Nhiều người bảo thịt chó rất ngon. Thậm chí có người bảo bên Hàn Quốc, có cả
một ngành công nghệ chế biến thịt chó. Vì thịt chó là món ăn khoái khẩu
của người Hàn.
Người phương Tây ghê sợ điều đó. Người phương Tây rất yêu quý
vật nuôi, đến mức có người bảo rằng ở phương Tây cá đối tượng mà xã hội
quan tâm được xếp theo thứ tự: trẻ em, phụ nữ, chó mèo, cuối cùng mới
đến đàn ông. Đó là lý do vì sao rất nhiều nhân vật nổi tiếng ở phương
Tây kịch liệt phản đối khi Hàn Quốc được Liên đoàn bóng đá thế giới chọn
là một trong hai quốc gia tổ chức World Cup 2002.
Lúc tôi đang ngồi viết lại câu chuyện này, trong vòng bán kính
một cây số tính từ chỗ tôi ngồi có ít nhất năm nhà hàng đặc sản, ở đó
người ta quảng cáo và bày bán không thiếu một món ăn lạ lẫm nào: nai,
chồn, rắn, tê tê, nhím, thằn lằn núi, đà điểu…
Tôi đã thử ăn một vài món trong số đó và thú thật là chẳng thấy
ngon lành gì, hoặc nếu cảm thấy ngon vì lạ miệng thì cũng không ngon đến
mức muốn ăn lại lần thứ hai.
Thực ra, các món ăn ngon nhất luôn luôn vẫn là các thức ăn quen
thuộc: các loại thịt heo, bò,gà…Trước khi heo, bò, gà trở thành gia súc,
chắc chắn loài người đã có hàng ngàn năm dùng răng và lưỡi sang lọc các
loại thịt trên trái đất . Tổ tiên chúng ta dĩ nhiên đã thử nếm qua các
thứ thịt nai, chồn , rắn, tê tê, nhím, thằn lằn núi, đà điểu và vô số
các động vật khác( bây giờ gọi là đặc sản) lẫn chó, ngựa, mèo, heo, bò,
gà ( lúc đó còn gọi là chó rừng, ngựa rừng, mèo rừng, heo rừng, bò rừng,
gà rừng) và cuối cùng đã đi đến kết luận: các loại thịt heo, bò, gà là
tuyệt nhất. Từ phán quyết đó, heo rừng, bò rừng, gà rừng đã được nuôi
dưỡng và thuần hóa để trở thành nguồn cung cấp thực phẩm vĩnh viễn cho
con người. Đó là một lựa chọn vô cùng sáng suốt và có giá trị ở mọi
không gian và thời gian: cho đến nay ba loại thịt trên nghiễm nhiên
chiếm một vị trí không thể thay thế trên bàn ăn của mọi gia đình từ Đông
sang Tây.
Chó đã không được chọn lựa làm thực phẩm, hiển nhiên là có lý do
của nó, không chỉ vì nó có khoái khẩu và bổ dưỡng hay không. Loài người
thuần hóa ngựa để cưỡi, trâu để kéo cày, mèo để bắt chuột và chó để
trông nhà, và quan trọng hơn là để làm bạn với con người, đặc biệt làm
bạn với trẻ con.
Tôi, thằng Hải cò và con Tí sún không thể nói với Hoàng tử
bé”Thịt của bạn ngon lắm”. Mọi đứa trẻ khác cũng không thể nói với mọi
con chó khác những lời như thế. Đơn giản, trẻ con không bao giờ nhìn chó
như nhìn một món ăn, dù gươm kề cổ.
Còn tại sao chó trở thành bạn của con người thì có lẽ tôi không
cần phải giải thích. Tôi tin bất cứ ai đọc cuốn sách này cũng từng có
một con chó là bạn. Với một đứa trẻ, thèm ăn thịt một con chó cũng chẳng
khác nào thèm ăn thịt một đứa bạn thân của mình. Điều đó đáng kinh sợ,
vì đứa trẻ khi đó sẽ giống như những con yêu tinh ăn thịt người trong
các câu chuyện cổ.
Đó là lý do tại sao bọn tôi quyết định
hoang trong đau đớn, mặc dù để làm được điều đó thật là vất vả.
Lũ chó không chịu ra khỏi nhà dù bọn tôi thi nhau hò hét, quát
tháo, mắng mỏ, dậm chân thình thịch và dứ dứ nắm đấm trước mặt chúng.
Cuối cùng, tôi, thằng Hải cò và con Tí sún mỗi đứa ẵm một con
trên tay, chạy rã cả chân để đến một nơi xa nhất có thể, thận trọng đặt
chúng xuống để rồi ngán ngẩm nhận ra khi tụi tôi quay về thì bọn chó vẫn
lẽo đẽo sau lưng.
Chẳng đặng đừng, con Tí sún quyết định đóng cổng rào nhốt lũ chó
bên ngoài và chúng tôi đã trải qua những ngày cắn rứt khi phải chứng
kiến lũ chó con nằm con ngồi chầu chực suốt ngày đêm bên ngoài cổng nhà
con Tí sún, thắc thỏm nhìn vào.
Ngày con chó cuối cùng thất thểu bỏ đi cũng là ngày bọn tôi chạm
đến đáy của sự chịu đựng. Ba đứa tôi đều kiệt sức và đồng loạt lăn ra
ốm một trận ra trò.