối ở căn tin.
Tới giờ ra về, Duy Thanh đang đạp xe chở Quốc Hùng như hôm nào, khi đi tới đoạn đường vắng, anh bất ngờ bị mấy tên nào đó đi theo và đạp ngã xe. Vì đang đi chậm, cộng với bên cạnh là một bãi cỏ nên khi ngã xuống, Duy Thanh chỉ bị trầy tay nhẹ và áo quần chỉ bị lấm lem. Quốc Hùng vì đứng ở sau nên chủ động hơn, anh chàng cũng chỉ bị bẩn áo quần.
“Chạy đi.” Quốc Hùng vừa đứng dậy và nhận ra bốn tên này là những thằng vừa bị anh đánh ở căn tin.
Duy Thanh không hiểu chuyện gì. “Sao lại chạy?”
“Nghe lời tao.” Quốc Hùng không muốn Duy Thanh dính vào chuyện này. “Chạy nhanh đi.”
Duy Thanh không hiểu những cũng làm theo. Anh vứt xe đạp ở đó và chạy đi một mạch. Vừa được vài bước thì anh nhận ra Quốc Hùng không chạy cùng mình. Quay lại, anh thấy Quốc Hùng đang bị bốn tên lao vào đấm đá. Anh tưởng Quốc Hùng bảo hai đứa cùng chạy, nhưng khi biết chỉ có mình và thấy Quốc Hùng bạn thân bị đánh. Duy Thanh liền chạy tới ứng cứu.
Với những thế võ đã học và sự chăm chỉ tập luyện hằng ngày, khiến Duy Thanh có một căn bản vững chắc. Sẵn đà, Duy Thanh đạp chân xuống đất lấy lực, sau đó bay lên đạp vào lưng hai tên mất dạy cùng một lúc. Nhanh chóng bật dậy, Duy Thanh đạp một cước nữa vào ngay người tên thứ ba. Quốc Hùng đấm mấy cái vào tên thứ tư và thế là hai người chọi bốn. Quay lưng vào nhau thủ thế như trong các bộ phim chiếu trên truyền hình, hai người như thể hai nhân vật chính chống lại cái ác.
Bị Duy Thanh đạp đau điếng nên một tên liền liều mình xông thẳng tới vung đấm. Điều cơ bản trong giao chiến là sự bản lĩnh, bình tĩnh và phải khôn ngoan. Duy Thanh thấy bốn tên này ra quyền một cách lung tung và chứng tỏ cả bốn tên đều chưa có học võ. Do vậy, cũng như bao trường hợp khác, Duy Thanh nhanh chóng nâng chân phải lên, cùng với tay phải, anh tung cùng lúc tới đối phương. Cùi chỏ tay táng vào ngực, đầu gối chân thúc vào bụng, tên lao tới dính chiêu và gục xuống nhanh chóng.
Thấy tên thứ hai lao tới từ bên phải, Duy Thanh liền nhích tới một bước, lấy chân trái làm trụ và đạp chân phải lên ngực hắn. Thật ra với chiêu võ này thì Duy Thanh phải đạp thẳng lên mặt nhưng vì sợ bị nguy hiểm cho cái mặt xinh đẹp của đằng ấy, do vậy anh đành hạ chân xuống.
Quốc Hùng phía bên kia, hai tay đấm lia lịa vào một tên, thấy tên còn lại đang lao tới mình, anh liền tung một cước ra phía sau. Tên bị anh đấm thấy vậy nên liền tung chân đạp anh. Ngã rầm xuống đất, chưa kịp đứng dậy thì anh đã bị hắn ta leo lên người đấm túi bụi.
Duy Thanh lúc này đã hạ gục được hai tên, thấy Quốc Hùng bị một tên trèo lên người, thiết nghĩ cách nhanh chóng nhất là anh lao tới phi thẳng chân vào người hắn ta. Nghĩ ra chiêu như vậy hơi bị “ác”, thế là Duy Thanh đành lao ra phía sau, lấy khuỷa tay kẹp cổ và kéo ngã hắn ra sau. Thế là hắn dùng tay vùng vẫy, Duy Thanh bị đánh mấy cái nên liền dùng hai chân kẹp người hắn lại.
Quốc Hùng được Duy Thanh kéo tên đó ra ngoài, anh chàng liền đứng dậy và lao tới đánh trả. Duy Thanh nằm dưới bãi cỏ, kẹp tên đó trên mình, còn Quốc Hùng thì đè lên hắn đánh dữ dội.
Sợ Quốc Hùng đánh mạnh tay quá, Duy Thanh vội thả hắn ra và nói. “Thôi được rồi mi.” Anh ôm Quốc Hùng để cản lại. “Thôi, thôi.”
“Mày để tao đấm nó.” Quốc Hùng muốn tấn thêm một vài cái nữa.
“Thôi về đi.” Duy Thanh ôm bụng Quốc Hùng kéo đi. “Được rồi, được rồi.”
Thế là hai người lấy cặp, dựng xe lên và đạp đi.
Được một đoạn thì Quốc Hùng mở lời. “Mày biết võ sao?”
Duy Thanh gật đầu. “Mi cũng học võ à?”
“Karate.” Quốc Hùng đáp rồi thắc mắc nên hỏi. “Sao lúc nãy mày không chạy?”
Duy Thanh khẽ cười. “Mi bị họ đánh. Nghĩ sao bảo ta chạy.”
Quốc Hùng cảm kích nên mỉm cười. “Thì…”
“Mà sao bọn hắn lại chặn đường đánh mi?” Duy Thanh tò mò.
“Lúc chiều ở căn tin, tao với thằng Đức, thằng Sơn đánh bọn nó.” Quốc Hùng đáp.
Duy Thanh nói. “Cái đó ta biết rồi. Ý ta là vì sao á?”
Quốc Hùng nhếch môi. “Bọn nó chọc gái ở căn tin. Tao thấy tức quá nên nói. Rồi thế là lao vào đánh nhau. Bị tụi tao đánh một trận nên giờ tụi nó trả thù.”
Thế là lúc về nhà, Quốc Hùng đem chuyện này kể lại với mẹ mình. Còn Duy Thanh thì giả vờ nói láo bị ngã xe nên quần áo mới như vậy. Thay đồ xong, anh lại chạy ra bãi cỏ để học võ.
Chuyện chẳng mấy chốc rồi cũng phai đi và thời gian cứ tiếp tục trôi, Duy Thanh cũng không nhớ đến Mỹ Hạnh nhiều nữa. Giờ anh đã có ba người bạn mới, những người khiến anh vui, kể chuyện và chọc anh cười. Nhất là Quốc Hùng, người nhanh chóng thay thế Mỹ Hạnh và rất đối xử rất tốt với anh.
Lại nói về Mỹ Hạnh, ngày đầu tiên nhập học, cô nhanh chóng đến bảng thông báo nhìn danh sách sắp lớp của trường và tìm tên Duy Thanh. Không may thay, tứ lớp 6/1 đến lớp 6/8, không có một cái tên Duy Thanh nào cả. Cô buồn bã bước đi, vậy là cô và Lu không được học với nhau.
Mặc dù biết Duy Thanh không học chung trường nhưng Mỹ Hạnh vẫn theo quán tính mà đi tìm. Những lúc tới trường, giờ ra chơi hay lúc đi về, cô luôn đảo mắt nhìn quanh xem thử có Duy Thanh hay không. Rất nhiều lần cô thấy nhầm và tưởng ai cắt đầu đinh cũng là Lu của mình. Nhiều khi cô còn chạy theo hoặc kéo người ta lại, đến khi nhìn rõ thì mới thấy không phải là anh.
Lu tự nhiên đến và Lu cũng bất ngờ đi. Giống như cầu vồng vậy, bất ngờ hiện rồi cũng bất ngờ vụt mất. Nếu cô là nắng, lúc khóc là mưa, thì Lu chính là cầu vồng. Lu bất ngờ xuất hiện khi cô bị Khánh Long bắt nạt. Do vậy, Mỹ Hạnh luôn thầm ước Lu là cầu vồng, để khi trời nắng gặp mưa thì cô có thể được gặp Lu.
Sau này khi lớn lên thì Mỹ Hạnh mới nhận ra một điều, cầu vồng chẳng bao giờ mất đi, chỉ là nó không hiện ra ở chỗ cô mà thôi. Khi nắng gặp mưa, cầu vồng sẽ xuất hiện và Lu vẫn hiện diện trên đời này, chỉ là anh không ở bên cạnh cô nữa.