Sau lời nói lấp lửng của Lâm Xuân Tư, không ai lên tiếng nữa.
Căn phòng tù đọng tiếng mưa tầm tã.
Đêm nay là lần làm tình yên tĩnh nhất của hai người.
Tắm xong đi ra, Lâm Xuân Tư thấy Phó Yến nằm đưa lưng về phía cửa.
Vầng sáng từ điện thoại hắt lên gò má anh.
Cậu ngồi xuống giường vuốt ve đường cong giao thoa giữa eo và hông anh, lắng nghe mưa dần dà vơi hạt, hỏi: "Tại sao anh ta chết?"
"Y tự sát." Phó Yến thấp giọng đáp.
Không rõ bằng cách nào mà Thời Thác có được một con dao rọc giấy.
Y cắt cổ tay trong phòng biệt giam, đến sáng người ta mới phát hiện thi thể.
Trên tay y có nhiều vết thương nông ngoài vết rạch chí mạng, sâu và chuẩn xác vào động mạch.
Lâm Xuân Tư không nhìn rõ nét mặt của anh, chỉ thấy lông mi cụp xuống, ngón tay gảy ngọn tóc bên trên vành tai anh, nhẹ nhàng hỏi tiếp, "Hậu sự sẽ giải quyết thế nào ạ?"
"Thời hạn thi hành án của mẹ y vẫn còn, ngoài ra thì y chẳng còn người thân nào khác.
Tôi sẽ làm một lễ tang đơn giản rồi chôn cất trong ngày, coi như là để an lòng người đàn bà bất hạnh."
Dù mẹ của Thời Thác đáng trách nhưng bà chưa từng làm gì để anh đáng hận.
Vả bà ấy cũng đã nhận quả báo suốt bao năm khốn khổ đến bước đường hai bàn tay trắng trong cảnh lao tù.
Nay người con là thân nhân duy nhất của bà đã chết, tim anh không phải đá, ít nhiều chẳng đành.
Họa chăng nếu anh không lừa mình dối người thì bà ấy có thể đã chẳng phải tự tay sát hại chồng.
Lâm Xuân Tư ừm một tiếng, không nói gì nữa.
Phó Yến rướn người ôm lấy cậu, ánh mắt tìm tòi: "Em ghen à?"
"Ghen gì cơ anh? Sao em phải ghen?"
Phó Yến mỉm cười hôn lên má cậu, rồi cầm điện thoại lên, nói cậu nghe sắp xếp của mình.
Sắc mặt Lâm Xuân Tư chậm rãi dịu xuống, vừa nghe vừa kéo chăn quấn lấy thân thể anh, nụ hôn sâu rơi trên hõm vai trần: "Em không có kinh nghiệm, anh tính thế nào thì làm vậy đi."
Trên mảng da trắng trẻo liền xuất hiện một vết máu ứ đọng.
Phó Yến tính đi tắm rửa thì chợt bị kéo lại.
Lâm Xuân Tư úp mặt vào vai anh, giọng điệu có chút uể oải: "Phó Yến, em không thích anh giày vò bản thân vì một người đàn ông khác ở trước mặt em."
Lời nói thẳng thắn mà thấm đẫm tình cảm, nghe đâu như hờn dỗi.
Người đàn ông khác cơ đấy.
"Tôi có biết người đàn ông nào khác ngoài em đâu." Anh bật cười.
Cậu làu bàu: "Từ nam đến nữ, anh biết nhiều lắm đấy."
Lúc Phó Yến tắm xong thì cậu chàng đã lăn tọt vào bên trong giường, chiếm gần hết phần chăn của anh.
Bình thường Lâm Xuân Tư ngủ phía ngoài vì cái chân của cậu không được ngoan, hay đá lung tung.
Anh có chút dở khóc dở cười, chống tay lên nệm mổ nhẹ bờ môi hơi bĩu của Lâm Tinh Tinh, mắng yêu: "Em còn dám nói là không ghen."
Hai ngày liên tiếp, bầu trời hòa trộn giữa cặp màu xám trắng.
Những đám mây lơ lửng như chực trút nước.
Một tang lễ đơn giản được cử hành.
Lâm Xuân Tư mặc sơ mi đen và quần tây xám đậm, lặng thinh nhìn người đàn bà khắc khổ đi theo linh cữu.
Bà ta bật khóc đến ngã khuỵu khi thấy người ta đem áo quan của con mình vào lò thiêu.
Tiếng khóc rưng rức kìm nén dần dần xé ra như đứt từng khúc ruột, khiến người ta chạnh lòng.
Nhưng cũng có tiếng xì xầm: nếu biết thương con thì sao lúc sinh ra, bà ta không chăm sóc gã đấy?
Cuộc đời của Lâm Xuân Tư tính tới nay từng dự qua hai tang lễ.
Một là bà ngoại, hai là bố mẹ.
Thời Thác là tang lễ thứ ba.
Trong mỗi một tang lễ, cậu không quá buồn phiền, chỉ đứng nhìn màu sắc của cái chết.
Nghe nói máu của Thời Thác chảy rất nhiều, thành một vũng lớn khô cong trên mặt đất.
Cảnh sát nói có thể anh ta đã cố ý di chuyển xung quanh phòng trong khi cắt cổ tay.
Hành vi lang thang đó làm Lâm Xuân Tư liên tưởng đến một sự lần lữa, lạc lối.
Một người đàn ông mặc áo tù, trong đêm tối im ắng chỉ có y và vài vệt sáng mờ mờ như quá khứ lẫn tương lai trước mắt y.
Y đặt dao rọc giấy trên cổ tay, cắt từng vết, từng vết đều đặn trong khi chậm rãi rảo quanh căn phòng nhỏ hẹp từng vòng, từng vòng.
Vùng vẫy trong chần chờ và mờ mịt.
Cuối cùng, y kết liễu đời mình.
Lâm Xuân Tư cụp mắt nhìn người ta đặt hộp tro cốt vào ngôi mộ mới, chạnh nghĩ: năm tháng thăng trầm, yêu hận trần ai...!tất cả đều là một nắm bụi tro.
Cậu không hiểu được các triết lý nhân sinh hay biết về những đạo lý đối nhân xử thế.
Cuộc sống như mặt trăng lúc khuyết lúc tròn, khi mờ khi tỏ.
Đến cả sự vật khổng lồ như Mặt Trời cũng phụ thuộc vào phản ứng của những hạt vi phân tử thì huống là cuộc đời bất định càng không phải luôn phụ thuộc vào con người.
Vì thế, cậu chỉ còn cách thông hiểu bản thân, biết rõ điều mình thích, điều mình ghét, cái mình muốn.
Triết lý trên đời nhiều như cá biển, sâu rộng như khoảng cách năm ánh sáng.
Trong khi các nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu nguồn gốc của Trái Đất và điểm tận cùng vũ trụ thì Lâm Xuân Tư tìm kiếm điều mình muốn.
Con người đặc biệt hơn muôn loài ở chỗ có ý thức tự giác về chính mình chứ không chỉ mê man sinh ra, xong há miệng ăn chờ chết.
Tất cả chúng ta đều đi tìm ý nghĩa của cuộc đời.
Lúc ra về, cậu bỗng thấy người quen đứng hút thuốc tại một góc, chuyển bước chân về phía đó.
Tề Thời Chiêu nâng mắt nhìn chàng thanh niên ngày càng lại gần, dụi tắt thuốc.
Lâm Xuân Tư lễ phép chào hắn, hỏi: "Hình như trước đây tôi từng gặp anh rồi phải không? Lâu về trước nữa.
Ở trong tang lễ của bố mẹ, tôi đã thấy anh."
Tề Thời Chiêu không đáp, lơ là chơi đùa với bật lửa.
Lâm Xuân Tư không truy hỏi.
Hôm nay cậu nhìn thấy hắn mặc đồ đen thì sực nhớ ra ấn tượng cũ.
"Anh đi thăm mộ sao?" Cậu lại hỏi.
"Ừ.
Cậu cũng vậy?"
"Vâng, một người quen."
Hắn bật cười: "Không cần phải câu nệ như vậy."
Thấy chàng trai trẻ trước mặt vẫn đưa đôi mắt sáng ngời nhìn mình, Tề Thời Chiêu chợt hỏi: "Cậu có sợ không?"
"Sợ điều gì?"
"Tương lai."
Lâm Xuân Tư lắc đầu: "Tôi không sợ một tương lai tăm tối, tôi chỉ sợ bản thân lạc lối."
"Cậu rất tỉnh táo.
Tôi tin cậu là người tự do nhất trên thế gian này." Ánh mắt lơ đãng hướng về đằng xa, Tề Thời Chiêu xem đồng hồ: "Tôi có việc phải đi trước.
Tạm biệt."
Vài con chuồn chuồn nặng cánh bay thấp, giọt mưa thưa thớt lay động cành cây, chim sẻ giật mình bay đi.
Bóng lá đan xen rủ trên trần xe, Lâm Xuân Tư ngồi vào, khép cửa dập tắt mùi đất ẩm xộc lên.
Điều hòa trong xe man mát, đẫm hương tinh dầu xô thơm.
Cậu còn nhớ lọ tinh dầu đó là của người cũ tặng cho anh.
Đột nhiên vô cớ khó chịu.
Cảm xúc cứ bứt rứt mãi, Lâm Xuân Tư phải đánh lạc hướng suy nghĩ để dần quên nó đi.
Nhưng cái nhíu mày của cậu không thoát khỏi mắt Phó Yến.
Vài ngày sau, anh tặng cho cậu một chai nước hoa hương táo xanh.
Tinh dầu xô thơm cũng thay bằng tinh dầu táo bạc hà.
Lâm Xuân Tư thích mùi này lắm, nó làm cậu nghĩ tới một cụm thành ngữ của nước Anh: You are the apple of my eye.
Nghe rất lãng mạn.
Cậu nghĩ là anh cố tình.
Phó Yến cười khẽ thừa nhận: "Em ơi, tôi sợ em ghen lắm.
Em ghen lên là muốn đuổi tôi khỏi giường còn gì?"
Lâm Xuân Tư đang lau tóc cho anh, đỏ ửng mặt: "Em đâu có! Em vẫn chừa chỗ cho anh nằm mà!"
"Nằm lên người em ấy à?"
"..."
Cậu chẳng nói lại anh, chỉ có thể giơ răng nanh ra cắn cho bõ ghét.
Cuối tuần, Lâm Xuân Tư đưa anh đến lớp học làm gốm rồi lái xe tới nhà hát.
Cậu chỉnh sửa đầu tóc, bước ra chỗ ghế lô đặt trước, cúi đầu chào: "Ông đến lâu chưa ạ?"
Phùng Mậu vỗ ghế bên cạnh: "Vừa đến, vừa đến."
Ông cụ nghe thấy mùi nước hoa từ cậu, hơi nhướn mày: "Thì ra Gia Yến đặt cái này cho cháu à?"
"Vâng ạ."
"Nịnh mũi lắm.
Khi nào hết cứ bảo ta đặt thêm cho."
Lâm Xuân Tư cuống quýt đáp không dám, chọc ông cụ cười sang sảng.
Màn sân khấu chậm rãi được kéo lên, hòa nhạc bắt đầu.
Một buổi concerto cello*.
* Concerto là hình thức hòa nhạc dành cho một loại nhạc cụ.
Có thể gồm một nhạc cụ solo (ở đây là cello), hoặc dàn một nhạc cụ, được đệm bè bởi dàn nhạc giao hưởng.
Cái đẹp của âm nhạc là vô hình vô dạng, bung ra trong ngàn vạn từ ngữ gợi tả, chỉ được cảm nhận như mưa dầm thấm đất, lặng lẽ ấp iu vạn vật sinh sôi.
Dư âm khó dứt.
Phùng Mậu đăm đăm nhìn đàn cello trên sân khấu.
"Ta nhớ lúc Gia Yến ở đỉnh cao, có vài nhà phê bình đánh giá nó thể hiện tốt nhất ở những concerto có nội dung bi kịch.
Bi kịch chứ không phải buồn bã.
Gia Yến luôn thể hiện rất tốt ở những nỗi